Thursday, April 14, 2011

QUAN HỆ TRUNG QUỐC - PHILIPPINES BƯỚC VÀO THỜI KỲ KHÓ KHĂN (Nikkei)

Theo Nikkei
Trần Quang (gt)
Thứ năm, 14 Tháng 4 2011 00:00

Thời gian gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Philíppin có dấu hiệu ngày càng xấu đi do các tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Giới phân tích nhận định rằng các hành động cứng rắn của Bắc Kinh là nhằm cảnh cáo thái độ của Manila trong thời gian qua vì có xu hướng không thân mật với Bắc Kinh như thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống Gloria Arroyo.

Khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), nơi Philippines tiến hành thăm dò khai thác dầu khí

Theo báo "Nikkei", sau khi Trung Quốc thực hiện án tử hình đối với ba công dân Philíppin vì tội buôn lậu ma túy vào ngày 30/3, một số tờ báo có tiếng tại quốc gia Đông Nam Á này đã đưa sự việc nói trên lên trang nhất, khiến nhiều người dân nước này cảm thấy rất bất bình với Bắc Kinh. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Tổng thống Benigno Aquino phải lên tiếng trấn an dân chúng và kêu gọi kiềm chế để không ảnh hưởng tới quan hệ hữu hảo Philíppin-Trung Quốc. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là ngay trước khi Trung Quốc tiến hành hành quyết các công dân Philíppin đã xảy ra vụ đối đầu giữa tàu khảo sát dầu khí của Philíppin và tàu tuần tiễu của Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Rong trên quần đảo Trường Sa.

Theo một số đánh giá nội bộ của Bộ Ngoại giao Philíppin, việc hành quyết các công dân nước này có thể là một hành động trả đũa vụ việc trên. Ngay sau vụ hành quyết trên, chính phủ Philíppin đã có một số động thái cứng rắn nhằm đáp trả hành động của Bắc Kinh. Tổng tham mưu trưởng quân đội Philíppin đã tuyên bố sẽ đầu tư 180 triệu USD để cải tạo đường băng trên đảo Pagasa và triển khai một số khí tài quân sự tại các đảo mà nước này đang chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, quân đội Philíppin cũng tiến hành tập trận Balikatan với Mỹ kéo dài tới ngày 15/4, một phần cũng là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, vốn là một nước có xu hướng xử phạt nghiêm khắc đối với tội danh buôn lậu ma túy, Trung Quốc lần này vẫn giải thích vụ việc trên hoàn toàn không liên quan tới các tranh chấp tại Biển Đông và rằng vụ việc được giải quyết theo đúng luật pháp. Tất nhiên, Bắc Kinh không bao giờ có thái độ nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Thời gian qua, báo chí Trung Quốc đưa tin nước này đã phủ sóng di động tới các đảo trên quần đảo Trường Sa, một hành động nhằm tuyên bố rằng các đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc.

Hiện nay, tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc và Philíppin còn có thêm một số nước Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh từ chối các thỉnh cầu của phía Manila về việc giảm án cho ba công dân của họ đã khiến cho các căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nguồn tin ngoại giao đoàn tại Manila cho biết nhiều khả năng Philíppin sẽ không còn ngần ngại và chính thức tiến hành khai thác mỏ dầu Sampaguita tại khu vực bãi Cỏ Rong nhằm khẳng định chủ quyền và thách thức Trung Quốc.

Giới phân tích Nhật Bản cho rằng quan hệ căng thẳng giữa hai nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của Philíppin sang Trung Quốc trong năm 2010 đã tăng kỷ lục 5,7 tỷ USD so với năm 2009. Tuy nhiên, với quan hệ căng thẳng như hiện nay, kim ngạch giao dịch giữa hai nước sẽ giảm sút nhanh chóng, trong khi các chuyến du lịch từ Trung Quốc tới Philíppin cũng sẽ bị cắt giảm. Giới phân tích Nhật Bản cũng nhận định rằng các hành động cứng rắn của Bắc Kinh là nhằm cảnh cáo thái độ của Manila trong thời gian qua vì có xu hướng không thân mật với Bắc Kinh như thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống Gloria Arroyo. Sự căng thẳng giữa hai nước cũng phản ánh sự mất ổn định tại Đông Nam Á, khi Trung Quốc tiếp tục thể hiện ý đồ “thôn tính” khu vực Biển Đông bằng động thái hiện đại hóa quân sự và gia tăng hoạt động trên biển. Điều này cũng có thể khiến khu vực Đông Nam Á xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang khi các nước có tranh chấp với Bắc Kinh buộc phải củng cố quân sự để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh.

Theo Nikkei
Trần Quang (gt)

.
.
.

No comments: