Monday, April 18, 2011

PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN và NÃO TRẠNG NÔ LỆ (J.B Nguyễn Hữu Vinh)


J.B Nguyễn Hữu Vinh
18/04/2011

Thuở nhỏ, chương trình sinh vật được đưa vào trường phổ thông trung học dạy về phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.
Môn đó dạy rằng, phản xạ không điều kiện là những phản xạ bẩm sinh, bản năng tự nhiên có như đói thì khóc đòi bú, rét thì khóc để được ủ ấm hơn… Đấy là những phản xạ có tính di truyền.

Thí nghiệm của Paplop

Còn những phản xạ có điều kiện, là phản xạ do quá trình sống tích lũy mà thành, là phản ứng của cơ thể được hình thành trong quá trình phát triển cá thể trên cơ sở “kinh nghiệm sống”. Chẳng hạn người ta nêu một thí nghiệm mà Paplop đã làm: mỗi khi cho chó ăn, bật lên một ngọn đèn sáng, qua nhiều lần như vậy, khi không cho ăn, cứ bật đèn thì chó vẫn cứ tiết nước bọt.
Một người nhát đảm, bị chó cắn nhiều lần dần dần sẽ hình thành phản xạ: cứ thấy chó là hoảng hốt và với họ, thấy chó mà không bị cắn là chuyện lạ.
Trong cuộc sống cũng có những thói quen, suy nghĩ hình thành qua những phản xạ có điều kiện như vậy.

Con người trong xã hội Việt Nam ngày nay phát sinh nhiều phản xạ có điều kiện ngày càng quái gở, đi ngược với quy luật tự nhiên và xã hội nhưng nghiễm nhiên được chấp nhận như thứ luật và tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Có quá nhiều ví dụ có thể dẫn chứng, nhưng hãy lấy ngay cái ví dụ ngày nào ta cũng gặp, chỗ nào ta cũng thấy là lực lượng công an.

Lực lượng cảnh sát giao thông có nhiệm vụ chính là hướng dẫn giao thông, phân luồng, phân lạch và đảm bảo an ninh giao thông cho xã hội. Để thực hiện được luật lệ giao thông, người ta sinh ra những quy định phụ như phạt tiền, giữ xe… của những người không chấp hành nghiêm túc, đây chỉ là yếu tổ phụ.
Thế nhưng, rất nhiều khi lực lượng này không chú ý phân luồng, hướng dẫn giao thông, đường tắc cứ tắc, tai nạn cứ tai nạn, mà lại đi rình, núp, bắt phạt tiền và nhận hối lộ. Để đạt mục đích này, nhiều lý do, nhiều lỗi vi phạm được xét nét, có, không… chẳng biết đường nào mà lần trong khi họ quên đi nhiệm vụ chính của mình là không được để kẹt xe, không được để xảy ra tai nạn.
Dần dần hiện tượng đó thành phổ biến, thành luật và cứ thế, người dân ra đường gặp cảnh sát mà không bị bắt, bị phạt là chuyện lạ, hoặc bị bắt, bị phạt mà không hối lộ hoặc hối lộ mà cảnh sát không nhận là chuyện lạ hơn… Hiện tượng trên có bị báo chí phát giác chỉ là một phần rất nhỏ, và chỉ được xử lý qua quýt, coi như “tai nạn” của những “đồng chí bị lộ”. Và xã hội cứ thế chấp nhận điều vô lý đó.

Cũng chuyện cảnh sát, khi người dân bị đưa lên đồn, lẽ ra đúng theo nguyên tắc pháp luật ở các nước văn minh, và ngay cả ở VN cũng đã được quy định, thì người dân có quyền có luật sư khi khai báo và lấy cung, cấm dùng nhục hình hoặc ép cung…
Thế nhưng, nhiều khi việc ép cung, dùng nhục hình đã được coi như biện pháp điều tra nhanh gọn nhất, dù điều này trái pháp luật. Một điều trái pháp luật nhưng không được chấn chỉnh, nghiêm trị và cứ nuôi dưỡng thành một cách hành xử tất yếu.
Chính vì thế mà đã xảy ra rất nhiều vụ công an làm sai lệch vụ án dẫn đến oan khuất cho người dân, đánh dân công khai ngoài đường, đánh chết dân tại đồn, người dân đang yên lành tự nhiên được gọi lên đồn rồi… “tự tử”.
Nhưng, những vụ việc đó hầu như không được nghiêm trị, có bị phanh phui, thì cũng tỉnh bênh huyện, huyện bênh xã… và xử lý chiếu lệ, qua chuyện, lâu thành nhờn.

Chính sự nhờn này, mà xã hội mang màu sắc công an trị chứ không phải pháp trị hay pháp quyền gì hết. Một số công an ra đường tự mình hành xử bất chấp luật pháp, coi dân như giẻ rách, đối xử với dân như với đám tôi mọi, thù địch mà quên đi họ phải là đầy tớ nhân dân. Cái hình ảnh tuy không đẹp nhưng khá đúng, thì họ có chức năng như con chó giữ nhà cho cuộc sống người dân được yên ổn.

Cũng chính vì họ quên đi nhiệm vụ chính của mình là sinh ra để phục vụ nhân dân mà không được ai nhắc nhở, chấn chỉnh nên dần dần hình thành những quan niệm quái gở như “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình”. Trong khi rõ ràng họ ăn cơm dân, mặc áo dân, lĩnh lương từ túi nhân dân. Còn đảng, đảng cũng ăn cơm và uống nước của dân như họ. Vậy tại sao không phải là “còn dân còn mình” hoặc “còn đất nước còn mình” mà lại “chỉ biết còn đảng, còn mình”?

Điều không ai chối cãi được, là nếu không còn đất nước này, không còn nhân dân, thì ngay cả đảng cũng đừng mơ chuyện tồn tại, huống gì đến công an. Các nhóm xã hội đen, băng đảng cát cứ từng khu vực, từng lĩnh vực khác nhau, sẵn sàng thanh toán lẫn nhau cần phải có đám lục lâm thảo khấu, mặt rô hoặc bụi đời đi theo một thủ lĩnh, băng nhóm nào đó và hưởng lợi từ băng đảng mình, sểnh ra khỏi đó nghiễm nhiên bị xử, bị tiêu diệt bởi băng nhóm khác thì còn có thể chấp nhận được câu nói “còn đảng, còn mình” hoặc “còn băng nhóm, còn mình”.
Nhưng, đây lại là lực lượng mang tên “Công an nhân dân”. Vậy nhưng, chưa thấy ai trong lực lượng này phản đối cái mục tiêu, lý tưởng kia, coi như sự hiển nhiên.
Sở dĩ như vậy, chỉ là vì lược lượng này được chăm bẵm, nuông chiều quá lâu để chỉ biết “còn đảng, còn mình” nên họ quên đi mục đích sinh ra họ là để bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân, tính mạng và tài sản của người dân và xã hội.

Tệ nạn xã hội lan tràn, cướp bóc, hãm hiếp, tai nạn… liên tiếp xảy ra, chưa thấy mấy trường hợp công an phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, nếu công an bắt được một vụ xì ke, ma túy, trộm cướp… thì báo chí đình đám khen ngợi, nhà nước thưởng công, cứ như rằng đó không phải là nhiệm vụ của công an là chỉ vì lòng tốt của họ ban cho xã hội.
Trong khi đó, những người dân nộp đủ thứ thuế để nuôi họ, mà thuế càng ngày càng tăng, lại không được bảo vệ hoặc khen ngợi bao giờ.

Chó cắn chủ

Người chủ nuôi chó giữ nhà an toàn và mến chủ là chuyện bình thường, chó cắn chủ là chuyện không bình thường. Vậy nhưng khi đã quá nhiều hiện tượng chó cắn chủ không bị trừng trị, bị bán hoặc làm thịt, thì chuyện chủ sợ chó lại là chuyện bình thường.

Phía người dân, vì xã hội bị nạn công an trị hoành hành quá lâu, nhiều khi bất chấp luật pháp, Hiến pháp qui định mà người dân không được bảo vệ, không thể kêu cứu vào đâu thì thành nỗi sợ hãi khiếp nhược… dần dần hình thành một phản xạ có điều kiện, chấp nhận những điều không thể chấp nhận được.
Chẳng hạn, khi sự dối trá trong xã hội đang lên ngôi, những lời xu nịnh, tâng bốc được sử dụng làm những món ăn tinh thần như một biện pháp thủ dâm chính trị, ru ngủ mọi người thì những tiếng nói của Sự thật – Công lý bị lạc lõng và nhỏ nhoi.

Lẽ ra, cả xã hội phải coi rằng, đó là những tiếng nói đúng đắn, cần thiết để xã hội phát triển, đất nước phồn thịnh tiến bộ thì ngược lại chính từ sự sợ hãi đã khiến mọi người dân im lặng, nghe ngóng mà không hưởng ứng. Họ tự cấm mình nói, tự cấm mình hành động theo đúng lương tâm, đúng lẽ phải nếu cảm thấy điều đó không được an toàn ngay cả khi Hiến pháp và pháp luật quy định rõ ràng họ có được những quyền đó.

Khi chính họ tự cấm mình làm những điều đúng đắn, được luật pháp cho phép đã là chuyện ngược với quy luật cuộc sống. Hơn nữa chính trong đầu họ hình thành một mối liên hệ, rằng nếu mình nói lên sự thật hành động theo công lý, anh sẽ không được an toàn… và họ coi đó như một quy luật hiển nhiên.

Từ trong bản thân mỗi người, ra ngoài xã hội, khi có một ai đó dám đứng lên nói lên Sự thật, nói những lời đúng đắn, giành lại quyền của mình được Hiến pháp và luật pháp bảo vệ hẳn hoi, thì những người này thấy đó là hiện tượng lạ lẫm và những người đó là những kẻ điên khùng.

Những người đó cho rằng trong xã hội đầy dối trá mà anh đã dám nói lên sự thật, hẳn nhiên anh sẽ bị bắt, hẳn nhiên anh sẽ bị những vấn đề khó khăn với gia đình và bản thân. Những suy nghĩ đó là một phản xạ có điều kiện được hình thành bởi những kinh nghiêm sống của mỗi người dưới thể chế công an trị quá dài và khắc nghiệt.

Thậm chí, khi đã bị hoặc chứng kiến nhiều trò ma giáo, cài cắm, chia rẽ lẫn nhau, người dân hình thành phản xạ cảnh giác. Những người hôm nay là bạn bè thân thiết, chia sẻ mọi điều lớn nhỏ… mai mới ngã ngửa ra là tay trong của công an nhằm theo dõi mình. Những người con gái, con dâu hôm nay còn được bố mẹ nâng niu, chăm bẵm, đột nhiên trở lại tố cha đẻ cưỡng hiếp… khi đó mới hay rằng đã được đội cải cách cài cắm “bén rễ, xâu chuỗi” từ lâu.

Nhiều bài học như vậy người dân chứng kiến trong cuộc sống, đã tạo nên một phản xạ cảnh giác, nếu anh nói Sự thật, anh đòi công lý, anh nói những điều theo lẽ phải mà không bị bắt, thì anh phải là công an(!). Bởi vì nếu không phải là công an, thì chắc chắn anh đã bị bắt, bị tiêu diệt từ lâu… như đó là một quy luật. Một quy luật đặc thù trong thời Công an trị.

Thậm chí những phản xạ có điều kiện trái khoáy nói trên được hình thành và phát triển lâu dài, người dân dần dần hình thành não trạng nô lệ, luôn tự coi mình là kẻ bị trị, là đối tượng được theo dõi, là thành phần có thể bị đập chết lúc nào cũng được. Và họ luôn đề phòng cho bản thân mình được an toàn, dù nhiều khi biết đó là hèn, là thiếu đạo đức và không đúng lương tâm làm người.

Vì vậy mà không dám lên tiếng, không dám đứng thẳng vận dụng những điều được Hiến pháp và pháp luật cho phép để bảo vệ mình.

Vì nhà nước VN đang hô hào, tự xưng và kêu gọi một “Nhà nước pháp quyền” chứ không phải một chế độ công an trị. Vậy thì mọi hành động, việc làm trong cuộc sống xã hội cần phải đúng với quy định của pháp luật chứ không phải phụ thuộc ý thích của công an.

Ngay cả sự tồn tại và hành động của nhà nước, cũng phải đúng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nếu nhà nước chưa làm được điều đó, thì cần có những tiếng nói, hành động để chấn chỉnh, yêu cầu nhà nước thực hiện nghiêm túc những điều đã đưa ra.

Dù đó là một sự khó khăn, nhưng quyền quyết định mọi vấn đề nằm trong tay mọi người dân, kể cả sự tồn tại của nhà nước.

18/4/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh
.
.
.

No comments: