Lưu Mạnh Anh
Thứ Tư, 13/04/2011
Khi con người cô đơn, không hẳn thể hiện từ vẻ bên ngoài. Thậm chí dáng vẻ bên ngoài, đôi lúc càng tỏ ra đầy ắp sự nồng nàn, lạc quan và tràn trề nhiệt huyết hay hứng khởi, thật ra để cố che giấu sự cô đơn càng kín kẽ càng tốt.
Tại sao sự cô đơn cần che giấu? Con người (nhất là những con người thành danh, nổi tiếng) không muốn chấp nhận sự thất bại trước ai đó và người ta e ngại phải tự đối diện với bản thân. Thỉnh thoảng, sự cô đơn có thể thoáng qua giây phút với những con người này và có lẽ, họ mau chóng gạt phăng nó đi để né tránh sự thật và tiếp tục xuất hiện tươi tỉnh trước công luận, quần chúng.
Khi nào con người thấy cô đơn? Sự bội phản & bỏ rơi được nhắc đến như là yếu tố đầu tiên khơi nguồn cho cô đơn. Sự bội phản & bỏ rơi nghĩa rộng.
Một người bạn thân của ông Võ Văn Kiệt (hiện nay còn sống) đã từng nói với tôi trong dáng vẻ cô đơn, trầm mặc: "Ban đầu người ta lừa mình, sau nữa mình lừa người khác, cuối cùng mình phải tự lừa mình để... sống!". Lồng trong lời ta thán đó, toát lên sự đả kích về thói lừa đảo của người Cộng sản.
Cảm giác cô đơn có cần không? Có. Để làm gì? Để soi rọi, để đối diện và để chiêm nghiệm với những cái sai, cái đúng mà mình đã làm với người khác và người khác đã làm đối với mình. Cần cả cho sự ăn năn và sám hối, dù con người chủ động hay bị động trong một tư thế hay tư cách nào đó.
Đôi khi sự cô đơn cũng làm cho con người tự cào cấu lương tâm trước một nghịch cảnh mà mơ hồ trong tâm trí dường như nó đã từng xảy ra với ta.
Phải chăng Đức Phật dạy: "Quay đầu là bờ" chỉ có tác dụng khi người ta dám đối diện thật sự với nỗi cô đơn?
Ghé qua Blog Beo để thấy, có lẽ bà tâm đắc với: "Cho ta nương nhờ chút thở than". Beo đã và đang cô đơn, bất kể quanh bà có thể đầy đủ tất cả từ vật chất cho đến tinh thần, có cả sự ngạo nghễ chen cùng với sự chửi bới, nó chẳng làm bà ấy lung lay mảy may để thôi trốn chạy nỗi cô đơn. Sự ngạo nghễ nâng lên tầng ngạo mạn. Có khi, nó được gọi tên là kiên định lập trường! Phải chăng sự cố chấp miệt mài của một số người tôn thờ chủ nghĩa toàn trị là điều không bao giờ đổi thay?
Đôi khi băn khoăn, cũng là những người Cộng sản như nhau, tại sao Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ... lại khác quá nhiều so với Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh...? Phải chăng sự chiêm nghiệm mà xuất phát từ nền tảng tri thức và mức độ cảm về lương tâm làm người, giữa họ có điểm xuất phát khác nhau?
Cần phân biệt cảm giác cô đơn thật và tưởng rằng cô đơn.
Cô đơn - cứ ngỡ chỉ là cảm xúc tiêu cực, yếm thế, nhưng hóa ra đó là cảm xúc tích cực thật sự để có thể làm Người Nhân Ái. Con người nhân ái chắc chắn không thể thiếu cảm giác cô đơn. Con người không thể sống nếu quanh ta không có người khác. Vốn dĩ đó là đặc trưng mà "ông Trời" ban cho loài người một cuộc sống quần tụ, không phải là đời sống đơn lẻ như loài Hổ, Báo.
Trong cuộc sống quay cuồng, người ta không còn thời gian để lắng đọng cùng với sự cô đơn.
***
Sự cô đơn khác nỗi sợ hãi, mặc dù trong một số trường hợp sự cô đơn tạo ra nỗi sợ hãi. Đừng nghĩ quyền lực uy vũ có thể làm tan sự cô đơn, dù có những lúc nó làm tăng sự sợ hãi từ người khác để làm theo ý ta.
Những người tôn thờ "Chủ nghĩa toàn trị" luôn là những người cô đơn nhất, bởi vì mục tiêu hướng đến của họ chỉ là thiểu số rất ít tính trên bình diện số đông nhân loại.
Những người này, khi quần tụ lại với nhau có bớt nỗi cô đơn hay nỗi cô đơn được nhân lên gấp bội mà chưa chắc họ nhận thấy? Bởi gọi cho đúng tên "nỗi cô đơn" chưa bao giờ là việc dễ dàng!
Tôi tin rằng, sự quần tụ của họ lại với nhau chỉ phát sinh ra sự bế tắc vì họ không dám gọi tên sự thật.
Sự cô đơn nâng lên tầm điều hành đất nước sẽ gọi tên "Nhân dân" để biện minh cho nỗi cô đơn của "Nhà nước theo chủ nghĩa toàn trị". Khá nhiều và khá rõ với các khẩu hiệu, lời tuyên bố, hành động của những con người cô đơn gọi tên "nhân dân" như: "Toàn đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng lần thứ...", "Toàn dân hăng hái đi bầu...", "Toàn dân đoàn kết một lòng..." v.v... Tuy vậy, nếu ai hỏi "toàn dân làm những việc ấy" là bao nhiêu người thì "nhà nước" không bao giờ có số liệu minh bạch và khả tín với sự tự do điều tra xã hội học tử tế (!)
Để trốn chạy sự cô đơn, đôi khi "nhà nước tôn thờ chủ nghĩa toàn trị" sẵn sàng đổ lỗi cho nhau và cho... người khác.
***
Vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phải chăng đang ngày càng làm lộ dần sự cô đơn của "Nhà nước theo chế độ toàn trị"?
Bà Nguyễn Phương Nga - Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, tuyên bố về: "pháp luật, công ước quốc tế, không có tù nhân chính trị, mọi người vi phạm pháp luật phải bị xử theo pháp luật..." nhưng không dám nói thẳng dù chỉ một cái tên "Cù Huy Hà Vũ" và không dám chỉ thẳng tội danh "tuyên truyền chống NNCHXHCNVN" mà Nhà nước Việt Nam đang dùng nó để chống lại ông.
Tại sao bà Nga không dám nói thẳng điều này với thế giới? Bà Nga - chính là Nhà nước Việt Nam - sợ. Nỗi sợ xuất phát từ nỗi cô đơn. Thế giới văn minh, dân chủ làm sao có kiểu tội như thế! Bà Nga đã biểu lộ cho thế giới thấy sự cô độc, lẻ loi, lạc lõng của Nhà nước Việt Nam chí ít ở góc độ pháp luật, cụ thể Bộ Luật hình sự đã ban hành cách đây gần 12 năm về trước với tội danh điều 88 không hề suy suyển dù có chỉnh sửa thêm bớt những lần sau! Sự lạc hậu đến cô đơn thảm thương!
Khi Mỹ và vài chục nước Châu Âu lên tiếng quan ngại sâu sắc về nhân quyền và đòi phóng thích ngay lập tức TS. Cù Huy Hà Vũ, thì "nhà nước Việt Nam" lại:
- Không hề hay biết về cả chục lá thư tố cáo vi phạm pháp luật lúc tiến hành bắt giữ và truy tố ông Vũ từ phía thân nhân ông Vũ, thỉnh nguyện thư giải oan cho ông Vũ của 500 người dân.
- Không hề hay biết về bất cứ yêu cầu nào của Công dân Cù Huy Hà Vũ gởi cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các vị lãnh đạo khác.
- Không hề hay biết những lá đơn tố cáo về Vũ Hải Triều, Lê Thanh Hải trước khi Cù Huy Hà Vũ bị bắt.
- Không hề hay biết kiến nghị trả tự do cho những người liên quan đến chế độ VNCH và nhiều kiến nghị khác của ông Vũ.
- Không hề hay biết buổi sáng 04/4/2011 có rất đông người dân, rất đông cảnh sát chìm nổi, xe cứu hỏa, xe cứu thương, barrier, dùi cui, còng số 8 chực chờ... đang diễn ra ngay tại một trong những con phố chính đông người qua lại, thậm chí kẹt xe ngay trung tâm Hà Nội, và... rồi những thường dân như Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, ... bị bắt khi đang đứng trên vỉa hè để xem thử có vào trong dự một phiên tòa được gọi "xét xử công khai"?! Kể cả hai chiếc xe bus tống người vào và chở đi khỏi "nơi công cộng"!
Sao lạ vậy? Trong khi , ông Vũ Đức Khanh, một Luật sư Việt Kiều đang sinh sống tại Canada cho biết:
“Hôm 18 tháng 3 tôi có gửi đến văn phòng thủ tướng Canada một văn thư đề nghị chính phủ Canada can thiệp vào vụ án của ông Vũ ở Việt Nam. Lúc đó phiên tòa dự định khai mạc vào ngày 24 tháng 3. Vào ngày 21 tháng 3 tôi nhận được thư trả lời của văn phòng thủ tướng Canada hứa sẽ cứu xét cụ thể hồ sơ đó..."
Chẳng lẽ tại Canada, 3 ngày là chí ít có được thư trả lời từ phía Nhà nước, còn ở Việt Nam thì không?
Sai, đúng, làm, không làm, "Nhà nước Việt Nam" cũng phải trả lời dân biết chứ!
Ai "CHẠY TRỐN"? "CHẠY TRỐN" ai? "CHẠY TRỐN" cái gì?
Nhà nước "CHẠY TRỐN".
Nhà nước "chạy trốn" Nhân dân.
Nhà nước "chạy trốn" vì sợ hãi.
Nhà nước "chạy trốn" nỗi cô đơn.
Nhà nước nào "chạy trốn"?
NHÀ NƯỚC VIỆT NAM "CHẠY TRỐN"!
"Việt Nam muốn làm bạn với thế giới" là vậy chăng?
Nhà nước Việt Nam "chạy trốn" bạn bè thế giới!
***
Một người miệng luôn muốn làm bạn với ta nhưng cứ tìm cách chạy trốn ta và chỉ tìm đến ta khi cần "tiền", liệu có xứng là người bạn lương thiện và tử tế?
Sự bỏ rơi là tất yếu dành cho những kẻ bội phản và lưu manh.
Lưu Mạnh Anh
.
.
.
No comments:
Post a Comment