Sunday, April 24, 2011

NGƯỜI CUBA ĐANG SỐNG NHƯ THẾ (Le Monde Diplomatique)



THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 19/04/2011
(Le Monde Diplomatique 4/2011)

Đăng bởi anhbasam on 24/04/2011


Người dân Cuba biết Fidel Castro đã nhường vị trí Chủ tịch nước cho Raul. Ngày 22/3, họ nhận ra ông cũng đã giao nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản cho Raul. Như vậy, Raul Castro có thể áp đặt chủ nghĩa thực dụng kinh tế vào Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba (PCC) diễn ra trong tháng 4 này.
“Mối đe doạ chính đặt ra với chúng ta không phải những họng súng Mỹ, mà là những hạt đậu – thứ mà người Cuba không ăn”. Đó là phát biểu năm 1994 và là dịp hiếm hoi Bộ trưởng Quốc phòng Raul Castro bộc lộ rõ bất đồng với người anh cả. Fidel phản đối việc tự do hoá thị trường nông nghiệp để có thể khuyến khích sản xuất lương thực. Trong khi đó, sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba phải sống chật vật trong “thời kỳ đặc biệt”: GDP sút giảm 35%, chịu bao vây cấm vận tăng cường của Mỹ, người dân sống trong cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Tướng Raul Castro phải nói thẳng vấn đề: “Nếu chúng ta không chịu thay đổi, tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bước ra khỏi xe tăng”. Cuối năm, các thị trường nông nghiệp được phép hoạt động tự do.

16 năm sau, Raul Castro thế chỗ người anh cả trở thành Chủ tịch nước và theo ông, “hòn đảo vẫn chưa thoát khỏi ‘thời kỳ đặc biệt’”. Năm 2008, 3 cơn bão lớn liên tiếp tàn phá cơ sở hạ tầng Cuba: hậu quả thiệt hại 10 tỉ USD, tức 20% GDP. Cơn bão thứ 4, chính là khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng tàn phá các khu vực năng động nhất của nền kinh tế (đặc biệt là du lịch, sản xuất kền). Cuba buộc phải đóng băng tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài và nới lỏng nhập khẩu, khiến hoạt động kinh tế càng chậm chạp. Một lần nữa, “những hạt đậu” lại là mối đe doạ: năm 2009, sản lượng nông ngiệp giảm 7,3%. Trong thời gian 2004-2010, tỉ trọng lương thực có nguồn gốc nước ngoài nhảy từ 50% lên 80%.

Ngày 18/12/2010. Raul Castro không còn nhắc đến người anh mà hướng tới người dân. Đề cập trước Quốc hội mục tiêu của Đại hội VI diễn ra sau Đại hội V 14 năm, ông khẳng định: “Hoặc chúng ta phải thay đổi tình thế, hoặc chúng ta không còn thời gian thoát khỏi vực thẳm ngay phía trước”. Nhưng thay đổi đến đâu?

Trần lốm đốm đen vì ngấm nước, tường ngang dọc thạch sùng đậu, đồ đạc bên trong tuềnh toàng: Phòng khách mà Chủ tịch Quốc hội Ricardo Alarcon không toát lên được vẻ quyền lực. Vậy mà cách đây 5 năm, có tin đồn Alarcon là một trong hai ứng cử viên chính kế nhiệm Fidel Castro. Thế nhưng dường như “số phận” đã quyết theo cách khác. Và đây có thể là lý do cho câu nói tự phát của Alarcon: “Đúng thế, hẳn sẽ có mở cửa thị trường, mở cửa cho chủ nghĩa tư bản”.

Có một số ý kiến cho rằng “xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước” không phải chuyện đơn giản, nhất là khi thị trường trong nước hạn hẹp. Có phải đó là sự đoạn tuyệt ở đất nước cách mạng? Chủ tịch Quốc hội Cuba không tán thành ý kiến trên: “Chúng tôi muốn làm tất cả để bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Không có ‘chủ nghĩa xã hội hoàn hảo’ mà mọi người mơ ước. Chủ nghĩa xã hội là có thể ở Cuba, trong những điều kiện của chúng tôi. Và như các bạn đã biết, trong xã hội Cuba đã tồn tại các cơ chế thị trường”.

Đồng USD trở nên quen thuộc như đồng nội tệ

Trung tâm thành phố La Habana là khu Vedado. Tay mang một chiếc túi nhỏ, Miriam rời nhà cuốc bộ trên con đường ven biển. Bên kia biển, với khoảng cách chừng 150km, là Key West và Florida, đầu bên kia của thế giới. Vượt qua đường tới gần một ngã tư, Miriam không trông thấy những đứa trẻ ăn mặc rách rưới, mặt mũi đen nhẻm, đang chào bán bật lửa, kẹo gói hoặc vé số cho các lái xe gặp trên đường. Ở các phố, không có bất cứ biển quảng cáo nào mời du khách khám phá cái cảm giác mát vô tận của thứ đồ uống có ga hay cảm giác mềm mại mãnh liệt của một loại sữa tắm “cách mạng”. Là một ngoại lệ của khu vực, Cuba chưa từng biết đến chuyện trẻ con đi ăn mày. Là ngoại lệ của thế giới, hòn đảo này không cho phép trương biển quảng cáo sản phẩm.

Nhưng Miriam không hề quan tâm đến điều đó. Tương tự 70% dân số Cuba, bà sinh sau năm 1959, ngày “thắng lợi của cách mạng”. Môi trường này là của bà, là môi trường duy nhất. Ngược lại, bà không quên đòi hỏi “những chính phục xã hội” mà ở đây người dân được hưởng. Tất cả những gì Nhà nước sắp đặt theo thẩm quyền, miễn phí, và đối với bà là một quyền lợi: giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá, việc làm và thực phẩm, đều thông qua libreta (số lương thực, loại sổ ghi tiêu chuẩn thực phẩm mỗi người được hưởng, sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ra đời vào năm tới).
Đến bodega (cửa hàng), Miriam chìa ra quyển sổ quý báu gồm các bảng được chia làm 9 cột thẳng đứng. Bên trái là danh sách các sản phẩm liberta cho phép được mua: 1,20 livrơ (mỗi livrơ bằng nửa kg) đậu hạt giá 0,8 pêxô; nửa lít dầu ăn 0,20; 1 kg sữa váng 2; 3 livrơ đường 0,15; 400 gam bột mì 0,90; 115 gam cà phê 5 pêxô… Bên phải, mỗi cột là tiêu chuẩn một tuần trong tổng số 8 tuần của mỗi trang giấy.
“Bà muốn gì? – Gạo.” Miriam giơ chiếc túi về phía người bán hàng. Cũng giống mọi người dân Cuba khác, bà có quyền mua 5 livrơ gạo với giá 5 pêxô theo tiêu chuẩn và mua thêm 2 livrơ giá 0,90 pêxô.

Miriam làm việc trong một cơ quan bộ với lương tháng ở mức trung bình – 450 pêxô. “Khoảng hai chục CUC”. CUC là gì? Là đơn vị tiền tệ có thể quy đổi được, tương ứng 24 pêxô truyền thống. Loại tiền tệ này xuất hiện vào năm 2004 để thay thế đồng USD mà sự nhượng bộ “chủ nghĩa hiện thực kinh tế” đã dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Cuba cho phép sử dụng từ năm 1993.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Chính quyền Cuba tưởng có thể cải cách khu vực kinh tế đối ngoại mà không cần tiến hành những thay đổi cơ bản ở trong nước. Nhưng “thị trường” đã bị xâm nhập qua mọi kẽ hở. Lĩnh vực riêng biệt mở cửa cho đầu tư và du lịch để cung cấp ngoại tệ cần thiết cho việc duy trì cấu trúc xã hội của đất nước đã khiến thị trường tràn ngập đồng USD. Tiền phong bao, việc trả một phần lương bằng ngoại tệ, rồi tiền từ nước ngoài gửi về, và nhất là chợ đen: chân dung George Washington nhanh chóng trở nên quen thuộc như những hình ảnh in trên đồng tiền nội địa.

Chính quyền đã không đấu tranh. Họ mở các cửa hiệu mua bán bằng ngoại tệ – các shopping – để hướng các dòng chảy USD vào két sắt của Nhà nước. Một thị trường kép được thiết lập làm tổn hại đến chủ quyền tiền tệ của đất nước và đe doạ nguyên tắc bình quân mong manh của cách mạng: Chỉ có 2/3 người dân Cuba có được sự tiếp cận hợp pháp đồng USD (và đồng CUC). Chênh lệch giữa những người ăn lương, từ 1 đến 4 năm 1987, đã tăng lên mức 1 đến 25 sau đó 10 năm.

Và thế là tất cả mọi người dân đều có thể đổi đồng pêxô thành đồng CUC: Các ưu đãi bị xoá bỏ. Chỉ còn những ưu đãi của thực tế. “Nhà nước tiếp tục trả tôi bằng đồng pêxô. Ông đã nhìn bảng giá trong shopping chưa?” – Miriam vừa nói vừa nhìn cân hàng. Lon Coca-Cola (nhập từ Mêhicô): 1 CUC (bằng 24 pêxô); bánh xà phòng (chất lượng xoàng đối với một người châu Âu): 1,5 CUC (36 pêxô); máy nghe hi-fi: khoảng 400 CUC (9.600 pêxô); máy tính cá nhân: khoảng 500 CUC (12.000 pêxô).

Túi xách của Miriam giờ đã đầy, nhưng không quá nặng. Libreta liệu có cho bà đủ sống? “Có, trong khoảng 10 đến 15 ngày. Đấy là chưa tính phải chi cho những thứ khác.” Rau cỏ, đi lại, điện nước, và rồi cả quần áo. Ngay cả khi không theo mốt thì việc ăn mặc cũng phải cân nhắc. Một chiếc quần dài ư? Khoảng 130 pêxô. Một chiếc váy ngắn? Mất 90 pêxô. Một chiếc quần cộc (không nhất thiết phải thời trang)? 10 pêxô.

Landi, thợ sửa chữa ôtô ở Matanzas, kiếm 350 pêxô mỗi tháng; Jose, lái xe tải ở Santa Clara, khoảng 250; Marilyn, nhà báo ở Cienfuegos, 380 pêxô. Các viên chức cấp cao thì thế nào? Theo Fernando Ravssberg, một phóng viên BBC sống ở La Habana, là “khoảng 800 pêxô”. Nếu lương trung bình tăng từ 188 lên 427 pêxô trong thời gian từ 1989 đến 2009, thì giá trị thực của nó – có nghĩa là mức đã điều chỉnh có tính đến lạm phát – lại giảm từ 188 xuống … 48 pêxô.

Châu chấu được dành cho khách du lịch

Từ bodega đến tiệm vải, kể cả chưa đi qua shopping, trong đầu du khách sẽ nhanh chóng có những phép tính. Và tất yếu sẽ đặt câu hỏi: Và tất yếu sẽ đặt câu hỏi: Không hiểu người Cuba làm gì để sống? Cũng tất yếu, người ta sẽ trả lời: “Phải giải quyết thôi”. – Câu hỏi mà người dân Cuba thường sử dụng trong hoàn cảnh một vấn đề cần giải quyết được mọi người biết đến.

Một khách du lịch gọi chai bia ngoài sân một khách sạn lớn: 3 CUC. Không phải lúc nào người phục vụ cũng lấy bia từ tủ của khách sạn, mà có khi từ ngăn tủ của anh ta được che đậy ngay bên cạnh. Mua 1 bán 3, những chai bia này mang lại cho anh ta một món tiền nhiều gấp mấy lần lương cơ bản để có thẻ lo lót cấp trên.

Một nhân viên khách sạn bị đau răng. Bác sĩ nha khoa nói anh ta muốn “giải quyết” thì phải đợi 2 tuần: “Anh có thể đến vào tối nay, với 5 CUC.” Thường thôi! Đến lượt anh nhân viên này gợi trí tưởng tượng: “Chữa cho tôi ngay đi, rồi tối nay tôi sẽ cho anh và cả nhà vào dùng tiệc đứng ở khách sạn tôi đang làm việc”.

Việc mua bán căn hộ đều bị cấm. Tuy nhiên, một số gia đình cứ rộng dần ra trong khi số khác co hẹp lại. Những người làm môi giới sẽ giới thiệu nhà đất để hưởng hoa hồng trung bình căn cứ vào giao dịch được thực hiện trên cơ sở “giá thị trường”. Môi giới một căn nhà một phòng ở khu Vedano lịch sự? “Khoảng 15.000 CUC.” Một ngôi nhà 5 phòng nằm cách xa trung tâm thành phố một chút? “Khoảng 80.000 CUC.”

Ở đất nước của “chủ nghĩa xã hội hay là chết”, châu chấu được dành cho du lịch hoặc xuất khẩu. Các ngư dân có thể mua bán sản phẩm qua chợ đen. Trong khi đó, sinh viên đại học có thể thuê Internet vào buổi tối, sau giờ học; giáo viên dạy thêm tại gia; y tá nhận chăm sóc sức khoẻ tận nhà; lái xe tải hoặc xe buýt nhận chở khí đốt. Đối với nhiều người, làm việc cho Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tạo khả năng… cải thiện chợ đen: bút, ghế tựa, dụng cụ, vật liệu xây dựng.

Nhà ở, tiền nong, lương thực đều chịu tác động trầm trọng của lệnh cấm vận…. Từ nhiều năm nay, người Cuba phải học cách xoay xở với “các cơ chế thị trường” chi phối cuộc sống hàng ngày của họ. Tất cả âm thầm chịu đựng cho đến khi Raul Castro lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày 26/7/2011, trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách (quyền) Chủ tịch, ông nhận định: “Lương không còn đủ để trang trải cho các nhu cầu cơ bản (…), và điều này đang tạo điều kiện cho các hiện tượng vô kỷ luật trong xã hội.”

“Đó là những giá trị làm nên chất lượng sống thực sự, còn hơn cả cơm ăn áo mặc hay nhà cửa”, Fidel Castro từng khẳng định trong bài phát biểu ngày 26/5/2003. Để đương đầu với những khó khăn của đất nước – đặc biệt là nạn tham nhũng -, vài năm trước, Fidel đã phát động “cuộc chiến tư tưởng”. Mục tiêu: Làm thấm đẫm niềm tin cách mạng của người dân Cuba, đặc biệt là giới trẻ, bằng cách tạo cho họ một việc làm. Chẳng hạn, các sinh viên được giao nhiệm vụ theo dõi các trạm phục vụ ôtô. Cuộc chiến tư tưởng phát huy tác dụng một thời gian rồi trệch hướng, khiến nhận thức lại có vấn đề. Báo chí (chính thức) ở Cuba mới đây tiết lộ Bộ Xây dựng đã sử dụng 8.000 công nhân cùng 12.000 bảo vệ chỉ để làm nhiệm vụ chống trộm.

Sau “cuộc tranh luận quốc gia đại sự” phát động năm 2007, Raul Castro nhận định người Cuba đang chờ đợi các cuộc cải cách mang một bản chất khác. Tại sao ông kết luận như vậy? Không ai thực sự biết, bởi chưa có bất cứ báo cáo, tổng kết hay trích đoạn nào liên quan đến “cuộc tranh luận” được công bố. Landi kết luận: “Ở đây, quyết định là Nhà nước chứ không phải nhân dân”.

Từ nay, vấn đề không còn là sửa chữa những rối loạn về chức năng xã hội không tương thích với sự cứng nhắc của hệ tư tưởng, mà là làm hình thành một chủ nghĩa xã hội đã trút bỏ “những tư tưởng sai lầm và phi hiện thực của chúng ta”. Để làm được như vậy, phải “tranh thủ những kinh nghiệm tích cực của chủ nghĩa tư bản”. Những toan tính, xoay xở đó liệu có làm chuyển biến một bộ phận người Cuba cũng như các doanh nghiệp nhỏ? Chủ tịch nước đương nhiệm đã chọn cách phục quyền cho sáng kiến cá nhân thông qua công việc độc lập.

Trong cuộc sống hàng ngày, việc công bố danh sách 178 nghề được mở cửa cho tư nhân kể từ tháng 9/2010 đã không thực sự làm thay đổi mọi chuyện. Thợ nề, mộc, điện, sửa chữa đồng hồ, sửa chữa bật lửa: về chính thức, những nghề này không tồn tại. Nhưng từ lâu, ai cũng nhờ đến những người thợ này. Tại sao? “Không gì khó hơn việc sửa ống nước rò mà phải chạy đến nhờ xí nghiệp Nhà nước (phụ trách sửa chữa nhà cửa). Mọi người đều có thói quen chạy sang nhờ một người hàng xóm thạo việc”, Ricardo giải thích.

Từ nay, “người hàng xóm” sẽ phải trả thuế: dưới 20 CUC một chút để đăng ký giấy phép, một khoản khác cho doanh thu (25%), một khoản đóng góp cho an sinh xã hội (25% thu nhập) và một khoản thuế đối với những thu nhập từ 5.000 pêxô trở lên mỗi năm (sẽ lên đến 50% đối với những thu nhập từ 50.000 pêxô trở lên). “Thậm chí một lao động độc lập có thể thuê người Cuba khác và trả công tuỳ theo khả năng làm việc của họ”, Ricardo cho biết. Đây là điều trái hiến pháp do là một hình thức bóc lột. Nhưng Sở thuế vụ lại rất thích: Khi đã trở thành “ông chủ”, người hàng xóm sẽ phải nộp một mức thuế bằng 25% lương thu được.

“Nhà nước phải quyết định giá cắt tóc”

Cuộc sống hàng ngày chỉ thay đổi chút ít, trong khi các diễn văn thì ngược lại… Tháng 3/1968, Fidel Castro tố cáo “bộ phận sống ngoài rìa xã hội này đang sống ăn bám những người khác, (…) những kẻ lười biếng có sức khoẻ này đang đứng núp sau một quầy hàng hay bày đặt một công việc nhỏ mọn cốt để kiếm được 50 pêxô mỗi ngày”. Vậy là trong chưa đầy 2 ngày, không chỉ các hoạt động thương mại tư nhân như quán rượu, cửa hàng thực phẩm, xưởng sửa chữa ôtô mà cả các nghê như thợ mộc, thợ nề và sửa chữa ống nước đã gần như biến mất. Tháng 11/2010, diễn văn chính thức đã thay đổi. Những người không sống phụ thuộc? Báo Granma cho đó là “những doanh nghiệp đầy thiện chí, thấm nhuần đạo đức”, mà thành công của họ “sẽ đóng góp một phần đáng kể cho thành công của mục tiêu hiện thực hoá mô hình kinh tế Cuba”.

Năm 1995, chính quyền đã dập tắt mọi ý định làm giàu, chẳng hạn bằng cách giới hạn các quán ăn đặc biệt ở mức tối đa 12 bàn. 15 năm sau, người ta không còn thực sự lo sợ việc “tích luỹ”. “Chúng ta hãy trung thực: Nếu đã trang trải mọi chi phí, mỗi tháng người lao động độc lập có thu nhập cao hơn mức lương trung bình hiện nay, thì liệu thực sự có điều gì khập khiễng không?”, nhật báo của PCC đặt câu hỏi. Nói cho cùng, “nguồn vốn là nguồn lực được gây dựng bằng lao động, bằng khả năng cải thiện từng ngày chất lượng dịch vụ để có được những nụ cười thu hút khách hàng”. Tháng 1/2011, một tạp chí Công giáo của hòn đảo vui mừng cho rằng từ nay, Cuba đang hướng tới tương lai mà không “sợ giàu có” nữa.

Nhưng các cải cách mà Raul Castro đang tiến hành không chỉ nhằm hợp pháp hoá những gì quá khứ cấm đoán. Theo Alfredo Guevara, một trong những nhà trí thức nổi tiếng nhất Cuba, chúng còn nhằm “phi nhà nước hoá” nền kinh tế bị trị, trong đó các quy định và chế độ kiểm soát đã không còn tính thuyết phục. Ví dụ: Một phần lớn cà chua thu hoạch năm 2009 đã bị thối tại chỗ. Phục tùng lệnh cấm đi xe không, các xe tải của Nhà nước đã không thể đến. Giao cà chua cho nhà máy gần nhất để nghiền? Không thể được: Hình thức này chưa từng được dự tính trong các quy chế của xí nghiệp.

“Có thật sự cần thiết Nhà nước quyết định giá cắt tóc không?”, Jorge Luis Vandes thuộc Hiệp hội các nhà kinh tế và kế toán Cuba đặt câu hỏi. “Trước tháng 4/2010, giá chính thức cho một lần cắt tóc là 80 xu. Nhưng quy định này không cản trở các thợ cắt tóc đòi từ 5 đến 20 pêxô cho cắt tóc nam và 100 pêxô cho cắt tóc nữ. Nhà nước cung cấp điện, nước, điện thoại mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng nếu trả 1 pêxô ở phòng khác. Để phục vụ 4 thợ cắt tóc cần tới 2 bảo vệ, một phụ nữ dọn dẹp, một kế toán, một quản lý. Tất cả đều ăn lương Nhà nước”.
Nhưng từ nay, mọi chuyện đã thay đổi. “Các thợ cắt tóc làm độc lập và mỗi người phải nộp 990 pêxô mỗi tháng cho Nhà nước: 330 pêxô thuê địa điểm, 330 cho an sinh xã hội và 330 thuế sức lao động. Sau đó, họ sẽ trả tiền cho những gì họ muốn và cho việc thuê người làm nếu cần: Nói chung, số người làm đã giảm hơn.” Cũng y như thợ cắt tóc và các bảo vệ dư dôi, từ nay đến năm 2020, 40% dân số ở tuổi lao động phải chuyển từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân (hiện nay, có tới 90% dân số ở tuổi lao động làm việc cho Nhà nước). Jorge kết luận: “Giảm chi phí, tăng nguồn thu: đối với Nhà nước, như vậy tất cả đều được hưởng.(…) Tại sao chúng ta phải khác các nước khác? Cần chấm dứt các loại miễn phí mà chúng ta đang áp dụng tại đây”. Các loại miễn phí nào? Là “tất cả những gì Nhà nước phân phát miễn phí cho người dân Cuba, từ khi họ ra đời đến khi chết, để đảm bảo sự bình đẳng.”
Các miễn phí nêu trên đã bào mòn các động lực và cản trở sự phát triển kinh tế. Đến nay, chủ nghĩa xã hội Cuba hiếm khi nhắc đến bình đẳng mà không bác bỏ sự thiên lệch của “chủ nghĩa bình quân”. Giải pháp? Như Raul Castro đã phát biểu ngày 27/12/2008: Bãi bỏ các loại miễn phí, tạo giá trị thực cho đồng lương. Không có lựa chọn nào khác. Và ngày 27/9/2009, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ramiro Valdes đã truyền đạt đến người dân Cuba rằng “Tất cả đừng chờ đợi ở người mẹ Nhà nước”. Đã không còn cảnh Nhà nước trả tiền bánh cưới và phòng khách sạn cho các tuần trăng mật. Cũng không còn căng tin (miễn phí) của 4 Bộ ở La Habana: Người lao động được nhận tại chỗ 15 pêxô mỗi ngày để tự lo ăn uống (hiện tại, thế là đủ). Và có thể libreta cũng sẽ không còn nữa nếu biết rằng trong văn kiện trình Đại hội VI, có mục 165 đã đề nghị thay thế số lương thực bằng một hình thức “trợ giúp xã hội có mục đích” dành cho “những người có nhu cầu thực sự”, tương tự những gì đang được áp dụng tại một số nơi ở Mỹ Latinh.

Trong khi đó, công đoàn thống nhất chịu trách nhiệm thông báo thôi việc cho 500.000 lao động Nhà nước trong những tháng tới. Những người này sẽ được nhận một tháng lương, sau đó nhận phụ cấp bằng 60% một tháng lương (với những người có thâm niên 19 năm trở xuống), 3 tháng lương (nếu có 26 năm làm việc) và 5 tháng lương (nếu có 30 năm làm việc). Mục tiêu chắc chắn là khích lệ họ sớm tìm việc làm mới ở khu vực tư nhân.
Nhưng liệu một người có thâm niên làm việc cả chục năm trong một bộ có thể biến thành nông dân, thợ cạo hay thợ nề chỉ trong 2 tháng? Khác xa những bài diễn văn mẫu mực, nhà kinh tế Omar Everleny Perez – mà nhiều người coi ông là một trong những người cha tinh thần của cải các hiện thời – nhận xét: “Đúng vậy, sẽ có những người bị thua thiệt trong các cuộc cải cách. Có những người trở thành thất nghiệp. Đúng là các bất bình đẳng sẽ gia tăng. Nhưng thực tế, những vấn đề nêu trên đều đã tồn tại. Những gì chúng ta biết hiện nay chỉ là một sự bình đẳng giả tạo. Điều cần xác định hiện nay là ai thực sự xứng đáng ở tầng trên”,

Ngày 9/2/2011, các nhân viên của một trạm y tế ở trung tâm thành phố được triệu họp để thảo luận về văn kiện trình Đại hội dày 32 trang với 292 đề xuất, trong đó có một số ý kiến quyết định tương lai của mọi người dân Cuba: Lương theo thực tế, hợp thức hoá “giá thị trường”, xem xét lại các chương trình xã hội. Tất cả nhất trí thông qua trong vài phút. Thực ra, những người tham gia cuộc họp chủ yếu dành thời gian để xem xét sự liên quan của họ với hệ thống y tế và giáo dục. Đồng ý thay đổi, nhưng không phải như vậy. Thư ký cuộc họp, đồng thời là người phụ trách bộ phận công đoàn, cắm cúi ghi biên bản, nhưng ghi cái gì hoặc như thế nào thì không ai thực sự chú ý.

Tuy nhiên, liệu có chuyện cuộc cải cách này sẽ kéo theo các cải cách khác, để cuối cùng chính quyền Cuba xác định việc, “thực tại hoá” các “chinh phục xã hội” của đất nước là không thể tránh khỏi? Ngày 10/1/2011, trên trang nhất báo Granma có in bức vẽ một thanh niên đứng tựa vào cột đèn hỏi một ông già qua đường: “Ông nội, cho xin một ít tiền lẻ?” “Tiền lẻ” theo tiếng Tây Ban Nha là “cambio” – cũng có nghĩa là “thay đổi”. Và “ông nội” trả lời: “Tất nhiên rồi, con trai! Đã đến lúc phải thay đổi và tạo cho cậu làm việc một cách lương thiện!”

*
*
TTXVN (La Habana 10/4)
Tờ Nuevo Herald của Mỹ mới đây đã có bài viết về thực trạng vạn sự khởi đầu nan của giới doanh nghiệp tư nhân Cuba. Sau đây là nội dung bài viết:

Không hề có một lễ khánh thành hoành tráng, cũng chẳng có quảng cáo trên báo chí. Không có tiền để in tờ rơi quảng cáo trong khu phố cổ La Habana, với đầy rẫy “ổ trâu, ổ bò” và những ngôi nhà cổ xộc xệch, chỉ chừng đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Nhưng đối với Julio Casar Hidalgo, ông chủ cửa hàng Pizza nhỏ, ngày khánh thành nhà hàng vẫn là một sự kiện vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Ban đầu, chẳng ai hay biết về việc cửa hàng đã mở. Nửa tiếng trôi qua, rồi lại nửa tiếng nữa, Hidalgo ngồi chờ xem ai là người mở hàng. Cuối cùng thì một cụ già cũng đã tới mua. Cụ cho biết chiếc bánh Pizza rất ngon. Và sau đó ông chủ cửa hàng không có thời gian để nghỉ tay. Ngày đầu tiên, Hidalgo đã bán được 30 chiếc và trong ngày cuối tuần đầu tiên đã bán được 60 chiếc. Tuy nhiên, chiếc lò nướng bằng gas đó có vẻ quá nhỏ đối với một cửa hàng, thậm chí còn nhỏ so với lò nướng của một gia đình.

Nửa năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Cuba Raul Castro cho phép mở cửa có hạn chế nền kinh tế quốc gia cộng sản, đây là cải cách quan trọng nhất từ nhiều thập niên nay. Tính tới ngày 8/3, Chính phủ Cuba đã cấp mới 171.000 giấy phép kinh doanh cho tư nhân, 2/3 của con số 250.000 giấy phép kinh doanh mà La Habana dự kiến sẽ đạt được trong năm nay. Một vài người Cuba tham gia kinh tế tư nhân đã thành công, một số khác cho rằng mọi việc khó khăn hơn nhiều so với dự kiến. Một vài doanh nhân đã không thể tồn tại và buộc phải từ bỏ ý định kinh doanh. Trên thực tế, đây là minh chứng của những thử nghiệm do La Habana đang tiến hành cũng như tính chất thăng trầm dã man của thị trường tự do.

Lorenzo Perez, cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và hiện là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu kinh tế Cuba, một trung tâm phi chính phủ có trụ sở tại Oasinhton, cho rằng người Cuba là những người dám làm, nếu họ được quyền làm việc và chỉ cần có chút lợi nhuận là họ sẽ làm. Ông này cũng nhấn mạnh kế hoạch cho ra đời các doanh nhân nhỏ của Cuba phải đối đầu với nhiều thách thức tại một quốc gia nơi mà chỉ rất ít người dân có khái niệm về kinh doanh, ngoài ra họ còn gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm nguyên liệu và hàng hoá, mức thuế quá cao và vô số quy định ngặt nghèo khác. Trên thế giới, tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ gặt hái được thành công rất ít, thậm chí là cả ở Mỹ. Tại Cuba, những khó khăn đối với họ rất nhiều, bởi lẽ môi trường kinh doanh không hề có. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc là không thể làm.

Hàng chục nhà hàng được mở, một vài trong số đó vô cùng sang trọng ở một quốc gia với 11 triệu dân. Người kinh doanh gần như không thể tìm đâu ra những thứ cơ bản và vô cùng cần thiết để làm đẹp một nhà hàng như bàn ghế đồng bộ bởi chẳng cửa hàng nào bán những thứ đó. Những người đã đi xin cấp phép kinh doanh cho biết quá trình này đơn giản và nhanh chóng. Cho tới giờ, lực lượng thanh tra chính phủ chưa xuất hiện và các chủ cửa hàng chưa phải lo về việc hối lộ thanh tra để được làm ăn yên ổn.

Về phần mình, Chính phủ đã buộc phải kéo dài thời gian thực hiện sa thải 500.000 người lao động trong khu vực nhà nước và thừa nhận rằng chính sách này vô cùng phức tạp, cần phải thực hiện một cách thận trọng.

Alan Perez, một người bán đĩa DVD sao chép lậu trên phố, cho biết anh ta đã từ bỏ kinh doanh từ 2 tuần nay. Khi nhận được giấy phép kinh doanh trong tháng 12, các cơ quan chức năng cho biết anh ta phải trả mỗi tháng 2,50 CUC – đồng pêxô có thể chuyển đổi được (tương đương 2,8 USD hoặc 60 pêxô Cuba). Tuy nhiên tháng 3 vừa qua, người ta thông báo với anh ta rằng mức thuế hiện tại là 10,50 CUC/ tháng và phải trả trước 1 tháng. Trong ngày đó, nhiều loại hình kinh doanh khác cũng bị tăng thuế và có rất nhiều người đã phản đối, thậm chí có người còn khóc lóc bởi họ chẳng lấy đâu ra tiền để trả cho các nhà chức trách. Trước khi xin giấy phép kinh doanh, Perez không đi làm bởi theo anh ta, với mức lương 300 pêxô (tương đương 12 CUC) mà nhà nước trả, anh ta chẳng thể nào sống nổi và anh ta đã xin tiền cha mẹ để kinh doanh đĩa.

Javier Acosta, chủ nhân một nhà hàng sang trọng ở quận Playa, cho biết trong tháng đàu tiên số tiền mà anh ta thu được không đủ để trả mức thuế 458 CUC, do đó anh ta đã phải lấy tiền tiết kiệm để trả thuế và cho người làm. Tháng thứ hai, số tiền thu được đủ để Acosta trả thuế và trả tiền thuê nhân công. Anh ta hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều khách hàng hơn. Theo Acosta, có ngày chẳng có ai tới ăn, có ngày chỉ có một hoặc 2 bàn. Tuy nhiên, anh khẳng định vẫn sẽ tiếp tục nấu thật ngon và theo đuổi công việc này. Các khách hàng sẽ mách nhau nếu món ăn của anh ta ngon và họ được phục vụ tốt.

Elena Simpson, một bà mẹ trẻ, mở cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt và cà phê ở ngay tại nhà, thuộc quận Vedado, cho biết trước đây chị không đi làm và sống nhờ vào nguồn kiều hối mà người nhà gửi từ nước ngoài về để nuôi đứa con nhỏ hiện 2 tuổi. Chị Simpson bắt đầu kinh doanh được 4 tháng nay và mỗi tháng lãi được 25 CUC, nhiều hơn mức lương trung bình 17 CUC ở Cuba. Chị khẳng định sẽ không thể làm giàu với những thứ chị bán nhưng đủ để chị chi tiêu hàng ngày.

Trường hợp của anh Hidalgo, chủ cửa hàng Pizza, sức ép kinh doanh lớn hơn rất nhiều. Anh này đã đầu tư tới 1.000 CUC vào việc sửa sang và mở cửa hàng, đa phần số tiền này là do người anh họ sống tại MỸ gửi cho. Anh này gần như phải đứng cạnh lò nướng cả ngày cộng với thời gian phải khuân vác và chở hàng tải bột mì và các hộp nước sốt cà chua trên chiếc xe đạp của mình. Anh ta mua tất cả nguyên liệu cần thiết tại các cửa hàng bán ngoại tệ của Chính phủ và khẳng định Chính phủ đang thực hiện đúng cam kết cho phép người kinh doanh có thể mua hàng hoá cần thiết ở các cửa hàng, hay nói cách khác, hiện tại nguyên liệu anh ta cần để làm bánh có thể mua ở cửa hàng với giá cao chứ không phải như trước đây là không có và người ta buộc phải mua ngoài chợ đen. Anh ta cũng thừa nhận từ khi kinh doanh anh ta không có thời gian để hưởng thụ những gì mình làm ra bởi anh ta quá mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc cật lực.

Theo Hidalgo, điều tồi tệ nhất là một lần thanh tra nhà cửa tới và muốn phạt anh ta bởi anh ta không có giấy phép để cải tạo sảnh trước cửa nhà mình thành cửa hàng bán Pizza. Ban đầu anh ta tưởng mình phải trả 75 CUC tiền phạt, nhưng sau đó thanh tra viên nói rằng nếu anh ta tìm được một kiến trúc sư và người này thiết kế lại nhà thì sẽ không bị phạt. Việc thuê thiết kế này sẽ tốn chỉ khoảng 100 peso hay 4 CUC. Hidalgo cho biết không có thanh tra nào đòi xem xét giấy tờ hay hoá đơn, khác hẳn với những gì đã xảy ra với anh ta khi lần đầu tiên mở tiệm Pizza vào những năm 90 của thế kỷ trước. Lần đó, tuần nào thanh tra cũng tới hỏi thăm và họ đã tịch thu giấy phép kinh doanh của Hidalgo khi phát hiện anh ta mua nguyên liệu ở thị trường chợ đen. Hidalgo cũng cho biết trước khi mở tiệm Pizza anh ta làm việc tại một cửa hàng bánh mì của nhà nước với mức lương tương đương 11 CUC/tháng. Khi Chính phủ cho phép kinh doanh anh ta bỏ việc ngay vì lương thấp quá.

Tuy nhiên, Hidalgo cho rằng cũng có ngày anh ta gặp khó khăn, đặc biệt vào cuối tháng bởi lúc đó mọi người đều đã hết tiền. Anh ta tính trung bình mỗi ngày bán khoảng 20 chiếc Pizza. Một ngày bán đắt khách anh ta có thể lãi đựơc bằng đủ số tiền lương 11 CUC mà anh ta đi làm ở cửa hàng bánh mì trước đây. Mặc dù vậy anh ta vẫn phải chia tiền cho cô người yêu và người bác ruột giúp anh ta. Một chiếc Pizza truyền thống laọi nhỏ anh ta bán với giá 0,50 CUC. Một chiếc Pizza to thêm nhiều thịt băm hay thịt hun có giá 3 CUC, một mức giá cao đối với mức lương trung bình 17 CUC/tháng ở Cuba.

Các chuyên gia kinh tế Cuba cho rằng một vài người sẽ không thành công bởi họ không có vốn để theo đuổi kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người ở Cuba nhận được kiều hối và đa phần những người này đều kinh doanh gì đó. Khi được hỏi là những khách hàng của anh lấy đâu ra tiền để ăn bánh Pizza, Hidalgo cười nói: “Có người sống bằng lương và phụ cấp, tuy nhiên người ta luôn có thêm tiền từ một nguồn thu nào đó. Nếu mà sống bằng lương, có khi người ta phải đóng khố khi ra đường”. Anh này cho rằng với nhà hàng này, cách nhìn của anh về đất nước đã thay đổi. Cách đây 1 năm, anh này và người yêu đã muốn di cư bất hợp pháp sang Mỹ. Hidalgo khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng vào đất nước, vào những thay đổi đang được tiến hành”./.
.
.
.



Đăng bởi anhbasam on 24/04/2011
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 21/04/2011
TTXVN (Oasinhton 13/4)
Joseph Nye, giáo sư đại học Havard, tác giả cuốn “Tương lai của Quyền lực”, có bài viết về quan hệ Mỹ – Trung đăng trên tờ Thời báo Los Angeles ngày 6/4 như sau:
Năm ngoái, khi Trung Quốc cắt đứt các cuộc đối thoại quân sự sau khi Chính quyền Obama bán vũ khí phòng vệ cho Đài Loan, một hợp đồng đã được chờ đợi từ lâu, một quan chức cấp cao của Mỹ hỏi người đồng cấp phía Trung Quốc vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh như vậy trước một việc mà nước này đã chấp nhận trước đó. Câu trả lời: “Vì trước đây chúng tôi yếu, còn bây giờ chúng tôi mạnh.” Trong một chuyến đi gần đây tới Bắc KInh, tôi hỏi một chuyên gia Trung Quốc rằng điều gì phía sau sự tự thị mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Câu trả lời là: “Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều người Trung Quốc tin rằng chúng tôi đang nổi lên còn Mỹ thì đang đi xuống”.
Những người Trung Quốc này không đơn độc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ là thế lực thống trị trong hai mười năm nữa nhiều hơn số người tin rằng Mỹ sẽ duy trì được vị trí đó. Một số nhà phân tích còn đi xa hơn và lập luận rằng sự nổi lên của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc va chạm tương tự như đã từng xảy ra giữa một nước Đức đang lên và một nước Anh đang thống trị, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất một thế kỷ trước.
Chúng ta cần thận trọng với những dự đoán khốc liệt như vậy. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới đuổi kịp Mỹ về quân sự, kinh tế và các nguồn lực quyền lực mềm. Ngược lại, đến năm 1900, Đức đã vượt qua Anh. Ngay cả trường hợp GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ vào một thời điểm nào đó trong những năm 2020, hai nền kinh tế vẫn không thể coi là ngang bằng nhau. Trung Quốc sẽ vẫn có một khu vực nông thôn rộng lớn kém phát triển, và gần như chắc chắn đã bắt đàu phải đối mặt với những vấn đề về dân số và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Như một số người Trung Quốc thường nói, họ sợ rằng họ sẽ già trước khi giàu. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới có thể trở thành một thách thức nào đó đối với nước Mỹ giống như nước Đức của Kaiser tạo ra khi Đức vượt qua Anh.
Nhưng nhiều người Trung Quốc không nhìn thế giới theo cách đó. Họ tin rằng cuộc suy thoái năm 2008 đã tạo ra một sự thay đổi về cân bằng quyền lực thế giới, và rằng Trung Quốc cần bày tỏ ít tôn trọng hơn với một nước Mỹ đang đi xuống. đánh giá quá tự tin này là một phần nguyên nhân dẫn đến chính sách đối ngoại tự thị hơn của Trung Quốc trong hai năm qua. Sự thay đổi nhận thức dường như đã làm củng cố thêm sự tự tin của Chính quyền Trung Quốc, mặc dù đánh giá của họ là sai lầm.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đi theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Tuy nhiên, với sự thành công trong phục hồi kinh tế sau suy thoái và đạt mức tăng trưởng 10%, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm ngoái, và nhiều người ở Trung Quốc đã thúc giục phải có một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. Một số người đổ lỗi điều này cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng quan điểm đó là quá đơn giản. Các nhà lãnh đạo cao nhất vẫn muốn đi theo chiến lược của Đặng Tiểu Bình, nhưng họ cảm thấy bị sức ép từ bên dưới bởi chủ nghĩa dân tộc đang lên, cả trong hệ thống chính trị lẫn thế giới mạng.
Thái độ tự thị mới của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các quan hệ của họ với các nước khác ngoài Mỹ. Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước ASEAN cảm thấy lo ngại, và phản ứng của Trung Quốc với các hành động của Nhật Bản sau vụ va chạm tàu gần quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) đang tranh chấp đã dẫn đến việc Tôkyô củng cố thêm quan hệ liên minh với Oasinhton. Bắc Kinh cũng làm Hàn Quốc xa lánh thêm bằng việc không chỉ trích việc Bắc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, làm Ấn Độ tức giận về các vấn đề biên giới và hộ chiếu, rồi tự làm xấu mình tại châu Âu và những nơi khác bằng việc phản ứng quá mức trước việc trao giải Nobel hoà bình cho nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba.
Vậy các vấn đề này sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới? Có khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẽ lùi lại ở mức độ nào đó từ lập trường quá tự thị hiện đã chứng tỏ khiến họ mất nhiều. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn hợp tác trong các vấn đề khủng bố, phổ biến vũ khí và năng lượng sạch sẽ giúp giảm những căng thẳng, nhưng các nhóm lợi ích nội bộ đầy quyền lực trong các ngành xuất khẩu và Quân Giải phóng Nhân dân muốn hạn chế hợp tác kinh tế và quân sự. Và quan trọng nhất, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tăng lên của người dân Trung Quốc được thể hiện trên các trang blog, sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thay đổi nhiều trong chính sách của họ. Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào đến Oasinhton vào tháng Giêng giúp cải thiện được một số vấn đề, nhưng mối quan hệ sẽ vẫn khó khăn chừng nào nhiều người Trung Quốc còn phải chịu đựng sự ngạo mạn dựa trên chủ nghĩa dân tộc và niềm tin sai lầm vào sự đi xuống của Mỹ.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như bất ổn tài chính, an ninh mạng và biến đổi khí hậu, hai nước còn nhiều thứ để đạt được từ việc làm việc cùng nhau. Không may thay, những đánh giá sai lầm về quyền lực đã tạo ra sự ngạo mạn cho người Trung Quốc, và nỗi lo sợ không cần thiết của một số người Mỹ về sự đi xuống của Mỹ, và những thay đổi nhận thức này khiến cho việc hợp tác khó khăn hơn. Bất cứ sự thoả hiệp nào từ Mỹ đều được Bắc Kinh coi là dấu hiệu khẳng định thêm thế yếu của Mỹ. Nhưng với những dự đoán thực tế hơn, Trung Quốc và Mỹ không được phép lặp lại kinh nghiệm đầy thảm hoạ của Đức và Anh cách đây một thế kỷ.
*
* *
TTXVN (Luân Đôn 15/4)
Sự không tin tưởng lẫn nhau trong mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng sâu đậm đã làm cho các công ty Trung Quốc khó lòng thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tờ “Thời báo Tài chính” vừa qua đã có bài phân tích vì sao tập đoàn Huawei của Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp các giải pháp mạng viễn thông hàng đầu trên thế giới lại không thể “truy cập” được thị trường này.
Kể từ năm 1997 khi Huawei bắt đầu chi 3% trong tổng doanh thu hàng năm để học tập kinh nghiệm quản lý từ các công ty Mỹ như IBM, Accenture và Hay Group để ứng dụng hệ thống quản lý như các công ty đa quốc gia của Mỹ nhưng Huawei vẫn chưa tiếp cận được thị trường Mỹ. Trong khi những bài học từ thung lũng Silicon đã giúp Huawei chiếm lĩnh thị trường ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Âu – và đã làm cho công ty trở thành đại gia lớn thứ hai về lĩnh vực này trên toàn cầu – thì nó đã vấp phải bức tường đá ở Mỹ. Mặc dầu năm ngoái, công ty thu về 28 tỷ USD doanh thu, 4,4 tỷ USD lợi nhuận và chiếm 14,2% thị phần thế giới nhưng lại chưa giành được hợp đồng đáng kể nào ở Mỹ.
Những cố gắng bất thành đến nản lòng của Huawei để tìm đường vào Mỹ cho thấy giữa Mỹ và Trung Quốc có mối lo ngại nghi ngờ lẫn nhau ngày càng sâu đậm. Ở Mỹ, ngày càng có nỗi thất vọng và lo lắng trong cộng đồng tình báo và quốc hội về việc các công ty Mỹ phụ thuộc nhiều vào các công ty Trung Quốc cung cấp các thiết bị thiết yếu cho các ngành công nghiệp nhạy cảm cao. Ngoài ra cũng có mối lo ngại rằng các doanh nghiệp Mỹ bị yếu thế hơn các đối thủ của mình do việc các công ty Trung Quốc được hỗ trợ tài chính ngầm từ Bắc Kinh. Còn về phía Trung Quốc, họ nghi ngờ Mỹ đang tìm cách chặn lại sự trỗi dậy của họ trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực kinh tế.
Bằng chứng rõ nhất là năm ngoái Huawei đã cố gắng tăng thị phần ở thị trường Mỹ nhưng đều thất bại. Trong tháng 10, công ty này suýt nữa thì thắng một hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD từ Sprint Nextel, tập đoàn viễn thông lớn thứ ba ở Mỹ. Mặc dầu Chính quyền Obama thiếu một cơ chế chính thức để ngăn chặn thoả thuận này, nhưng vì Mỹ có lý do để lo ngại nên Gary Locke, người Mỹ gốc Hoa, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại, (người vừa được bổ nhiệm là đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh tháng 3/2011), đã gọi điện cho giám đốc điều hành của Sprint. Và cuối cùng, Spint đã chọn công ty Samsung của Hàn Quốc chứ không phải Huawei.
Stephanie Kirchgaesner, phóng viên Thời báo Tài chính đã viết rằng chính quyền Obama tỏ thái độ cứng rắn hơn với việc các công ty nước ngoài mua lại các tài sản của Mỹ hơn là những người tiền nhiệm trước, một động thái mà những nhà quan sát cho rằng nó phản ánh một thái độ cẩn trọng khi thẩm định những thoả thuận kinh tế có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Năm 2006, các quan chức trong Chính quyền Bush đã bị giới chính trị tức giận sau khi họ thông qua một thoả thuận trong đó công ty Dubai Ports World được phép mua lại các tài sản cảng của Mỹ chỉ sau khi xem xét có 30ngày.
Kể từ đó, Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), một ban điều hành bí mật do Bộ Tài chính phụ trách gồm có các quan chức tình báo và quốc phòng hàng đầu, bắt đầu tăng cường các vụ điều tra, một thực tế mà các nhà đầu tư nước ngoài không thể không nhận ra.
Dưới các qui định của CFIUS, việc mua lại các tài sản nhạy cảm sẽ được thẩm định trong vòng 30 ngày. Dưới thời của Bush, hiếm khi các công ty bị thẩm định kéo dài hơn hạn định này, tức thêm 45 ngày sau khoảng thời gian được ấn định là 30 ngày. Nhưng điều này đã thay đổi. Theo số liệu của CFIUS, trong năm 2007, chỉ có 4% các thoả thuận là bị thẩm định kéo dài, nhưng năm 2009 con số này là 38%.
Neal Wolin, Thứ trưởng Bộ Tài chính và là một trong những quan chức phụ trách CFIUS, nói rằng Mỹ là “một trong những nền kinh tế mở nhất” trên thế giới đối với đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cam kết lâu dài của lưỡng đảng đón nhận đầu tư nước ngoài, phù hợp với an ninh quốc gia”.
Nhưng những luật sư có liên quan đến các hợp đồng cho rằng rõ ràng có sự thay đổi trong quan điểm này. Paul Marquardt của công ty luật quốc tế Cleary Gottlieb nói: “Trong chính quyền trước, rõ ràng có xu hướng để các thoả thuận đi đến kết quả. Còn các quan chức hiện nay làm quá cẩn trọng”.
Năm ngoái, Huawei cũng thua Nokia Siemens Networks trong vụ đấu thầu dự án thiết bị không dây của Motorola và cũng không thắng thầu dự án của công ty 2wire, công ty phần mềm Internet, mà hợp đồng này lại rơi vào tay công ty Pace của Anh. Các nguồn tin cho rằng những quan ngại về mối nguy hiểm của những trở ngại về qui chế đóng vai trò trong những thất bại đó của Huawei.
Tháng trước, Huawei buộc phải chấp nhận không thắng thầu trong việc mua lại các bằng sáng chế từ 3Leaf, một công ty vỡ nợ có trụ sở ở Califonia, sau khi CFIUS từ chối thông qua.
Mario Mancuso, cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại hiện làm việc cho công ty Fried Frank, một công ty luật quốc tế nói: “Mọi thứ rõ ràng bất lợi cho Huawei”.
Điều này một phần do quan hệ sóng gió giữa hai nước, kể cả các báo cáo về các cuộc tấn công mạng vào các công ty mỹ như Google ở Trung Quốc. James Lewis, Trung âm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Oasinhton nói dù công bằng hay không, thì Mỹ sẽ khó lòng cho phép một tập đoàn của Trung Quốc tiếp cận hệ thống viễn thông nếu Mỹ có lý do để nghi ngờ việc làm như vậy sẽ tăng nhiều khả năng chiến tranh mạng.
Theo ông Mancuso, nhận thức về những mối đe doạ đối với cộng đồng chính sách an ninh quốc gia trong lĩnh vực mạng đã tăng lên nhanh chóng. Thế nên nếu như người ta tin rằng Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành các cuộc xâm nhập mạng, người ta sẽ phải cẩn trọng với Huawei bởi vì Huawei cung cấp cơ sở hạ tầng (viễn thông) quan trọng.
Huawei cũng coi mình như một nạn nhân của mối quan hệ bị đầu độc bởi sự nghi ngờ và thâm hiểm của Trung Quốc. Bill Plummer, người phát ngôn của Huawei ở Bắc Mỹ, nhắc lại nhiều lần những vấn đề của hai bên bao gồm cuộc chiến tiền tệ, bất đồng về vấn đề Tây Tạng và Đài Loan, xu hướng sử dụng an ninh thông tin và các chính sách để đóng cửa thị trường đối với các công ty nước ngoài. Ông nói: “Chúng tôi luôn bị nhìn qua lăng kính này”.
Lo ngại về việc bành trướng của các tập đoàn Trung Quốc đã gây hại cho các công ty Trung Quốc khác. Năm 2005, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã thát bại khi tham gia bỏ thầu trị giá 18,5 tỷ USD mau lại công ty Unocal của Mỹ do những cản trở chính trị mạnh mẽ. Cũng vào thời gian này, một nhân vật cấp cao của tập đoàn Chevron ở Mỹ, nói với tờ Thời báo Tài chính rằng tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã có những lợi thế không công bằng nhờ có đựơc nguồn tiền “miễn phí” từ Bắc Kinh.
Trong một lá thư gần đây gửi Tổng thống Obama, các nhà lập pháp cao cấp của Đảng Cộng hoà đã cảnh báo về sự hỗ trợ lớn của Bắc Kinh cho Huawei và ZTE, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc, và những mối liên hệ tài chính này sẽ làm tăng nguy cơ các công ty sẽ phải nghe theo chỉ thị của Bắc Kinh. Huawei thừa nhận đã nhận được một vài nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước nhưng cho rằng đây chỉ đóng vai trò như cầu nối giữa các ngân hàng và khách hàng cần những khoản vay để mua thiết bị và nói rằng Huawei không nhận hỗ trợ đáng kể nào từ phía chính phủ.
Tháng trước, Huawei đã bán một hệ thống băng thông rộng dùng cho vùng nông thôn cho công ty Mỹ Northeast Wireless ở Maine. Tuy vậy, những vấn đề mà Huawei phải đối mặt ở Mỹ vẫn không thay đổi. Trong một phiên điều trần trước quốc hội gần đây, một thượng nghị sĩ đã hỏi những người phụ trách về luật pháp về thương vụ này và tiết lộ rằng FBI đã trao đổi về hợp đồng này với công ty Mortheast Wireless. Vụ giao dịch này đã hoàn tất và cuối cùng thì cũng không gây tranh cãi. Nhưng đây lại thêm một dấu hiệu nữa cho thấy những khó khăn sắp tới của Huawei ở Mỹ./.
.
.
.

No comments: