Thursday, April 7, 2011

THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ANH NÓI VỚI SINH VIÊN VN VỀ VAI TRÌ CỦA BÁO CHÍ (BBC)


BBC
Cập nhật: 15:31 GMT - thứ tư, 6 tháng 4, 2011

Hôm nay Thứ trưởng Ngoại giao Anh, ông Jeremy Browne, đã có buổi trò chuyện với báo giới và sinh viên, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Hà Nội, Việt Nam.
Đây là một phần trong chuyến viếng thăm Việt Nam 3 ngày, từ ngày 5-7 tháng Tư của ông, nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao, thương mại và giáo dục giữa hai nước.
Ông Jeremy Browne đã được Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Nguyễn Khắc Hiếu và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn, đón tiếp tại buổi gặp gỡ trao đổi này.
Trong bài phát biểu của mình, ông Browne cho biết ông thực sự ấn tượng trước sự năng động và tiềm lực của đất nước và con người Việt Nam và nhấn mạnh vai trò trọng tâm của giới trẻ trong sự phát triển đó.
Nói với sinh viên ngành báo chí, ông nhấn mạnh "tầm quan trọng của báo chí, cũng chính là của các bạn, đối với sự phát triển chính trị xã hội và cơ hội kinh tế ở cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cũng như các nước phát triển như Anh Quốc."

Cách tiếp cận hiện đại

Nhắc tới  báo chí hiện đại, ông Jeremy Browne đề cập tới cách tiếp cận báo chí ngày này mà theo ông đã thay đổi căn bản trong 20 năm qua.
"Internet, với quyền năng kết nối khổng lồ, đã tạo cơ hội không ngừng, giải phóng tiềm năng, cách mạng hóa việc tiếp cận thông tin và thay đổi cuộc sống của con người. Sự bùng nổ của mạng xã hội cũng đã thay đổi cách các cá nhân và nhóm chia sẻ thông tin và ý tưởng," ông nói.
"Facebook và Twitter có thể đã khởi đầu chỉ với tư cách là công cụ để liên lạc với bạn bè và người thân. Nhưng khả năng liên kết của hai dịch vụ này tới nay là kỳ diệu", ông nhắc tới một trong 2 mạng xã hội vốn bị tường lửa tại Việt Nam chặn gần đây.
Ông Browne cũng nhắc tới các sự kiện tại Bắc Phi trong thời gian gần đây như một "bài học then chốt" cho các chính phủ, một khi "cố gắng hạn chế báo chí thì có thể sẽ gặp bất ổn từ chính báo chí", và theo ông, "việc cho phép báo chí cởi mở hơn, hiệu quả hơn và độc lập hơn thực sự giúp cho môi trường chính trị xã hội được ổn định hơn".
"Do đó, một chính phủ có trách nhiệm sẽ nỗ lực để cải thiện tính chuyên nghiệp, đề cao trọng trách và tự do của báo chí," ông Jeremy Browne nói.

Vai trò, trách nhiệm và quyền của báo chí
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Anh nhắc lại vai trò không thay đổi của báo chí tại các nước dân chủ, đó là cung cấp thông tin để giúp nắm rõ hơn vấn đề; phê bình và tranh luận để đảm bảo thông tin được kiểm chứng và xem xét từ mọi góc độ; và điều tra kiểm chứng để đảm bảo quyền lực được kiểm tra và những người ra quyết định phải chịu trách nhiệm.
Ông không quên nhắc tới vai trò tích cực của báo chí Việt Nam như trong vụ Vedan, vai trò đẩy mạnh kinh tế, thúc đẩy tính minh bạch như vụ Vinashin, "giúp dân hiểu hơn về hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và kêu gọi chính phủ phải hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này."
"Tất nhiên, vai trò quan trọng cũng đi đôi với trách nhiệm. Báo chí phải hoạt động có đạo đức và trách nhiệm," ông nói.
Nhắc tới quyền của người làm báo, ông nói: "Báo chí cũng cần được hoạt động mà không cảm thấy lo sợ. Các nhà báo cần có một môi trường hoạt động mà ở đó họ có thể điều tra các vấn đề quan trọng của đất nước và nêu lên các ý kiến có cơ sở mà không sợ bị truy tố."
"Để báo chí hoạt động hiệu quả, các nhà báo, người viết blog, các tổ chức báo chí và các cá nhân phải được trao đổi ý kiến và tranh luận một cách tự do và an toàn trong khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế," ông nói.
Ông cũng cho biết đã gặp các đại diện của Facebook và Google để trao đổi về cách hỗ trợ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do bày tỏ ý kiến trên internet.

Hợp tác trong lĩnh vực báo chí
Ông Browne nhắc tới hợp tác giữa Đại sứ quán Anh và  Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam trong việc hỗ trợ hình thành một cơ chế giải quyết khiếu nại báo chí hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của Ủy ban Giải quyết Khiếu nại Báo chí Anh, một tổ chức tự quản độc lập tại Anh, cũng như dự án MediaPro đã được thực hiện trong 2 năm qua.
Dự án này giúp ba trường đào tạo báo chí chủ chốt cập nhật và chỉnh sửa lại khung chương trình đào tạo dành cho sinh viên, giúp Hội Nhà báo Việt Nam soạn thảo lại Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành cho nhà báo Việt Nam.
Đây là một phần trong các hợp tác trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam đã được ký kết giữa hai nước hồi năm 2010, với mục tiêu chung: "tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và thuận lợi để báo chí Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước."
Ông Browne cũng nhắc tới các cơ quan báo chí Anh hiện đang có văn phòng tại Việt Nam như Reuters và tờ Financial Times.

Riêng về BBC Tiếng Việt, ông nói:
"Dù không có văn phòng tại Việt Nam nhưng BBC Việt Ngữ đang cung cấp thông tin sâu rộng và và phân tích các vấn đề trong nước và quốc tế bằng tiếng Việt."
Nhìn chung, ông nói: "Tất cả những cơ quan thông tấn này đang thể hiện vai trò cung cấp thông tin báo chí với chất lượng cao của mình."

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, ông Jeremy Browne nhấn mạnh tới vai trò của tự do báo chí.
"Tự do báo chí có thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội cho một quốc gia. Và báo chí càng chuyên nghiệp, khách quan và cởi mở bao nhiêu thì tác động của báo chí đối với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và sự tham gia vào các vấn đề quốc tế một cách tích cực của quốc gia càng lớn bấy nhiêu," ông kết luận với niềm tự hào "được hỗ trợ Việt Nam hướng tới mục tiêu này. "

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của ông Jeremy Browne, người được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao hồi tháng Năm năm 2010.
Năm nay 38 tuổi, ông thuộc đảng Tự do Dân chủ (Lib Dem) trong liên minh cầm quyền hiện thời tại Anh.
Trong chuyến thăm, ông Browne cũng có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường và dự lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hội đồng Anh, Cơ quan Thương mại và Đầu tư – Đại sứ quán Anh và Rolls-Royce Việt Nam về việc hỗ trợ phát triển kĩ năng quản lý của các Doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Hiện trao đổi thương mại Anh - Việt đạt 4 tỷ USD một năm.
.
.
.

No comments: