Friday, April 22, 2011

ĐÂU RỒI THỜI HOÀNG KIM CỦA CẢI LƯƠNG! (Mặc Lâm, Nguyễn Phương, RFA)

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-04-16

Chương trình VHNT tuần này mời quý thính giả theo dõi buổi nói chuyện của Mặc Lâm với soạn giả cải lương Nguyễn Phương về đề tài tại sao sân khấu cải lương hôm nay ngày càng xa rời khán giả và các vở tuồng hay không còn xuất hiện trên sân khấu như vài chục năm trước đây.

Nguyễn Phương: Tôi gia nhập làng ca nhạc cải lương từ năm 1948; nguyên là công chức làm việc ở Phòng Kỹ Thuật Sở Bưu Điện Saigon từ năm 1943, nhà ở đường hẻm Cá Hấp. Lúc đó tôi thường đi coi hát cải lương ở rạp hát Thành Xương, đường Yersin, gần nhà của tôi; tôi làm quen và chơi thân với các anh Thanh Cao, Tuấn Sĩ, Trường Xuân, kép hát đoàn Tiếng Chuông của ông Bầu Cang.
Các anh Thanh Cao, Trường Xuân rủ tôi theo gánh hát. Ham vui, tôi bỏ sở làm ở Bưu Điện, theo làm Quản Lý cho đoàn hát Tiếng Chuông từ năm 1948 và sau đó tôi học làm soạn giả, theo các gánh hát luôn từ năm 1948 đến tháng 4 năm 1989, hơn bốn chục năm liên tục, đến năm 1989 tôi đi định cư tại Montréal Canada.

Mặc Lâm: Theo ông thì trong vài chục năm qua, nghệ thuật sân khấu cải lương có những phát triển nào về mặt kịch bản trước và sau năm 1975?
Nguyễn Phương: Nghệ thuật sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật tổng hợp nhiều ngành nghệ thuật khác, mỗi thời đại có một sự phát triển khác nhau về văn học nghệ thuật.
Ví dụ thời đại còn chịu ảnh hưởng của nền văn học nghệ thuật phong kiến kể từ khi mới hình thành nghệ thuật hát cải lương trong đầu thập niên 10 của thế kỷ trước, từ năm 1917 đến những năm của thập niên 30 thì tác phẩm cải lương chịu ảnh hưởng của các tuồng hát bội, tuồng cải lương trong thời gian này được viết theo truyện Tàu như Phụng Nghi Đình, Mạnh Lệ Quân; tuồng xã hội cũng mang đậm tính chất phong kiến như các tuồng Bội Phu Quả Báo, Tối Độc Phụ Nhơn Tâm… nội dung đề cao các đạo đức phong kiến: tam cang, ngũ thường, quân sư phụ, nhân, nghĩa lễ trí tín. Văn phong thì dùng nhiều chữ nho, nhiều điển tích Tàu, văn biền ngẩu hoặc thơ Đường, thơ tứ tuyệt. Hồi đó cũng có tuồng hay nhưng không phải là tuồng hay đối với thời đại hiện nay.
Ngay như hiện nay, mỗi lần năm năm là ở Việt Nam có tổ chức cuộc Hội Diễn sân khấu toàn quốc, từ năm 1980, 1985, 1990, v.v… Kỳ Hội diễn sân khấu cải lương nào cũng có chọn nhiều tuồng cải lương hay nhất để tặng huy chương vàng hội diễn, Tuy nhiên những tuồng được huy chương vàng đó hát cho khán giả bình thường, người ta không coi. Tính tuổi thọ của những tuồng có huy chương vàng đó không bằng tuổi thọ của một vở tuồng bình dân hồi xưa.
Những vở tuồng như Đại đội trưởng của tôi, Đêm và Ngày của nhà hát Quân Đội, vở Suối Đất Hoa, Bài Ca Giữ Nước, Gió và Bụi Hồn Thơ Non Nước của các đoàn Chèo, đoàn cải lương các tỉnh phía Bắc được huy chương vàng nhưng khán giả và nghệ sĩ miền Nam không xem các tuồng hát đó và cũng không cho là hay.

Những soạn giả tài danh

Mặc Lâm: Xin ông cho biết một vài tác giả điển hình đã đóng góp cho loại hình Cải lương trong thời gian qua.
Nguyễn Phương: Có thể kể tên một số tác giả tiêu biểu cho mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương như:
Ông Mạnh Tư Trương Duy Toản sáng tác tuồng cải lương bằng hình thức sân khấu hóa lối ca ra bộ từ năm 1917 – 1920 ở miền Nam.
Ông Nguyễn Trọng Quyền, từ thập niên 20, lấy cốt truyện Tàu sáng tác nhiều tuồng cải lương nổi tiếng mà mấy chục năm sau giới nghệ sĩ cải lương miền Nam vẫn còn hát các tuồng đó như tuồng Phụng Nghi Đình. Ông Nguyễn Trọng Quyền là thầy và là dưỡng phụ của nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há. Ông Nguyễn Trọng Quyền cũng được các soạn giả Năm Châu, Tư Chơi, Tư Trang tôn là sư phụ.
Soạn giả Nguyễn Văn Tệ, Phạm Công Bình và Châu Hồng Đào là những sinh viên đại học sáng tác những vở tuồng cải lương xã hội đầu tiên hát trên đất Bắc tại Hà Nội vào năm 1927 như tuồng Bội Phu Quả Báo, tuồng Tối Độc Phụ Nhơn Tâm…
Soạn giả Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) là người đầu tiên đưa tân nhạc, nhạc Pháp lời Việt vào tuồng cải lương và các vở hoạt kê hài hước tức là opérette.
Soạn giả Nguyễn Thành Châu là người phóng tác nhiều nhứt các vở kịch Anh, Pháp thành các vở tuồng cải lương.
Soạn giả Năm Nở tức Lê Hoài Nở là người duy nhứt, chuyên sáng tác các vở tuồng cải lương hài hước.
Soạn giả Tư Trang có nhiều tuồng xã hội thành công nhứt trong các thập niên 30, 40.
Soạn giả Mộng Vân (Nguyễn Văn Trung ) là người sáng tác thành công nhiều tuồng cải lương kiếm hiệp, lập thành một trường phái tuồng cải lương kiếm hiệp, sau này hàng chục đoàn hát theo phái của ông hát những vở cải lương kiếm hiệp do ông sáng tác (khoảng hơn 80 vở tuồng).
Soạn giả Bảy Cao (Lê Văn Cao) là người có sáng kiến áp dụng kỹ thuật thu phim ảnh và chiếu trên sân khấu trong khi đang diễn tuồng cải lương. Sân khấu Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao chuyên hát những tuồng cải lương chiến tranh, được báo chí và dân chúng gọi là tuồng cắc bùm.
Soạn giả Viễn Châu sáng tạo hình thức tân cổ giao duyên trong các bài ca vọng cổ thu dĩa.
Soạn giả Thu An áp dụng lối ca tân cổ giao duyên trong tuồng cải lương làm thành loại tuồng thi ca vũ nhạc kịch.
Soạn giả kiêm họa sĩ Thiếu Linh thực hiện sân khấu đại vĩ tuyến, cảnh trí đẹp như những bức tranh trên sân khấu Thủ Đô - Ba Bản.
Soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng nổi danh với những tuồng văn chương mượt mà, đối thoại gay cấn, cốt truyện tâm lý xã hội hay.

Thiếu kịch bản hay

Mặc Lâm: Theo ông thì kịch bản cải lương hôm nay không vượt qua khỏi những vở tuồng cách nay nhiều chục năm nguyên nhân từ đâu?
Nguyễn Phương: Hồi xưa, khán giả đi xem cải lương là để giải trí, thưởng nhức những câu văn hay trong tuồng, thưởng thức những giọng ca ngọt lịm, chiêm ngưỡng những nhan sắc mỹ miều, lối diễn duyên dáng. Cốt chuyện tuồng kể những chuyện tình lãng mạn, éo le, hoặc chuyện dã sử, tình sử Việt Nam hoặc tình sử Trung Hoa, những chuyện tình đẹp được truyền tụng trong dân gian.
Mỗi một vở tuồng đều có tính văn học, theo sát trào lưu văn hóa đang phổ biến nên khán giả rất thích. Đào kép ca mùi, diễn giỏi. Người đi xem có cảm giác như tác giả dùng câu chuyện trong tuồng để nói lên tâm sự của khán giả, nhiều khán giả có cảm giác chuyện tuồng giống như chuyện đời của mình hay của người quen trong lối xóm; họ chia sẻ cảm giác vui, buồn với những nhân vật trong tuồng trên sân khấu.
Khi xem tuồng Lan và Điệp, nhiều khán giả khóc mùi theo số phận của cô Lan, những chuyện tuồng như Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, Thanh Xà Bạch Xà, Mộng Hoa Vương, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Đôi Mắt Người Xưa, … đã lấy nước mắt của hàng triệu khán giả suốt mấy chục năm qua.

Mặc Lâm: Theo nhận xét của ông thì sau năm 1975 cải lương đã phát triển như thế nào nhất là về mặt kịch bản?
Nguyễn Phương: Trong mười năm đầu (từ 1975 đến 1985) Saigon và các tỉnh miền Nam không có phương tiện giải trí nào khác hơn là xem hát cải lương. Các tuồng hát cải lương trong khoảng 10 năm này là những vở tuồng cải lương trước năm 1975 được chọn lọc và chỉnh lý cho hợp với đường lối của chánh quyền mới, như các tuồng Tấm Lòng Của Biển, Phụng Nghi Đình, Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt.
Ngoài ra một số tuồng dã sử của miền Bắc đưa vào, Sở VHTT chỉ định một số soạn giả cũ của Saigon chuyển thể thành tuồng cải lương theo văn phong và lối hát của nghệ sĩ miền Nam như các tuồng Tiếng Trống Mê Linh, Câu Thơ Yên Ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Đường Về Núi Lam, Hùm Thiêng Yên Thế, Bình Tây Đại Nguyên Soái, Ngao Sò Ốc Hến, Một Cuộc Giải Phẩu, Người Ven Đô, Quán Hương Tràm…

Mặc Lâm: Trước tình hình này thì bên Văn hóa thông tin đã có những động thái gì về sự sa sút của cải lương thưa ông?
Nguyễn Phương: Cuộc hội thảo khoa học Sân Khấu cải lương Giữ Gìn và phát triển trong tình hình mới tổ chức tại Saigon ngày 18 tháng 12 năm 2010 đã kết luận là hiện nay trong toàn quốc đang thiếu kịch bản cải lương hay, kỹ thuật và nghệ thuật trình diễn quá cũ, họ muốn đào tạo đạo diễn cải lương để dàn dựng tuồng cải lương chớ không muốn đạo diễn kịch nói đứng ra dàn dựng tuồng cải lương như từ sau 1975 đến nay.

Đạo diễn kịch nói không thể đạo diễn cho cải lương

Mặc Lâm: Xin ông cho biết tại sao đạo diễn kịch nói lại không thể đạo diễn cho cải lương?
Nguyễn Phương: Đạo diễn kịch nói miền Bắc dàn dựng tuồng cải lương miền Nam đã giết chết lối diễn cải lương hồi xưa. Họ đưa hát chèo vô cải lương, đưa lối ca opéra chen vô vọng cổ, cho ca họp xướng bản vọng cổ, cho ca vọng cổ có nhiều tốp nam nữ múa vòng vòng sau lưng hay quanh người đang ca vọng cổ, điệu múa không ăn nhập gì đến bài vọng cổ, làm rối mắt bực mình, không cho người nghe nghe được lời ca và điệu ca vọng cổ…
Họ lại bày ra thứ cải lương “ hoành tráng “ mà chính báo Sân Khấu và các trang web cải lương ở trong nước nói đó là một thứ hát như lẩu thập cẩm tả pín lù, nghĩa là bỏ đủ thứ lên sân khấu, cho hát động tác cởi ngựa với cây roi ngựa trong tuồng cải lương, cho 40 cô ni cô kéo lên sân khấu tụng kinh trong tuồng hoàng tráng Kim Vân Kiều, cho hát loại nhạc rap pha vô vọng cổ, ca lời bài vọng cổ mà nhịp điệu “sì lô róc”, trộn đủ thứ loại ca hát tấu hài vô một vở cải lương, đưa dàn nhạc đại hòa tấu hòa với các cây đàn cổ nhạc.
Đó là về hình thức trình diễn, còn về chuyện tuồng, nội dung tuồng thì nhiều tuồng chửi địa chủ, các ông bà hội đồng hà hiếp nông dân, chia rẽ những cuộc tình duyên giữa con nhà giàu và các nông dân nghèo, nghĩa là theo đường lối đấu tranh giai cấp của Đảng, nói lên sự áp bức bóc lột của địa chủ ngày xưa đối với nông dân, còn những việc bất công, mâu thuẫn trong xã hội hiện tại giữa cán bô tham nhũng, ỷ quyền hà hiếp dân thì chẳng thấy có tuồng cải lương nào dám đề cập đến và hát trên sân khấu.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết khán giả cải lương khi xưa khác với ngày nay ở điểm nào?
Nguyễn Phương: Hồi xưa dân đi xem cải lương để giải trí, để biết một câu chuyện hay, thưởng thức giọng ca hay, chiêm ngưỡng nhan sắc và lối diễn xuất thần của diễn viên. Ngày nay khán giả đi xem tuồng cải lương để nghe cán bộ lên mặt đạo đức dạy đời, để nghe tuyên truyền đường lối chủ trương của chánh phủ mà thực tế thì trái ngược với lời tuyên truyền đó nên khán giả không muốn xem.
Như phân tách kể trên, tôi nghĩ: đó là đã nói rõ tại sao những kịch bản cải lương hiện nay không vượt qua được những kịch bản mấy chục năm trước.

Thiếu rạp diễn

Mặc Lâm:Có nhiều ý kiến cho rằng sân khấu cải lương ngày càng mất khán giả vì kịch bản không theo kịp xu hướng thời đại. Theo ông thì ngoài điểm yếu trong kịch bản cải lương còn có yếu tố nào khác khiến khán giả không mặn mà với cải lương như trước đây nữa? Và có cách nào khắc phục được không?
Nguyễn Phương: Sân khấu cải lương ngày càng mất khán giả, vấn đề không phải chỉ ở điểm kịch bản cải lương yếu, dù có khắc phục được điểm yếu kém của kịch bản mà những nguyên nhân khác làm cho cải lương chết vẫn chưa khắc phục được thì vẫn không thể cứu vãn được sân khấu cải lương.
Điểm yếu kém trước hết là không có rạp hát dành cho hát cải lương. Trước năm 1975, Saigon, Chợ Lớn và Gia Định có tất cả là 39 rạp hát, đình miếu dành để cho hát cải lương.. Sau năm 1975, nhà cầm quyền mới tịch thu tất cả những rạp hát, những nơi dành để hát cải lương hay tân nhạc, họ chia cho các đoàn hát ở trong rừng ra hoặc ở Hà Nội vô chiếm làm cơ sở riêng. rồi phân cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin trực tiếp quản lý một số rạp hát còn lại.
Vì không có tuồng mới và sau năm 1990 ở Saigon có nhiều loại giải trí khác, các ông cán bộ quản lý rạp hát bèn cho nhóm Năm Cam mướn rạp hát mở sòng bạc Casino ngay giữa Saigon. Nhiều rạp khác cho mướn làm restaurant, quán ăn có ca nhạc và tổ chức đám cưới. Nhiều rạp khác biến thành cửa hàng bán sách, bán bánh trung thu, bán quần áo trẻ em. Chỉ còn một rạp hát duy nhứt là rạp Hưng Đạo dành để hát cải lương.
Ngày xưa 39 rạp hát được xây cất ở rải rác trong nhiều quận nên khán giả ở quận nào, có thể đi bộ hoặc đạp xe đạp đến rạp hát ở quận đó để xem. Ví dụ quận 3 có rạp hát Olympic, rạp Đại Đồng, Rạp Long Vân, rạp Hòa Bình, rạp Cao Thắng; dân ở quận 3 muốn xem hát ở đâu thì có thể đi bộ tới đó xem hát. Ở Gia định có rạp Cao Đồng Hưng, rạp Đại Đồng Gia Định, rạp Huỳnh Long… Các quận khác cũng có rạp hát trong quận.
Tuồng tích phải sáng tác theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, tuồng cải lương như vậy sẽ không có nhiều khán giả thích vì người xem hát không chia sẻ được những tình cảm và câu chuyện trong tuồng.
Không có rạp hát, giá vé xem hát ngày càng cao mà người bình dân Saigon kiếm sống còn chật vật, họ đâu có tiền để xem hát. Từ xưa đến nay, những người bình dân, nội trợ, mua gánh bán bưng, thợ thuyền, công tư chức, nói chung những người có thu nhập hạn chế mới thường đi xem hát cải lương. Những người được gọi là hạng đại phú gia ít khi đến rạp xem cải lương. Với giá xem hát ngất ngưỡng trên trời, các đoàn hát cải lương ế khách là điều có thể hiểu được.
Vì vậy khắc phục điểm yếu của kịch bản cải lương chỉ là một trong những điểm khác cần khắc phục như tôi mới trình bày.

Mặc Lâm: Xin cám ơn soạn giả Nguyễn Phương.

Quý vị vừa theo dõi buổi nói chuyện với soạn giả Nguyễn Phương, trong kỳ tới Mặc Lâm mời quý vị theo dõi loại hình đờn ca tài tử mà các nghệ nhân cải lương miền Nam đang áp dụng vào sinh hoạt của họ trong việc phục vụ khách du lịch. Liệu đây có phải là hình thức thật sự của nghệ thuật đờn ca tài tử hay không và khi áp dụng nó vào mục đích kinh doanh thì nó sẽ bị biến dạng theo chiều hướng nào, mời quý vị đón nghe trong tuần tới.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: