Thanh Phương - RFI
Thứ ba 05 Tháng Tư 2011
Việc Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù trong phiên xử ngày hôm qua tại Hà Nội đã gây phản ứng mạnh của quốc tế, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ.
Hôm qua, sau khi kết thúc phiên xử, ông Mark Toner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố : « Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống chính phủ”. Chúng tôi cũng lo ngại về việc phiên toà đã không được tiến hành đúng trình tự chuẩn mực, cũng như về việc tiếp tục giam giữ một số cá nhân đã tìm cách quan sát phiên toà một cách ôn hoà. »
Theo lời ông Mark Toner, việc kết án ông Cù Huy Hà Vũ « đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đặt ra những nghi vấn thực sự đối với các cam kết của Việt Nam trong việc thực thi nền pháp trị và tiến hành cải cách. Không cá nhân nào đáng bị bỏ tù vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận. ».
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Cù Huy Hà Vũ và tất cả các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.
Về phía châu Âu, trong Quốc hội Đức, Đảng Dân chủ Tự do ( FDP ), một trong những đảng thuộc liên minh cầm quyền của thủ tướng Angela Merkel, hôm qua 4/4, đã ra tuyên bố chỉ trích bản án 7 năm tù và 3 năm quản chế đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là « không thể chấp nhận được », nhất là vì đây là một bản án đã được soạn trước theo lệnh của chính phủ Việt Nam và điều này trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện hành.
Nhân dịp này, khối dân biểu Đảng Dân chủ Tự Do Đức kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, với bước đầu tiên là xóa bỏ điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, quy định về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, một điều luật thường được dùng để kết án tù những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, cũng như các blogger".
Về phần các tổ chức nhân quyền quốc tế, tổ chức Phóng viên không biên giới hôm qua đã ra thông cáo lên án vụ xử Cù Huy Hà Vũ, yêu cầu chính quyền phải trả tự do cho ông. Bản thông cáo của Phóng viên không biên giới RSF nhắc lại rằng : « Hiện nay, có 17 công dân mạng đang bị cầm tù ở Việt Nam, tất cả đều chỉ vì kêu gọi dân chủ đa đảng. Việt Nam là nhà tù lớn thứ hai thế giới đối với các nhà bất đồng chính kiến trên mạng ». Phóng viên không biên giới kêu gọi Hà Nội ngưng săn đuổi các nhà đối lập và nên khởi đầu chính sách cởi mở đối với quyền tự do ngôn luận.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, được tờ New York Times trích dẫn hôm qua, thì nhận định là « chính quyền quyết tâm xử ông ấy để làm gương ». Ông Robertson nói tiếp : « Tôi tin là trong khi làm việc này, một mặt họ cũng để mắt tới việc khoanh vùng rất nhiều tổ chức và nhóm hoạt động vừa xuất hiện để ủng hộ ông ấy.”
Phó giám đốc châu Á của Tổ chức quan sát Nhân quyền Human Rights Watch nói rằng, ông không thấy điều gì cho thấy thái độ cứng rắn của chính phủ nhằm vào người bất đồng chính kiến là có liên hệ với cuộc nổi dậy đang diễn ra tại Trung Đông.
Về phía các nhà quan sát, tờ New York Times trích dẫn giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, Úc, nhận định là, sự ủng hộ mạnh mẽ ông Vũ trên đường phố và trên Internet có lẽ đã gây tác dụng ngược lại cho ông Vũ, khi chính quyền đang tìm cách chứng tỏ quyền kiểm soát của họ. Theo ông Carl Thayer, giống như những vụ xét xử các nhân vật nổi tiếng khác, kết quả của vụ án này có lẽ đã được quyết định trước ở một cấp cao.
.
.
.
No comments:
Post a Comment