Ðỗ Dzũng/Người Việt
Friday, April 22, 2011 2:02:32 PM
LTS: Hôm 24 tháng 3, TNS Lou Correa đã vinh danh 81 phụ nữ của Ðịa Hạt 34 do ông đại diện, trong đó có 5 phụ nữ gốc Việt, được trao tặng giải 'Women Making A Difference Award' tại trường McFadden Intermediate, Santa Ana. Giải dành cho những phụ nữ đã đóng góp cho cộng đồng trong những lãnh vực xã hội, y tế, giáo dục, chính trị, hoặc có công giúp người thiếu may mắn. Năm người này là Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Nancy Lê Hoàn, Desiree Uyên Nguyễn, Trần Quỳnh và Hồ Trâm. Nhật báo Người Việt phỏng vấn và đăng bài, hôm nay tiếp tục, với Desiree Uyên Nguyễn.
------------------------
Khác với nhiều người Việt Nam khác, ngay sau khi ra trường, thay vì làm cho một công ty tư nhân hoặc cơ quan chính phủ, cô Uyên Nguyễn chọn làm việc với cộng đồng.
Chưa hết, cô lại làm một công việc ít ai làm, đó là giúp những đồng hương bị bệnh tâm thần.
“Tôi nghĩ mình may mắn biết về căn bệnh này và biết tiếng Việt,” cô Uyên Nguyễn nói. “Ðây là cơ hội để tôi giúp đồng hương không may mắn.”
Cô Desiree Uyên Nguyễn, một trong năm phụ nữ gốc Việt được TNS Lou Correa vinh danh nhân Tháng Phụ Nữ hồi tháng trước. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Cô Uyên Nguyễn, tên Mỹ là Desiree Uyên Nguyễn, hiện là cố vấn về tâm thần và làm việc cho Hội Cộng Ðồng Người Việt (VNCOC) có văn phòng chính tại Santa Ana và một số chi nhánh tại vùng Little Saigon.
Nhiệm vụ của cô là tiếp xúc với nhiều gia đình để cung cấp kiến thức về bệnh tâm thần và niềm hy vọng cho những người bệnh tâm thần, theo bản tóm tắt tiểu sử của văn phòng TNS Lou Correa, nơi vinh danh cô hồi tháng trước, vì thành tích giúp đỡ cộng đồng trong chương trình cố vấn tâm lý và sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên.
“Khi biết được TNS Lou Correa đề cử vinh danh, tôi rất mừng, vì nhận thấy công việc của mình được thừa nhận. Tôi đã gọi điện thoại báo cho mẹ biết ngay,” cô chia sẻ.
Dù được vinh danh, cô Uyên Nguyễn vẫn thấy rằng cần phải làm việc cật lực hơn để giúp đỡ cộng đồng vì vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
Cô kể: “Khó khăn của chúng tôi trong vấn đề tiếp cận người bệnh là sự mặc cảm của họ. Một số sợ bạn bè chọc ghẹo nếu biết mình bị tâm thần. Vì thế, làm thế nào để họ đến gặp chúng tôi để cố vấn và chẩn đoán là một thử thách lớn đối với tôi.”
“Một điều nữa là ngay cả khi phát hiện họ bị tâm thần, đưa họ đi chữa trị, lại gặp trường hợp rào cản ngôn ngữ. Ða số nhân viên làm dịch vụ chăm sóc người bệnh tâm thần không phải là người Việt. Vì thế, họ không thể nói chuyện với bệnh nhân, để cảnh giác người bệnh,” cô Uyên Nguyễn nói tiếp.
Ngoài việc cố vấn cho người bị bệnh tâm thần, cô Uyên còn giúp họ tìm việc làm, xin trợ cấp tiền nhà, tiền ăn và những dịch vụ xã hội khác, cô cho biết.
Bệnh nhân của cô là những người từ sơ sinh tới 25 tuổi, bị rối loạn tâm lý, tâm thần phân liệt hoặc bị suy sụp tinh thần trầm trọng.
Công việc hàng ngày của cô là đi gặp các gia đình có người bị bệnh tâm thần, qua sự giới thiệu của cơ quan y tế, gọi đến các hội đoàn và gặp họ để tham khảo những vấn đề liên quan đến tâm thần trong cộng đồng, giúp người bệnh tâm thần gặp chuyên gia tâm lý hoặc gặp bác sĩ tâm lý, nếu bị nặng.
Cô kể một kỷ niệm khó quên khi giúp được một đồng hương mới đến Mỹ gặp khó khăn.
Ðó là một phụ nữ Việt Nam, được gia đình bảo lãnh từ Ðan Mạch sang Mỹ, có một con, ly dị chồng vì bị chồng hành hạ. Cả hai mẹ con đều bị rối loạn tâm lý. Con có bảo hiểm MediCal, nhưng mẹ lại không có.
Sau khi đến gặp cô Uyên, hai mẹ con được giới thiệu vào chương trình “Children and Youth Services” (CYS), em bé được chẩn bệnh, được vào chương trình, cả hai mẹ con đều được giúp đỡ.
“Ðó là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi,” cô Uyên Nguyễn nói.
Theo cô Uyên cho biết, cô sinh ra tại Việt Nam và cùng qua Mỹ lúc 11 tuổi, diện HO. Cô tốt nghiệp cử nhân tâm lý học tại đại học Cal State Fullerton và đang học cao học xã hội học.
Cô cho biết, bất cứ ai từ 25 tuổi trở xuống, cần giúp đỡ trong các vấn đề cô đơn, rối loạn tâm lý, nghiện thuốc hoặc muốn biết thông tin về sức khỏe tâm thần, có thể gọi cho cô qua đường dây ấm “Warm Line” tại số 714-640-3424.
.
.
.
No comments:
Post a Comment