Philippines to boost Spratly patrols
Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 15/04/2011
MANILA — Quân đội Philippine tuyên bố vào hôm thứ Sáu rằng họ có kế hoạch sử dụng một tàu chiến mới do Mỹ sản xuất để tăng cường tuần tra tại vùng biển tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] giữa lúc căng thẳng lại bùng lên giữa Philippine với Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền đối địch nhau.
Hải quân Philippine đang xem xét sử dụng tàu tuần tra hiện đại thuộc lớp Hamilton mới mua của Mỹ gần đây tại khu vực gần vùng biển mà Philippine tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, người phát ngôn của bộ Quốc phòng Thiếu tướng Jose Mabanta đã cho biết như vậy.
“Đó là một trong những khu vực có thể xảy ra căng thẳng. Chúng tôi thực sự phải bảo vệ một số khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi và quần đảo Trường Sa là một trong những khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi,” Mabanta đã trả lời AFP khi được hỏi liệu chiếc tàu chiến đó có được triển khai hay không.
Mabanta nói rằng một thủy thủ đoàn hiện đang được huấn luyện tại Mỹ về điều khiển tàu tuần tra và dự kiến họ sẽ trở về Philippine trong tháng 6.
Hải quân Mỹ mô tả chiếc tàu thuộc lớp Hamilton đó là loại tàu có sức bền lớn được trang bị các hệ thống vũ khí tác chiến gần.
So với hải quân Trung Quốc thì Hải quân Philippine có một đội tàu nhỏ và cũ.
Đội tàu của Philippine gồm những chiếc tàu cũ của Hải quân Mỹ được Philippine mua lại, chiếc hiện đại nhất là Rajah Humabon, một khu trục hạm hộ tống thuộc lớp Cannon được đóng trong Thế chiến II và là một trong những chiếc tàu chiến cũ nhất của thế giới hiện đang còn hoạt động.
Philippine và Trung Quốc cùng với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam hiện đang tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa được cho là nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản và nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng.
Tranh chấp lại bùng phát trở lại hồi tháng trước khi Manila than phiền rằng tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Philippine ở vùng biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa.
Philippine sau đó đã công bố các kế hoạch tiếp tục thăm dò dầu khí tại vùng biển đó và nâng cấp sân bay quân sự trên một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đệ trình một thư phản đối chính thức lên Liên Hiệp Quốc về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Giữa lúc căng thẳng bùng phát, Trung Quốc lại lặp lại những tuyên bố chủ quyền của một mình họ đối với tất cả các khu vực đang tranh chấp và vùng biển tiếp giáp, hầu hết các khu vực đó đều nằm gần đất liền của Philippine hơn là đất liền của Trung Quốc.
Mỹ coi Philippine là một đồng minh quân sự không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) và hai nước này đã ký một hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951.
Trung Quốc đã nhiều lần nói với Mỹ rằng Mỹ không có quyền can thiệp vào tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
--------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment