Thursday, April 7, 2011

CHỦ QUYỀN, NHÂN QUYỀN, và XÍA ZÔ CHỦ NGHĨA (Vũ Quí Hạo Nhiên)


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Tuesday, April 05, 2011 6:47:28 PM

Trong lúc chiến sự Libya đang nóng bỏng, một sự bất đồng quan điểm khá quen thuộc lại diễn ra giữa nhiều nước trên thế giới.
Ðiểm bất đồng đó là: Có một luồng dư luận cho rằng, chuyện lính Libya bắn ai, giết ai, là chuyện riêng, chuyện nội bộ của Libya, nước khác đừng can thiệp vào.
Những nước đưa ra lập luận này thường là những nước hay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền. Như Trung Quốc, Bắc Hàn. Hay Việt Nam. Một ngày sau khi trận không kích khởi đầu, báo Nhân Dân viết trong một bài không ký tên: “Dù với bất cứ lý do nào, việc dùng sức mạnh quân sự tiến công Li-bi là sự xâm phạm một quốc gia độc lập, có chủ quyền.”
Ðặc biệt, Trung Quốc và Việt Nam có lập trường cho rằng chuyện nhân quyền trong nước họ là chuyện riêng, đừng ai hỏi tới.

Truyền thống Khổng giáo

Tiêu biểu là lời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội. Bà nói tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia ở Washington:
Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.

Các viên chức Trung Quốc cũng hay nói những lời tương tự. Lập luận kiểu này xem quyền chính phủ cai trị một nước là quyền tuyệt đối, không ai được xen vào.
Ðó là một cách nhìn. Ðiểm hơi đặc biệt là Trung Quốc cũng là một nước hay viện dẫn “đặc điểm Á Ðông” hay “truyền thống Khổng giáo” để biện hộ cho lối cai trị kiểu độc tài mà vẫn cứ gọi là “dân chủ.”
Trong khi đó, khái niệm chủ quyền một nước và chuyện nước ngoài không can thiệp vào nội bộ, lại là một khái niệm của Tây phương, không phải một “đặc điểm Á Ðông” hay “truyền thống Khổng giáo.”

Truyền thống Khổng giáo là ngược lại. Truyền thống Khổng giáo là thường xuyên can thiệp vào nội bộ nước khác để bảo vệ trật tự Khổng giáo.
Ðiều này rất quen thuộc nếu đọc truyện Tàu. Lâu lâu trong một nước có chuyện cướp ngôi, hàng xóm bèn gõ cửa xen vào ngay, với lý do “hỏi tội” kẻ phản tặc.
Ðông Châu Liệt Quốc có vô số chuyện như vậy. Vua nước Trần ngoại tình với mẹ góa của Hạ Trưng Thư, Hạ Trưng Thư tức quá giết vua đi lập vua khác. Nước Sở bên cạnh bèn đem quân qua hỏi tội. “Bày tôi giết vua, láng giềng có quyền đem quân hỏi tội” là câu thường thấy trong truyện Tàu.
Tam Quốc Chí cũng vậy. Nước Tàu chia 3 nước độc lập, Ngụy Thục Ngô, không nước nào có quyền trên nước nào. Thỉnh thoảng ba nước lại đập nhau vài trận.
Nhưng khi Tư Mã Chiêu nước Ngụy giết vua Tào Mao lập vua mới Tào Hoán, thì Khương Duy nước Thục bèn viết thư qua Ngô rủ nhau mang quân đi hỏi tội.
Cũng là nước riêng biệt đó, cũng là chuyện nội bộ đó, nhưng cái truyền thống Khổng giáo là xen vào thường xuyên. Và truyền thống cộng sản cũng vậy.


Cộng Sản chủ nghĩa là chủ nghĩa xen vào

Khác với tuyên bố của bà Tôn Nữ Thị Ninh, lịch sử chủ nghĩa cộng sản trên thế giới cho thấy họ thường xuyên xen vào chuyện nội bộ của nước khác, bất kể nguyên tắc độc lập, chủ quyền.
Ðiều này đã xảy ra từ khi Lenin còn sống. Ukraine sau Thế Chiến Thứ Nhất là một mớ bòng bong của sự can thiệp đến từ nhiều thế lực trong và ngoài nước. Ðáng kể nhất, là sự can thiệp từ chính quyền Nga Bôn-sê-vích.
Dựa trên lý tưởng thế giới đại đồng, xóa biên giới, và cũng dựa trên thuyết cách mạng vô sản thế giới của Trotsky, nước Nga Xô-viết dù mới ra đời cũng biết xen vào trắng trợn, dựng nên một chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine, để rồi thành lập Liên Xô.
Khi Quốc Tế Cộng Sản ra đời, anh cả Liên Xô càng can thiệp lộ liễu, bảo gì nước khác phải nghe nấy. Không nghe thì đuổi ra, như Tito ở Nam Tư, hoặc đánh cho phải nghe, như mùa xuân Prague.
Ðiều éo le ở đây là hai nước vin vào lập luận “không can thiệp” nhiều nhất, lại là hai nước cộng sản. Trong đó có một nước khi giận chính sách của láng giềng thì tràn quân qua biên giới, dạy cho nó một bài học. Còn nước kia khi không áp đặt được ý muốn của mình lên láng giềng, thì qua cướp nước người ta và chiếm đóng 12 năm. Cũng loanh quanh cộng sản với nhau.

Chủ quyền

Nguyên tắc không xen vào là một nguyên tắc của chính trị Âu Tây. Nó bắt nguồn từ hòa đàm Westphalia năm 1648, chấm dứt hai cuộc Chiến Tranh 30 Năm và Chiến Tranh 80 Năm.
Chiến Tranh 80 Năm (1568-1648) là chiến tranh giành độc lập của Hòa Lan, ra khỏi quyền cai trị của Tây Ban Nha.
Chiến Tranh 30 Năm (1618-1648) là trận giao tranh khủng khiếp giữa các thế lực Châu Âu, đánh nhau vì đất, vì tiền, vì tôn giáo, vì muốn xóa quyền Ðế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire), với liên tục các vụ xúi giục hoặc mua chuộc bên này đánh bên kia, nước này xọ vào nước nọ.
Một tên tuổi quen thuộc với độc giả Việt Nam, Hồng Y Richelieu (nhân vật trong Ba chàng ngự lâm pháo thủ) trả tiền cho Thụy Ðiển để Thụy Ðiển đóng quân ở Ðức đánh với nhà Habsburg.
Nói chung là rất nhiều sự xen vào.
Cho nên, khi các phe đồng ý hòa đàm, một nguyên tắc được đưa ra trong hòa ước Westphalia là các nước đều bình đẳng, và các bên đồng ý không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.
Nguyên tắc này được xem là viên gạch căn bản của một “hiến pháp” cho luật quốc tế. Nguyên tắc này là: Có một cái gọi là một “nước”, gồm có đất (lãnh thổ) và người (công dân), và nước đó có chủ quyền trong chuyện nội bộ nước mình.

Chủ quyền của ai?

Nhưng, ngay từ đầu, đã có câu hỏi đặt ra: Cái gọi là chủ quyền đó, ai nắm?
Ðã biết đặt câu hỏi này rồi, sẽ thấy ngay sự sai lầm - hay có thể nói là sự “đánh lạc hướng” – trong lập luận cho rằng nước ngoài phải mặc kệ cho chính quyền một nước muốn làm gì người dân thì làm.
Vì câu trả lời là, người nắm chủ quyền, không phải là tổng thống, hay chính phủ, mà là người dân. Người dân mới là người nắm chủ quyền.

Nguyên tắc không can thiệp, nó có một điều kiện cần, là chủ quyền. Chủ quyền đó, do dân nắm. Khi dân bị mất quyền tới mức không chấp nhận được, thì điều kiện cần coi như đã mất, và khỏi có “không can thiệp” nữa.

Từ những ngày đầu tiên sau hòa ước Westphalia, các nhà tư tưởng đã chỉ ra rằng, chủ quyền quốc gia thuộc về người dân, không thuộc về nhà cầm quyền. Xin nhắc lại, đây là thế kỷ 1600, khi còn vua chúa giáo hoàng tung hoành khắp nơi, chứ đừng nói chi thời dân chủ hiện nay.

Triết gia Francis Bacon (1561-1626): “Chủ quyền và quyền lực” không nằm trong nhà cầm quyền, mà nằm trong tay Con Người ngay từ khi tọa hóa đã sinh ra. (Xem Valerius Terminus)

Triết gia Thomas Hobbes (1588-1679): Chủ quyền quốc gia tùy thuộc vào “hợp đồng xã hội tiên quyết” (first social contract) giữa giới thống trị và người dân. (Xem Leviathan)

Triết gia Immanuel Kant (1724-1804) nói về những “quyền lợi công của loài người” như một thứ luật quốc tế bất thành văn, vì khi quyền lợi này bị vi phạm “ở một chỗ” sẽ “được cảm nhận khắp thế giới.” (Xem Perpetual Peace)

Tất nhiên, tư tưởng cũng thay đổi theo thời gian, tới nay đã 400 năm, nhưng tóm lại đều có ý chung: “Không can thiệp” không có nghĩa là nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm.

Vì nhà cầm quyền không nắm chủ quyền. Vua chúa, tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, không phải là chủ một nước, người dân mới là chủ. Người dân mới là người nắm chủ quyền.

Hai chữ “chủ quyền” chỉ có thể dùng để bênh người dân, không thể dùng để bênh chính quyền chống lại người dân.

Thuyết chủ quyền quốc gia là của mấy ông này lập ra. Tranh Gerard ter Borch (1617-1681), tại viện bảo tàng Rijksmuseum Amsterdam. (Hình: rijksmuseum.nl)

Can thiệp vì nhân quyền

Chính vì vậy, trong lịch sử nhân loại, từ thời sau khi có hòa ước Westphalia tới nay, có rất nhiều vụ can thiệp vì lý do nhân quyền.
Giữa thế kỷ 19, chiến thuyền Anh tấn công hải cảng Brazil, để triệt hạ việc mua bán nô lệ. Còn gì nội bộ hơn là mua bán? Thời đó chưa dùng ngôn ngữ “nhân quyền” của ngày nay, nhưng thử hỏi triệt hạ việc mua bán nô lệ là bảo vệ cái gì, nếu không phải bảo vệ nhân quyền?

Tới khi thành lập Liên Hiệp Quốc, ngôn ngữ “nhân quyền” hiện đại trở thành thông dụng. Hiến chương LHQ kêu gọi tôn trọng “nhân quyền và quyền tự do căn bản.” (Ðiều 55.) Rồi cũng hiến chương này các nước hứa sẽ “có hành động chung và riêng” để “đạt được mục tiêu trong điều 55.”

Vậy những “hành động chung và riêng” đó có phải là can thiệp không? Nếu Hạ Viện Hoa Kỳ chỉ mới ra có mỗi cái nghị quyết mà đã bị tố cáo là can thiệp, thì những “hành động” trong Hiến Chương LHQ gồm những gì?

Không kể Libya, việc quốc tế mang quân vào nhiều nơi khác: Iraq, Kosovo, Rwanda, là rất nhiều thí dụ cho thấy, khi sự vi phạm nhân quyền lên tới độ trắng trợn, sự can thiệp của quốc tế cũng sẽ lên tới độ thẳng tay.

Không có nghĩa là mỗi lần có chút vi phạm nhân quyền ở đâu là các nước cũng mang quân tới đánh rầm rầm. Nhân quyền bị chà đạp tới đâu, sự can thiệp sẽ mạnh mẽ tới đó.

Nếu những chuyện xa vời đâu đó không thuyết phục, hãy thử chỉnh lại câu nói của bà Tôn Nữ Thị Ninh, sau khi đã hiểu không phải nhà cầm quyền mà người dân là chủ đất nước:
Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh. Cha mẹ nói thì chúng bịt miệng. Cha mẹ nêu lỗi lầm của chúng thì chúng bắt giam. Cha mẹ có đất đai thì chúng cướp. Cha mẹ cởi mũ bảo hiểm thì chúng đánh gãy cổ. Cha mẹ có con gái vị thành niên thì chúng hiếp.”

Khi đó, nếu các anh hàng xóm mà nói vào, thì sao?
.
.
.

No comments: