Saturday, April 9, 2011

THỎA HIỆP PHÚT CHÓT CỨU CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG HOA KỲ KHỎI ĐÓNG CỬA


Người Việt
Friday, April 08, 2011 8:58:22 PM

Thỏa hiệp ngân sách phút chót

WASHINGTON, DC (TH) - Lúc 10 giờ 45 phút tối, Ðông bộ Hoa Kỳ, nghĩa là chỉ còn hơn một giờ tới lúc nhiều cơ quan chính quyền phải ngưng hoạt động vì chưa có ngân sách, Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner tuyên bố “đã đạt được thỏa hiệp.”

Tổng Thống Barack Obama với nụ cười trên môi sau khi đạt được thỏa thuận ngân sách, tránh được tình trạng chính quyền liên bang bị đóng cửa. (Hình: AP Photo/Charles Dharapak)

Trong lời phát biểu ngắn với các phóng viên, ông bày tỏ sự hài lòng là hai đảng “đã đi tới thỏa thuận cụ thể sẽ cắt giảm chi tiêu và tránh để chính quyền phải đóng cửa”. Ông cho biết hai bên đồng ý kéo dài thời gian “bắc cầu” 6 ngày để chính quyền có quyền chi dụng trong khi thỏa hiệp khung được hoàn chỉnh thành luật. Việc bỏ phiếu chung quyết tại Hạ Viện sẽ diễn ra vào giữa tuần tới.

Sau nhiều ngày làm việc, thảo luận, thương lượng, cho tới ngày Thứ Sáu, Quốc Hội vẫn không thỏa thuận được về ngân sách liên bang, và chính quyền đi gần tới tình thế phải ngưng hoạt động. Những chuyển biến và sự chờ đợi căng thẳng trong 6 giờ cuối cùng được truyền thông Hoa Kỳ loan tin tới tấp như sau: (theo giờ Ðông bộ Hoa Kỳ)

-6:11 PM: Phóng viên Jackie Kucinich của USA Today từ trụ sở Quốc Hội cho biết các phụ tá dân biểu và phóng viên đi quanh quẩn qua các đại sảnh gần như trống không, chờ đợi xem có thỏa thuận vào phút chót hay không. Trong khi đó mọi người xúm lại trước văn phòng của Chủ Tịch Hạ Viện Boehner theo dõi chờ nghe tin tức.
Thủ lãnh Thượng Viện Harry Reid quyết định lui lại giờ tuyên bố như đã dự tính trước vào buổi tối.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Obama sẽ nói chuyện trên truyền hình vào buổi tối, nhưng chưa xác định giờ nào.
-7 PM: Colleen Kelly, chủ tịch National Treasury Employees Union, công đoàn lớn nhất của công chức liên bang với 150,000 thành viên, nói rằng không chắc chắn có được thỏa hiệp và như vậy các cơ quan chính quyền sẽ ngưng hoạt động kể từ nửa đêm.
-7:30 PM: Dân Biểu Cộng Hòa Allen West, tiểu bang Florida, một trong những dân biểu mới được bầu lần đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái nhờ sự hỗ trợ của Tea Party, bác bỏ nhận định của trưởng khối đa số Thượng Viện Harry Reid và những người Dân Chủ khác là phong trào Tea Paty với chủ trương cực hữu về chính quyền nhỏ có trách nhiệm trong sự đưa đến tình trạng bế tắc ngân sách này.
-8 PM: CNN loan báo Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner tuyên bố với các phóng viên: “Chưa có thỏa hiệp”.
-9:03 PM: USA Today dẫn lời Dân Biểu Jeb Hensarling, tiểu bang Texas, nhân vật đứng hàng thứ tư của Cộng Hòa tại Quốc Hội, cho biết: “Ông chủ tịch Hạ Viện nói rằng không có thỏa hiệp.”
-9:15 PM: Washington Post cho biết các giới lãnh đạo Quốc Hội đang duyệt lại ngôn từ trong văn bản chung quyết của thỏa hiệp, tránh được tình trạng chính quyền phải ngưng hoạt động. Nếu đồng ý, cắt giảm ngân sách 2011 sẽ là $37 tỷ như Dân Chủ đã thỏa thuận đêm Thứ Năm nhưng không tới $40 tỷ như Chủ Tịch Hạ Viện Boehner đòi hỏi. Một phụ tá tiết lộ như vậy nhưng yêu cầu không nêu danh tánh vì chi tiết còn đang được bàn định.
-11 PM: New York Times dẫn nguồn tin từ phía Dân Chủ cho biết cắt giảm ngân sách sẽ là $38.5 tỷ và đã giải quyết xong vấn đề tài trợ cho những nhóm như Planned Parenthood về vấn đề y tế phụ nữ và phá thai.
-11:15 PM: Tổng Thống Obama loan báo các cơ quan chính quyền tiếp tục công việc như bình thường và ông ca ngợi các nhà lãnh đạo lập pháp hai đảng đã đạt được thỏa hiệp. (H.C.)
.
.
.
Foreign Policy  -   Ngày 7 tháng 4 năm 2011

Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 09/04/2011

Chỉ ở nước Mỹ mới có kiểu mắc kẹt như thế này

Hạn chót là ngày 8 tháng 4 đang đến gần ấy vậy mà Tổng thống Barack Obama và những người đứng đầu Quốc hội vẫn chưa thể giải quyết được những bất đồng về sửa đổi luật cho phép dùng ngân sách chi tiêu của chính phủ để tài trợ cho việc phá thai và sửa đổi Đạo luật Không khí Sạch [Clean Air Act] và vì thế chính phủ Liên bang rất có thể sẽ phải đóng cửa. Nếu cho tới thứ Hai tuần sau mà chính phủ vẫn không hoạt động trở lại thì hàng trăm ngàn viên chức chính phủ được coi là làm việc trong các ngành không thiết yếu sẽ phải nghỉ phép. Các ngành thiết yếu chẳng hạn như quốc phòng sẽ tiếp tục làm việc, nhưng quân nhân có thể sẽ không được trả lương. Các dịch vụ quan trọng như phúc lợi dành cho cựu chiến binh và thử nghiệm lâm sàng tại các Viện nghiên cứu y tế quốc gia [thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh] rất có thể cũng bị ngừng hoạt động. Các quốc gia khác đã từng bao giờ phải giải quyết vấn đề như thế này hay chưa?

Chưa bao giờ. Các quốc gia khác có thể gặp phải đảo chính, cách mạng, sụp đổ, nhưng một chính phủ bị đình trệ tới mức đơn giản là nó phải ngừng hoạt động thì chuyện đó dường như chỉ xảy ra ở Mỹ. Hệ thống chính trị của Mỹ có đặc điểm là nó có một ngành hành pháp mạnh và có quyền phủ quyết, còn Nghị viện thì thường là cản trở các đạo luật do chính phủ đưa ra, như thế thì cái chuyện đình trệ như chúng ta đang chứng kiến hiện nay cũng là điều đúng thôi. Ở chế độ nghị viện mà hầu hết các nền dân chủ ở châu Âu và châu Á hiện nay đang đi theo thì quy trình phê chuẩn ngân sách chi tiêu trên giấy tờ cũng diễn ra tương tự như ở Mỹ: thủ tướng chuẩn bị một “ngân sách của chính phủ” rồi đệ trình cho nghị viện để biểu quyết. Nếu nghị viện bác bỏ ngân sách đó thì điều đó thường được coi là một dấu hiệu cho thấy chính phủ không còn được nghị viện tín nhiệm nữa và chính phủ buộc phải ra đi.

Đây chính là điều đã xảy ra vào tháng trước tại Bồ Đào Nha khi Thủ tướng Jose Socrates đã từ chức sau khi một ngân sách chi tiêu với các biện pháp thắt chặt chi tiêu quá hà khắc đã bị nghị viện bác bỏ. Hiện tại đất nước này đang được lãnh đạo bởi một chính phủ lâm thời cho tới khi một cuộc bầu cử được tổ chức để thành lập ra một chính phủ mới – và có thể đoán được là tân chính phủ trong tương lai sẽ gặp khó khăn để nghị viện thông qua ngân sách chi tiêu bị cắt giảm của họ. Tuy nhiên, chính bởi vì một quốc gia theo chế độ nghị viện là “không có một chính phủ điều hành đất nước” song điều đó không có nghĩa là các cơ quan chính phủ ngừng hoạt động. Nhờ có các dịch vụ dân sự ổn định vững chắc và phi chính trị cho nên hầu hết các chính phủ theo chế độ nghị viện đều vẫn có thể duy trì hoạt động bất chấp ai đang nắm quyền. Nước Bỉ không có chính phủ điều hành đất nước kể từ tháng 6 năm 2010 nhưng tàu hỏa vẫn chạy đúng giờ, rác thải vẫn được thu gom và thậm chí ngân sách vẫn được thông qua.

Sự đóng cửa chính phủ theo kiểu của Mỹ về lý thuyết vẫn có thể xảy ra trong chế độ nghị viện nếu một ngân sách bị từ chối và chính phủ không ra đi, song trên thực tế điều này đã không thực sự xảy ra. Cách đây không lâu người ta lo sợ rằng nếu chính phủ của Thủ tướng Nhật Naoto Kan chứng tỏ không đủ khả năng để thông qua một kế hoạch ngân sách vào đầu năm tài khóa 2011 thì lương trả cho viên chức nhà nước và một số dịch vụ công có thể bị đình chỉ. Nhưng cuộc khủng hoảng này cuối cùng đã được ngăn chặn khi ngân sách đã được thông qua do có vụ động đất thảm khốc xảy ra hồi tháng trước. Chính phủ hiện nay vẫn tiếp tục đấu tranh để một loạt các dự thảo chi tiêu liên quan đến ngân sách nói trên được thông qua.

Ngay cả các chính phủ có cơ cấu giống với Mỹ, tức là có ngành hành pháp mạnh, thì họ dường như cũng không gặp nguy cơ phải đóng cửa khi xảy ra những bất đồng về ngân sách. Brazil đã bước sang năm 2008 mà không có ngân sách sau khi các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bị Quốc hội từ chối, song không hề có sự gián đoạn hoạt động của các cơ quan chính phủ.

Thực ra, hiện tượng đóng cửa chính phủ chỉ là một nét đặc điểm của hệ thống chính trị của Mỹ kể từ 30 năm nay. Đạo luật chống chính phủ hoạt động nếu ngân sách không được thông qua [Anti-Deficiency Act], được ban hành lần đầu tiên vào năm 1884, cấm các cơ quan chính phủ liên bang tiến hành các hoạt động hoặc ký kết hợp đồng khi họ không được cấp đầy đủ ngân sách chi tiêu từ nguồn ngân sách đã được quốc hội biểu quyết. Nhưng lịch sử của hầu hết các quốc gia cho thấy các cơ quan chính phủ đơn giản vẫn tiếp tục hoạt động trong các giai đoạn không được cấp đủ ngân sách trong khi họ cố gắng hạn chế các chi tiêu không cần thiết vì họ cho rằng luật không cho phép họ đóng cửa hoàn toàn.

Tuy nhiên, vào năm 1980, bộ trưởng tư pháp của Jimmy Carter, Benjamin Civiletti, đã đưa ra một quan điểm thu hẹp hơn nữa phạm vi giải thích của đạo luật nói trên theo đó đạo luật này đòi hỏi các cơ quan chỉ ngừng hoạt động cho tới khi Quốc hội biểu quyết một ngân sách mới. Kể từ đó đã có năm lần chính phủ đóng cửa: hai lần dưới thời của Ronald Reagan chỉ kéo dài một vài giờ, một lần dưới thời của George H.W. Bush rất may lại rơi vào một ngày nghỉ cuối tuần, và hai lần dưới thời của Bill Clinton kéo dài một lần 5 ngày còn lần kia là 21 ngày, trong thời gian đó ước tính có 800 000 nhân viên chính phủ phải nghỉ phép. Việc đóng cửa chính phủ tiểu bang cũng đã xảy ra một vài lần. Năm 1990, Quốc hội thông qua luật đảm bảo rằng các ngành thiết yếu như thực thi pháp luật và quốc phòng phải duy trì hoạt động trong thời gian không được cấp đủ ngân sách chi tiêu.

Đối với khủng hoảng như lần này, Quốc hội thường trì hoãn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua các dự thảo ngân sách chi tiêu được gọi là các biểu quyết tạm thời [continuous resolutions – Quốc hội thông qua ngân sách tạm thời trước khi ngân sách chính thức được biểu quyết vào cuối năm tài khóa]. Một số đề xuất cải tổ đã đề nghị Quốc hội tự động thông qua ngân sách tạm thời trong thời gian chính phủ không được cấp đủ ngân sách chi tiêu. Điều này có thể cứu hàng ngàn nhân viên chính phủ và những người phụ thuộc vào dịch vụ của họ, song đó sẽ thực sự là một sự chịu trận trước một công cụ chính trị chỉ có duy nhất ở Mỹ: chiến thuật bên bờ vực thẳm.

(Lời cảm ơn xin được dành cho George Guess, đồng giám đốc Trung tâm vì Dân chủ và Quản lý Bầu cử của Đại học American University; giáo sư Allen Schick tại Trường Chính sách Công thuộc Đại học Maryland; và Powell Bingham, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Rochester.)

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: