Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-04-23
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/trad-music-amateur-mlam-04232011101124.html
Đờn ca tài tử Nam Bộ đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nguồn gốc bắt đầu từ nhạc Lễ của cung đình Huế.
Ban nhạc Đờn ca tài tử. Photo: RFA
Lịch sử phát triển
Nó theo chân những công thần nhà Nguyễn lưu lạc vào Nam và được nhào nặn lại theo cốt cách của người phương Nam vốn ưa chuộng đời sống sông nước giang hồ. Âm hưởng Quảng Nam Quảng Ngãi cũng dần dà mất dần nhường lại cho một làn điệu đặc thù phương Nam sau nhiều năm sống chung với người lao động và cả tài tử văn nhân miền Nam của nhiều thế hệ.
Đờn ca tài tử được diễn tấu bởi 4 loại đờn là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm, sau này khi vọng cổ xuất hiện cây đàn tranh được thay thế bằng cây guitar có phím sâu. Theo nhiều tài liệu còn lại cho thấy thuở mới xuất hiện nó được trình diễn trong những nhóm nhỏ tại các dịp lễ cưới hỏi, hay đám giỗ, đám thôi nôi hay sau các vụ thu hoạch khi mọi người rãnh rổi việc nông nhàn. Những đêm trăng sáng, nam nữ thanh niên tụ nhau lại nghe và tham gia nếu biết hát. Mọi người say sưa với những cuộc chơi như thế cho đến khi mỏi mệt thường thì vào lúc nửa đêm về sáng.
Tuy nhiên, đờn ca tài tử mất dần khi chiến tranh tràn vào miền Nam và nhất là khi các phương tiện truyền thông ngày một trở nên tân tiến. Một thời gian rất lâu loại hình này không còn xuất hiện như xưa mà chỉ rải rác trong các khu vực xa hẳn thị tứ nơi người dân không còn gì giải trí ngoài cây đờn guitar phím lõm của mình.
Kết hợp với du lịch sinh thái
Vài năm gần đây báo chí rộn lên những bài viết về phong trào đờn ca tài tử kết hợp với du lịch sinh thái. Loại hình nghệ thuật này đã biến mất rất lâu nay xuất hiện trở lại khiến nhiều người có hiểu biết lịch sử phát triển của nó không khỏi vui mừng và hy vọng cho loại hình nghệ thuật dân dã phát xuất từ vùng đất miền Nam này có cơ sống lại.
Khách du lịch sinh thái thường là người ngoại quốc và những nhóm nhỏ từ mười lăm tới hai mươi người. Một nhóm đờn ca tài tử thường là 5 người, hai ca sĩ và ba nhạc sĩ. Buổi trình diễn của họ kéo dài khoảng nửa giờ và sau đó khách lại lên ghe đi tham quan những nơi khác.
Bên dưới những bóng dừa rợp mát của Bến Tre hay Mỹ Tho, Vĩnh Long, ... khách lịch sự ngồi yên lặng nghe tiếng đờn dạo lên một điệu lý, điệu vắn trước khi bắt vào chương trình. Không loa, không micro những nghệ sĩ trình diễn cố hết sức chuyển chút âm thanh đến người tứ xứ mà ngôn ngữ của họ không cho phép đồng cảm một chút gì trong những luyến láy chữ nghĩa Việt Nam.
Một nghệ sĩ trong nhóm đờn ca tài tử này, anh Chín Nguyên người vào câu vọng cổ vừa rồi rất ngọt cho chúng tôi biết:
“Khách du lịch hiện nay thì có người hướng dẫn truyền đạt lại. Mình trình diễn bài gì hay đờn bài gì thì hướng dẫn sẽ dịch lại. Theo mình đoán thì khách cũng hài lòng vì có hướng dẫn dịch ra cho họ nghe liền. Cũng như bây giờ mình lên hát điệu gì đó nói về lịch sử của Việt Nam hay nói về tình yêu quê hương đất nước thì hướng dẫn sẽ phiên dịch nội dung cho khách nghe. Tại vì khách đi du lịch quốc tế thường thì có một hoặc hai hướng dẫn.”
Nhạc sĩ Tám Long, người chơi guitar trong ban cho biết thêm:
“Nó khác hơn như tụi tui đây phục vụ theo khách như anh đã biết rồi đó. Phục vụ theo khách thì mình chơi bài bản thì nó cũng hổng đa hệ. Tại vì khách nước ngoài người ta không hiểu tiếng Việt của mình thành ra tụi tôi chơi mấy bản ngắn ngắn, điệu lý vậy thôi.”
Người cố cựu còn nhớ thời khẩn hoang lập ấp ở Nam Bộ có hai nhóm đờn ca tài tử nổi tiếng là nhóm ông Kỳ Quờn và nhóm ông Ba Đợi. Ông Kỳ Quờn thì ở miền Tây còn nhóm ông Ba Đợi thì thuộc nhóm miền Đông. Hai bên đều có công phát triển bộ môn đờn ca tài tử bằng cách cải biên các bản nhạc gốc từ Cung đình Huế để phù hợp với tâm tình và con người miền Nam. Sông nước bao la thích hợp với những điệu hò, điệu lý hơn là nguyên mẫu các bài có gốc từ xứ Quảng...
Còn bài bản mà các nhóm đờn ca tài tử hiện nay đang dùng để hát phục vụ khách du lịch thì sao, anh Chín Nguyên cho biết:
“Đờn thì cũng học thầy hay ca cũng phải học thầy chỉ ba cái rồi mình có năng khiếu rồi cộng thêm. Bài ca nói chung là thường thì do soạn giả chứ không có tự biên ra. Những điệu nào mình am hiểu về ca đờn thì có thể theo để viết cũng được nhưng mà ít thôi chứ không nhiều.”
Nhạc sĩ Tám Long giải thích làm cách nào mà khách nước ngoài đồng cảm được với những bản nhạc mà nhóm cố gắng chuyển tải, anh nói:
“Có số anh em hướng dẫn người ta rành người ta dịch ra. Thí dụ tôi ca một bản quê hương thì nội dung của bài ca quê hương đó được hướng dẫn viên dịch ra quê hương là như thế nào! Chứ còn khách nước ngoài nói chung mình ca tiếng Việt làm sao người ta biết? Người ta chỉ biết dụng cụ đờn. Thí dụ cây đờn kìm, cây đờn cò, cây đờn guitar của mình tại sao móc phím như vậy. Rồi mình phải nhấn nhá như thế nào đó.
Tụi tôi ở đây nói thiệt với anh giờ lớn tuổi rồi mà ở nhà thì không có công việc gì làm thành thử ra vốn có biết đờn nên đi làm để có đồng ra đồng vô để đổ xăng đi chơi với bạn bè. Nói chung làm thì lương hỏng có..mà cũng hỏng có cơm trưa nữa.”
Đã mai một
Tình trạng nghèo nàn từ bài hát tới người thưởng thức khiến nhiều người để ý tới với loại hình nghệ thuật dân gian này không khỏi lo ngại. Giáo sư Trần Văn Khê, người bỏ cả đời để nghiên cứu và giới thiệu nền dân nhạc Việt Nam ra khắp thế giới, khi chúng tôi hỏi thăm sự hiểu biết của ông về đờn ca tài tử xưa và nay có khác nhau nhiều lắm không, ông nói:
“Khác nhiều lắm! Cái tinh thần hồi xưa hễ vui thì đờn chơi còn không vui thì để một chỉ hay một lượng vàng cũng không đờn! Còn bây giờ khác! Bây giờ hễ bỏ tiền ra thì nó đờn. Hồi xưa chơi tài tử nghĩa là chơi không phải chuyên nghiệp, tức là vui thì chơi không vui thì thôi. Bây giờ không còn là tài tử nữa mà trở thành bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
Thành ra đi đờn trên TV cũng phải trả tiền, rồi du lịch cũng phải trả tiền thì cái đó là lẽ đương nhiên bởi vì lấy tiền du lịch thì phải trả tiền cho họ chứ họ làm cho du lịch mà không trả tiền thì đâu có được. Thành ra cái tinh thần không còn nữa và đờn cho du lịch thì họ đâu biết gì, miễn cho có tiếng vậy thôi.
Cái chơi hồi xưa là cái chơi do mỗi người có tùy hứng, có sáng tác. Mỗi người làm cái chữ cho hay. Đờn thiệt hay để làng của mình hơn cái làng bên kia, hơn trong nghệ thuật đó. Chơi với nhau cho vui thì nó mới có tiến bộ. Ngày xưa có chất lượng ngày hôm nay có số lượng mà không có chất lượng.”
Cô Kim Nguyên, một ca sĩ nghiệp dư gia nhập vào nhóm như một công việc có thu nhập và cô cảm thấy rất thích nghề này mặc dù thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống ngày một đắt đỏ. Cô kể sinh hoạt chính của mình khi tham gia nhóm đờn ca tài tử:
“Em hát nếu mà gom lại thì chắc khoảng hai năm tại vì bị gián đoạn. Lúc trước em nghỉ đi bán ở cửa hàng trên thành phố rồi mới về làm lại cả năm nay. Lúc trước xin vô làm em không biết bài gì hết. Bạn bè nó chép sao đó em học thuộc rồi xuống điểm làm rồi hát thôi chứ ở nhà không có tập thêm. Lúc trước chỉ hát được mấy bản lý bản vắn nhỏ thôi rồi sau này mới học thêm. Em làm suốt luôn, không nghỉ. Thu nhập của em bình quân khoảng ba triệu một tháng.”
Chúng tôi tò mò hỏi cô có bao giờ thấy khách nghe hát có cử chỉ chê bai một cách lộ liễu hay không. cô cho biết:
“Em làm đa số là khách Tây nên không gặp trường hợp này.”
Còn họ có khen? Không lẽ cứ ngồi im xem từ đầu tới cuối không chê không khen gì hết hay sao?
“Có, nhưng khi họ khen thì chỉ diễn tả mà thôi chứ hỏng biết khen gì chỉ hiểu thôi. Khi họ nói “good” thì mình biết là tốt mà hỏng biết tốt về cái gì vì họ nói tiếng Anh nên không biết!”
Nhạc sĩ Tám Long cho biết những nhận xét của mình về lớp trẻ hiện nay khi phong trào đờn ca tài tử tự phát trở lại:
“Bây giờ mình chơi nó đa dạng hơn. Cái phong trào đờn ca tài tử bây giờ nó mở rộng, hầu như là từ thành thị đến nông thôn rồi xóm ruộng vườn ….Thí dụ như bây giờ lâu lâu mình về dưới quê rồi mấy anh em mới gom lại rồi ngồi trải nệm trải chiếu làm bậy một xị rồi ngồi đờn ca chơi vậy đó…
Hồi thời mình còn nhỏ năm 68 tui mới mười mấy tuổi thôi rồi chiều lại thấy mấy anh lính nghĩa quân mấy ảnh đi học đờn với nhau rồi mình học. Lúc đó tôi mới học Đệ Thất, mình nghe rồi mình khoái….nghe rồi tự học thôi chớ nói chung tôi chưa học thầy nào hết.
Hồi xưa thì ở một huyện, một xã chỉ có một vài người biết đờn ca chơi thôi còn bây giờ mấy em mình nó thông minh lắm. Thí dụ như nó học khoảng vài ba tháng thì được chút đỉnh rồi. Hồi xưa tôi học 6 câu vọng cổ mà học cả năm trời vậy chớ…”
Dưới cặp mắt của một người cả đời nghiên cứu âm nhạc dân gian, GS Trần Văn Khê khẳng định tinh thần của đờn ca tài tử không còn nữa, hay ít ra nó đã mai một dần kể từ khi những chiếc radio đầu tiên phát sóng các bài vọng cổ đầu tiên.
“Tinh thần tài tử nó mất từ khi có radio và khi đài phát thanh kêu vô đờn thì bắt đầu mất rồi. Từ khi có du lịch thì càng mất nữa. Nhưng điều đó không thể nào mình tránh khỏi được, bởi vì bất cứ nghệ thuật nào thì nó không phải bất di bất dịch, nó cũng phải thay đổi theo môi trường, phải thay đổi theo quan điểm thẩm mỹ, theo thị hiếu của quần chúng thành ra cũng có nhiều chuyện lắm…
Nhưng mình phải làm sao giữ cho nó còn cái tinh thần đó để ít nhất cũng còn một số người chơi. Người nào làm ra tiền thì cứ làm ra tiền. Nhưng mà bây giờ phần nhiều sống trong thời đại mà đem tiền vô thì người ta thích, kể cả chính quyền không bao giờ làm chuyện gì về văn hóa. Bởi vì làm văn hóa thì phải bỏ tiền ra mà không cần thu tiền vô, chứ còn kinh doanh thì bỏ tiền ra phải có tiền vô! Bây giờ người ta chỉ sống trong thời đại kinh doanh mà không còn sống trong thời đại văn hóa nữa.”
Chúng tôi xin mượn lời của Giáo Sư Trần Văn Khê để kết thúc bài này. Với niềm hy vọng mong manh là loại hình đờn ca tài tử này sẽ giúp cho nhiều người kiếm sống, tuy vất vả và khá nhọc nhằn nhưng dù sao thì việc làm của họ cũng giới thiệu được phần nào một nét đẹp văn hóa Việt Nam, văn hóa dân gian Nam Bộ.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
---------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment