Friday, April 15, 2011

MỘT KHÚC QUANH LỚN CỦA THẾ GIỚI (Thông Luận)

Thông Luận
Đăng ngày 15/04/2011 lúc 16:41:08 EDT

Nghị quyết 1973, ngày 17/03/2011 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép Hoa Kỳ, Anh và Pháp can thiệp bằng quân sự vào Libya, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chính trị quốc tế.

Trước hết là về hình thức. Nghị quyết không quyết định một hành động chung của Liên Hiệp Quốc và do đó không ràng buộc mọi quốc gia. Nó chỉ cho phép và kêu gọi các nước có phương tiện can thiệp để "bảo vệ thường dân Libya", một cách nói được hiểu là đồng nghĩa với bênh vực lực lượng nổi dậy chống chế độ độc tài Gaddafi đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Hình thức này đã khiến Nga và Trung Quốc vốn có liên đới tự nhiên với các chế độ độc tài khó dùng quyền phủ quyết. Kết quả là Mỹ, Anh và Pháp đã được Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh cho phép tấn công Gaddafi và cứu nguy lực lượng nổi dậy đòi dân chủ.

Hình thức này đã được phát minh ra để đáp ứng một nhu cầu mới của các nước dân chủ phương Tây: chủ động trong tiến trình dân chủ hóa tại Bắc Phi và Trung Đông để đừng là nạn nhân của một thay đổi đàng nào cũng sẽ đến.

Cho đến nay vì cần ổn định nguồn cung cấp dầu mỏ, Hoa Kỳ và Châu Âu đã dung túng các chế độ độc tài trong vùng này. Chính thế liên minh với các chế độ bạo ngược đã khiến người Ả Rập phẫn nộ với phương Tây và dễ bị lôi kéo bởi các tổ chức Hồi Giáo quá khích. Nhưng các xã hội Bắc Phi và Trung Đông đã chín muồi cho một chuyển hóa về dân chủ và các nước phương Tây đã nhận ra điều đó. Họ đã hiểu rằng nguy cơ các nước này rơi vào tay các lực lượng Hồi Giáo toàn nguyên chống phương Tây sẽ không đáng kể nếu họ tích cực yểm trợ các lực lượng dân chủ thay vì câu kết với các tập đoàn bạo ngược.

Sự thay đổi thái độ của các nước dân chủ phương Tây đã rất ngoạn mục nếu người ta ý thức rằng Mỹ, Anh và Pháp đã tấn công Gaddafi để cứu nguy lực lượng nổi dậy ở Benghazi dù Gaddafi rất chống khủng bố và thân phương Tây trong những năm gần đây, trong khi Benghazi từng được coi là sào huyệt của các lực lượng chống dân chủ và chống phương Tây trong quá khứ.

Sự thay đổi tâm lý và văn hóa của các nước Ả Rập cũng ngoạn mục không kém. Trái ngược hẳn với trước đây, trong mọi cuộc biểu tình từ Tunisia đến Yemen qua Algeria, Ai Cập, Syria, Jordan đã hoàn toàn không có những khẩu hiệu tôn xưng Allah hay chống phương Tây mà đã chỉ có những tiếng hô to đòi dân chủ.

Một ý nghĩa quan trọng khác của nghị quyết này là nó mở ra một kỷ nguyên mới trong bang giao quốc tế, kỷ nguyên trong đó các nước dân chủ có quyền can thiệp vào nội bộ một nước khác, kể cả bằng quân lực, để tiếp tay đánh đổ một tập đoàn bạo ngược. Dĩ nhiên không nên chờ đợi những cuộc thánh chiến bảo vệ dân chủ tại mọi nơi.

Các cường quốc dân chủ sẽ chỉ can thiệp vào những nước có liên hệ mật thiết tới an ninh và quyền lợi của họ, nhưng dù sao thì sự can thiệp có chọn lọc này cũng đáng hoan nghênh. Nó chỉ khẳng định một quan điểm mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thường lặp lại, đó là biên giới quốc gia không thể được coi là qui định một vùng lộng hành tự do của những tập đoàn độc tài bạo ngược. Tự do và phẩm giá con người phải là những giá trị cao nhất vượt mọi biên giới. Quốc gia phải được coi như một tình cảm và một không gian liên đới của những người tự nguyên chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Chỉ với một quan niệm như vậy quốc gia mới đáng trân trọng và mới có thể tồn tại trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa này.

Thông Luận
Thông Luận số 257, tháng 04/2011
© Thông Luận 2011 

.
.
.

No comments: