Sunday, April 17, 2011

LAN MAN CHUYỆN Ở ĐỨC (Trương Sinh Chung)

Truong Sinh Chung
Tuesday, April 12, 2011 2:36:42 PM

Các bạn HH3 thân mến,
Cả tháng nay, tự nhiên, bất thình lình tôi bị xuống tinh thần, chẳng phải “mong Xuân” hay “nhớ cánh đào năm trước,” cũng không phải vì Xuân lai mà nhân thì bất lai (Trong tiếng Ðức có danh từ Frühjahrmüde để chỉ cái bệnh khi không bị mệt mỏi vào lúc xuân về!)

Nhất là vào đầu năm nay, nhiều chuyện động trời xẩy ra, nào là Hoa-lài rồi động đất, sóng thần,... toàn là những chuyện “hại thần kinh.” Lại thêm vào đó, tại “Chung gia trang” tôi lục đục chuyện “tư-gia đại-sự,” thành ra mỗi ngày, tôi chỉ có lên computer đọc mail, đọc báo rồi thì... lười, chả thiết làm gì! Ðúng ra, nhiều chuyện gây cấn hấp dẫn như thế, lại đúng vào độ Xuân về thì người ta phải hứng khởi, thích thú, lên tinh thần mới phải; nhưng mà “tôi lười mà... chẳng hiểu vì sao tôi lười!”

Hôm qua nhận được cái mail của 1 người bạn, nhân vụ ông bộ trưởng bộ Y-tế Ðức, người gốc Việt (Ông Philipp Rösler) được đề cử vào chức vụ Chủ tịch đảng Dân-Chủ Tự-Do ở Ðức, và người bạn nêu thắc mắc:...(yêu cầu) giải-thích thêm về hệ-thống dân-chủ ở Ðức cho “mọi người” biết, để mọi người (ở đây người bạn ý muốn ám chỉ là “các bạn HH3 cũ đang định cư ở các nước khác”) có dịp so-sánh với thể-chế dân-chủ các xứ như Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Nhật, v.v... Những chức-danh, như Deputy of Chancellor, tương-đương là gì trong hệ-thống công quyền ở Mỹ, chẳng hạn? Và hai câu sau đây ý-nghĩa như thế nào, nhờ giải-thích rõ thêm, nếu không thì mỗi người chỉ vừa đọc vừa đoán mò mà thôi:.. was made posible by around 15 per cent of the votes it polled in the 2009 electionfor failing to poll the minimum five per cent votes required...

Cả tháng nay tôi chán xem TV Ðức, nhất là vụ động đất bên Nhật, cũng như vụ phong tỏa không-phận ở Libya. Mấy anh ký giả quốc-doanh đi tiên phong của thời đại ở Ðức này, toàn bá láp lép nhép cái miệng, chỉ độc thấy chê: Chê Nhật có nhà máy phát điện nguyên tử dở. Chê Nhật không có đủ máy móc cứu nạn như Ðức nhà mình. Chê hệ thống cứu trợ của Nhật kém, rồi thì hù dân Ðức: lò nguyên tử là chết chóc, là phản tiến hóa, là chống lại cả Loài Người Tiến Bộ, v.v... và v.v... Chưa hết! Chê công việc oanh tạc Libya để phong tỏa là gây chiến tranh, là trái với Nhân-Ðạo, là giết hại dân lành, là gây thêm bất an tại vùng Trung-Ðông và Bắc-Phi, rồi thì hè nhau với bọn TC và Nga bỏ phiếu trắng trong vụ nghị quyết 1973 của Liên-Hiệp Quốc, v.v... và v.v... Xem mãi như thế đến phát... (muốn) chán!

Thế mà tình cờ, hôm kia, tôi nghe tin chính trong ngày thì lại được biết Ông Rösler, bộ trưởng bộ Y-tế Ðức được đảng của Ông ta đề cử vào chức Chủ Tịch đảng thay cho Ông chủ tịch hiện nay Guido Westerwelle, vì ông này (...đã) làm cho đảng Dân-Chủ Tự-Do mất phiếu liên tiếp trong các cuộc bầu cử Hội Nghị tiểu-bang mới đây, mất phiếu đến nỗi không đủ số phiếu để được tham dự vào Hội-Nghị ở các tiểu bang!Rồi tiếp đến nhận được cái mail của người Bạn, tôi đọc rồi tự nhiên cái tật ngứa mồm lại tái phát.

Nên tôi xin bá láp như sau:
1) Hệ thống Dân-Chủ ở Ðức: Nước Ðức có được hệ thống Dân-chủ ngày hôm nay là phải tình thật, cám ơn “Ông thần Hitler”: Bởi khi không ông ta đã phát điên đi đánh lung tung beng rồi bị thua đậm, do đó nước Ðức bị Ðồng-minh cai quản, trong đó Mỹ là chính. Khi các chính khách Ðức xin Ðồng Minh cho tái lập quốc gia Ðức thì chính Mỹ đã vạch ra cả 1 hệ thống tổ chức chính quyền, bắt dân Ðức phải noi theo. Ngay cả đến Hiến-Pháp cũng phải làm mới lại, với Ðiều 1 Hiến Pháp: Sự Tôn-Nghiêm nhân phẩm Con Người là bất khả xâm phạm. Rồi sau đó mới đến các điều ấn định quyền tự-do dân chủ, cũng như tổ chức nhà nước Ðức. Theo thể chế Liên-Bang (để khỏi sanh tật độc tài!), nói chung thì “cọp-dê” từ thể chế Mỹ, nhưng chính thể lại là Ðại-Nghị, tức là chính phủ Liên Bang được cầm đầu bởi Thủ-Tướng, chứ không phải Tổng-Thống như Mỹ. Thủ Tướng tiếng Ðức là Kanzler (tức Chancellor), tổng thống Ðức chỉ là chức đại diện Quốc gia, như 1 loại Ðại Sứ Ðặc-Biệt, chuyên đi phỏng vấn các nước để kiếm mối làm ăn cho dân Ðức, nên thường người ta chả ai biết tổng thống Ðức là ai cả, Ông này là làm theo yêu cầu của Thủ-Tướng, đi ngao du “rước mối”, nên có Ông TT Ðức khi đi thăm các nước Á-châu, phải đem Ông Beckenbauer đi theo để cho dân chúng ở đó biết mà ra đón cho đông, vì ông cầu-thủ với biệt danh Cặp-giò vàng này nổi tiếng thế giới từ năm 1974 Ðức vô địch túc cầu thế giới, nay đã đồng nghĩa với Mercedes, Porsch, BMW, Siemens, v.v... Tức là những gì mà dân dã thế giới biết về Ðức! Thủ Tướng Ðức được Quốc Hội Ðức bầu lên từ trong dân biểu tại hạ-viện (Bundestag), nên ở Ðức người dân chỉ có đi bầu Hạ-Viện quốc hội chứ không có bầu Thủ-Tướng, thượng-Viện hay Tổng thống gì cả. Người ta bầu các dân-biểu địa phương vào quốc hội, rồi tùy theo số lượng dân-biểu của từng đảng trong hạ-viện mà người ta có được đảng đa số tuyệt đối, rồi Ðảng này mới lựa trong các dân-biểu của mình ra 1 Thủ-Tướng để tổ chức chính phủ. Nếu đảng nhiều phiếu nhất mà không đạt đại đa số tuyệt đối thì có thể tìm 1 Partner, để dồn phiếu nhau sao cho trên 50% thì mới được Hạ-viện thông qua để đúng ra tổ chức chính phủ. Rồi từ các đảng phái có chân trong Hạ-Viên mới đưa “Gà nhà” ra để ứng cử Tổng-Thống, thường thì dĩ nhiên Gà của đảng cầm quyền được thắng lên làm Tổng-Thống. Nên T.T ở Ðức chỉ là “tay-sai, bồ nhà” của Thủ-Tướng, để khi có những bản thảo điều luật được quốc hội thông qua thì đến tay TT phê-chuẩn để khỏi bị hụt giò (Bởi trong quá khứ đã có xẩy ra cái trò trớ trêu này rồi: gà nhà đá nhau inh ỏi, TT chơi xỏ Thủ Tướng!) Vì là đại diện cho cả quốc gia Ðức nên TT tuy không có quyền tham gia chính trị nhưng có quyền lên tiếng “thay mặt toàn dân” chửi bới chính-phủ, thậm chí có vị TT vì thế mà treo ấn từ quan, về nhà đuổi gà cho vợ! Thủ-Tướng, cũng như các thành viên chính-phủ, phải chịu trách nhiệm trước Quốc-Hội, chính yếu là Ha-viện làm đại diện, do dân trực tiếp bầu lên, nên Hạ viện có quyền bất tín nhiệm thủ tướng bằng 75% số phiếu đồng ý trong hạ-viện. (Như thế tức là ngay cả dân-biểu trong đảng của Thủ-tướng cũng có thể phản thùng!)
Và, khác với Mỹ, TT chỉ 2 nhiệm kỳ, Thủ-Tướng Ðức thì trên lý thuyết có thể làm hoài nếu cứ được quốc-hội đề nghị hoài! (Thủ tướng thống nhất nước Ðức, ông Kohl, làm thủ tướng đến 16 năm!). Còn Thượng Viện Ðức (Bundesrat) do đại diện chính phủ của các tiểu bang hợp lại, chả làm gì cả, chỉ đại diện cho quyền lợi từng tiểu bang để phê chuẩn hay bác bỏ các bản thảo bảo vệ Luật do Hạ-Viện đưa lên.

2) Còn Deputy of Chancellor và 5% quote minimal trong bầu cử ở Ðức có nhiều đảng chính trị, chính yếu hiện nay là 5 đảng: Ðảng Liên Minh Dân-Chủ Công-Giáo (Christlich Demonkratische Union, viết tắt là CDU), nhưng riêng ở tiểu bang Bayern, là cái tiểu bang của cái hóc bò tó nơi tôi ở (Bavaria) thì có đảng Liên-Minh Xã-Hội Công-Giáo (Christlich Soziale Union, CSU), đảng này chỉ có ở tiểu bang này, thực ra đây là đảng anh em với liên minh công giáo CDU nên thường được kể là 1, tức bên Union. Ðảng Dân chủ xã hội Ðức(Sozialdemokratische Partei Deutschland, SPD) Ðảng Dân Chủ Tự-Do(Freie Demokratische Partei, FDP) tức là đảng của Ông Philipp Rösler, người bộ trưởng gốc Việt. Ðảng Xanh (Die Grünen) là đảng Trí-Thức tiến-bộ... Ðảng Phe tả (Die Linke) là đảng tàn dư CS Ðông Ðức.
Ngoài ra, tùy vùng, còn có nhiều đảng cắc ké khác, như đảng Quốc-Gia Ðức (NPD, Nationale Partei Deutschland, là cháu chắt “ông“Hitler)

Mỗi 4 năm ở Ðức này bầu Quốc Hội (Hạ Viện), các đảng phải thi nhau nhận tiền từ liên bang và tiền ủng hộ để tuyên truyền hứa nhăng hứa cuội, lựa mấy tay ăn nói ba hoa, đẹp trai tha hồ dụ khị dân chúng. Người ta đi bầu tùy số ứng cử viện ở địa hạt mình, thêm vào đó là số đảng tương ứng, nghĩa là người ta phải gạch 2 dấu chéo (chắc là cho người mù chữ!) vào 2 cái vòng tròn.Vòng tròn thứ nhất cho ứng cử viên mà mình thấy nghe khoái lỗ tai, vòng tròn thứ nhì là chéo cho cái đảng nào mà mình lỡ làm Fans. Làm như thế là vì cái dân Ðức rất là lắt léo: Có nhiều cử tri khoái ông ứng cử viên A, (vì đẹp trai, dụ khị giỏi, v.v...) muốn bầu cho ông ấy, nhưng lại lỡ không ưa cái đảng nhà ông A đó, mà muốn bầu cho đảng khác coi bộ đường dài thì khá hơn, như vậy thì bầu với 2 dấu chéo (X). Khi kiểm phiếu, ứng cử viên nào nhiều phiếu nhất là dân-biểu, nhưng số phiếu dành cho Ðảng thì được tính tổng quát để “xí” số ghế trong Hạ-Viện ở tiểu bang, hay có lúc ngay cả ở đơn vị bầu (Thí dụ đơn vị đó có đến 5 ghế dân biểu chẳng hạn).

Và chính cái số phiếu dành cho Ðảng đó được kể là 5% tối thiểu để có ghế ở Hạ Viện, như thế nếu 1 đảng ít hơn 5% số phiếu bầu thì dù có cha nào của đảng đó được bầu lên thì cũng phải ra rìa! (chỉ được ngồi ở ngoài xía vào thôi). Tuy nhiên số phiếu tuy ít đó, nếu không xài, có thể dồn phiếu cho 1 đảng nào đó để được trên 51% trong Hạ Viện và vì thế được tham gia vào trong chính phủ. Những cái đảng nhỏ vì thế đôi lúc rất quan trọng, vì mấy đảng lớn không đủ túc số 51% thì phải nài nỉ số phiếu của các đảng nhỏ ấy, nên được phép làm eo làm sách. Ðó là trường hợp đảng FDP của ông người Ðức gốc Việt đó. Và người Ðức gọi những đảng như thế là đảng kìm cái cân, vì nhờ cái đảng này nhẩy vào thì làm nghiêng cán cân lực lượng đôi bên. Ðảng FDP, từ ngày thành lập vào năm 1948 đến nay, luôn là1 đảng nhỏ. Hồi ấy Ðức chỉ có 3 đảng: Ðảng Liên Minh, đảng Xã hội, và đảng Liberal FDP. Ngay từ đầu, đảng này đã nhẩy qua nhẩy lại để hưởng lợi, nắm quyền, thường họ được nắm 2 bộ chính là Bộ Ngoại-Giao và Bộ Kinh Tế; 2 đảng lớn kia vì muốn nắm quyền nên phải chịu cho FDP nó bóp cổ, đòi cả làm Phó Thủ Tướng, (vì là Partner, nên phải ngang nhau!) Thường thì FDP chỉ có 7 hay 8% phiếu thôi, nhưng sau này có thêm cái đảng Xanh ra đời chia bớt phiếu, mà “Xanh Xanh Ðỏ Ðỏ thì trẻ nhỏ nó mừng” nên liên tiếp từ 1998 đế 2005, đảng Xã hội có 1 “anh” thủ-tướng đẹp trai, ăn nói bùi tai nên được bầu đa số, khi lựa partner vì ghét cái đám FDP hay nhẩy qua nhẩy lại nên lựa đảng Xanh, nhưng nói hay không bằng làm hay, chỉ có 7 năm (chưa đủ 2 nhiệm kỳ) ông thủ tướng đó bị ngay chính trong đảng cấu xé, đòi bất tín nhiệm, bèn cho tổ chức bầu đặc biệt, đảng CDU liên minh thắng đa số, nhưng có cộng với FDP cũng không đủ, đành phải lập chính phủ liên hiệp với đảng Xã-hội SPD, cũng là 1 đảng lớn. Ðến năm 2009 bầu lại, không biết bà nhập làm sao mà đảng Tự-Do FDP được đến 15% số phiếu, là kết quả cao nhất từ ngày lập đảng nên cộng với bên Liên-Minh là trên 51%, và vì thế được đến 3 cái ghế bộ trưởng: Ngoại giao, Kinh tế và Y-tế (ông gốc Việt Rösler phụ trách), làm đảng Union ở Bayern cay cú (vì mất 1 ghế bộ trưởng). Ðã thế, ông chủ tịch Union nắm chức bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ Tướng (Vice Kanzler) mà toàn làm gì đâu, nên đảng mất tiếng, kỳ bầu cử ở 2 tiểu bang mới đây “tuột dù” chỉ còn 3%, dưới mức tối thiểu, bị gạt ra rìa. Nội bộ xào xáo, nên chủ tịch Westerwelle bị hạ bệ và dồn hết hy vọng vào “cậu” Rösler vừa trẻ, 38 tuổi, vừa đẹp trai, vừa học giỏi (Y-Sĩ) vừa con nhà giầu, vừa ăn nói có duyên... Nhất là không có tham vọng chính trị: ông Rösler tuyên bố mục đích tham chính chỉ là giúp nước, đến năm 45 tuổi thì bỏ chính trị, về cầm ống nghe chữa bệnh! (Ðiệu này chắc nhiều nữ bệnh nhân lắm!)

Ở chính phủ Ðức xưa nay vì cứ do FDP đặt eo sách nên bộ trưởng Ngoại Giao kiêm luôn phó Thủ-Tướng (đúng ra là Xử lý thường vụ thủ-tướng, tiếng Ðức là Vice Kanzler, không hiểu tiếng Mỹ có đúng là Deputy Chancellor không). Bên Mỹ thì phó tổng thống thay tổng thống khi cần, ở Ðức thì do bộ trưởng Ngoại Giao. Coi thế chắc không tương đương với chức nào bên Mỹ cả! Tóm tắt sơ lược là vậy. Người ta nói khen hay thì chỉ ít lời là đủ, còn chê dở thì bao nhiêu cũng không đủ. Coi vậy mà đúng, mới nói xấu me sừ Ðức sơ sơ có chừng ấy mà phải đánh bàn phím computer đến gần 2 tiếng đồng hồ. Nếu là chửi bằng miệng thì cũng khô miệng khát nước rồi. Xin tạm ngưng... rảnh “chửi” tiếp! Thân chào.

Ch.Tr.Sinh
(Thursday, April 07, 2011)
.
.
.

No comments: