Sunday, April 10, 2011

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG MỘT NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN ĐẤT MỸ (RFA)

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2011-04-08

Ngày 2 tháng Tư vừa qua, lể khánh thành chùa Hoa Nghiêm, được coi là ngôi chùa khang trang, rộng lớn, diễn ra trong khung cảnh trang nghiêm, long trọng, có sự hiện diện của các đại diện dân cử và các viên chức chính quyền địa phương, người Mỹ gốc Việt đang sống tại Virginia, Maryland, Washington DC cũng như từ các tiểu bang khác

Chùa Hoa Nghiêm  .  Source : hoanghiempagoda.com

Tiếng trống múa lân mở đầu phần nghi lễ với hơn bốn mươi tăng ni từ những chùa phụ cận vân tập về chùa Hoa Nghiêm.

Nguồn gốc Chùa Hoa Nghiêm
Sư Bảo Thành, từ chùa Xá Lợi ở Maryland qua Hoa Nghiêm để dự buổi đại lễ này, phát biểu:
Cảm giác đầu tiên là rất hạnh phúc bởi vì cộng đồng người Việt Nam của mình đã cùng góp một bàn tay để xây dựng nên một ngôi chùa mà nơi đó có đời sống tâm linh và nơi đó cũng bảo dưỡng tinh thần văn hóa Việt Nam, nói lên sự đoàn kết của cộng đồng Việt Nam ở ba khu vực Virginia, Maryland và DC. Ước mong các chùa trong vùng đều được sự hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất của cộng đồng để từng ngôi chùa dần dần được viên thành theo hạnh nguyện, để cộng đồng lớn mạnh theo tình liên kết đúng như tinh thần lục hoà mà Đức Thế Tôn đã dạy.

Phật tử Đỗ Quang Toả nói Hoa Nghiêm là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được điều hành bởi một ban quản trị chuyên lo việc hành chánh và tài chánh, trong lúc vị thầy trụ trì đảm nhận việc hoằng pháp và giúp Phật tử tu học:
Theo đúng thuyết của nhà Phật thì chùa phải là nơi mở rộng đón tiếp tất cả mọi người, và tốt nhất là cần một cơ cấu điều hành, lo mọi công việc từ bảo trì cho đến việc xây cất thêm, đó là mô thức tốt nhất.

Chủ tịch cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Virginia, Maryland, Washington DC, ông Đỗ Hồng Anh:
Sau bao nhiêu năm tháng khó khăn, cuối cùng ngôi chùa đã hoàn thành tốt đẹp. Điều đó chứng tỏ quyết tâm phục vụ đạo pháp của Phật tử trong vùng này rất lớn, đồng thời cũng thể hiện cái tự do tôn giáo mà chúng ta đang hưởng tại quốc gia này.

Chư Tôn Đức các chùa VN, Lào, Campuchia, Tây Tạng, Bangladesh...về Hoa Nghiêm Tự ngày lễ khánh thành chùa. RFA

Ngỏ lời trước quan khách, thầy Thích Kiến Khai, vị sư trụ trì chủa Hoa Nghiêm, đề cao công đức của tất cả những người góp phần vào sự hình thành của ngôi chùa:
Xin tri ân chính quyền địa phương đã cấp giấy phép xây dựng, tri ân những mạnh thường quân vì sự trường tồn của đạo pháp tại hải ngoại mà đã nhiệt tình đóng góp công và của để hoàn thành ngôi chùa này. Chúng tôi tri ân kỹ sư, kiến trúc sư đã vẽ họa đồ và xúc tiến xin giấy phép, tri ân nhà thầu đã thực hiện công trình một cách hoàn mỹ và nhanh chóng, tán thán công đức ông hội trưởng, bác sĩ Trần Đoàn và quí vị trong ban chấp hành chùa Hoa Nghiêm đã không mệt mỏi vận động tài chánh để sự xây dựng công trình không bị gián đoạn.
Tóm lại chùa Hoa Nghiêm là một tài sản chung do cộng đồng Phật tử xa gần đóng góp xây dựng, là di sản văn hoá của dân tộc tại hải ngoại để cho thế hệ mai sau tiếp nối .

Quá trình xây dựng một ngôi chùa ở Hoa Kỳ không đơn giản vì quá nhiều thủ tục nhiêu khê và phức tạp, chưa kể thường gặp sự phản đối gay gắt từ người bản xứ vốn có quyền quyết định mọi điều lợi hại trong khu vực họ đang sinh sống.

Chư Tăng và Phật tử qui tụ nơi chánh điện chùa Hoa Nghiêm. RFA

Giấc mơ ấp ủ 25 năm

Trường hợp của Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm là một, nghĩa là hai mươi lăm năm mới hoàn tất. Bác sĩ Trần Đoàn, hiện là Hội Trưởng Hội Phật Giáo Mỹ Châu, kể lại:
Hội Phật Giáo Mỹ Châu được thành lập từ năm 1985. Những người đầu tiên sáng lập là cụ Phan Hoàng Thơ, ông Vĩnh Noãn và chúng tôi.

Năm 1986, Hội Phật Giáo Mỹ Châu mua được căn nhà nhỏ ở vùng Fort Belvoir để làm nơi thờ phượng và tu học Phật Pháp:
Thật ra vùng tôi ở hồi đó thiếu chùa, đi đâu cũng xa, mà những người chúng tôi quen biết cũng đã học Phật từ lâu và muốn tìm nơi thanh tịnh để có thể tu tập.

Vì số hội viên càng ngày càng đông, ngôi chùa khi ấy đã có tên là Hoa Nghiêm, càng trở thanh nhỏ bé hơn. Ý tưởng gây quĩ và vận động xin giấy phép để xây một ngôi chùa Việt Nam bắt đầu:
Chúng tôi quan niệm rằng vị thầy chỉ lo vấn đề tu hành mà thôi, còn vấn đề trả tiền bill hoặc tất cả những vấn đề tài chánh hay xã hội hoặc vấn đề county (đơn vị hành chính địa phương) vấn đề luật sư thì vị thầy đâu có thì giờ để mà liên lạc mà làm những chuyện không dính dáng gì tới sự tu hành của ngài. Trong chiều hướng như vậy chúng tôi mới đồng thuận với nhau để làm một ngôi chùa dưới sự lãnh đạo tinh thần cuả thầy, còn vấn đề hành chánh vấn đề chi tiêu trong chùa thì có hội đỡ phần để cho thầy có thì giờ lo tu tập và hướng dẫn chúng tôi trong vấn đề tâm linh.

Phật tử Nguyên Nghĩa, tổng thư ký Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm, cho hay thoạt đầu Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm thỉnh thầy Thích Phụng Sơn về trụ trì. Được một thời gian, vì bận Phật sự, thầy Thích Phụng Sơn phải tiếp tục công việc của ông tại những nơi khác:
Cuối cùng, thầy Thích Kiến Khai đến vào khoảng năm 1992, và bây giờ cũng được gần hai chục năm thầy Thích Kiến Khai vẫn còn là trụ trì chùa Hoa Nghiêm.

Về những trở ngại khi xây cất Hoa Nghiêm Tự, cái khó đầu tiên là tiền bạc. Đứng trên chánh điện của chùa mới ngày cắt băng khánh thành, ông Nguyễn Chánh Nông, trưởng ban tài chính, chia sẻ:
Phật tử trong vùng đã đóng góp và liên tục trong vòng hai mươi lăm năm chúng tôi mới xây được ngôi chánh điện này. Ngôi chánh điện này là của chung, Phật tử nào cũng góp phần trong đó. Đây là mô thức điều hành khác với mô thức điều hành một ngôi chùa ở Việt Nam. Đây là chùa của toàn thể Phật tử và đây là một hội bất vụ lợi.

Để có thể xây chùa mới, bác sĩ Trần Đoàn kể Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm phải mất mười năm mới được giấy phép:
Ngôi chùa đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Chẳng hạn vấn đề county(đơn vị hành chính địa phương) rất khó khăn, đất phải zoning( qui hoạch) lại, phải có kích thước thế nào, không to quá không nhỏ quá, vì vậy thời gian làm giấy tờ lâu. Muốn làm cái gì thì mình phải đúng theo luật lệ của nước Mỹ, mình đi chậm là vì vậy.

Đã vậy, ngôi nhà nhỏ được sử dụng làm chùa trước kia tuy nằm trên con đường nhỏ và yên tĩnh nhưng lại kế bên một nhà thờ Cơ Đốc và đối diện là một chùa Bangladesh, trong lúc người bản xứ quanh đó không ai theo đạo Phật. Đó là cái khó thứ ba :
Hiện tại tất cả những nhà chung quanh chùa và chùa Bangladesh ngay trước mặt rất sẳn sàng cho mình đậu xe. Và cái nhà thờ Tìn Lành ở bên cạnh cũng rất vui vẻ cho mình đậu xe ngày thứ Bảy. Hoặc một năm có vài cái lễ lớn thì mình mới nhờ họ, tôi thấy hiện tại không có vấn đề gì nữa ngoài vấn đề đậu xe.

Thực tế, tháng Bảy năm 2010 chùa Hoa Nghiêm coi như đã hoàn tất, song vì phải chờ nhân viên hữu trách đến thanh tra mức độ an toàn về phòng cháy chữa cháy, về hệ thống điện nước xem có đạt không, nên đến trung tuần tháng Mười Hai 2010 thì mới được phép chính thức sinh hoạt trong chùa mới. Đó là lý do ngày khánh thành 2 tháng Tư vừa rồi là ngày trọng đại và cũng là niềm hãnh diện của Hoa Nghiêm.

Mọi người đều là anh em đến từ một cội nguồn

Thầy Yaganosri, vị sư Ấn Độ trụ trì chùa Bangladesh đối diện chùa Hoa Nghiêm, bày tỏ:
Trong giáo lý nhà Phật tất thảy chúng ta là anh chị em đến từ một nguồn cội, Phật giáo không dạy con người chống báng nhau. Thật tốt lành khi một mái chùa được dựng lên, bởi người ta tới chùa để thiền tập, để thanh tẩy tâm hồn và tìm sự bình an thanh thản trong một thế giới vốn cứ quay cuồng bám víu vào vật chất vào sự phiền não như thời đại này. .

Quan khách tham dự lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm, từ phải Chủ tịch Cộng đồng Đỗ Hồng Anh, nghị sĩ tiểu bang Poddy Puller, dân biểu Jim Moran, ông Jerry Hyland, giám sát viên đơn vị hành chính Quận Mount Vernon và các vị trụ trì các chùa. RFA

Vị sư chùa Lào, Achan Chandaphorn, nói rằng ngôi chùa mới cho thầy niềm an lạc vô cùng:
Là vì mọi sự đã viên mãn. Năm 1991, khi lập ngôi chùa nhỏ thì ở đây không có sư nên tôi đã đến. Dù ngôn ngữ bất đồng nhưng tôi vui vì mình có thể đến để phục vụ. Là con Phật thì chúng ta là anh em, phải không, Hoa Nghiêm thật là một điều tốt lành.

Và Rinpoche Lobsang Ramyang, vị sư chùa Tây Tạng:
Từ một chùa nhỏ nay thành Hoa Nghiêm Tự bề thế và uy nghi như thế này thì cả là một sự hoàn hảo. Còn nhớ mười năm trước tôi đã tới để chú nguyện và ban phước trên nền đất cũ, nay nhìn thấy chùa mới thì an lạc quá. Chính tôi cũng thấy mình được hưởng phước báu từ ngôi chùa Việt Nam này.


Rất nhiều người ngoại quốc là khách mời danh dự của buổi lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm thứ Bày tuần trước. Đó là đại diện của dân biểu Jerry Conally hoặc đích thân dân biểu Jim Moran đến dự. Được hỏi cảm tưởng, dân biểu Jim Moran nói:
Ngôi chùa như món quà tặng cho cộng đồng, để chúng ta có thể học hỏi về giáo lý đạo Phật, về sức mạnh của sự thinh lặng an tĩnh và trí tuệ. Đây cũng là biểu tượng của cộng đồng Việt Nam trong cộng đồng nước Mỹ, là thông điệp của tín ngưỡng, kiên nhẫn và cương quyết. Công đồng người Việt làm cho cộng đồng giòng chính trở nên giàu có để cùng nhau phát triển
Chính vì thế chúng ta cần học hỏi tín ngưỡng và đức tin của người Việt để có thể tự hiểu về bản thân mình hơn.

Ông Jerry Hyland, giám sát viên đơn vị hành chính Quận Mount Vernon,
phát biểu rằng từ lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm mà ông tham dự hôm nay thì ông đã mơ ước:
Giá mà con người trên thế giới luôn mang mặc tính hài hòa yêu thương đối với nhau như tinh thần Phật giáo, đừng vì đức tin mà phân biệt Công giáo, Hồi giáo, Ấn giáo này nọ thì đâu còn những vụ giết chóc chẳng hạn như bản tin tôi đọc trước khi đến đây là bảy nhân viên Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan bị thảm sát bên cạnh hai mươi mấy người bản xứ trong một vụ thanh toán man rợ liên quan đến chuyện một mục sư ở Florida đốt cuốn kinh thánh của đạo Hồi tháng trước..

Thanh Trúc cũng gặp rất nhiều người khách Mỹ khác nữa hôm lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm. Anh Matthew Regan:
Tôi theo đạo Phật mười năm nay rồi nhưng là Tiểu Thừa Thái Lan. Đến đây hôm nay tôi cũng không thấy khác biệt. Hình như có chùa mới thì ai nấy đều vui vẻ rạng rỡ hết.

Hoặc Michael Malloy, từ Alexandria đến Fort Belvoir để dự lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm:
Bạn tôi là hàng xóm của ngôi chùa này và anh ta mời tôi tới đấy chứ. Buổi lễ rất long trọng. Thật tuyệt khi thấy các thiếu nữ Việt Nam xinh đẹp với áo dài truyền thống, các vị sư uy nghi trong những chiếc y vàng đắp trên người. Chúng tôi được mời dùng cơm trưa, thức ăn ngon và mọi người thật niềm nở. Tôi biết có nhiều người Mỹ tới đây không phải là Phật tử mà cũng cảm thấy được đón tiếp nồng hậu như tôi, cảm giác thật dễ chịu phải không? Nước Mỹ là vậy đó, là tự do tôn giáo, là mọi người có quyền theo bất cứ đạo gì họ muốn theo.

Bạn gái của Michael, Nilmini, người Sri Lanka, cũng cho hay cô không phải Phật tử, nhưng:
Có hề gì đâu, chúng ta đến từ một Thượng Đế mà, đạo nào cũng dạy con người làm sao bớt khổ và làm sao cho được hạnh phúc. Tôi không cảm thấy xa lạ khi tới dự buổi lễ tinh thần này. Thật là tốt khi con người tụ lại với nhau và chịu chấp nhận những dị biệt giữa đạo này với đạo khác. Quan niệm đó giúp con người sống hoà bình, lành mạnh và giàu có.

Nghi thức quan trọng nhất của lễ lạc thành chùa Hoa Nghiêm là nghi thức an vị tượng Thích Ca Mâu Ni, do các vị tăng ni từ các chùa trong vùng cùng cử hành.

Đó là câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp nơi tuần này. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn trở lại tối thứ Năm tuần tới.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: