Wednesday, April 6, 2011

QUAN HỆ THÂN THUỘC KHÔNG GIỮ ĐƯỢC CHẾ ĐỘ (Nguyễn Văn Nam)


Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam
Gửi tới BBC từ TPHCM
Cập nhật: 12:05 GMT - thứ ba, 5 tháng 4, 2011

Giới nghiên cứu đang ra sức phân tích nguyên nhân sự phẫn nộ - khá bất ngờ - của người dân đã trở thành cuồng phong cuốn phăng chế độ toàn trị ở Tunisia, Ai Cập và có thể cả Libya.
Suharto tại Indonesia, Marcos của Philippines ở Châu Á trước kia và hiện nay ở Trung đông là Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai Cập, Gaddafi của Libya đều là những anh hùng dân tộc khi lên nắm quyền và là kẻ độc tài tỷ phú lúc bị lật đổ.
Con đường “biến vốn chính trị ban đầu thành vốn tài chính cá nhân” như lời GS Kinh tế Samer Soliman tại Trung Đông cũng không khác nhau: nắm quyền, chủ nghĩa gia đình trị, xã hội hóa chủ nghĩa gia đình trị biến nó thành kinh doanh quan hệ, rồi vơ vét, tham nhũng.
Đây cũng chính là nguyên nhân nội tại sâu xa quan trọng nhất dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của chế độ.

Chủ nghĩa gia đình trị
Chủ nghĩa gia đình trị (Nepotism) bảo đảm những đặc ân cho bà con, người trong gia đình của người giữ quyền lực.
Nepotism được biết đến từ thời cổ đại, đặc biệt là trong Giáo hội từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17.
Giáo hoàng Bonifatius VIII từ năm 1297 - và những người kế nhiệm - đã thành công trong việc duy trì mô hình Nepotism trong suốt hơn 300 năm.
Điển hình nổi tiếng của Nepotism thời nay là Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: Ông bổ nhiệm em trai mình là Robert Kennedy làm Bộ trưởng Tư pháp, một việc làm chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Nhưng sau khi J.F. Kennedy mất, Mỹ đã ra luật cấm Nepotism.
Nepotism hiện đại được hiểu rộng hơn chủ nghĩa gia đình trị cổ điển khi đối tượng của nó không còn gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng.
Nó biến tướng trở thành một kiểu Chủ nghĩa Quan hệ Thân thuộc với đặc trưng vẫn là một loại quan hệ không hình thành do nhu cầu trao đổi có qua có lại cụ thể, mà là nhu cầu và hy vọng sẽ được lợi.
Khi một vị trí quyền lực (kinh tế, công quyền) bị lợi dụng để tạo điều kiện thuận lợi - một cách bất hợp pháp - cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích có quan hệ gần gũi thì đó là những trường hợp dễ thấy nhất của Chủ nghĩa Quan hệ thời nay.
Nhóm thân thuộc có thể gồm bà con họ hàng, bạn bè đồng hương, đồng hội, cùng tổ chức, cùng quan điểm chính trị, cùng tính ngưỡng với người giữ quyền lực của vị trí đó, đặc biệt khi vị trí công quyền bị lợi dụng để đề ra những qui định tạo thuận lợi cho người thân quen nắm quyền,

Khác biệt
Dù có những điểm tương đồng giữa việc sử dụng quan hệ xã hội và tham nhũng, nhưng hai hiện tượng này không giống nhau, một mặt do sự khác biệt về quan niệm đạo đức và xã hội, mặt khác là mục tiêu.
Không như tham nhũng, quan hệ xã hội thường được xây dựng trên cơ sở sự giống nhau, cùng hoàn cảnh hay cùng nhân sinh quan và vì vậy liên quan trực tiếp đến tình cảm cá nhân. Tình cảm này thể hiện ở sự quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Nó được chăm sóc, mở rộng bằng quà cáp và làm điều được nhờ cậy cho nhau.
Khi các anh hùng thời đại như Suharto, Gaddafi lên nắm quyền, họ lập tức củng cố quyền lực bằng Nepotism. Tuy nhiên, việc phát triển Nepotism sau đó sang lĩnh vực kinh doanh, thâu tóm các ngành kinh doanh quan trọng nhất của đất nước, đã khiến nó bị biến tướng, mở rộng và xã hội hóa.
Ai muốn kinh doanh, phải tham gia vào một quan hệ có dây mơ rễ má với hệ thống gia đình của Tổng thống, của bạn bè Tổng thống, của các loại Thủ trưởng. Muốn được bảo vệ, muốn có lợi ích kinh tế ổn định, người ta phải đầu tư xây dựng và bảo vệ quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với con người của bộ máy cai trị.
Vì vậy, trong một chế độ toàn trị, Chủ nghĩa Quan hệ phát triển sẽ tiêu diệt mầm mống xuất hiện của tầng lớp trung lưu - tầng lớp có thể tồn tại độc lập không phụ thuộc vào quan hệ với chính quyền và là nền tảng của một xã hội công dân. Nói cách khác, đây là một ngôi nhà bằng cát.
Do mọi chuyện đều phải giải quyết qua quan hệ mà không cần luật pháp, các cơ chế bảo vệ công dân chỉ được thiết lập một cách hình thức, không có tác dụng nào đáng kể: Tình trạng bất ổn, cảm giác xã hội bất an, đặc biệt là tình trạng bất an về chính trị, luật pháp dần dần xuất hiện.

Bất bình
Khi các tổ chức, cộng đồng xã hội khác như thôn làng, hiệp hội, cũng không thực hiện nổi chức năng bảo vệ, tương trợ nữa, mỗi cá nhân phải tự tìm kiếm sự che chở trong mối quan hệ với những cá nhân có quyền lực hơn. Khi các mối quan hệ ở tầng lớp dưới không còn khả năng bảo vệ người dân và khi họ tin vào những khả năng được bảo vệ tốt hơn bằng một chế độ khác, xã hội sẽ phải thay đổi.
Trong chế độ toàn trị, Chủ nghĩa Quan hệ Thân thuộc trên cơ sở Nepotism chia cắt xã hội, về cơ bản, thành hai tầng lớp - không có tầng lớp trung lưu ở giữa có thể sống độc lập không phụ thuộc vào chế độ.
Một tầng lớp hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ với chế độ (tầng lớp trên) và một tầng lớp là đa số người dân còn lại với các mối quan hệ theo từng nhóm nhỏ để tự bảo vệ, tương trợ lẫn nhau (tầng lớp dưới).
Do không có tầng lớp ở giữa và vì tầng lớp trên có thể tự do ban phát đặc quyền đặc lợi cho mình, bảo đảm được lợi ích riêng mà không cần phải quan tâm đến tầng lớp dưới, sự phân cách giữa hai tầng lớp này ngày càng nhanh chóng mở rộng.
Người dân ngày càng xa rời hệ thống chính trị, xa lạ với tư tưởng và chuẩn mực pháp lý của chính chế độ.
Hệ quả tất yếu là chế độ mất dần tính chính danh, người dân không còn trung thành với chế độ, ý muốn có một chế độ khác lớn dần từng ngày.
Trong thời đại Toàn cầu hóa, họ dễ dàng có đủ thông tin để tin vào sự tồn tại của những chế độ dân chủ pháp quyền khác tốt hơn chế độ toàn trị.
Tất cả những điều đó dẫn đến mâu thuẫn xã hội nghiêm trọng, đến sự bất bình cao độ âm ỉ từ lâu trong lòng dân.
Chỉ cần nguyên cớ thích hợp xuất hiện, người dân - vốn đã quen với việc tự bảo vệ lẫn nhau theo từng nhóm nhỏ - và với mong muốn, niềm tin vào một chế độ khác tốt hơn, dễ dàng nhanh chóng kết hợp lại thành một sức mạnh phi thường chống lại tầng lớp trên.
Do bản chất quan hệ trong tầng lớp trên là vụ lợi trên cơ sở quan hệ với người nắm quyền, nên khi nguy cơ mất quyền của nhóm cầm quyền trở thành hiện thực, các đối tác “chiến lược” cũng nhanh chóng - do hệ thống các mối quan hệ sụp đổ có tính chất dây chuyền - từ bỏ họ để đứng về phía người sẽ nắm quyền, mà trước tiên là đứng về phía đối lập, phía người dân.
Điều đó giải thích cho câu hỏi, vì sao ngày nay sự sụp đổ của các chế độ toàn trị thường diễn ra bất ngờ và nhanh chóng kết thúc.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sĩ luật tại CHLB Đức hiện làm việc ở Sài G̀òn. Ý kiến xin gửi về Diễn đàn BBC qua  Mẫu điện thư.
.
.
.

No comments: