Sunday, April 17, 2011

NGUYÊN NHÂN KHIẾN MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY ĐỂ MẤT ẢNH HƯỞNG Ở KHU VỰC THÁI BÌNH DƯƠNG (Cleo Paskal)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 15/04/2011
TTXVN (Luân Đôn 5/4)

Đăng bởi anhbasam on 16/04/2011

Viện Nghiên cứu Hoàng gia về Các Vấn đề Chiến lược Quốc tế (Chatham House) có trụ sở tại Luân Đôn mới đây đăng bài phân tích của Cleo Paskal, chuyên gia của chương trình quản lý tài nguyên, môi trường và năng lượng của Chatham House về những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Mỹ và phương Tây để mất ảnh hưởng của mình ở các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và chiến lược. Thay vào đó là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này ngày càng tăng cao và nước này đang ngấm ngầm cạnh tranh với Mỹ trong việc gây thanh thế chính trị trong khu vực. Dưới đây là nội dung bài viết:

------------------------------

Đầu tháng Ba, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn bất thường trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện về vị trí của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bà nói: “Hãy đi thẳng vào vấn đề chính trị. Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”. Ở khắp khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cố gắng “theo sát chúng ta và ngấm ngầm cạnh tranh với chúng ta?”. Và đúng là như vậy. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc đảo Thái Bình Dương đang ngày càng tăng cao, và tác động trở lại toàn cầu.

Nhưng trách nhiệm để xảy ra như vậy không chỉ hoàn toàn do phía Mỹ, và cũng không hẳn hoàn toàn do nỗ lực từ phía Trung Quốc mà đạt được. Người mở ra cánh cửa cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ ở những quốc đảo này chính là do hàng thập kỷ quản lý tồi những vấn đề về Thái Bình Dương của các đồng minh phương Tay và Ôxtrâylia và Niu Dilân. Và nếu Mỹ và phương Tây muốn giành lại vùng này, thì hai đối tác Thái Bình Dương trên sẽ phải xem xét lại cách họ can dự vào khu vực như thế nào.

Lẽ ra đã không để xảy ra như vậy. Như bà Clinton đã ghi nhận, những quốc đảo Thái Bình Dương như lẽ tự nhiên là các đồng minh phương Tây. “Chúng ta đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khu vực Thái Bình Dương. Rất nhiều trong số những nước nhỏ bé này đã bỏ phiếu đứng về chúng ta trong Liên Hợp Quốc, họ là những đồng minh đáng tin cậy của Mỹ”. Ví dụ như Vương quốc Tônga nhỏ bé, với dân số chỉ 100.000 người, cũng vừa mới gửi quân tới Ápganixtan.

Và xét về quan điểm chính trị thực sự thì khu vực này mang lại nhiều cái lợi. Thái Bình Dương có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược.

Về kinh tế, đất đai và dân số có thể nhỏ nhưng các vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) là vô cùng to lớn. Như nước cộng hoà Kiribati, các EEZ của nước này bằng với Ấn Độ. Có nhiều nguồn thuỷ sản và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển có giá trị ngày càng tăng cao. Việc khai thác các EEZ của Tônga đang cho thấy có trữ lượng vàng và bạc chất lượng cao. Và công ty Exxon Mobil của Mỹ đã bắt đầu khoan thăm dò khí tự nhiên ở Papua Niu Ghinê.
Về chính trị, khu vực này đại diện cho khoảng hơn chục lá phiếu trên trường quốc tế. Tầm quan trọng của những lá phiếu này gần đây đã thấy rõ. Sự không tập trung vào một lực lượng nào trong khu vực hiện nay là rất cao, không chỉ có Trung Quốc đang giành được ưu thế về chính trị nhanh chóng mà còn có cả Liên minh Arập. Chính vì những lá phiếu từ Thái Bình Dương đã làm cho trụ sở chính của Tổ chức Năng lượng Tái tạo Quốc tế mới sẽ được đặt ở Abu Dhabi chứ không phải ở Đức. Và lá phiếu của Fiji trong các cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc, cùng với các quốc đảo Thái Bình Dương khác, đã có thể đóng vai trò quyết định trong việc làm Canada mất cơ hội có một ghế tại Hội đồng bảo an.

Về mặt chiến lược, khu vực rộng lớn này là tuyến trước giữa châu Á và châu Mỹ. Đây là nơi ngày càng có nhiều tuyến đường buôn bán quan trọng được thiết lập nối châu Á và Nam Mỹ, cũng là nơi đặt các tuyến cáp quang biển vô cùng quan trọng. Khu vực này cũng là nơi có các căn cứ quân sự địa chiến lược, các bến cảng an toàn trong tay đồng minh. Đặc biệt khi Trung Quốc di chuyển xuống từ Biển Nam Trung Hoa, thì việc bảo đảm cho các quốc đảo Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thân thiện sẽ là tối quan trọng cho an ninh của phương Tây.

Tầm quan trọng của Thái Bình Dương đang bắt đầu được biết đến rộng rãi. Trong hai tuần cuối tháng 9, có đến 8 đoàn quân sự đến thăm Tônga: từ Mỹ, Anh, Niu Dilân, Ôxtrâylia, Pháp và Ấn Độ. Trung Quốc cử hai tàu chiến đi lại nhiều lần trong ngày. Tháng 11, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng ghé qua.

Không may cho phương Tây, những thách thức cho quan hệ đối tác Thái Bình Dương sâu sắc tới mức không thể giải quyết chỉ trong một chuyến viếng thăm nhanh chóng. Nhiều vấn đề hiệ tại hầu như có nguồn gốc từ thời kết thúc Chiến tranh Lạnh. Khi phạm vi của Liên Xô bị thu hẹp, thì Thái Bình Dương dường như hết giá trị chiến lược. Các căn cứ chiến lược và ngoại giao của các “cậu lớn”, Mỹ và Anh, bị đóng cửa hoặc thu nhỏ lại, và an ninh trong khu vực về cơ bản được chuyển giao cho Ôxtrâylia và Niu Dilân.

Trong vòng 5 năm qua, Anh đóng cửa các cao uỷ ở Kiribati, Vanuatu và Tônga. Thủ thướng Anh lúc đó là Tony Blair khi thực hiện chuyển giao chiến lược chỉ miêu tả Niu Dilân là “một người bạn trong khu vự có thể giúp và thông tin cho chúng ta những vấn đề của khu vực”.

Trên danh nghĩa thì Ôxtrâylia và Niu Dilân có vẻ đã làm như vậy. Ảnh hưởng của họ thể hiện ở khắp nơi trong khu vực. Ví như ở Tônga hiện nay, khó tìm thấy một bộ nào trong chính phủ mà không có cố vấn người Ôxtrâylia hoặc Niu Dilân trong đó. Người phụ trách cảnh sát là người Niu Dilân và cố vấn kinh tế cho thủ tướng vừa bị thay gần đây cũng là người nước này.

Khoảng hơn chục đại diện thanh niên Ôxtrâylia sắp sang Tônga sẽ làm việc ở những vị trí giúp họ tiếp cận được nhiều thông tin rất nhạy cảm của chính phủ, kể cả ở các bộ như Bộ Tư pháp, Y tế, Tài chính và Kế hoạch quốc gia. Các ngân hàng cũng là những chi nhánh của các công ty Ôxtrâylia và Niu Dilân. Hầu hết các chuyến bay đến và đi từ Tônga đều qua Auckland và Xítni. Có nhiều người Tônga sinh sống ở cả hai nước này và đây cũng là nơi họ đến để chữa bệnh hoặc học hành.

Đồng thời, có một tình cảm lẫn lộn vừa yêu vừa ghét của dân chúng Tônga nói chung với Trung Quốc. Ước tính có khoảng 1.000 người Trung Quốc ở Tônga. Nhiều người đến đây từ thập kỷ trước (dưới sự theo dõi của Ôxtrâylia và Niu Dilân), và hiện chiếm đa số các cửa hàng cửa hiệu. Do thường xuyên có các cuộc va chạm với người dân địa phương, trong tháng 2, Bộ trưởng công nghiệp và thương mại Tônga đã mời đại diện cộng đồng kinh doanh của Trung Quốc đến và nói “Chưa biết đúng hay sai, nhiều doanh nghiệp Tônga cho rằng người Trung Quốc đang tham nhũng… Tôi yêu cầu phải chấm dứt. Điều đó không giúp cho ai trong chúng ta cả”. Trong khu vực, phương Tây đang mất dần ảnh hưởng còn Trung Quốc lại đang nâng tầm ảnh hưởng. Vậy tại sao lại như vậy?

Một phần do lỗi của Ôxtrâylia và Niu Dilân lúng túng trong phương hướng đối với Thái Bình Dương. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, họ tưởng rằng Thái Bình Dương là sân sau của mình và cứ sẽ là như vậy. Do đó các nước này tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế chứ không phải là về an ninh. Như Tônga, ký gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới dưới những điều kiện mà Oxfam cho là rất kinh hoàng. Niu Dilân là một thành viên trong nhóm làm việc đàm phán các điều khoản. Khi Tônga không có khả năng đưa ra các mức thuế có hiệu quả, các sản phẩm của Niu Dilân đã tràn sang. Trong khi đó, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Niu Dilân ngăn chặn hàng của Tônga sang thị trường họ. Thế là nền công nghiệp Tônga tan vỡ. Niu Dilân giúp đỡ bằng cách đưa lao động nhập cư người Tônga sang làm theo thời vụ trên những cánh đồng Niu Dilân.

Trong khi những chính sách này đã có thể mang lại thị trường mới cho sản phẩm của Niu Dilân, thì ảnh hưởng bất lợi cho Thái Bình Dương khó mà bỏ qua, ngay cả đối với những người kiến tạo ra chúng. Tháng 12, Chính phủ Niu Dilân đưa ra một bản câu hỏi tìm hiểu thông tin về quan hệ của Niu Dilân với các nước Nam Thái Bình Dương. Tài liệu này mở đầu bằng: “Những nỗ lực phát triển của Niu Dilân lại gặt hái được những kết quả đáng thất vọng. Trong 20 năm qua kể từ khi mối quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương được xem xét, điều kiện ở nhiều quốc đảo này đã xấu đi”.

Tương tự, sự can dự chính trị của Ôxtrâylia và Niu Dilân vào khu vực này là mơ hồ, như Eni Faleomavaega, thành viên của quốc hội Mỹ của American Samoa miêu tả là “những chính sách lạc lõng và những hành động vụng về”. Việc họ xử lý cuộc lật đổ ở Fiji đã đẩy Fiji về phía Trung Quốc. Ở Tônga, họ ủng hộ phong trào “thân dân chủ” đã đập pháp gần 80% các cơ sở hạ tầng ở thủ đô năm 2006. Làm vấn đề thêm căng thẳng, họ chờ Trung Quốc nhảy vào với lãi suất mềm cho việc tái xây dựng. Sau đó khi một nhà đàm phán người Tônga được hỏi sẽ bỏ phiếu thế nào tại hội nghị khí hậu ở Côpenhaghen, và câu trả lời thẳng thừng là: “bất cứ điều gì mà Trung Quốc bảo, chúng tôi nợ họ hàng trăn triệu”.

Trong thế giới đa cực, khi ta làm một người bạn của mình yếu đi, nghĩa là chính ta tự làm mình yếu đi. Và dường như Ôxtrâylia và Niu Dilân đã làm cho Thái Bình Dương yếu đi. Tầm nhìn hạn hẹp vào cái lợi kinh tế trước mắt đối với một vài quốc gia phải được chấm dứt. Thái Bình Dương không còn là sân sau của họ, mà đó là tuyến đầu.
Mỹ, Anh và có thể cả Canada cần phải chung sức với Ôxtrâylia và Niu Dilân và chính các quốc đảo Thái Bình Dương cần đánh giá lại xem làm thế nào để phương Tây can dự hiệu quả vào khu vực này và để biến những quốc đảo này từ những con tốt trên bàn cờ kinh tế và địa chính trị thành nơi được bảo đảm về sự ổn định và thịnh vượng.
Điều này là hoàn toàn có thể, nhưng các cuộc bàn thảo giữa những người bạn cần phải cởi mở và thẳng thắn về điểm bắt đầu và những kết quả mong muốn. Ví dụ, trong khi Mỹ lo lắng về việc cạnh tranh với Trung Quốc thì Ôxtrâylia lại có những suy nghĩ khác. Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ tháng Ba, Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard đã nói: “Không có lý do gì mà sự thịnh vượng của Trung Quốc lại làm bớt đi sự thịnh vượng ở Ôxtrâylia, Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Sự nổi lên của Trung Quốc thực sự tốt cho một nước giàu tài nguyên như Ôxtrâylia, hiện nay Trung Quốc chiếm khoảng 25% xuất khẩu của Ôxtrâylia. Ôxtrâylia xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nhập khẩu từ nước này. Còn với Mỹ thì ngược lại, nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Tương tự, đối với Ôxtrâylia, quyền lợi kinh tế vẫn nặng cân trong các vấn đề ở Thái Bình Dương hơn là những lo ngại về chiến lược, trong khi đối với Mỹ lại không như vậy. Những bản thảo này do đó phải có hướng thoát. Bạn bè cùng nhau cẩn trọng bước đi qua bãi mìn địa chính trị chứ không phải ngáng chân nhau. Và chính bản thân các quốc đảo Thái Bình Dương cần phải đặt ra hướng đi cho mình.
Các quốc gia này thực sự không cần là những đối tác ổn định, an toàn của phương Tây. Trung Quốc đã đưa máy bay đón các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đến Bắc Kinh “mời rượu và ăn tối với họ”. Có lẽ đã đến lúc Mỹ và Anh nên đối xử với lãnh đạo của các quốc gia độc lập này cũng với sự tôn trọng như vậy, hơn là coi họ như những người được uỷ quyền chỉ biết xách cặp chạy theo bất cứ sự đổi chác nào. Nếu Mỹ cho các sản phẩm nông nghiệp của Tônga tiếp cận thị trường mình công bằng, vốn vay lãi suất thấp và một vài học bổng, có các chuyến bay thẳng tới Los Angeles hoặc San Francisco, những chi phí đối với Mỹ sẽ ít và Tônga sẽ không cần đến Trung Quốc./.
.
.
.

No comments: