Wednesday, April 20, 2011

ĐỐI THOẠI VỚI CỘNG SẢN : NGÂY THƠ, ẢO TƯỞNG và THAM VỌNG (Trần Dũng Lạc)


Trần Dũng Lạc
Đăng ngày 20/04/2011 lúc 18:49:38 EDT

Đọc phát biểu mới đây của Đức Hồng Y Giuse Trần nhật Quân tại Hoa kỳ, tui vừa khâm phục vừa cảm thông với ngài. Tui rất chịu vị Hồng Y Giuse Trần nhật Quân của Hồng Kông xưa và của Trung Quốc nay vì ngài hưu rồi mà chưa chịu nghỉ, vẫn canh cánh trong lòng thao thức thấp thỏm cho quê hương đất nước và đặc biệt cho Giáo hội Hoa Lục, một Giáo hội mà lịch sử là đau thương, là chia cắt, là tù đày bắt bớ cho đến tận thiên niên kỷ thứ 3 này, nhứt là ngài tiếp tục lên tiếng dầu là một tiếng nói cô đơn, lạc lõng, hổng ai muốn nghe, Nhà Nước hổng muốn nghe là cái chắc vì ngài nói huỵch tẹt những âm mưu thủ đoạn của họ, cũng như của Giáo hội quốc doanh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo mà Lưu bách Niên cầm đầu, đau đớn cho ngài là Tòa Thánh như cũng hổng muốn nghe, có vẻ như Tòa Thánh muốn nghe những báo cáo nhẹ nhàng với những hứa hẹn thành công như của linh mục Jeroom Heynryckx cho rằng vị Hồng Y già cả này quá khích hay gây rối.

Nhưng sau biến cố Thừa Đức, có ai còn ảo tưởng nữa không? Vậy mà linh mục người Bỉ này vẫn còn gân cổ lên kêu gọi phải đối thoại bằng mọi giá, rằng cuộc tấn phong bất hợp pháp Giám mục Quách Kim Tài là tốt đẹp!!!
Thiệt cám ơn Đức Hồng Y Giuse Trần nhật Quân hết sức, dầu già cả mệt mỏi, dầu người nghe kẻ không, vẫn cất lên tiếng nói của sự thực, nhờ đó cảnh tỉnh một số người mê muội và khích lệ một số người nản lòng muốn bỏ cuộc trước sự dữ.

Ngó tới rồi lại ngó lui, nhìn người rồi lại nhìn ta thầm ước phải chi Việt Nam ta có một vị như Đức Hồng Y Trần nhật Quân, ngài là người của công đồng Vatican II đó chớ, là người được sống tự do ở Hồng Kông nhiều năm trước khi vùng đất này thuộc về Trung Quốc đó chớ, mà sao ngài vẫn đấu tranh cho dầu ngài biết bị mang tiếng là “đối đầu” trong khi đó những vị sống tại Hoa Lục lâu năm, không biết đến công đồng Vatican II, không được nếm mùi tự do lại hoàn toàn ngoan ngoãn “đối thoại” vâng lời và tuân hành ý Nhà Nước, khác hẳn với một vị của ta, lúc nào cũng lên án miền Bắc là “đối đầu” theo tinh thần Vatican I, chỉ có mình ngài là “đối thoại” theo tinh thần Vatican II, mong sao ngài nhìn vào tấm gương Đức Hồng Y Trần nhật Quân một chút thôi thì Việt nam đỡ khổ lắm!

Nói thiệt có suy nghĩ một chút và trong thời đại “đối thoại” thay đối đầu, ai mà không muốn đối thoại, nhứt là khi người đối thoại nắm quyền lực luôn muốn chà đạp kẻ đối đầu thì kẻ đối đầu chỉ có nước bể đầu thôi. Cực chẳng đã mới phải đối đầu, mới phải chịu tiếng quá khích, hay gây rối chớ ai không muốn được tiếng là dễ thương, là nhẹ nhàng, là dùng đường lối mềm dẻo mà thành công. Nhưng nhìn lại lịch sử, qua những kinh nghiệm thực tế sao thấy “đối thoại” mà ngán ngẩm, hổng biết tui có bi quan hay là thiên kiến không nghen, nhưng tui thấy hầu hết những người chủ trương đối thoại về phía Nhà Nước đều âm mưu thủ đoạn gian dối lọc lừa, còn về phía Giáo Hội đều ngây thơ, ảo tưởng và có tham vọng, hổng nói bâng quơ đâu nghe, nói có sách mách có chứng đàng hoàng đó nghen.

Tui hổng rành lắm về chính trị, nhưng nghe nói lại thì thấy những chiêu bài của đảng cộng sản như “đối thoại”, “hợp tác” đều là lường gạt hết thảy. Tòa Thánh đã thu lợi được gì từ Ospolitik của Đức Hồng Y Casaroli với các nước Đông Âu hay là chỉ những lời hứa hẹn hão huyền và những thất bại cay đắng.

Tại Việt Nam thì các đảng phái chính trị đều có kinh nghiệm ê chề. Thời cách mạng còn phôi thai, Việt Minh đã liên kết mọi đảng phái để tập hợp lực lượng đánh đuổi ngoại xâm, dành độc lập. Thời đó các đảng phái đều nức lòng phấn khởi tập họp lại chung sức chung lòng cho đến nỗi cả khối Công giáo cũng tích cực tham gia như Đức Cha Tađêô Lê hữu Từ nhận làm Cố vấn cho Chủ tịch Hồ chí Minh khi ông này đến tận Đan viện Nho quan để thỉnh cầu và Đức Cha Hoàng văn Đoàn đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ cũng như nhiệt liệt ủng hộ tuần lễ vàng, Đức Cha Phaolo Lê đắc Trọng thời ấy còn là chủng sinh đã hăng hái tham gia mít tinh mừng độc lập, cha Gioan Đỗ Tông, cầm cờ đi đầu, và khi thấy đoàn chủng sinh đứng xa lễ đài, chủ tịch Hồ chí Minh đã kêu gọi đoàn đến sát lễ đài hơn, còn các đảng phái thì khỏi nói, nào là Phục Quốc, nào là Quốc Dân Đảng … tất cả đều về dưới cờ Việt Minh.

Nhưng khi đảng đã nắm quyền rồi thì sao? Lập tức mặt thật phơi bày với các cuộc thanh trừng đẫm máu đến nỗi Nguyễn hải Thần và Nhất Linh phải cao chạy xa bay, các Đức Cha Lê hữu Từ và Hoàng văn Đoàn rút lui và sau đó vào Nam. Cứ nhìn vào các đảng phái do chính Nhà Nước này lập nên như Dân Chủ thì thấy, chỉ một thời gian sau là chết ngỏm. Đó là một kinh nghiệm về “hợp tác” và “đối thoại”. Khỏi cần nói tới những đảng phái vốn không cùng lý tưởng với cộng sản, nhưng hãy nói ngay tới Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vốn là con đẻ của đảng hết mình vì đảng, vậy mà sau ngày cách mạng thành công họ đã được những gì, hãy hỏi các bậc kháng chiến lão thành như Nguyễn văn Trấn, Nguyễn Hộ… thì rõ.

Khi đất nước còn bị phân chia hai miền Nam – Bắc, tui hổng rõ lắm về cuộc đối thoại giữa tổng thống Ngô đình Diệm, ông cố vấn Ngô đình Nhu và chủ tịch Hồ chí Minh, nhưng về tổng thống cuối cùng thì hỏi ai có thể quên cho được. Ông Dương văn Minh được bầu lên cùng với ông Trần văn Hương và cộng sản bắn tiếng rằng chỉ đối thoại với ông Dương văn Minh mà thôi. Ông Dương văn Minh cũng tưởng rằng mình là người quan trọng có thể cứu được đất nước khỏi đổ máu và miền Nam được giữ đúng vị trí trung lập như hiệp định Paris qui định nên ông mới nói với ông Trần văn Hương vốn là người có uy tín và là thầy dạy ông : “Thầy đã hi sinh tới mức này, xin thày hi sinh một bước nữa cho trọn, nhường cho tui làm Tổng Thống”. Cũng tưởng rằng như thế là có lợi cho đất nước, ông Trần văn Hương đã đồng ý. Tới ngày 30-04-1975, ông Dương văn Minh qua trung gian của một thày chùa có liên lạc với cộng sản, trước đó chính vị thày chùa này cho biết đảng chỉ đồng ý đối thoại với tướng Dương văn Minh và hứa chắc chắn sẽ làm trung gian đưa cách mạng tới đàm phán, nhưng khi Sài gòn thất thủ, vị thày chùa này nói với ông Dương văn Minh rằng : “Tui hổng còn làm gì được để giúp tổng thống, tổng thống hãy tự cứu mình” tới nước đó, ông Dương văn Minh chỉ còn biết than trời :”Dzậy là thày giết tui rồi”. Khi quân cách mạng tiến vào Dinh Độc Lập, ông Dương văn Minh nói: “Tui đang đợi anh em đến để làm thủ tục bàn giao” thì được quân cách mạng trả lời : “Không có bàn giao gì hết, ông chỉ còn một việc là tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. Đau đớn chưa kinh nghiệm “đối thoại” và “hợp tác” với cộng sản. Hổng biết ông Tướng Hoa Lan này khi chết có để lại hồi ký gì không, nhưng theo cách ông hành xử khi còn sống có lẽ ông đành ngậm đắng nuốt cay giữ kinh nghiệm đau thương bị lừa dối này đem xuống âm phủ luôn. Thiệt quá ê chề.

Ngoài đời thì như vậy, còn trong đạo thì sao? Có những vị chỉ vì chưa có kinh nghiệm, dễ tin nên bị lừa trong một thời gian rồi sau đó tỉnh ngộ như một vài giám mục và linh mục, kể cả những người chỉ phấn khởi trong những ngày mới dành được độc lập, sau đó phải ngậm ngùi chia tay màu cờ đỏ, có những người phải mất một thời gian lâu hơn mới biết được sự thật như vài linh mục có thế giá, đã có một thời bị lừa dối nên dưới chế độ đệ nhị Cộng hòa đã quyết liệt phản đối ông Thiệu, vận động cải thiện chế độ lao tù cho tù nhân cộng sản tại Côn Đảo, đã vào bưng gặp gỡ cách mạng, trong thời gian còn kháng chiến, mạnh mẽ ủng hộ đảng với tạp chí Đứng Dậy, Đồng Dao… mãi cho đến khi cách mạng thành công, báo Đứng Dậy được tiếp tục một thời gian rồi bị đóng cửa vĩnh viễn, bấy giờ các vị mới hoàn toàn thông hiểu việc “đối thoại và hợp tác với Nhà Nước” thực sự là gì và phải có thái độ nào mới phù hợp với cộng sản.

Trong hàng giám mục cũng có những vị chỉ phấn khởi trong những ngày đầu cách mạng như Đức Tổng Giám Mục Nguyễn kim Điền, đã mau chóng khích lệ giáo dân sống đạo thời cách mạng bằng cuốn giáo lý “Tôi vui sống” rất tích cực, nhưng chẳng bao lâu, ngài đã hoàn toàn thay đổi thái độ khi thấy rằng chẳng thể ngây thơ và ảo tưởng mà đối thoại với đảng cộng sản được. Có vị kia rất gần gũi với Nhà Nước nhưng từ khi biến cố Tòa Khâm Sứ nổ ra thái độ của ngài có nhiều thay đổi, nói sự thật nhiều hơn. Chỉ còn một số rất ít giám mục và linh mục xem ra kiên định trong đường lối “đối thoại”và “đối thoại bằng mọi giá”. Các vị này chủ trương “đối thoại” tuy ở nhiều cấp độ khác nhau và dưới nhiều sắc thái khác nhau và vô tình đều đi tới một vài điểm chung là làm lợi cho cộng sản và làm hại cho Giáo hội nhiều khi đi đến chỗ chống báng lại Tòa Thánh.

Đối thoại sao được khi vì muốn “đối thoại” với đảng cộng sản mà hổng dám nói một lời bênh vực vị Chủ Chăn của mình dù vị này vô tội? Người giáo dân Sàigon phải cúi đầu xuống tủi nhục vì vết nhơ này (may mà hình như cũng có một số nhỏ linh mục và giáo dân bênh vực vị chủ chăn đó). Đối thoại sao được khi để cho các linh mục đảng viên lộng hành thao túng trong giáo phận suốt nhiều thập niên? Đối thoại kiểu gì mà tham quyền cố vị đi với Nhà Nước ngăn cản việc bổ nhiệm của Tòa Thánh?

Đối thoại kiểu gì mà phải báo cáo mọi việc của HĐGM cho Nhà Nước, một nhân viên cao cấp thuộc Ban Tôn Giáo tự hào khoe rằng tại hội nghị thường niên, HĐGM làm gì chúng tôi đều biết, thậm chí vị nào phát biểu gì chúng tôi đều rõ, vì thế những văn bản như thư chung của HĐGM, Nhà Nước đều biết nội dung trước khi công bố nên đã nhiều lần can thiệp bắt sửa đổi và vì biết trong hội nghị ai đã phát biểu gì nên có thái độ trả đũa như không chấp thuận Đức cha Hòa về Hà nội. Là đối thoại hay sao khi báo cáo danh sách ứng viên giám mục của cả Việt Nam cho Nhà Nước trong khi đây là việc tuyệt mật của Tòa Thánh trực thuộc trực tiếp vào Đức Thánh Cha? Một điều thấy rõ là từ khi những vị “đối thoại bằng bất cứ giá nào” thôi đi họp thì hội nghị của HĐGM mới hết rò rỉ thông tin.

Đối thoại kiểu gì mà phải đi ngược đức tin của mình khi vào hùa với Nhà Nước chống việc phong thánh, lên án cha mình là các thánh tử đạo? Đối thoại kiểu gì mà nghe theo chỉ thị của Nhà Nước chống lại mẹ của mình là Đức Mẹ Lavang, trong khi giáo dân toàn quốc nô nức kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lavang lại viết bài công kích mẹ Lavang? Đối thoại kiểu gì mà phản bội người anh em của mình khi vụ Tòa Khâm Sứ nổ ra, toa rập với thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, hòng bứng Đức Tổng Giuse ra khỏi Hà nội. Trong việc này chúng tôi có hỏi Đức Tổng Giuse thì ngài chỉ mỉm cười đáp: “Mọi sự ở trong thánh ý Chúa hết”.

Tại sao các ngài lại chủ trương “đối thoại” và đi đến những việc làm không lường được hậu quả như thế, sau một thời gian nhìn lại có thể thấy một vài lý do, đó là do tham vọng, ảo tưởng và ngây thơ.

Đa số những vị này đều có tham vọng làm được một kỳ tích. Từ khi xuất hiện cho tới nay, cộng sản không hề đối thoại và nhượng bộ trong đối thoại, chính vì thế cộng sản kích thích đối thoại, việc đối thoại với cộng sản là không có thể, điều đó kích thích người ta tìm cách đối thoại, và những người tự hào mình có khả năng, có trí thức tìm cách đối thoại với cộng sản vì tự tin vào khả năng của mình và có tham vọng tạo nên kỷ tích từ trước đến nay chưa ai làm được. Ngay cả Bộ Truyền Giáo mà Đức Hồng Y Trần nhật Quân đề cập tới cũng thế, muốn tạo nên kỳ tích trong thời đại của mình, Giáo hội Trung Quốc gặp gian nan khốn khó, từ trước đến nay Nhà Nước không chịu đối thoại, nay ta đối thoại được là thành công rồi, và nếu thiết lập được bang giao thì đó là lịch sử. Có thể đây là một tham vọng thánh thiện muốn phục vụ Giáo hội, muốn điều tốt cho Giáo hội, nhưng tham vọng là tham vọng và bao giờ nó cũng chỉ là tham vọng với đầy đủ nghĩa xấu của nó với những nết xấu đi kèm là kiêu căng tự mãn : “Phải là người trí thức, có bản lãnh như ta mới đối thoại được”.

Đa số đều có ảo tưởng là có thể đối thoại với cộng sản, ảo tưởng này có thể do tự đề cao chính mình hoặc cũng có thể do cộng sản vẽ ra để tâng bốc cho đối phương vào mê hồn trận cho dễ lợi dụng như trường hợp ông tướng Dương văn Minh là cụ thể, ông đã nghĩ chỉ có mình có khả năng đối thoại, đảng cộng sản chỉ chọn ông là người đối thoại, ông có ảo tưởng và ảo tưởng đó được cộng sản bơm lên cho thành thứ bong bóng mầu sắc đẹp đẽ nhưng cuối cùng nổ tung cuốn theo tất cả không chỉ sự nghiệp mà cả danh dự và nhất là quyền lợi thiêng liêng của cả đất nước dân tộc. Với các vị lãnh đạo trong nhà đạo cũng thế, cộng sản tâng bốc rằng chỉ có các vị là đối thoại được, chỉ có các vị nói là chúng tôi nghe được, chỉ có các vị là người yêu nước vì yêu xã hội chủ nghĩa, chỉ có các vị đem lại lợi ích cho đất nước vì biết hi sinh quyền lợi của tôn giáo. Đức cha Nguyễn sơn Lâm lúc cuối đời đã thú nhận : Thời của chúng tôi, chúng tôi đều nghĩ rằng mình có thể đi vào xã hội, tiếp cận với cộng sản, đối thoại và thuyết phục được cộng sản để làm lợi ích cho Giáo hội, sau đó tuy không nói ra nhưng thái độ của ngài cho thấy ngài đã hết ảo tưởng về khả năng đó, vậy mà hiện nay vẫn còn người nuôi ảo tưởng đó.

Đa số đều ngây thơ, vì ngây thơ nên mới có ảo tưởng, vì ngây thơ nên mới bị cộng sản cho vào tròng, thật lạ lùng chính những người tự hào là thông minh khôn khéo nhất, chính những bậc trí thức tài ba lỗi lạc nhất lại là những người quá ngây thơ bị cộng sản cho vào bẫy, ngây thơ đưa đến hậu quả kép ngược đời và tai hại, một đàng ngây thơ nên rất sợ Nhà Nước, từ sợ làm Nhà Nước buồn lòng đến sợ Nhà Nước trừng phạt, trong khi đó vì ngây thơ nên rất dễ tin những hứa hẹn của Nhà Nước, rất háo danh, ham hố chức quyền, ham hố huân chương, chí ít là ham hố những lời nịnh hót của Nhà Nước phong các vị đó lên hàng cứu tinh của đạo giáo.

Trách nhiệm phần nào thuộc các quan chức cao cấp trong Giáo Hội, trong một thế giới thiếu thông tin và bưng bít như thế giới cộng sản, các ngài quá tin những gì người ta báo cáo, nhất là những báo cáo ngọt ngào bùi tai cho rằng người này người kia có thể làm trung gian và những người “trung” ít “gian” nhiều này đánh bóng tô hồng những kết quả do đối thoại đem đến, như tại Trung Quốc hiện nay, các ngài đã làm gì với linh mục Jeroom Heynrickx và những báo cáo của ông để phải nhận những nhục nhã do những nhượng bộ đối với Trung quốc hôm nay. Một thái độ khác của các ngài rất đáng cho ta sợ hãi đó là những người theo Nhà Nước chống Giáo Hội thì vẫn bình an vô sự trong khi những người vì Giáo Hội mà chống Nhà Nước thì cuối cùng bị bỏ rơi, kết cục đau buồn cô đơn, chẳng ai bênh vực, trường hợp Đức Hồng Y Mindzenty của Hungary còn đó. Vậy thì cứ việc theo Nhà Nước chống Giáo Hội, điều đó chỉ có lợi cho bản thân thôi, dại gì bảo vệ công lý và sự thật làm gì cho mệt thân, bị Nhà Nước thù hằn đã đành mà rồi cuối cùng bị chính anh em bỏ rơi, bạc đãi nữa.

Đến đây tui hết muốn viết nữa, thấy bùi ngùi chua xót quá, khi trong đầu quay cuồng câu hỏi : Giáo hội ta có còn đặt trọng tâm vào rao truyền và bảo vệ chân lý bằng mọi giá kể cả chịu mất mạng sống của mình hay không? Hay là bây giờ phải đối thoại bằng mọi giá kể cả phải hi sinh giáo lý của mình, đức tin của mình, và nhân sự của mình? Ta đã trở thành thực dụng rồi sao. Thưa Đức Hồng Y Giuse Trần nhật Quân, con rất yêu mến ngài và con rất hân hạnh được cùng họ với ngài.

Trân Dũng Lạc

.
.
.

1 comment:

Unknown said...

http://hoilatraloi.blogspot.com/2011/04/bai-viet-cua-phu-nhan-tuong-le-van-hung.html