Trần Vinh Dự
Thứ Sáu, 22 tháng 4 2011
Từ trước tới giờ tôi vẫn luôn là người đề xuất câu chuyện phá giá VNĐ. Gần đây nhất, trong bài “Vẫn là chuyện phá giá tiền đồng” tôi cho rằng tỷ giá cuối năm cần phải được điều chỉnh tới mức 21,500 tới 22,000 đồng/1USD. Tuy nhiên lập luận trong bài này khá đơn giản, chủ yếu dựa trên việc so sánh lạm phát giữa đồng USD và đồng VND.
Gần đây tôi có cuộc trao đổi với Ts. Lê Hồng Giang trong khuôn khổ một cuộc hội thảo kinh tế tổ chức ở Sài Gòn xung quanh vấn đề tỷ giá. Thuyết trình của Ts. Giang về vấn đề này giúp phân tích sâu hơn lý do tại sao phải phá giá.
Theo ông, chính sách tỷ giá hối đoái của chính phủ cần quan tâm tới cả ba yếu tố:
1.Tỷ giá hối đoái danh nghĩa giữa đồng tiền VNĐ với các ngoại tệ (tỷ giá hối đoái danh nghĩa riêng lẻ). Đây là các số liệu mà Việt Nam từ trước tới nay vẫn quan tâm.
2. Tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền VNĐ với một rổ các ngoại tệ của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương (tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu lực, viết tắt là NEER). Tỷ giá NEER có thể hiểu đơn giản là nếu coi toàn bộ phần còn lại của thế giới là một nước có một đồng tiền duy nhất thì NEER là tỷ giá danh nghĩa giữa VNĐ và đồng tiền của nước đó.
3. Tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền VNĐ với một rổ các ngoại tệ của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương nhưng đã được hiệu chỉnh theo lạm phát của các nước (tỷ giá hối đoái thực tế hiệu lực, viết tắt là REER).
Trong 03 chỉ số này, REER là chỉ số quan trọng nhất vì nó trực tiếp phản ánh tác dụng của chính sách tỷ giá lên năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu tỷ giá REER của đồng VNĐ lên giá, thì năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ kém đi. Ngược lại, nếu tỷ giá REER của đồng VNĐ xuống giá, thì năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thực tế chỉ quan tâm đến tỷ giá hối đoái danh nghĩa riêng lẻ giữa đồng VNĐ và từng đồng tiền của mỗi nước và điều hành chính sách tỷ giá của VNĐ dựa trên con số này.
Ts. Giang đã tính toán các chỉ số này và thấy rằng từ 1995, đồng VNĐ đã được NHNN điều chỉnh xuống khoảng hơn 40% so với đồng USD. Trong giai đoạn 1995 tới 2004, tỷ giá REER cũng được điều chỉnh xuống khoảng 10%, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2004 tới nay, do lạm phát ở Việt Nam quá cao và việc phá giá chưa đủ, tỷ giá REER đã tăng lên, cao điểm tới 35% vào năm 2009 trước khi giảm bớt xuống. Tính chung cả giai đoạn 1995 tới nay, REER đã tăng khoảng 5%. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách tỷ giá chưa tạo được lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam.
Đương nhiên là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào vấn đề tỷ giá REER. Ngoài câu chuyện tỷ giá, còn có các yếu tố khác (về mặt chính sách) có tác dụng tích cực đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt ở nước ngoài như việc tham gia WTO kéo theo thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam giảm đi.
Thế nhưng, theo cách nói của kinh tế học, nếu các yếu tố khác không đổi thì chính sách tỷ giá của NHNN đã khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam ở nước ngoài kém đi. Và như thế, có lẽ NHNN nên xem lại chính sách này. Mà như vậy, có lẽ để duy trì năng lực như cạnh tranh như hồi năm 1995 thì Việt Nam cần phá giá thêm khoảng 5% nữa, và để duy trì năng lực như cạnh tranh như hồi năm 2004 thì Việt Nam cần phá giá thêm khoảng 10%. Điều đó cũng có nghĩa VND/USD có lẽ nên nằm mở mức 22,000 – 23,000 đồng ăn một USD.
-------------------------
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment