Saturday, April 9, 2011

NẾU LÀ BI, BẠN CÓ SỢ KHÔNG? - BÌNH LUẬN PHIM "BI, ĐỪNG SỢ!"

Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Thursday, April 07, 2011 2:51:07 PM

LTS. Phim “Bi, đừng sợ!” của đạo diễn Phan Ðăng Di, là một trong 67 phim được trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF) năm nay. “Bi, đừng sợ!” sẽ được chiếu tại lễ trao giải và tiệc bế mạc ViFF lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 17 Tháng Tư, 2011, tại đại học UCI.

cuộc đời = phân mảnh

“Defragmentation,” một thuật ngữ của kỹ thuật tin học cho hệ thống Microsoft, xin tạm dịch là “chống phân mảnh,” là một việc cần thiết cho những máy vi tính được cài hệ thống này.
Sau một thời gian sử dụng, các tập tin (files) cần được “nối thành một mảnh” để người sử dụng không phải nhảy cò cò khi muốn mở tài liệu trong máy.
Nếu quá trình này có thể được áp dụng vào đời sống, thì tâm tư con người có lẽ không còn vương vấn, chẳng phải bâng khuâng, bất cần xao xuyến. Chúng ta sẽ không phải “nhảy cò cò” trong tình cảm, hay trong suy nghĩ. Cũng có nghĩa là: chán ngấy!
Cuộc sống, đôi khi là những mảng rời rạc, trôi trên dòng sống, có lúc va nhau, vụn vỡ, có lúc bập bềnh trôi, vô thức. Chính những sự rời rạc và bất định này làm cho cuộc sống phong phú (và rắc rối), và làm cho đời đáng sống.
Phan Ðăng Di là một nhà làm phim với một thái độ chấp nhận phân mảnh tuyệt đối khi anh đưa cuộc sống hằng ngày lên màn bạc. Trong phim “Bi, đừng sợ!” Phan Ðăng Di đã ngang nhiên đẩy từng mảnh rời của đời sống lên màn hình, với một thái độ hết sức bình thản. Và anh làm điều đó với tất cả những thô nhám, cọc cạch của cuộc sống.
Khi nhận lời điểm phim “Bi ơi, đừng sợ!” cho Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF), tôi đã không biết mình tự trèo lên lưng cọp. Mà con cọp này khá bất thường, với nhiều biến tấu và đột phá. Ðây là một bộ phim có khả năng kích thích sự suy nghĩ và nhận xét của người xem khá cao. Ðưa ra một câu chuyện được cuộn trong nhiều giai tầng rắc rối, nhưng đạo diễn lại không hề bận tâm đến việc cho người xem được biết hết chi tiết. Nhiều phần (hay chính cả câu chuyện) vẫn còn là một bí ẩn ở cuối phim. Và tựa phim, ít ra đối với tôi, mãi là một công án.

cái nhám, cái đẹp
Có độc giả phản ánh với tôi là tập thơ về mẹ của tôi, tập thơ đầu tay, thì êm ái, dễ đọc. Còn tập thơ gần nhất, tập “Thuyền nhân khúc cho ba,” thì sao mà... khó đọc quá. Tuy thích đọc, nhưng đọc xong thì họ... trẹo cổ, nhức vai, xái bao tử.
Không phải tôi không còn khả năng làm thơ “êm dịu” nữa, khi sáng tác tập thơ về ba. Nhưng tôi chọn cách viết ấy là vì những tâm tư về ba của tôi gắn liền với những đứt đoạn, nhục nhằn, ngăn cách, chua xót. Có người con nào được sinh ra không có ba (đang trong trại cải tạo) và lớn lên vắng bóng ba (đã đi vượt biên 13 lần và ở bên kia đại dương) mà làm thơ về ba “êm ái” được?
Thế nhưng, trong cái “khó đọc” ấy, tôi vẫn muốn độc giả hạnh phúc với những “cánh nắng vàng,” những giây phút ngắn ngủi có ba của tôi, những hình ảnh của quê tôi trong ký ức hồn nhiên của tuổi thơ, những câu chuyện cổ tích ba kể cho chúng tôi có đôi lần trước khi xa cách.
Cái đẹp, do vậy, không nhất thiết phải “êm ái” hay “dễ chịu.” Ðôi khi, chúng ta phải vượt ra ngoài cái 'comfort zone' của mình để thưởng thức những cái đẹp không tuân theo quy luật thông thường. Tôi nghĩ, tuy “Bi, đừng sợ!” là một bộ phim có vẻ thô nhám và trần trụi, nhưng nó vẫn chứa những cái đẹp rất tự nhiên và sâu lắng.
Cái đẹp ấy được thể hiện qua sự mời mọc táo bạo và quyết liệt của một người vợ bên người chồng lạnh chăn lạnh gối. Cái đẹp ấy đến chầm chậm giữa tình cảm của hai ông cháu, vốn là hai người xa lạ sau bao năm ông vắng nhà, cho đến khi ông cháu đùa nghịch với nhau, và ông tặng cho cháu những chiếc lá phong khô, chứa những kỷ niệm của một thời phiêu bạt.
Cái đẹp đến trong sự rung động của một cô giáo sắp lỡ thời (theo quan niệm của xã hội) trước sự quan tâm của một nam sinh. Cái đẹp đến trong cái bàng bạc của một rừng lau đang xào xạc trong gió, bao che cho những người và những việc cần được giữ kín.
Một cái “đẹp” khác, mà khá tế nhị cho bản thân tôi, là cách Phan Ðăng Di tiếp cận với đề tài tình dục. Có lẽ cái đề tài vô tận này sẽ làm cho người xem, hoặc tán thành, hoặc không đồng ý với đạo diễn. Một trong những quyết định táo bạo trong đề tài này, là Phan Ðăng Di cho phép nhân vật của mình tìm lối thoát cho những đè nén về tình dục. Qua đó, anh dám nói về những sự thật mà kỷ cương xã hội không cho phép người ta làm hay nhắc đến một cách công khai.
Sự đè nén tình dục hiển hiện trong nhiều khung cảnh: cô giáo lập gia đình muộn, người vợ trẻ thiếu sự hứng thú chăn gối của chồng, ông cụ già với cơn bệnh bí hiểm vẫn khao khát sự ôm ấp, v.v... Và có những gợi ý mơ hồ trong phim về những quan hệ tình dục đồng tính luyến ái, những ham muốn bất chấp tuổi tác của cô giáo lỡ thì đang âm thầm trồng cây si cậu học trò mới lớn, những ôm ấp và chăm sóc của cô con dâu khao khát niềm chăn gối.
Ðề tài tình dục có lẽ không là một chuyện gì mới mẻ đối với nhiều người, nhưng đối với một số cá nhân (trong đó có tôi), thì đây vẫn là một đề tài tế nhị. Thế nhưng, Phan Ðăng Di bắt chúng ta phải đối diện với nhục cảm trong những khung đời rất thật và rất hiện đại (vâng, tôi thấy đây là những mảnh đời được/bị đóng khung ở nhiều khía cạnh).
Và nếu chúng ta cảm nhận được những cái đẹp này, và những cái đẹp khác trong phim tùy theo cảm quan của mỗi người, thì phim của Phan Ðăng Di vẫn có xu hướng duy mỹ trong một cách sáng tạo và vượt ngoài khuôn khổ, cũng như chính những nhân vật của ông cũng “hành động” ngoài khuôn khổ vậy.

và một Việt Nam...
Phan Ðăng Di đưa cả một dòng lịch sử Việt Nam vào trong phim, đan quyện đời sống của ba thế hệ trong một gia đình, hiệu triệu gia phả của một đất nước trải qua nhiều biến động và vẫn đang thay đổi không ngừng. Như những “ngôi nhà của người chết” (nấm mộ) vẫn hiện diện xung quanh chúng ta, những phong tục tập quán mãi còn đây, trong từng nhịp thở của đời sống.
Một Việt Nam của thế kỷ 21, tuy có hiphop và vũ điệu hóa trang “nhập cảng” từ Âu Mỹ, nhưng vẫn lắc lư theo nhịp ca dao của một thời xa xôi. Những quán bia làm chao đảo không chỉ kẻ say sưa hằng ngày, mà còn làm chao đảo bao gia đình, bao cá nhân. Những gia đình trưởng giả còn phong kín cửa với những đạo mạo bên ngoài, nhưng bên trong đã dấy lên những xáo trộn cả thể.
Một cảnh mà tôi cho là xoáy vào một trong những vấn nạn kinh tế xã hội hiện nay, là cảnh Quang giở trò với cô gái phục vụ gội tóc. Hình như chuyện đụng chạm trong “bia ôm,” “karaoke ôm,” “đấm bóp ôm,” hay... “gội đầu ôm” là chuyện bình thường.
Thế nhưng, khi cô gái ngồi trong góc phòng thuê nghèo nàn của mình, khóc tức tưởi và sợ hãi, thì chúng ta được nhìn thấy khuôn mặt thật của cô, khuôn mặt mà hằng ngày, khi cô phải gội đầu (“ôm” hay không, tùy nhận định của mỗi người) cho cánh đàn ông, nhất là những gã ỡm ờ, thì chúng ta không được thấy. Cô phải đóng vai trò mà cô được thuê để làm, và cô phải giữ cái vẻ phớt lờ và có phần bỡn cợt kia.
Nhưng khi bị tấn công, cô đã để lộ cái yếu đuối, cái trong sáng của mình. Bức màn đã được kéo xuống. Cô không cần phải diễn cái vai “gội đầu viên” nữa, mà trở lại với chính mình: một cô con gái mới lớn, vẫn hết sức rúng động và lo sợ trước những bóng tối của xã hội, dù có lúc phải tỏ vẻ gan góc, sành đời.
Tôi cám ơn Phan Ðăng Di đã đưa ống kính vào một góc nhìn thông cảm như thế. Từ nhiều năm qua, tôi đã nghe rất nhiều những Việt kiều hồi hương còn trẻ kể khi trở lại Hoa Kỳ về những cảnh làm tiền của các cô gái phục vụ trong nhiều môi trường khác nhau. Thân xác người phụ nữ Việt Nam đã trở thành những mảnh đất để đầu tư, những công cụ mua vui mà người tiêu dùng có thể vất đi sau khi sử dụng, hay mặc cả khi “tìm hàng.”
Ở đây, Phan Ðăng Di đưa chúng ta đi vào phía sau bức màn sân khấu mua bán đổi chác, bộc bạch một chút về những mảnh đời hay bị lên án hoặc khinh bỉ, để khi chúng ta “lặn” sâu hơn trên dòng sông cuộc đời, chúng ta có thể hiểu nhiều mặt của một sự việc hơn, và có một trái tim bao dung hơn.

dòng sông lững lờ giữa những ẩn dụ...
Cuộc sống trôi, chảy.
Trong phim, đạo diễn Phan Ðăng Di đưa vào những hình ảnh (xem ra) vô thưởng vô phạt, những giây phút (tưởng như) vu vơ, nhưng đây là những thước phim của cuộc đời thật, của đời sống hằng ngày.
Nước, và nước đá, là hai hình ảnh ẩn dụ mà tôi cho rằng có nhiều ý nghĩa và nhiều cách hiểu trong phim. Phải chăng giữa biển lửa của một thành phố nhiệt đới đang chật vật trong cũ-mới, nước và nước đá là hai lối thoát cho những sự dằn nén nhục dục, những khát khao tình dục, những tréo ngoe muốn được.
Qua ống kính của mình, Phan Ðăng Di cho chúng ta thấy những biến động trên dòng sống tưởng như lặng lờ ấy. Khi thì anh trôi cùng mặt sóng, bồng bềnh bên những cảnh thường ngày, quan sát qua đôi mắt của cậu bé Bi - những điều bình dị, không mấy ai để ý đến.
Khi thì anh lặn xuống tận đáy, như những chú cá bống kèo, lẫn trong bùn, và xoay ống kính vào những cái bí ẩn của đời người. Ðó là khi những chuỗi việc bình thường bỗng bung ra, bùng nổ, giật tung những kỷ cương xã hội mà người ta vốn tuân theo. Cô giáo Thủy trên bãi biển Hải Phòng gồ ghề đã làm điều “trên bộc trong dâu.” Cô con dâu trong những ngày chăm sóc bố chồng đã phát triển một quan hệ khác với ông cụ tóc trắng như mây đang oằn oại trong ác bệnh kia.
Phan Ðăng Di cũng biết thuật phi thân, bay lên trời, cho chúng ta một góc nhìn xa xăm, với những nhân vật khi ẩn khi hiện giữa những rừng phi lau, giữa những trận mưa nhiệt đới đổ ào, giữa những phố xá kẹt xe, thiếu đất.
Với một ống kính linh động, Phan Ðăng Di “bình thường hóa” những cái đột biến trong cuộc sống, vạch ra lộ trình đi từ những gì “bất thường” (một người vợ thiệt thòi chăn gối, một cô gái “già” vẫn biết rạo rực với nam sinh của mình) đến những đột biến mà - qua lăng kính của anh - được trình bày một cách bình thản và bình thường. Những mảnh rời của cuộc sống. Những đề tài “nóng” trong xã hội. Những chiều kích ẩn của cuộc sống. Những việc cấm kỵ.
Phan Ðăng Di tạo nhiều bất ngờ trong phim, nhưng anh lại trình bày những chi tiết ấy với một sự thản nhiên đến vô lý. Ðấy chính là cái tài của anh.
.
.
.
Bùi Văn Phú

Tối Chủ nhật 13.03.2011 phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di được chiếu tại rạp Pacific Film Archive, Đại học Berkeley. Đây là buổi chiếu phim của Liên hoan Phim Á-Mỹ 29 diễn ra tại San Francisco từ 10 đến 20 tháng Ba với một số suất chiếu ở Berkeley và San Jose.
Hôm đó có tất cả 3 phim chiếu ở Berkeley. Bi, đừng sợ chiếu suất sau cùng lúc 8 giờ tối với chừng 50 người xem. Phim dài 90 phút là tác phẩm điện ảnh được sự phối hợp sản xuất của Việt Nam, Pháp và Đức.

*
Không gian và thời gian của bé Bi (Phan Thành Minh) là Hà Nội hiện tại. Đâu đó gần nhà máy nước đá với những công nhân thanh niên quần quật làm việc, trong khu nhà tập thể có một gia đình gồm cặp vợ chồng (Kiều Trinh và Hà Phong) với đứa con trai duy nhất là Bi mới lên sáu tuổi, có cô em chồng (Hoa Thuý) và u già giúp việc sống chung trong một căn hộ.
Bi tò mò. Như nhiều trẻ nhỏ đang lớn, thích nhìn xem những gì đang xảy ra chung quanh. Nhiều sự kiện mang tính nóng đập vào mắt, như sắc mầu trong phim cũng mang vẻ hầm nóng, ngột ngạt đang chờ đợi những cơn mưa. Cái vẻ âm u của phim bàng bàng cả trong khoảng trời giữa thủ đô đông người, đông xe và trong không gian bên bờ sông, biển. Nhà cao tầng mới xây bên cạnh khu nhà tập thể cũng là những mảng mầu xám. Giữa trời oi bức đó đạo diễn đã dùng nước đá như chất liệu làm hạ nhiệt không khí.

Bi là đứa bé sáu tuổi nhìn cuộc đời có quá nhiều điều lạ
Hình ảnh Bi lẻn vào nhà máy nước đá, nghịch ngợm bỏ một quả táo đỏ vào thùng nước trước khi qua máy đông lạnh thành đá tạo hình dạng lạ làm đám thanh niên ngạc nhiên, đùa nghịch một cách thích thú với cây nước đá. Ở nhà Bi thả hai lá phong vào khay nước, bỏ vào tủ lạnh cho đông đá. Bố Bi sau những bữa ăn nhậu say xưa về nhà cũng tìm cách hạ hoả bằng nước đá. Con dâu dùng đá lạnh áp lên người bố chồng (Trần Tiến) cho bớt cơn đau. Cô em chồng dùng đá lạnh thủ dâm.
Đời sống với những điều quá lạ đập vào mắt đứa bé mới sáu tuổi. Bi hay ra bờ sông hái hoa, ngắt lá có khi thấy đàn ông cởi truồng lang thang giữa đám trẻ đang thả diều, nô đùa.
Về nhà Bi thấy mẹ xoa bụng, bóp chân tay cho ông nội đang bệnh. Mẹ của Bi trong phim là hình ảnh con dâu săn sóc bố chồng mẹ chồng không còn theo nề nếp phong kiến. Nào lo cho ăn uống, thay quần áo và ôm cả bố chồng mà ngủ nữa. Đạo diễn Phan Đăng Di chọn đưa những hình ảnh này vào phim không biết có phản ánh thực tế xã hội Việt Nam ngày nay? Ngay cả đầu thế kỉ trước, dù sống trong lễ nghĩa nghiêm khắc người phụ nữ Việt không biết đã có phải làm dâu trong khuôn mẫu tam tòng tứ đức như thế không?

Ông nội đau bệnh con dâu phải săn sóc

Hay đạo diễn muốn dùng nó như những ẩn dụ của xã hội đang lên cơn sốt và muốn phản kháng? Vì ông nội sau một thời gian vắng bóng trong gia đình bỗng trở về trong tình trạng đau bệnh. Nhìn tấm áo ông mặc lúc nằm trên băng ca đđược khiêng vào nhà, chiếc áo đó là y phục của người Hoa.
Trong khi cảnh con dâu săn sóc bố chồng xa rời hiện tại, hình ảnh người chồng có phần đúng với thực tế Việt Nam. Bố của Bi bỏ bê vợ con, gia đình và chỉ thích ăn nhậu, la cà ngoài hàng quán. Ông mê một cô gái ở tiệm gội đầu, có lúc toan hiếp nên bị cô dùng li đập vào đầu chảy máu. Hình như ông nội cũng đang mơ như thế vì khi đó ở nhà ông đang ngủ và bỗng giật mình. Nhưng bố của Bi lại không quan tâm đến chuyện gia phong, lễ giáo. Thân phụ đau ốm mà ông chẳng màng đý. Bố chết ông mặc áo tang, theo quan tài ra nghĩa điạ. Nhưng chuyện thờ kính không quan trọng. Ngày giáp năm, gia đình tổ chức cúng giỗ và mời bà con bạn bè đến dự, ông miễn cưỡng thắp vài cây nhang vái trước bàn thờ. Xong rồi lại ra quán bia.

Đàn ông trần truồng giữa đám trẻ con
Nóng bỏng trên ghềnh đá

Qua con mắt của Bi còn là những cảnh nóng bỏng. Người cô đã quá tuổi lấy chồng hiện làm giáo viên, một hôm được cậu học trò nhường chỗ trên xe buýt thế là cô đem lòng tương tư, mơ tưởng, về nhà tự tìm cảm giác khoái lạc. Được chị dâu giới thiệu cho một người đàn ông làm nghề thầu xây cất, trong một buổi hẹn hò đi chơi biển Hải Phòng, sau bữa ăn bên sóng nước hai người làm tình trên đá. Tình dục hiện lên khá nhiều và rất táo bạo trong phim.
Phim kết thúc trong ngày giỗ giáp năm ông nội. Bố của Bi thờ ơ với chuyện nhang khói giỗ chạp, chỉ có mẹ đưa Bi ra thăm mộ. Đứng bên mộ ông nội, giữa đồng lúa, trên trời một máy bay của Hàng Không Việt Nam đang đáp xuống. Bi nhìn lên với dáng vẻ suy nghĩ về một điều gì đó. Lại có một người nào khác như ông nội từ phương xa về lại chăng?

Nếu là đứa bé như Bi lớn lên trong một xã hội như phản ánh trong phim, có lẽ tôi sẽ sợ. Vì không có ai giải thích cho tôi hiểu được những tình cảnh chung quanh mình.

© 2011 Buivanphu

------------------------------------------------

Xem phim dài 90 phút: Bi, Đừng sợ!


.
.
.

No comments: