Vũ Thất
Apr 18th, 2011
(Minh họa của Báo Trẻ)
Cuối tháng 11 năm 2003, Talawas cho đăng một bài của một tác giả có bút danh rất quê mùa là Hai Trầu với cái tựa cũng đầy sắc màu ruộng rẫy: Lá Thư Từ Kinh Xáng. Vốn cũng xuất thân từ ruộng vườn, như trúng tần số, tôi tò mò đọc ngay. Câu mở đầu đã khiến… giật mình. Cái ông nhà quê Hai Trầu nào đây mà lại “dám” gửi thư cho nhà lý luận văn học hàng đầu hải ngoại:
“Thưa thầy Nguyễn Hưng Quốc.
Mấy hôm nay sắp nhỏ vừa xuống giống vụ Ðông Xuân xong, có chút thì giờ rảnh, tui bèn viết lá thư này, trước thăm thầy mạnh giỏi, sau xin có lời cảm ơn thầy đã bỏ thì giờ viết về một số con vật có trong con người để “đại chúng” cùng đọc. Thật là thú vị.
Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, tui giở lại bài viết …và những thứ con khác của thầy, mà thằng em tui bên Mỹ nó “i-meo” dìa cách nay vài bữa, tui đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt, rồi nhập tâm, không ngủ được. Dù biết mình không rành chữ nghĩa, và cái gốc làm ruộng làm rẫy nó làm mình mê man hết biết đường mò bể thánh rừng nhu bao la trời đất, nhưng có cái vụ này, theo thiển ý của tui thì xin góp chút chút với thầy, ước mong là tô bồi thêm mấy chữ thường xài ở trong bá tánh dân gian, mà nhất là nơi kinh cùn nước cạn như kinh xáng Bốn Tổng miệt Ba Thê, núi Sập này hay xài, cùng kính mong thầy bỏ qua cho sự đường đột”.
Mấy hôm nay sắp nhỏ vừa xuống giống vụ Ðông Xuân xong, có chút thì giờ rảnh, tui bèn viết lá thư này, trước thăm thầy mạnh giỏi, sau xin có lời cảm ơn thầy đã bỏ thì giờ viết về một số con vật có trong con người để “đại chúng” cùng đọc. Thật là thú vị.
Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, tui giở lại bài viết …và những thứ con khác của thầy, mà thằng em tui bên Mỹ nó “i-meo” dìa cách nay vài bữa, tui đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt, rồi nhập tâm, không ngủ được. Dù biết mình không rành chữ nghĩa, và cái gốc làm ruộng làm rẫy nó làm mình mê man hết biết đường mò bể thánh rừng nhu bao la trời đất, nhưng có cái vụ này, theo thiển ý của tui thì xin góp chút chút với thầy, ước mong là tô bồi thêm mấy chữ thường xài ở trong bá tánh dân gian, mà nhất là nơi kinh cùn nước cạn như kinh xáng Bốn Tổng miệt Ba Thê, núi Sập này hay xài, cùng kính mong thầy bỏ qua cho sự đường đột”.
Đọc hết lá thư thì mới hay ra rằng ông Hai Trầu đã rất ngại ngùng khi bày tỏ mục đích viết lá thư là chỉ muốn “sửa lại cho đúng” ý nghĩa của vài tiếng lóng mà thầy Quốc đã giải thích không hợp lý. Thế là từ lần đó, tôi đăm ra …ưa Hai Trầu và bắt đầu tìm đọc các Lá Thư Từ Kinh Xáng. Té ra ông đã bắt đầu những lá thư bình dân này từ nhiều năm về trước. Lá thư thứ nhất được khởi viết từ tháng 3 năm 1998. Ở mỗi lá thư, ông… ba điều bốn chuyện về chuyện đồng quê trước khi vào chủ đề… nghiêm túc.
Những lá thư từ Kinh Xáng giúp tôi hiểu … sơ sơ ông là người thế nào. Là người hết lòng gắn bó với đồng quê, mê mẩn với ruộng vườn mà vì thời thế phải bỏ ruộng đồng ra đi. Từ chốn thị thành ngàn trùng xa cách, ông thường tìm về vùng quê thương yêu của mình qua việc ghi lại chuyện … ba đồng bảy đổi ngày xưa hoặc qua sách báo miệt vườn. Thế nhưng qua sách báo, ông thường bắt gặp những bài viết về sinh hoạt quê nhà sao quá lơ mơ, thậm chí cả sai lầm. Chẳng đặng đừng, ông đành mượn hình thức lá thư, một là để khởi ức lòng, hai là với ước mong các sự việc cần được đặt để vào “nguyên vị” của nó và các ngôn từ dân dã cần được sử dụng theo đúng “chính danh”. Như lá thư ông bàn với thầy Quốc về các chữ “cọp”, chữ “cò”. Như lá thư ông đặt câu hỏi liệu dân làm ruộng ăn cơm trong đồng trong bái một năm mấy lần mà một tác giả lại bảo trong ăn uống họ mang tính hoang dã. Như ở một lá thư khác ông nêu than phiền nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã bôi bác đàn bà ruộng rẩy chơn chất miền Tây khi cho nhân vật trong Cánh Đồng Bất Tận lấy ông Chà bán vải chỉ vì mê lãnh Mỹ A …
Đọc các lá thư, tôi ngạc nhiên về kiến thức nhiều mặt của ông nhà quê Hai Trầu. Tới chừng có dịp diện kiến ông lần đầu ở Boston vào năm 2005 tại tư gia nhà thơ Phan Xuân Sinh, tôi càng ngạc nhiên hơn khi được biết trước cả khi ông gom góp 52 lá thư để in thành tuyển tập Lá Thư Từ Kinh Xáng, ông đã phát hành 2 tập truyện: Bến Bờ Còn Lại (2000) và Tình Thầy Trò (2005), với bút danh mang tên thật Lương Thư Trung.
Qua lời ông giới thiệu, tôi khởi đọc lá thư thứ 53 và những thư kế tiếp xuất hiện đều đều trên thatsonchaudoc.com. Lá thư mới nhất đề ngày 4/11/2010 nhằm góp lời trong dịp thiên hạ bàn nhau “Giả Từ Talawas”. Tôi hy vọng lá thư “Giả Từ Talawas” sẽ không đồng thời là lá thư giả từ… Kinh Xáng!
Hôm nay, sáu năm sau ngày tập sách Lá Thư Từ Kinh Xáng trình làng, quyển thứ tư Mùa Màng Ngày Cũ vừa được phát hành. Quyển Tạp Ghi này được tác giả đề tên thật Lương Thư Trung. Sách do Thư Ấn Quán in ấn, dầy 287 trang. Nhìn cái ảnh bìa đầy hoa sen và hoa súng đang nở, tôi bồi hồi nhớ đến những đầm sen đầm súng bên con đường từ Cần Thơ đi Long Xuyên. Mở xem qua nội dung, điều đáng khen là cả tác giả lẫn nhà xuất bản đã không ngại tốn kém để thực hiện kỹ thuật ảnh màu in chen vào nội dung để làm nổi bật các chủ đề. Cái lạ là mỗi chủ đề lại có lắm… mùa màng!
Trong một năm, thiên nhiên chỉ có 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông nhưng với thôn quê thì trong mỗi mùa thiên nhiên đó lại kèm theo… tùm lum mùa màng. Nếu phải kể lẻ tẻ thì hẳn có đến hàng trăm nhưng tác giả đã cố gắng gom các “mùa” có cùng thuộc tính hoặc có cùng thời vụ viết chung thành một mùa “tập thể”. Mùa cày bừa, sạ cấy, gặt lúa. Mùa… trăm cá về đồng. Mùa giăng lưới, đặt lờ. Mùa bắt lịch, bắt lươn. Mùa đặt rù, chận ụ. Mùa chuột, cóc, ếch, nhái. Mùa xoài, mận, dưa leo, dưa hấu, dưa gang. Mùa bắp, đậu, củ co, bông sen, bông súng… Bằng cách đó, quyển Mùa Màng Ngày Cũ được hình thành bởi 19 mùa “tập thể” và hai mùa “đặc biệt”: Một mùa mang cái tựa chung chung là Mùa Màng Tháng Chạp và mùa kia mang cái tựa lửng lơ là Có Những Mùa Chim.
Mùa nào nhà văn Lương Thư Trung cũng kể ngọn ngành, rành rọt. Mùa cày bừa phát cỏ thì khởi công lúc nào, cách thức ra sao. Mùa chuột thì làm sao vồ chuột, làm sao tránh đào nhầm hang rắn. Mùa cá thì hàng trăm thứ cá, hàng chục cách bắt và lắm cách làm khô. Mùa cây trái đọc mà phát thèm, mà muốn gieo trồng… Chả ngạc nhiên khi loạt bài này xuất hiện, mới đến bài thứ bảy mà nhà văn Khiêm Cung đã đưa ra những lời khen nồng nhiệt và độc giả Thái Lý, sau khi đọc xong toàn bộ mùa màng đã viết nguyên một bài dài ca ngợi làm tác giả không thể không bày tỏ Lời Cảm Ơn ở cuối sách: “…dù chưa quen, và dù cách nhau khá xa về tuổi đời, dù đang ở một nơi khá xa, xa tận vùng biên giới Miên-Việt, thế mà bạn đã tìm đọc và chia sẻ những nhận xét như đi vào bụng tác giả, thật vô cùng hạnh phúc đối với một người nhà quê già như tôi.”
Sách mở đầu bằng Lời Tựa của nhà văn Tô Thẩm Huy. Ông gốc Bắc mà lại tỏ ra khoái giọng miệt quê của Hai Trầu. Có lẽ không có lời giới thiệu nào chí tình như lời ông viết: “Chao ôi! Gấp sách lại mà lòng dạ thêm bồi hồi, vương vấn. Ai gọi ai trong giấc mộng trước hiên nhà, sao đã nghe oanh ríu rít hỏi xuân về? Gẫm người xưa ghép miệng với lúa mà gọi chữ hòa không phải là không duyên cớ. Lời của kẻ nhà quê mà nghe sao như châu ngọc! Hòa với mưa mà thuận với nắng trời! Tấc lòng cố quốc tha hương, ngậm ngùi cùng mùa xưa ngày cũ….” Lời Tựa có thừa quyến rũ khiến người đọc hứng thú lần dở trang kế tiếp để rồi bị cuốn hút vào lắm thứ mùa màng.
Còn Lời Bạt là của nhà thơ Phan Xuân Sinh, người miền Trung. Ông thổ lộ: “…đọc Mùa Màng Ngày Cũ tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Cái đất miền Nam xa xôi ấy lại chất chứa nhiều điều bí ẩn mà vùng quê miền Trung hay miền Bắc không thấy không nghe. Họ giàu về đất đai đã đành mà họ còn giàu có về mùa màng, mùa nào cũng sung túc…và khi đọc xong Mùa Màng Ngày Cũ tôi mới nghiệm ra được, mới hiểu được tại sao người dân miền Nam họ rộng lượng, hiếu khách, thảo ăn thảo uống, lòng họ chân chất huỵch tẹt cũng chính vì vùng đất đã ưu đãi họ, đã nâng niu họ…Vùng đất ấy đã cưu mang biết bao nhiêu nhọc nhằn của dân tộc, chống đỡ và cứu giúp biết bao nhiêu tai họa của các miền khác.” Ngoài nhận xét về các sự kiện được nêu lên trong Mùa Màng Ngày Cũ, nhà thơ Phan Xuân Sinh cũng khẳng định về giá trị văn chương của tác phẩm dù ở trang Mời Bạn Vào Mùa nhà văn Lương Thư Trung tự cho rằng tập sách của mình là không có tính văn chương biên khảo: “Mặc dù anh chối từ điều nầy. Ta thử lật xem từ bài viết đầu đến bài viết cuối…với cả tấm lòng anh trang trải, chắt chiu. Người nông dân chân chất ít học, thì làm sao viết được, mà có viết được đi nữa thì làm sao nó sống động, hiện thực như anh viết…”
Tôi không những tán đồng với nhà thơ về mặt giá trị văn chương của tác phẩm mà còn cho rằng Mùa Màng Ngày Cũ còn mang cả giá trị biên khảo.
Cách đây không lâu, tôi có dịp đọc trên các trang mạng hai câu chuyện đồng quê ở miệt Cửu Long Giang: Một là “Chuyện Đồng Quê” của Trần Văn nói về mùa màng ở vùng Bà Bài Thất sơn Châu Đốc, hai là “Chuyện Bắt Cá Tôm Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” của Hai Rạch Dừa ở vùng Mỹ Long, Cao Lãnh. Hai câu chuyện được kể bằng giọng văn chân chất, rất hấp dẫn của thể loại hồi ký. Còn Mùa Màng Ngày Cũ của Lương Thư Trung lúc thì như lời tâm tình, khi thì như bảng tường trình. Lời tâm tình thì rành rẽ, bản tường trình thì rành nghề. Ấy vậy mà tác giả lại từ chối tính văn chương biên khảo của tập sách thì ông quả là khiêm tốn.
Nếu phải đưa ra đầy đủ các đoạn minh chứng trong cả quyển sách thì bài viết sẽ quá dài, vì vậy, tôi chỉ xin chọn bài cuối cùng Có Những Mùa Chim, tuy cái tựa vừa lửng lơ vừa nên thơ nhưng nội dung lại mang đầy tính biên khảo. Ngay từ các dòng mở đầu, tác giả đã xác nhận tính chất này: “Không hiếm các nhà khảo cứu về chim muông đang đi tìm căn nguyên của sự sinh tồn các loài chim cùng thói quen, tập quán và đời sống của chúng. Người ta len lỏi vào tận các cánh rừng Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu để tìm kiếm và thu hình các loài chim. Từ cách kiếm ăn cho chí cách làm ổ, ấp trứng và nở con, từ cách sống thành đàn cho chí những cuộc đời riêng lẻ, nhà khảo cứu về chim muông không bỏ lỡ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Tất cả đều được ghi nhận qua từng chi tiết rất mực chính xác và linh hoạt.”
Từ một lời mở đầu như thế, ông bắt đầu đi vào chi tiết từng loài chim. Ông cho thấy ngoài đặc tính chung là… khôn ngoan, cần mẫn và biết khéo léo sử dụng cái mỏ không thua gì bàn tay các điêu khắc gia tài hoa tuyệt vời, mỗi loài chim có hình dạng, kích cỡ, sắc lông, tiếng hót, tiếng kêu, tính tình khác nhau. Ông còn vạch rõ, tuy chim có cùng giống nhưng lại không hẳn là có cùng màu lông, thậm chí có thể hoàn toàn khác biệt.
Sau phần bàn về các đặc điểm, ông luận về cách đặt tên chim. Ông cho biết người dân quê Việt Nam thường đặt tên chim theo tiếng kêu như ta gọi chim cu, chim cú, chim ụt, khúm núm, se sẻ … hoặc theo hình dáng như gà đãi, gà nước, áo dà, bánh ít, thằng chài… Nhưng với các nhà nghiên cứu thì họ đặt tên theo sách vở khoa học. Những cái tên xa lạ khó đọc, khó nhớ vô cùng! Tôi đã thử cố gắng nhớ vài tên mà rốt cuộc cũng không viết ra được tên nào! Cũng vì vậy mà tôi thích nhất đoạn ông kể về những loài chim ở vùng quê quán của ông. Những cái tên nghe thật quen thân y hệt ở vùng quê của tôi. Trong vô số tên chim quen thuộc, ông có nhắc tới 3 tên chim có từ kép giống nhau. Tôi tẩn mẩn cố moi óc xem có bao nhiêu loài chim có tên như vậy. Và cả loài thú nữa. Tôi tìm thêm được 6 tên: Kên-kên, đa-đa, cào-cào, chuồn-chuồn, ba-ba, thia-thia. Còn ba tên chim ghi trong Mùa Màng Ngày Cũ xin để độc giả tự suy tìm.
Phần nghiên cứu công phu nhất phải nói là về các loại cò, vạc, diệc, sếu, nông. Tôi đã quen nghe tên các loài chim này nhưng quả là không ngờ sao mà có lắm thứ cò, có nhiều thứ vạc đến như vậy. Rồi còn lắm loại diệc, sếu, nông. Không chỉ kể chi tiết về mỗi loại mà ông còn kèm theo nhiều hình ảnh để minh họa sự khác biệt. Riêng phần cò, vạc, sếu… này đã có đến 18 bức ảnh, nói lên sự sưu tập nghiêm túc của ông. Nhờ bài viết của Hai Trầu mà tôi hiểu biết thêm rành rẽ các thứ chim mà nhiều con tai nghe quen mà mắt chưa từng thấy. Lại còn nhờ các lời diễn đạt về triết lý sống của các loài chim mà tôi có dịp suy gẫm về triết lý sống của …riêng mình.
Đọc cái cách ông thiết tha nhắc đến các loài chim vùng quê của ông thuở thiếu thời khiến tôi nhớ đến bài viết của Lê Hoàng Vũ hiện được phổ biến trên không gian ảo. Kể chuyện 50 năm về trước, Lương Thư Trung còn nhớ, cứ đến mùa chim là “rền vang tiếng hót trên những cánh đồng đầy lúa vàng, hay bên vạt rừng tràm vắng vẻ, bên rặng tre làng xanh xanh trầm mặc…Tiếng hót ấy như những khúc nhạc đồng quê lan xa, lan xa vô tận” Nhưng ngày nay, cứ đọc cái tựa bài của của Lê Hoàng Vũ là thấy ghê hồn: “Đồng bằng sông Cửu Long: Chim, Cò… kêu cứu”. Quả như vậy, tác giả thống thiết báo động về mối đe dọa tuyệt chủng của các loài chim… Theo Lê Hoàng Vũ, vùng đồng bằng vẫn còn rất nhiều khu vườn chim cò nổi tiếng. Riêng khu du lịch sinh thái Bằng Lăng có đàn chim trời đông khoảng 600 ngàn con đến cư trú, thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày. Nhưng mỗi ngày vườn cò cũng thu hút vô số “sát thủ” để cung cấp vô số chim cò cho nhu cầu… nhà hàng! Ngoài các “sát thủ”, còn đủ loại “tay nghề”, đủ loại bẩy sập để bắt chim hiếm quý cung ứng cho thú chơi “thời thượng” của giai cấp… đại gia! Tác giả Lê Hoàng Vũ kết luận: “Hành động bắt chim cả đàn, cả tổ như hiện nay không bao lâu nữa sẽ dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái, hậu quả không thể lường hết được.” Nghe mà não lòng cho chim cò, cho đất nước!
Bài Có Những Mùa Chim là bài cuối nhưng sách còn thêm 31 trang nữa. Đầu tiên tác giả đưa ra Lời Kết cho công trình hình thành 21 bài về ruộng đồng, chim cá của mình. Ông cho biết những gì ông ghi chép chỉ là các mùa chính miệt quê Long Xuyên Châu Đốc. Còn nhiều mùa phụ khác như mùa ổi, mùa mận, mùa lê, mùa mít, mùa nhãn, mãng cầu, khoai mì, điên điển, mùa thốt lốt, mùa măng le. Lại còn thêm biết bao vùng thuộc miệt Cửu Long giang với các đặc sản riêng như mùa mía, khoai môn, khoai lang, cam quít, khóm thơm, mùa trầu vàng … Tôi coi như đây là một lời hứa hẹn viết tiếp của ông.
Sau Lời Kết, nhà văn Lương Thư Trung không quên ngỏ Lời Cám Ơn những người đã ít nhiều giúp ông hoàn thành tuyển tập. Và lời cám ơn đẹp nhất đương nhiên tác giả dành cho người giúp ông với tất cả tấm lòng. “Người ấy” đã giúp ông bằng cách làm ruộng để vừa nuôi hai đứa con thơ dại vừa để tiếp tế lương thực cho ông sống sót suốt 7 năm tù mà trong một lần thăm nuôi bị chìm đò khiến suýt chết đuối cả ba mẹ con. Người ấy giúp ông bằng cách cùng ông làm ruộng, trồng cà, trồng mía, trồng bắp, khoai lang… để tạo dựng lại mái ấm gia đình sau khi ông rời cái gọi là trại cải tạo mà chính kinh nghiệm ruộng rẩy của người phụ nữ đảm đương này đã dự phần hoàn chỉnh Mùa Màng Ngày Cũ. Và quyển sách ra đời cũng để kỷ niệm 41 năm chồng vợ, “như ghi dấu một khoảng đời với biết bao vui buồn cùng xớt chia…”
Trong niềm xúc cảm chia vui cùng ông bà Lương Thư Trung, tôi chợt nhớ đến hai câu ca dao được nhà văn Khiêm Cung nhắc đến trong bài tùy bút Miếng Trầu:
“Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”
Thật oái oăm, hai câu ca dao có cả hai từ tạo thành bút danh Hai Trầu mà nội dung trật lất với gia cảnh của chính Hai Trầu. Cho tới khi tôi viết những dòng chữ này, Hai Trầu vẫn chỉ có mỗi một… bà. Không chừng chính từ sự thủy chung như nhất này của ông mà ngày nay không còn ai trồng trầu để khỏi phải khỏi khai mương…
Qua ân tình mặn nồng gắn bó keo sơn của hai ông bà suốt quãng thời gian dài gần nửa thế kỷ, tôi tin chắc nhà văn Lương Thư Trung sẽ tiếp tục cho ra đời những đứa con… tinh thần trong những năm tháng tới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment