Tuesday, April 5, 2011

TRUYỀN THÔNG và CHÍNH PHỦ PHÁP trước SỰ CỐ HẠT NHÂN FUKUSHIMA (Vigouroux Mathias)

Vigouroux Mathias (Pháp)
05.04.2011

Lời giới thiệu & bản dịch và của Giao

Vigouroux Mathias sinh ra ở Rodez, một thành phố ở miền Nam nước Pháp, tốt nghiệp cao học ở Đại học Lion, đã hoàn thành chương trình Ph.D tại Nhật Bản với nghiên cứu về quá trình hình thành ngành châm cứu của Nhật Bản thời cận thế. Hiện đang làm việc tại Đại học Kitasato (Tokyo).
Với tư cách là quốc dân Pháp, một nước có trình độ kĩ thuật phát triển điện nguyên tử hàng đầu thế giới (với 58 lò, và tỉ lệ điện nguyên tử cao nhất là 78%), đồng thời, lại là người đã sống nhiều năm ở Tokyo, trải nghiệm trận siêu động đất vừa qua, vào ngày 25 tháng 3, Vigouroux đã gửi đến bạn bè lá thư viết bằng tiếng Nhật mang tiêu đề đầy đủ là “Thái độ của truyền thông và chính phủ Pháp trước sự cố hạt nhân Fukushima dưới góc nhìn của tôi, một người Pháp đang ở Nhật”.
Lá thư được viết trước khi tổng thống Sarközy lên tiếng kêu gọi thế giới lập tức cứu nguy Fukushima tại hội nghị G20 tổ chức tại Trung Quốc (29/3, và vừa bay đến Tokyo (31/3), để chính thức vào cuộc cùng thủ tướng Kan.
Hà Nội, 31/3/2011
Giao

---------------------------------

TRUYỀN THÔNG VÀ CHÍNH PHỦ PHÁP TRƯỚC SỰ CỐ HẠT NHÂN FUKUSHIMA

Vào lúc 2 giờ 46 phút thứ Sáu ngày 11 tháng 3, lần đầu tiên trong đời, tôi trải nghiệm động đất 9 độ Magnitude. Lúc ấy, đang ngồi đọc sách ở nhà, bỗng thấy tòa nhà rung lên bần bật, tôi vội chui xuống gầm bàn và cầu mong nó đừng sập. Thật may mắn, ngoài việc sách bị văng xuống sàn nhà từ trên giá, tôi hoàn toàn bình an. Tôi thầm cảm ơn kĩ thuật chống động đất tuyệt vời của kiến trúc Nhật Bản. Ngay sau đó, tôi liền gọi điện cho vợ vì nghĩ rằng hình như đây không phải là động đất bình thường như mọi khi, nhưng điện thoại không thông. Lo lắng nổi lên. Phải một tiếng rưỡi sau, tôi mới tạm yên lòng khi biết được tin cô ấy đã lạnh nạn ở công viên gần nơi làm việc. Tôi cũng liên lạc về nước với cha mẹ đẻ, vì nghĩ rằng chắc tình hình động đất sẽ xuất hiện trên bản tin buổi sáng ở Pháp. Hai người nói rằng đã xem trên TV thảm cảnh phố xá ở vùng Đông Bắc đã bị nhấn chìm bởi sóng thần.

Đúng như tôi nghĩ, tất cả chương trình thời sự ở Pháp đều đưa tin về siêu động đất ở Nhật Bản. Ngoài tin về động đất và sóng thần, về tình hình người Nhật đang chịu nạn ở vùng Đông Bắc, người ta còn phát những đoạn phỏng vấn trực tiếp lưu học sinh Pháp đang ở Tokyo hay người Pháp đang làm việc ở các công ty Nhật Bản. Sang ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, sau khi lò phản ứng số 1 của Nhà máy điện nguyên tử Fukushima gặp sự cố, thì tin về nhà máy nổi bật cả ngày trên TV nước Pháp. Nhưng có lẽ truyền thông nước Pháp không nắm rõ tình hình thực tế, nên mặc dù ngay từ đầu các chuyên gia về nguyên tử của Pháp đã phân tích rằng đây không phải là sự cố đến mức Chernobyl, nhưng truyền thông chỉ đưa rặt tin như là thảm họa Chernobyl thứ hai vậy.

Sang năm sẽ có bầu cử tổng thống ở Pháp, nên có thể thấy các nhóm vận động về môi trường đã lợi dụng sự cố nguyên tử ở Nhật với mục đích chính trị, để rầm rộ phát động phong trào phản đối điện nguyên tử ở Paris và nhiều thành phố lớn. Vào thời điểm đó, ở Nhật Bản có đến mấy ngàn người tử nạn, hơn một vạn người mất tích, người may mắn sóng sót thì đói khát vì không có đồ ăn và nước uống. Cho dù rất biết về điều đó, nhưng truyền thông và một số chính đảng ở Pháp gần như bỏ ngoài sự quan sát, mà chỉ chăm chăm nói về thảm họa Fukushima và ảnh hưởng của nó tới nước Pháp. Theo tôi, đó là hành động vô nhân. Thêm nữa, ngay cả trên Facebook các lời đồn đại thoải mái được tung ra, rằng: nhiều khả năng lõi lò phản ứng sẽ nổ tung, nhân viên làm việc tại đó chỉ sống được hai tuần nữa, chính phủ Nhật Bản đang cố giấu diếm sự thật cốt để an lòng dân chúng Tokyo. Kết quả là, không biết bao nhiêu lần trong ngày, liên tiếp đến từ gia đình và bạn bè ở Pháp những lời thúc giục, rằng: “Đừng có tin vào thông tin của chính phủ Nhật Bản”, “Hãy nhanh chóng cuốn gói thôi”.

Thêm nữa, vào ngày Chủ Nhật, sau khi đại sứ quán Pháp phát đi lời khuyến cáo rằng “có khả năng rất lớn gió mang chất phóng xạ sẽ bay tới Tokyo, hãy lập tức trở về Pháp hoặc lánh khỏi Tokyo”, thì cộng đồng người Pháp đang có mặt ở vùng Kanto đều hoảng hốt cả lên. Mấy người trong đám bạn của tôi đã trở về Pháp ngay trên chuyến máy bay đặc biệt mà chính phủ Pháp chuẩn bị sẵn. Lúc đó, mặc dù không có được thông tin rõ ràng từ những người có trách nhiệm của phía điện lực Tokyo (họ thường trở đi trở lại câu “chưa rõ” hay “đang xác nhận” khi họp báo), nhưng truyền thông Nhật, chính phủ Nhật, và người Nhật ở xung quanh tôi thì không hề hoảng loạn, họ rất bình tĩnh. Trước đối cảnh đó và sự nhiễu loạn về thông tin, chúng tôi như bị mất trí, chẳng biết nên làm thế nào. Có lúc đã nghĩ là về ngay Pháp hay về quê vợ tôi ở Trung Quốc, nhưng rồi lại nghĩ nếu bỏ Nhật Bản thì tương lai của chúng tôi sẽ ra sao, nên không thể chạy một cách đơn giản được. Cuối cùng, tạm thời, nghe theo lời khuyến cáo của đại sứ quán Pháp, vào ngày thứ Tư, chúng tôi rời Tokyo, đi về Nagoya.

Ở Nagoya, tôi bắt đầu không để ý đến truyền thông nước ngoài nữa, mà tìm đọc một cách nhẩn nha các thông tin về nhà máy điện Fukushima của phía các nhà chuyên môn, tức là các thông tin mang tính khoa học. Tôi không phải là người bên khối tự nhiên nên đã khá vất vả, nhưng càng đọc thì càng hiểu ra rằng, mức phóng xạ ở Tokyo có cao hơn bình thường một chút nhưng không hề ảnh hường gì tới sức khỏe, chính phủ Nhật Bản không che dấu sự thực. Trong mấy ngày đọc, tôi cũng thấy những lời phê phán, như của chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học thuộc chính phủ Anh, cho khuyến cáo chạy nạn của chính phủ Pháp là một không dựa trên cơ sở khoa học nào. Tôi đã nghĩ lại, và quyết định trở về Tokyo vào ngày thứ Bảy. Khi tôi viết những dòng này, sự cố Fukushima chưa chấm dứt, lo lắng vẫn còn vì có thông tin là rau quả đã nhiễm chất phóng xạ, nếu tiếp tục ăn sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe, thế nhưng, tôi đã ngộ ra một điều quan trọng: từ nay, thay vì hấp tấp hành động, hãy bình tĩnh thu thập và lựa chọn thông tin.

Vậy thì, vì sao chính phủ Pháp lại có hành động như thế trước sự cố Fukushima lần này? Có một sự thực là, khi xảy ra sự cố Chernobyl, chính phủ Pháp thời đó đã bị phê phán thậm tệ vì nói rằng gió nhiễm phóng xạ không thể đến được biên giới nước Pháp, và không cho biết mức độ phóng xạ. Thêm nữa, mặc dù chưa được kiểm chứng khoa học khách quan, nhưng trong kí ức quốc dân Pháp vẫn còn nỗi ám ảnh về việc số người bị ung thư tuyến giáp trạng ở Pháp đã tăng lên, mà nguyên nhân được xem là phóng xạ từ Chernobyl. Bởi vậy, từ sau sự cố Chernobyl, điện nguyên tử trở thành một vấn đề gai góc giữa giới chính khách và quốc dân Pháp, hễ cứ có sự cố nào, chẳng hạn như Fukushima lần này, thì chính phủ Pháp liền có ngay một kịch bản xấu nhất và một đối sách an toàn nhất. Lần này, truyền thông Pháp đã phán rằng chất phóng xạ từ Fukushima sẽ theo gió bay tới cả châu Âu, làm cả nước Pháp lo lắng. Và thế là, nếu chính phủ Pháp không lập tức đưa ngay ra quyết sách an toàn thì chắc quốc dân Pháp sẽ không tha!

Theo tôi, thái độ của truyền thông Pháp lần này thật là đáng trách và vô trách nhiệm. Truyền thông Pháp chỉ chăm chú đến việc công dân Pháp có thể bị nhiễm chất phóng xạ hay không, mà không đoái hoài đến cư dân Nhật ở vùng Đông Bắc đang hứng chịu hậu quả vô cùng đau thương. Người ta không còn thấy bóng dáng của truyền thông Pháp ở hiện trường động đất Nhật Bản nữa. Ngược lại, trên mạng internet, lại xuất hiện rất nhiều người Pháp xót thương cảnh ngộ của nhân dân Nhật Bản. Các hoạt động quyên góp cứu trợ đang được bắt đầu ở Pháp. Tôi thành kính chúc Nhật Bản mau chóng đứng dậy từ thảm họa này.
.
.
.

No comments: