Friday, April 15, 2011

ĐƯA NGÔN NGỮ "CHAT" VÀO TỪ ĐIỂN ? (Cao Tự Thanh)


Tiếp tục phản hồi về bài viết Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt!
Cao Tự Thanh
Ngày 15.04.2011, 08:39 (GMT+7)

SGTT.VN - Mặc dù đã dự đoán trước, chúng tôi vẫn bất ngờ về lượng ý kiến phản hồi của bạn đọc đối với gợi ý đưa một số từ vựng của ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt nhân tiền lệ của từ điển Oxford. Vì tiếng Việt là tài sản chung, quan điểm của chúng tôi là tất cả mọi ý kiến về thứ tài sản này đều phải được tôn trọng như nhau, và việc xem xét đưa ngôn từ chat vào từ điển phải hết sức thận trọng, phù hợp với các tiêu chí chức năng và chính tả như ý kiến dưới đây của nhà nghiên cứu Hán Nôm, dịch giả Cao Tự Thanh.

Sau khi đăng tải đề nghị Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt! của GSTS Nguyễn Đức Dân, Sài Gòn Tiếp Thị lại đăng tải một số ý kiến cả đồng tình lẫn phản đối của Nguyễn Phan Chiêu Anh và nhiều người khác (các số ra ngày 11 và 14.4), và nếu toà báo có hứng thú thì chắc chắn nhiều người sẽ còn tiếp tục đồng tình hay phản đối dài dài. Nhưng nhìn từ hai phương diện cả học thuật lẫn thực tiễn thì đó quả là một đề nghị khó nghĩ, vì chưa nói tới chuyện tiếng lóng và từ điển vốn là một cặp oan gia trời sinh ra để thoá mạ lẫn nhau, ngay loại ngôn ngữ – chính tả phi quy chuẩn đang phổ biến trong ngôn ngữ chat (trở xuống tạm gọi là “ngôn ngữ chat” mặc dù nhiều người thường xuyên chat không hề dùng tới loại ngôn ngữ ấy) của nhiều người trẻ hiện nay đã xứng đáng được gọi là tiếng lóng chưa cũng đã là chuyện phải bàn.

Cần phân biệt ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói. Ngoài những ví dụ “tiếng lóng” chính tả, tác giả Nguyễn Đức Dân còn nêu ra một số cách lạ hoá tiếng Việt trong ngôn ngữ nói, chẳng hạn “… bị liptông (lipton) một phát” (… bị tông một phát), nhưng đó cơ bản là những hành vi ngôn ngữ không thuộc tập hợp “ngôn ngữ chat” mà thuộc về phong cách học, tức chơi chữ để tạo từ tiếng lóng trên cơ sở ngữ âm. Mà nếu một quyển từ điển tiếng Việt giải thích “Chim cú: a. một loài chim ăn thịt. b. Cay cú” hay “Chuối: a. một loại trái cây nhiệt đới. b. không thể chịu nổi (x. chối)” thì thiên hạ có mà đại loạn, đây là chưa nói tới chuyện tiếng Việt sẽ ít nhiều bị dung tục hoá bởi một mảng từ nảy sinh từ những thực tiễn ngôn ngữ tào lao.

Về mặt ngôn ngữ thì ngôn ngữ chat chủ yếu chỉ mới là “tiếng lóng” trên khía cạnh chính tả, tức ngôn ngữ viết. Nó là một dạng thông tin bằng văn bản, mà một trong những quy luật đã chuyển hoá thành nguyên tắc của hoạt động thông tin là sử dụng số lượng ký hiệu thông tin tối thiểu để chuyển tải nội dung thông tin tối đa. Cho nên ngoài nhu cầu tăng tốc độ chat hay bảo mật chuyện riêng tư, việc viết tắt các từ, rút gọn các câu, sử dụng các ký hiệu không phải chữ viết… ở đây là điều tất yếu. Nhưng khác với tiếng Anh mà việc viết tắt, rút gọn phần nhiều chỉ giới hạn trong một số định ngữ, đặc ngữ hay thành ngữ kiểu omg (oh my god) hay ASAP (as soon as possible) như tác giả Nguyễn Phan Chiêu Anh nhận xét, đặc trưng từ vựng – chính tả của tiếng Việt không cho phép thực hiện thao tác viết tắt ấy một cách đơn giản mà nhất quán. Việc cố tình viết sai viết lệch so với chuẩn chính tả, dùng những kỹ xảo ngữ âm để đùa giỡn gây cười ở nhiều người trẻ do đó cũng chỉ có thể giới hạn trong khoảng năm ba trăm từ (từ đơn). Cố nhiên việc sử dụng thứ “ngôn ngữ chat” vốn vô hại ấy trong nhiều hoạt động sống và giao tiếp ngoài mạng chỉ làm hại trước hết cho chính họ, nhưng đó là chuyện khác. Vấn đề là “Tiếng lóng sống trên ngôn ngữ. Nó dùng ngôn ngữ tuỳ thích, lấy ở ngôn ngữ tuỳ ngẫu nhiên, nó thường giới hạn ở chỗ thay đổi ngôn ngữ đi một cách sơ sài và thô thiển”. “Tiếng lóng là ngôn ngữ của thối nát nên cũng chóng thoái hoá” (Victor Hugo, Những người khốn khổ, phần thứ tư, quyển 7 (Tiếng lóng), bản dịch của nhóm Huỳnh Lý, NXB Văn Học, Hà Nội, 1987). Việc ghi nhận hình thức chính tả “tiếng lóng” của năm ba trăm từ đơn được tạo ra một cách ngẫu nhiên và sẽ mau chóng mất đi hay bị thay thế sẽ có giá trị học thuật và thực tiễn gì?

Về mặt xã hội thì tiếng lóng “hoàn toàn không chỉ là hình thức đặc biệt của ngôn ngữ mà còn phản ảnh một loại phương thức sinh hoạt… Nó có quan hệ với việc nghiên cứu tâm lý, then chốt về sự đánh giá đối với con người và xã hội, phương thức tư duy, tổ chức xã hội và năng lực kỹ thuật đều nằm trong đó” (Xem Lục Đức Dương, Lịch sử lưu manh, Cao Tự Thanh dịch, NXB Trẻ, 2001). Nhìn từ định nghĩa chức năng nói trên thì ngôn ngữ chat của nhiều người trẻ ở Việt Nam hiện nay nhiều lắm cũng chỉ là một phiên bản mờ nhạt lem luốc của tiếng lóng thật sự mà thôi. “Người trẻ” là một nhóm xã hội được phân chia theo tiêu chí lứa tuổi chứ không phải theo hoạt động sống, căn bản chưa tham gia vào nền sản xuất xã hội, tiếng lóng hay “ngôn ngữ chat” của họ không thể hiện phương thức sinh hoạt nào một cách toàn diện, nhất quán và ổn định mà bằng chứng dễ thấy là mảng từ vựng trong đó không được quy tụ thành hệ thống với các mối liên quan nội tại.

Một người đồng tình với tác giả Nguyễn Đức Dân có nói đến lúc thế hệ trẻ làm lãnh đạo thì sẽ công nhận ngôn ngữ chat hiện nay. Tương lai ấy khá lãng mạn nhưng lại không bao giờ có được, vì khi trưởng thành thì nhiều người trẻ sẽ phải tham gia vào các hệ thống sản xuất xã hội ở đó hệ công cụ giao tiếp ngày càng được chuẩn hoá, và họ sẽ được các hệ thống ấy dạy cách nói cho đúng chuẩn để người khác nghe và hiểu chứ không phải nói cho sướng miệng để người khác đoán và “choáng”.

Sau cùng, không rõ tác giả Nguyễn Đức Dân có lỡ lời khi cho rằng chỉ với hai luận án tiến sĩ là “có thể xác định được những từ ngữ chat thông dụng cần được coi là những đơn vị của tiếng Việt hiện nay và tương lai” không, nhưng chắc chắn là trong tương lai tuyệt đại đa số những từ ngữ “thông dụng” trong ngôn ngữ chat hiện nay sẽ lụi tàn song song với sự trưởng thành về nhận thức xã hội và ý thức ngôn ngữ của tuyệt đại đa số những người đang sử dụng chúng. Dĩ nhiên một số nào đó cũng có thể tồn tại và được đưa vào từ điển, nhưng ít nhất chúng phải bước được vào không gian phương ngữ với diện mạo ít nhất là bình thường về chính tả thì mới có được chỗ đứng trong từ điển tiếng Việt toàn dân.

Cao Tự Thanh

Tin bài liên quan:

.
.
.

No comments: