Monday, April 25, 2011

SỰ THẬT VỀ "HỒI KÝ" CỦA BÀ NGÔ ĐÌNH NHU (Trương Phú Thứ)

TƯỞNG NHỚ BÀ NGÔ ĐÌNH NHU

Trương Phú Thứ  -  4/24/2011

Trân trọng báo tin:

Bà Ngô Đình Nhu
Nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân
1924-2011

Bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân đã về nước Chúa vào hồi hai giờ sáng lễ Phục Sinh,
Chúa nhật 24 tháng 4 năm 2011 tại một bệnh viện ở thủ đô La Mã của nước Ý.

Bà Ngô Đình Nhu đã trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con
và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh. Bà đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng
với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh.

Bây giờ Bà đã “đoàn tụ” với Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu
và cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thuỷ mà bà hết lòng yêu thương quí mến.

Xin quý vị độc giả dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Maria an vui trên Thiên Quốc.

Trân trọng báo tin,

----------------------------

Trương Phú Thứ
11/9/2007

Cách đây chừng vài tháng, trang nhà Đàn ChimViệt có bài Ba giờ nghe một nhân chứng của tác giả Minh Võ. Bài viết của cụ Võ sau đó đã được đăng tải và phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhận thấy có những điểm sau đây cần phải được làm sáng tỏ nên tôi mạo muội viết mấy hàng như là một lá thư gửi đến tác giả Minh Võ.

Trước hết là tôi rất cảm kích về trí nhớ tuyệt vời của cụ Võ. Bài báo tôi viết góp ý với cụ Tôn Thất Thiện về tác phẩm Ngô Đình Diệm: Lời Khen Tiếng Chê đăng trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong cả hơn chục năm nay rồi mà cụ Võ xem chừng vẫn còn thích thú với lời than phiền của tôi: mang khối vàng ròng (TT Ngô Đình Diệm) để cạnh bãi c.t. (Tòa soạn cắt bỏ) (Đỗ Mậu, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ…). Nhiều độc giả đã rất “đồng tình” với lời ta thán của tôi đấy cụ ạ. Như vậy thì cụ Võ cũng có nhiều “đồng chí” lắm. Bởi vậy cuốn Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê đã được in lại mấy lần và nghe đâu đã được dịch sang Anh ngữ. Cụ đã cho tôi một cuốn với lời đề tặng rất ưu ái nhưng đến khi tôi tìm lại để gửi cho Bà Ngô Đình Nhu đọc thì lại không thấy đâu. Chắc là có vị khách nào đến nhà chơi đã “nẫng” đi mà quên không hòan lại cho khổ chủ!

Tôi đã có dịp thăm viếng và chuyện trò với Bà Ngô Đình Nhu đến hơn sáu tiếng đồng hồ. Tôi đã viết một bài tường trình về cuộc thăm viếng này với nhan đề Chuyện trò với Bà Ngô Đình Nhu đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong. Sau đó thì rất nhiều tờ báo ở hải ngọai và cả ở trong nước đã in lại bài báo này. Nhiều đài phát thanh ở hải ngọai cũng đọc đi đọc lại trong một thời gian dài. Một vị làm báo lâu năm ở miền nam Cali phát biểu rằng đó là một bài báo đặc biệt làm xôn xao dư luận nhiều nhất trong vòng hơn ba chục năm qua. Nhân tiện đây tôi cũng xin biểu dương nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn về lương tâm và tính cách chuyên nghiệp của ông (bà) chủ nhiệm. Sau khi đăng tải bài báo của tôi, nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn đã liên lạc với cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ lấy địa chỉ của tôi và gửi cho tôi mấy tờ báo và một chi phiếu năm mươi Mỹ kim. Tình trạng tài chánh của cá nhân tôi không sống chết với cái chi phiếu này nhưng tôi cảm phục về tình giao hảo rất đáng đề cao. Trong khi đó thì các báo khác lại không có đến một lời thăm hỏi và một lần ngồi ở trong tiệm ăn ở miền nam Cali, lúc chờ đợi đồ ăn thức uống tôi thấy một tờ báo đăng tải bài báo này và nhân lúc rảnh rỗi tôi đã dùng điện thọai di động của người bạn hỏi ông chủ nhiệm vì sao đăng bài của tôi mà lại không hỏi tôi một tiếng. Tôi đã được nghe câu trả lời của bọn đầu đường xó chợ rất côn đồ : “Đ. M. đăng cho là may rồi còn hỏi gì nữa.” Đầu giây bên kia là một đứa cô hồn các đảng thì còn biết nói gì đây.

Sau đây tôi xin đóng góp những dữ liệu cần được đề cập tới:

1- Hồi Ký của Bà Ngô Đình Nhu: Rất nhiều người mong đợi cuốn sách này. Sự thật là bà Nhu có viết một cuốn sách khá dầy. Bà viết bằng tiếng Pháp và tự dịch sang tiếng Anh và Ý. Một vị linh mục cao tuổi người Việt ở Paris được bà Nhu nhờ dịch sang tiếng Việt nhưng vị linh mục này đã qua đời khi vừa bắt tay vào công tác dịch thuật. Do vậy đến nay bản tiếng Việt vẫn chưa hòan tất. Điểu cần nói tới là cuốn sách mà nhiều người đang mong đợi không phải là một cuốn hồi ký. Cả cuốn sách không hề có một chi tiết lớn nhỏ nào về các nhân vật cũng như diễn biến chánh trị của thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Đó là một cuốn sách đạo nói về đời sống tâm linh của con người và sự hằng hữu của đấng Tạo Hóa. Bây giờ bà Nhu sống như một người tu hành. Bà đi nhà thờ mỗi buổi sáng và ngày Chúa nhật sau thánh lễ bà ở lại dậy giáo lý cho các trẻ nhỏ. Tôi không nghĩ là bà có ý định in và phát hành cuốn sách này vì khi tôi muốn giới thiệu cụ Vân Trình Nguyễn Văn Lượng là cựu dân biểu đồng viện với bà Nhu và rất tinh thông tiếng Pháp dịch cuốn sách này sang tiếng Việt thì không thấy bà Nhu trả lời hay nói tới nữa. Còn nói rằng các con bà Nhu sẽ phát hành cuốn sách sau khi bà tạ thế thì lại càng không có một lý lẽ gì cả. Trước hết đó là một cuốn sách chỉ nói về đạo mà thôi nên in và phát hành lúc bà Nhu còn sống hay sau khi chết không phải là một vấn đề phải cân nhắc. Sau nữa các con bà Nhu cũng không biết và chẳng thiết tha gì đến công việc này. Con trai lớn là Ngô Đình Trác thì bận bịu với gia đình và công việc trồng trọt. Con trai nhỏ là Ngô Đình Quỳnh thì sống như một ông thầy tu khổ hạnh. Con gái út Ngô Đình Lệ Quyên cũng rất bận rộn với gia đình và công việc giảng dậy cũng như các công tác xã hội từ thiện. Tất cả đều có một cuộc sống kín đáo như bà mẹ nên rất ít tin tức về họ được nói đến. Một cơ sở làm đĩa nhạc đã cố gắng tìm cách tiếp xúc với Lệ Quyên để làm một đĩa nhạc về phụ nữ Việt Nam nhưng đã không thành công.
Tôi nghe phong phanh rằng một người nào đó huyênh hoang có cuốn “hồi ký” của bà Nhu trong tay và sẽ tung ra công luận một ngày gần đây. Tôi xin quả quyết đó chỉ là một lừa bịp trắng trợn để thủ lợi thôi chứ sự thật thì không có gì cả. Sau khi đi thăm bà Nhu về, tôi có hầu chuyện với cụ Cao Xuân Vỹ và thưa rõ đầu đuôi câu chuyện về cuốn sách vẫn được đồn thổi là “Hồi ký Bà Nhu”. Do vậy cụ Võ đã thấy lý do vì sao cụ Cao Xuân Vỹ và cụ Tôn Thất Thiện đã “coi thường” không nói và không để ý gì đến cuốn “hồi ký” của bà Nhu.

Nhân tiện đây tôi cũng có một phân bua để quý vị độc giả phán xét về con người của bà Nhu. Rất nhiều người nghe lời đồn đại và tin rằng bà Nhu rất ghét và khinh khi ông Ngô Đình Cẩn, vì ông Cẩn quê mùa và thất học. Đó là một đồn đại quá ác độc. Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu đã nhờ tôi tìm kiếm một bức chân dung của ông Cẩn. May mắn thay là tôi đã liên lạc được với cựu Trung tá Nguyễn Văn Minh là người đã có chín năm làm việc cận kề với ông Cẩn và xin cho bà Nhu một tấm hình chân dung ông Cẩn. Nếu bà Nhu ghét và khinh khi ông Cẩn thì cố công đi tìm cho được bức chân dung ông Cẩn làm gì?! Mồm mép con người có thể nói ra những lời yêu thương chân thật nhưng đến ngày hôm nay vẫn còn những “sử gia chân chính” viết rằng bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, mấy cái thương xá và rạp hát ở Paris, vài cái đồn điền ở Ba Tây. Gia tài của bà Nhu như tôi đã thấy chỉ có một cái TV mầu 13 inches mà ở Mỹ ném ra bãi rác chắc chắn không ai nhặt. Bà Nhu giữ lễ nghĩa và coi trọng tình cảm gia đình chứ không phải là người bị phê phán và công kích của một vài “sử gia chân chính” cả đời chỉ bất mãn và hận thù.

2- Tuyệt phẩm chánh trị của ông Ngô Đình Nhu: Đó là cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM mà ông Nhu viết bằng tiếng Pháp và được ông Lê Văn Đồng, một vị cựu bộ trưởng thời Đệ Nhất Cộng Hòa dịch sang tiếng Việt (?). Cách đây có đến ba chục năm, cuốn sách này đã được in lại khỏang một trăm bản ở miền nam Cali nhưng đến nay kể như đã tuyệt bản. Tôi có hỏi cụ Cao Xuân Vỹ thì được trả lời rằng : “có một bản mà không biết chừ ở mô”. Tất nhiên không ai biết bản chính bằng tiếng Pháp với chữ viết tay của ông Nhu bây giờ thất lạc nơi đâu.

Ba năm trước đây một người cư ngụ ở Seattle, tạm gọi là ông X, còn may mắn có được cuốn sách này. Tôi đã mượn và nghiền ngẫm mấy ngày đêm nên không có gì ngạc nhiên khi ông X coi như cuốn sách gối đầu giường và rất trân qúy. Đó là một tuyệt phẩm chánh trị mà theo tôi thì giá trị của cuốn sách này đứng trên cả các danh tác chánh trị như The Prince của Machiavel hay The New Class của Milovan Djilas, đặc biệt là đối với người Việt Nam và hòan cảnh của nước Việt Nam. Ông Nhu là một học giả uyên bác và cũng là một chính trị gia thượng thặng nên cuốn sách chứa đựng một hệ thống lập luận và diễn giải dựa trên những diễn biến lịch sử, vị thế của Việt Nam trên thế giới và nhất là những hòan cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Trong nhiều trang giấy người đọc có nhận xét ông Nhu còn là một tiên tri. Những họach định và tiên liệu của ông Nhu đã thực sự xẩy ra. Điều này cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì chỉ với một cây viết trong tay mà ông Nhu đã họach định ra ấp Chiến Lược phá tan đòan quân cộng sản xâm lăng từ miền bắc và cả bọn nằm vùng tay sai ở miền nam. Cuốn sách này thực sự là một kim chỉ nam cho những người còn muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất độc lập và người Việt Nam được sống trong thanh bình no ấm.

Ông X cho tôi coi một bản thỏa thuận của bà quả phụ Lê Văn Đồng, mà ông Đồng là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Việt với bút hiệu Tùng Phong, cho phép được hòan tòan xử dụng cuốn sách, nghĩa là có thể sửa chữa và sau đó phát hành rộng rãi. Tôi đọc cuốn sách mà phải “đánh vần” từng chữ vì cách dịch thuật rất tối nghĩa và lối hành văn nặng nề lại quá khập khiễng làm cho người đọc thật vất vả mới hiểu được.

Ông X muốn tôi giúp một tay để phổ biến đến cộng đồng người Việt. Tôi ưng thuận ghé vai chung sức với điều kiện phải đề tên tác giả là ông Ngô Đình Nhu, người dịch Tùng Phong và tôi là người hiệu đính vì tôi sẽ phải gọt dũa lại từng chữ từng câu và nhiều khi còn phải viết thêm những ghi chú ở cuối trang sách. Nhiều câu quá sức tối nghĩa mà không có bản chính bằng tiếng Pháp để đối chiếu nên tôi đã thỉnh ý cụ Cao Xuân Vỹ xem ông Nhu hàm ý muốn nói hay diễn tả gì. Ông Ngô Đình Nhu viết những trang tài liệu này khi dân số Trung Cộng chỉ có tám trăm triệu người. Ngày nay khối dân khổng lồ đó đã lên tới một tỷ ba trăm triệu người thì chẳng những không chỉ Trung Cộng có những thay đổi to lớn mà cục diện thế giới đã hòan tòan thay đổi. Những điều kiện tôi đòi hỏi đều được chấp nhận. Tôi đang viết truyện dài Đất Mới đăng nhiều kỳ trên Văn Nghệ Tiền Phong nhưng cũng phải cáo lỗi độc giả xin tạm ngừng trong mấy tháng để có giờ lo cho cuốn sách này. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp êm ả và tôi đã có thông báo trên báo chí rằng cuốn sách sắp được đưa vào nhà in và sẽ trình làng nay mai. Nhiều người nôn nóng chờ đợi.

Một buổi sáng, ông X đến nhà tôi đòi lại cuốn sách và nói rằng bà quả phụ Lê Văn Đồng “ra lệnh” không được sửa chữa gì dù một dấu phẩy và rằng đó là công trình tim óc của ông Lê Văn Đồng chứ ông Ngô Đình Nhu không có dính dáng gì đến cuốn sách này cả. Tôi như bị một nhát búa bổ vào đầu, chóang váng và tức giận. Rất nhiều người như cụ Cao Xuân Vỹ, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ… biết một cách chắc chắn thật rành rẽ cuốn sách đó là do ông Nhu viết và là tài liệu học tập cho các đảng viên Cần Lao cao cấp thời đó. Do vậy nói rằng ông Lê Văn Đồng là người đã dịch tài liệu này từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thật sự là một câu hỏi to lớn. Tôi làm việc với tinh thần tự nguyện mà nay lại gặp cảnh trớ trêu như vậy nên đành buông xuôi. Hiện tại trong ổ cứng máy vi tính của tôi chỉ có nửa phần đầu cuốn sách. Vậy vị độc giả nào có cuốn
Chính đề Việt Nam thì xin vui lòng cho tôi mượn để hòan tất công việc như tâm nguyện.

Kính mời qúy vị đọc vài trang đầu của cuốn sách để có một khái niệm về một tuyệt phẩm chánh trị mà rất nhiều người hằng mong ước sẽ có dịp được đọc:

Nước Việt nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển và nhỏ về sự đóng góp của chúng ta vào nền văn minh của nhân loại.

Cho đến ngày hôm nay, trong suốt các giai đoạn lịch sử nhân loại, số phận của các quốc gia nhỏ từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra và liên tục bị những cuộc ngoại xâm đe doạ.

Từ ngày lập quốc, hơn môt ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng nước Việt Nam không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe doạ dân tộc Việt Nam.

Để duy trì ách thống trị, cường quốc xâm lăng thường áp dụng đối với các dân tộc bị trị nhiều biện pháp khác nhau nhưng chung quy vẫn thuộc hai loại chính:

- Ngăn ngừa không để cho các quyền lợi kinh tế vào tay người bản xứ.

- Kềm hãm không để cho dân trí phát triển.

Các biện pháp thứ nhất nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.

Các biện pháp thứ hai nhằm tiêu diệt những người có khả năng xử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là những nhà lãnh đạo xứng đáng.

Đối với các dân tộc bị trị thì hai biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên nếu không có phương tiện thì có thể tìm phương tiện nơi khác, chớ nếu không có người lãnh đạo thì cho dù có phương tiện cũng không xử dụng được.

Vì vậy cho nên đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất thì phương pháp hữu hiệu và điều kiện thiết yếu nhất để chống lại ngoại xâm là đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.

Trong thực tế đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho tinh túy của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.

Thế nào là thiểu số lãnh đạo xứng danh?

Thiểu số lãnh đạo và sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng.

Trong toàn bộ của cộng đồng, gồm có thiểu số lãnh đạo và đại đa số chịu sự lãnh đạo. Một cộng đồng lành mạnh là một tập đoàn có sự hợp tác giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo dẫn đến những phối hợp hữu hiệu trong mọi hoạt động và công tác của cộng đồng.

Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người có đạo đức, nghĩa là có “nhân” theo quan niệm cổ truyền. Những người lãnh đạo xứng danh là những người có sức khoẻ sung mãn, lý trí và tinh thần trong sáng để ứng phó với mọi tình thế, nghĩa là có “dũng” và có “lược”

Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của tập thể, nghĩa là có “trí”. Sinh hoạt của một cộng đồng cũng như đời sống của một cá nhân có thể chia ra nhiều thời kỳ. Thời kỳ trung bình của một đời sống cá nhân là mười năm, mỗi cá nhân phải đương đầu với một số vấn đề chính và đặc biệt của thời kỳ đó. Thời kỳ của một cộng đồng có thể kéo dài đến một, vài thế kỷ và mỗi cộng đồng phải giải quyết những vấn đề thiết yếu của cộng đồng.

Thiểu số lãnh đạo chính danh phải thấu triệt đến chi tiết của từng vấn đề để hướng dẫn cộng đồng trên đường tiến hoá cho thích nghi với chẳng những với khung cảnh hiện tại mà còn với đời sống lâu dài của cộng đồng.

Các đức tính “nhân”, “dũng”, lược” phát sinh từ một căn bản thiên phú, nếu được hoàn cảnh bên ngoài xã hội và cố gắng bên trong cá nhân nuôi dưỡng và rèn luyện thì sẽ phát triển đúng mức. Nhưng nếu không gặp được cơ hội rèn luyện và phát triển thì các đức tính thiên phú trên vẫn tồn tại trong bản chất. Do đó những đức tính “nhân”, “dũng”, “lược” là những điều kiện chủ quan. “Trí” nghĩa là thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, là một điều kiện khách quan. Bởi vì sự thấu triệt vấn đề chỉ có thể thực hiện bằng cách sưu tầm, khảo cứu, phân tích, lĩnh hội, quan sát và tổng kết những dữ kiện và tài liệu bên ngoài liên quan đến vấn đề. Không có dữ kiện và tài liệu bên ngoài thì một bộ óc dù thông minh xuất chúng cũng không thể nào hiểu được vấn đề.

Các đức tính trên đều cần thiết cho một nhà lãnh đạo xứng danh. Tuy nhiên sự khiếm khuyết một trong các đức tính này cũng sẽ mang đến những mục đích dù cho phải can qua trên con đường xây dựng và thực hiện.

Một sự lãnh đạo có đủ “nhân”, “dũng” và “lược” nhưng không thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng không thể đưa con thuyền cộng đồng đến chiến thắng. Một sự lãnh đạo dù thiếu “nhân”, “dũng” và “lược” nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng vẫn có hy vọng thắng lợi, dù rằng thắng lợi đó phải trải qua nhiều gian khổ.

Chúng ta có thể ví trường hợp thứ nhất của một người có xe và đánh xe rất tài. Phát tốc độ, kềm cương, phóng ngựa tới, kéo ngựa lui, quanh phải quanh trái vừa mau lẹ vừa khoan thai không ai bì kịp nhưng lại không biết lộ trình. Như thế dù xe có phóng nước đại vượt ngàn dặm cũng không đưa hành khách được đến nơi phải đến vì chính người đánh xe cũng không biết đang ở chỗ nào và phải đi đến nơi đâu.

Trường hợp thứ hai là trường hợp của người không có xe và cũng không biết đánh xe nhưng lại thấu triệt lộ trình. Những người đồng hành với người này có ngày rồi cũng đến được nơi phải đến, tuy biết rằng cuộc hành trình đầy gian lao và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn.

Suy luận như trên đây không có nghĩa là “nhân”, “dũng” và “lược” không thiết yếu cho sự lãnh đạo nhưng phản ảnh rằng “trí” là sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn cả.

Như thế thì chúng ta phải phân tích và làm sáng tỏ ba điểm:

1- Việt Nam là một nước nhỏ và yếu lúc nào cũng bị nạn ngoại xâm đe doạ.

2- Trong công cuộc chống ngoại xâm thì khí giới hữu hiệu nhất là phát triển lãnh đạo.

3- Trong công cuộc phát triển lãnh đạo thì điều kiện thiết yếu là thiểu số lãnh đạo phải thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.

Trên đây chỉ là những sự thật chứ không phải huyền thọai mà tôi cảm thấy có trách vụ và bổn phận phải thông báo đến quý vị độc giả. Chắc chắn sau này sẽ còn nhiều dịp trở lại đế tài này với nhiều chi tiết và đề tài sôi nổi hơn.
.
.
.

No comments: