Monday, April 4, 2011

PHẢN ỨNG CỦA GIỚI TRÍ THỨC VN VỀ PHIÊN TÒA CÙ HUY HÀ VŨ (RFA)


Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-04-04

Phiên tòa xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ vừa chấm dứt với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế cho con trai nhà thơ Cù Huy Cận.
Mặc dù phiên tòa đã khép lại nhưng dư luận về nó còn chưa lắng dịu. Những người trí thức phản ứng như thế nào về phiên tòa này?

Làm luật sư cho chính mình

Quỳnh Chi: Trước tiên là một số nội dung trao đổi giữa Quỳnh Chi và GS Phạm Toàn từ Hà Nội.
Ông nhận xét như thế nào về phiên tòa cũng như về kết quả bản án?
GS Phạm Toàn: Đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục.
Quỳnh Chi: Ông có tham dự phiên tòa?
GS Phạm Toàn: Tham dự thế nào được. “Nó” chặn đường từ ngoài mà.
Quỳnh Chi: Vậy ông theo dõi tin tức bằng cách nào?
GS Phạm Toàn: Có những anh em ở đấy nắm được thông và post lên mạng.
Quỳnh Chi: Ông có trao đổi được với các luật sư biện hộ cho TS Cù Huy Hà Vũ?
GS Phạm Toàn: Không được. Không làm gì được hết. Tôi chỉ biết là họ (các luật sư) phản đối, họ bỏ ra về và ông Cù Huy Hà Vũ đứng nói một mình tại tòa.
Quỳnh Chi: Nếu ông được nói một câu cho gia đình ông Cù Huy Hà Vũ thì ông sẽ nói gì?
GS Phạm Toàn: Tôi vừa mới nói với chị Dương Hà là “Hãy dũng cảm lên”.
Quỳnh Chi: Ông vừa nói chuyện với bà Dương Hà?
GS Phạm Toàn: Hà bây giờ đang mệt. Thôi đừng hỏi về Hà.
Quỳnh Chi: Cám ơn ông.

Mức án quá nặng gây phản cảm

Từ Huế, GS Hà Văn Thịnh cũng chia sẻ ý kiến của mình về phiên tòa xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ:
GS Hà Văn Thịnh: Tôi đã được nghe kết quả phiên tòa. Đó là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Quỳnh Chi: Ông có nhận xét gì về bản án?
GS Hà Văn Thịnh: Bản án này rất nặng nề. Tôi nghĩ người ta muốn tìm giải pháp trung dung, tức là mức án thấp nhất là 2 năm tù giam và cao nhất là 12 năm. 2 cộng 12 thành 14, 14 chia đôi thành 7. Bản án nặng nề quá. Khó chấp nhận. Không thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ là những hành vi sai trái của ông Cù Huy Hà Vũ thì chỉ nên răn đe và giáo dục ở mức vừa phải. Trong một thể chế pháp luật như hiện nay, tha bổng thì không được nhưng mà mức án nặng quá thì gây ra phản cảm và kéo theo nhiều hệ lụy ghê gớm lắm.
Quỳnh Chi: Ông vừa mới nói “những hành động sai trái của TS Luật Cù Huy Hà Vũ”, những hành động đó sai trái ở điểm nào?
GS Hà Văn Thịnh: Sai trái đây là sai trái với tòa án, riêng bản thân tôi thì những hành động đó là bình thường. Những phản ứng đó là những phản ứng của quyền công dân. Kiện cáo hay có những đề xuất vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa xã hội. Những sai trái ấy là do quan tòa áp đặt chứ tôi không nghĩ nó sai trái. Nếu như mà nghĩ sai trái thì tôi đã không ký vào đơn xin tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ.
Quỳnh Chi: Ông có nhận xét gì về quá trình tố tụng khi luật sư của ông Cù Huy Hà Vũ không được biện hộ cho ông này?
GS Hà Văn Thịnh: Tôi vừa xem qua thì có thể nói đối với quá trình tố tụng này, tôi xin dùng từ “tệ hại, thất vọng và đau buồn”. Tự do dân chủ tất cả chỉ là những từ hoa mỹ sáo rỗng mà người ta nói thôi. Thực chất nó không có tại Việt Nam. Tôi buồn. Buồn vô cùng.
Quỳnh Chi: Thưa GS, ông nói ông buồn. Vậy ông buồn cho cái gì? Cho ai? Và tại sao ông buồn?
GS Hà Văn Thịnh: Thứ nhất là buồn cho Cù Huy Hà Vũ. Thứ hai là buồn cho dân tộc này, đất nước này bởi vì nếu như cứ tồn tại những bất công như vậy thì đến bao giờ dân tộc mới ngóc đầu lên được, đến bao giờ Việt Nam mới đứng thẳng được như hy vọng của mọi người?
Nếu anh sợ sự thật, anh sợ những những cái sai của anh sẽ gây ra phản ứng thì rõ ràng anh chẳng cầu mong tiến bộ gì cả. Quan điểm của tôi là đã sai là phải nhận. Những vấn đề như tham nhũng, những vấn đề như Vinashin không bao giờ thấy xử sai phạm nào cả thì làm sao mà dân tộc tiến bộ được. Tôi buồn là buồn như vậy.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông rất nhiều.
Quỳnh Chi cũng đã liên lạc được một số trí thức khác trong nước để tìm hiểu phản ứng của họ xung quanh phiên tòa nhưng rất nhiều người đều từ chối trả lời.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Khánh An, phóng viên RFA
2011-04-04

Phiên tòa xét xử TS. Cù Huy Hà Vũ hôm nay (4/4), theo quan điểm của gia đình TS. Cù Huy Hà Vũ và những luật sư bào chữa, là một phiên tòa vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đó chính là lý do các luật sư bào chữa tuyên bố không tiếp tục tham gia bào chữa ngay giữa trong lúc diễn ra phiên tòa. Khánh An có bài tường trình sau.

Vi phạm nguyên tắc tố tụng

Theo LS. Trần Đình Triển, vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ ngay từ đầu đã có những vi phạm về nguyên tắc trong tố tụng về thu thập và đánh giá chứng cứ. Vì vậy, trong phiên tòa, các luật sư bào chữa bao gồm LS. Trần Đình Triển, LS. Trần Vũ Hải, LS. Vương Thị Thanh và LS. Hà Huy Sơn đã yêu cầu chủ tọa đưa ra 10 văn bản được xem là tài liệu căn cứ để kết tội ông Cù Huy Hà Vũ. Tuy nhiên, yêu cần này đã không được chấp thuận. Thêm vào đó, LS. Trần Vũ Hải còn bị mời ra khỏi phiên tòa.

LS. Trần Vũ Hải cho biết:
 “Trước phiên tòa, ông Vũ có yêu cầu Viện kiểm sát và Tòa án cung cấp cho ông bản cáo trạng là 10 tài liệu là căn cứ để kết tội ông, bởi vì ông không có. Tại phiên tòa, sau nhiều lần đấu tranh, tòa án cũng cung cấp cho ông bản cáo trạng. Lúc thẩm vấn, chúng tôi vẫn yêu cầu cung cấp 10 tài liệu này bởi vì tài liệu được coi là của ông Vũ, mà theo điều 214 Bộ Luật Tố tụnh hình sự, cần phải công bố các tài liệu đấy để cho mọi người nhận xét, kể cả kiểm sát viên, luật sư, bị cáo. Điều 214 Bộ luật Tố tụng ghi rõ như thế. Chúng tôi cũng có nói và đưa ra giải pháp trong trường hợp mà tòa thấy rằng tài liệu này dài, công bố không thể hết được thì chúng tôi đề xuất rằng cung cấp 10 tài liệu này cho ông (Cù Huy Hà Vũ) để ông xác định trực tiếp rằng tài liệu này đúng là của ông hay không, nhưng tại phiên tòa, chúng tôi đề xuất những tình huống để giải quyết nhưng ông chủ tọa phiên tòa không đồng ý và “mời luật sư Hải ra”. Chúng tôi cho rằng như vậy việc bào chữa và tự bào chữa không đảm bảo theo Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự. Cho nên luật sư chúng tôi, được sự đồng ý của ông Vũ, buộc phải ngưng nhiệm vụ luật sư vì không thể tiếp tục được trong tình trạng như vậy.”

Sau khi LS. Trần Vũ Hải bị mời ra khỏi phiên tòa, ba luật sư còn lại tiếp tục yêu cầu tòa phải đưa ra các tài liệu trên vì đây là quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng chính là một trong những cơ sở để các luật sư thực hiện trách nhiệm bào chữa của mình.

LS. Hà Huy Sơn nói:
“Tòa không thực hiện điều 214 Bộ luật Tố tụng hình sự, không công bố các tài liệu của vụ án thì chúng tôi không thể có căn cứ để đánh giá xét xử được. Cho nên chúng tôi phản đối và chúng tôi ra về.”

Vô hiệu hóa LS bào chữa

Ngoài ra, LS. Trần Đình Triển cho biết thêm, các luật sư tuy chính thức được cho phép bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên tòa, thế nhưng họ gần như bị vô hiệu hóa ngay khi chưa kịp thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình:
 “Yêu cầu của chúng tôi đang yêu cầu và đang trong giai đoạn xét hỏi để đánh giá, chưa hỏi được gì cả thì chủ tọa phiên tòa tuyên bố chấm dứt giai đoạn xét hỏi, chuyển sang phần tranh tụng. Tôi có đứng dậy trình bày với vai trò luật sư và bảo: Nếu anh Vũ có tội thì xử anh Vũ có tội, anh Vũ không có tội thì xử anh Vũ không có tội, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng xét xử đã không tuân thủ pháp luật thì chúng tôi tại phiên tòa này không thể tham dự một phiên tòa mà đang vi phạm pháp luật.”

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật không chỉ xuất hiện trong phiên tòa mà còn xảy ra bên ngoài TAND thành phố Hà Nội.
Trong khi rất nhiều người dân quan tâm và đến trực tiếp theo dõi phiên tòa được thông báo là công khai, nhiều người đã bị lực lượng công an chìm và những người mặc thường phục khác bắt giữ một cách vô cớ. Trong đó có các nhân vật được quan tâm đặc biệt như Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, LS. Lê Quốc Quân, blogger Paulus Lê Sơn, blogger Cánh Chim Không Mỏi, anh cựu trưởng nhóm SVCG Vinh Nguyễn Văn Tâm và một số người khác.
Một người có mặt tại khu vực TAND thành phố Hà Nội vào sáng nay cho biết ngoài việc chặn tất cả những ngả đường, cấm giữ xe và đóng các lối vào bệnh viện xung quanh có thể dẫn đến khu vực tòa án, còn xuất hiện rất nhiều lực lượng công an chìm và những người mặc thường phục khác có nhiệm vụ canh giữ không cho người dân tập trung lại với nhau:
“Những tốp người chỉ cần đi 2, 3 người và có cầm điện thoại thôi là ngay lập tức ở sau đó có ít nhất 1, 2 công an.”

Theo LS. Trần Đình Triển, đối với một phiên tòa công khai, việc tham gia của người dân là đúng theo quy định pháp luật:
“Theo quy định của pháp luật, phiên tòa phải được xét xử công khai. Mà đã là công khai thì mọi người dân đều có quyền tham dự. Đấy là quy định của pháp luật. Nhưng tôi cũng thấy rất làm lạ là bốn ngả đường đều bị ngăn và dân đến thì rất đông. Chúng ta cũng có thể thông cảm là dân đông mà để vào trong một phòng xử án dù là rộng mấy cũng không thể đủ, thì đáng lý ra chúng ta có một cái sân và kéo loa ra cho dân người ta theo dõi phiên tòa. Bởi vì dân theo dõi phiên tòa không chỉ vì để xem được, nó còn có ý nghĩa của phiên tòa là gì? Vừa là trừng trị, vừa là giáo dục phòng ngừa chung, vừa là góp phần nâng cao dân trí để dân hiểu biết pháp luật. Cái ý nghĩa của tòa xử công khai là ở điểm đó. Nhưng ở đây không được tiến hành một cách đầy đủ như vậy mà được ngăn cấm. Còn sự việc xảy ra ở ngoài phiên tòa thì tôi không nắm được, nếu họ (người dân) đến dự phiên tòa mà cố tình gây rối hay họ có những việc không đúng với quy định của pháp luật thì những người bảo vệ có quyền giữ và phải xử lý theo quy định pháp luật nếu họ vi phạm. Còn nếu họ không vi phạm gì, họ đến nghe phiên tòa và họ tuân thủ tất cả những nguyên tắc, luật lệ mà bắt giữ họ thì điều đó lại là sai.”

Hiện nay, các luật sư bào chữa cho TS. Cù Huy Hà Vũ đã đồng ký vào một văn bản kiến nghị về những điểm vi phạm pháp luật của Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội trong phiên tòa ngày 4/4 này.

Được biết, sau khi các luật sư bỏ về trong phiên tòa, TS. Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố không nói gì, không tranh tụng gì thêm và Hội đồng xét xử cứ việc tuyên án.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: