LS Trần Đình Triển - BBC
Cập nhật: 09:56 GMT - thứ hai, 4 tháng 4, 2011
Ông Cù Huy Hà Vũ nói ông sẵn sàng chấp nhận bất kỳ bản án nào
Một trong bốn luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử hôm 4/4 nói với BBC cần hủy bản án của tòa sơ thẩm vì hội đồng xét xử đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
Luật sư Trần Đình Triển nói tòa đã không thực hiện theo điều 214 của Bộ luật Tố tụng Hình sự khi từ chối công bố các tài liệu mà dựa vào đó họ cáo buộc ông Hà Vũ phạm tội tuyên truyền chống nhà nước.
Về phiên xử kết thúc đột ngột hồi chiều nay, 4/4, với bản án bẩy năm tù giam đối với ông Hà Vũ, luật sư Triển nói các luật sư đại diện còn chưa kịp tranh tụng trước tòa:
Luật sư Trần Đình Triển: Với phiên tòa hôm nay, chưa đến phần tranh tụng thì các luật sư đã rời khỏi phòng xử án rồi và không tham gia phiên tòa nữa. Do đó việc chúng tôi nêu quan điểm và trình bày lời bào chữa của chúng tôi thì chưa được trình bày tại phiên tòa.
BBC: Như vậy có nghĩa là vụ xử đã diễn ra mà có luật sư cũng như không?
Luật sư Trần Đình Triển: Không thể nói như thế được bởi vì phiên tòa là theo yêu cầu của anh Cù Huy Hà Vũ và đã được Tòa án Nhân dân tp Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho bốn luật sư. Nhưng tại phiên tòa hôm nay, diễn biến tại phiên tòa có sự không đúng pháp luật.
Trong bốn luật sư, thì đối với luật sư Trần Vũ Hải trong lúc đang đề nghị với Hội đồng Xét xử cung cấp mười tài liệu mà cáo trạng của Viện Kiểm sát đưa ra truy tố đối với ông Cù Huy Hà Vũ để đọc nguyên văn hoặc cung cấp cho anh Cù Huy Hà Vũ để đánh giá toàn bộ chứng cứ của mười tài liệu đó thì bị chủ tọa phiên tòa ngắt đi và đồng thời cũng tuyên bố là cảnh cáo luật sư.
Nhưng luật sư Trần Vũ Hải vì đang say sưa trình bày thì tiếp tục trình bày tiếp thì bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát mời, tôi dùng một từ chuẩn xác hơn là đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phiên tòa.
Còn đối với tôi và luật sư Thanh (Vương Thị Thanh) và luật sư Sơn (Hà Huy Sơn) thì tôi trình bày quan điểm là hội đồng xét xử tại phiên tòa hôm nay cũng phải căn cứ quy định của hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dù ai cũng phải tuân thủ pháp luật.
Tôi đề nghị với hội đồng xét xử và tôi trích dẫn Điều 214 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là phải công bố những chứng cứ, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để các luật sư thẩm vấn, xét hỏi đối với ông Cù Huy Hà Vũ và ông Cù Huy Hà Vũ cũng đồng tình quan điểm đó nhưng hội đồng đã bỏ qua quy định của pháp luật tại Điều 214 và kết thúc phần xét hỏi.
Nói tóm lại các luật sư chưa được hỏi, đi sâu vào đánh giá chứng cứ và để chuyển sang phần tranh tụng, có nghĩa là cắt đi cái phần xét hỏi đi vào trực tiếp chứng cứ của vụ án để đánh giá có tội hay không có tội.
Vì vậy các luật sư, tôi, luật sư Thanh, luật sư Sơn đều đồng tình quan điểm nói lên ý kiến là đề nghị hội đồng thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Nếu hội đồng xét xử không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì các luật sư chúng tôi không thể ngồi bào chữa ở một phiên tòa mà chính ngay hội đồng đang vi phạm pháp luật.
Đồng thời cũng thể theo lời trình bày của anh Cù Huy Hà Vũ, anh yêu cầu là nếu không được công bố tài liệu để đánh giá chứng cứ tại phiên tòa thì luật sư không có căn cứ để hỏi đối với anh Cù Huy Hà Vũ cũng như không có căn cứ để tranh tụng tại phiên tòa thì anh Cù Huy Hà Vũ cũng đề nghị các luật sư không tham dự phiên tòa nữa.
Anh Cù Huy Hà Vũ cũng tuyên bố là: "Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân."
Đấy là lời của anh Cù Huy Hà Vũ và vì vậy mà tôi cùng luật sư Sơn và luật sư Thanh cũng ra về vào lúc khoảng gần 12h trưa.
Không công khai
BBC: Phía Việt Nam họ nói rằng đây là phiên tòa xét xử công khai, dựa vào những gì luật sư được chứng kiến trong phiên buổi sáng thì phiên tòa có phản ánh đúng tinh thần của một phiên xử công khai không?
Luật sư Trần Đình Triển: Trước hết là việc này ngay đầu phiên tòa thì luật sư Sơn cũng đưa ra ý kiến là trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì theo quy định của pháp luật phải nêu rõ là xử kín hay xử công khai, nhưng trong quyết định thì không nói đến xử kín hay xử công khai cả, tức là lập lờ ở chỗ đó.
Chủ tọa phiên tòa đã xin lỗi, đây là sự sơ suất do khâu đánh máy còn phiên tòa là xử công khai.
Và đã xử công khai thì theo quy định của pháp luật Việt Nam là mọi người dân đều có quyền đến tham dự phiên tòa, trừ trẻ em dưới 16 tuổi và những người không có năng lực hành vi.
Tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyềnđể đến dự phiên tòa.
Tại sao pháp luật quy định như vậy? Bởi vì người ta đến dự phiên tòa để, thứ nhất nếu người phạm tội thì cũng là một cách giáo dục, lên án để có biện pháp phòng ngừa chung.
Đồng thời qua phiên tòa cũng để nâng cao dân trí, để dân hiểu biết về pháp luật và góp phần vào phòng chống tội phạm và thực hiện những quy định của pháp luật và thực hiện đúng lời của nhà nước là 'sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật'.
Nhưng tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyền để đến dự phiên tòa.
Trước hết để đánh giá vấn đề này thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thấu đáo hai khía cạnh.
Thứ nhất, dân đông, chúng ta lường tính được thì chúng ta có thể tổ chức phiên tòa ở nơi rộng rãi hơn, lưu động, ví dụ ở sân vận động chẳng hạn, để dân được lắng nghe, được tham dự phiên tòa.
Hoặc là kéo loa ra một nơi rộng rãi khác để dân không được trực tiếp nghe trong phiên tòa thì người ta nghe qua hệ thống truyền thanh hoặc truyền hình.
Còn nếu trường hợp, cũng thông cảm với lực lượng bảo vệ vì dân đến có thể làm mất trật tự thì chúng ta cũng phải có biện pháp để bảo vệ nhưng theo quan điểm của tôi bảo vệ để giữ gìn an ninh trật tự khác với hành vi ngăn cấm.
Xét xử lại?
BBC: Như luật sư nói thì tôi [Nguyễn Hùng của BBC] có thể hiểu là ở đây thứ nhất tòa đã nhìn nhận có sai sót khi không công bố đây là phiên xử công khai, rồi sau khi tinh thần xử công khai nhưng thực tế lại không phải như vậy và rồi đến chuyện làm sai luật khi không cung cấp các tài liệu mà người bị buộc tội bị buộc vào tội như vậy thì phiên xử này về mặt pháp lý và về mặt bản án có tính pháp lý không?
Luật sư Trần Đình Triển: Theo quan điểm của tôi là trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là sự vi phạm tố tụng, mà đây là vi phạm nghiêm trọng thì phải hủy bản án để tổ chức xét xử lại từ đầu. Đấy là quy định của pháp luật.
Vì đây chúng tôi chứng minh được rằng rất nhiều hành vi vi phạm ngay từ khâu khám xét hành chính ban đầu đến trong cả quá trình điều tra, rồi trong cả quá trình để cung cấp cáo trạng, những kiến nghị của luật sư yêu cầu mời nhân chứng, yêu cầu mời người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... thì đều bị bỏ qua cả.
Căn cứ quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, sự vi phạm tố tụng mà ngay cả đối với các luật sư như trong ngày hôm nay và những tài liệu cung cấp thì theo quy định của pháp luật, cấp phúc thẩm nếu làm một cách đầy đủ đúng pháp luật thì phải hủy án để xét xử lại từ khâu sơ thẩm.
Ngay tại tòa tôi đã cầm cuốn sách về Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tôi xin trích dẫn một điều như thế này thôi.
Điều 214: "Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét xử đều phải được công bố tại phiên tòa."
Đấy là luật. Hội đồng xét xử không công bố thì đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật rồi.
Còn rất là nhiều quy định khác như vấn đề đánh giá chứng cứ hay thu thập chứng cứ.
Thu thập chứng cứ thì nguồn chứng cứ và quá trình thu thập chứng cứ phải đúng qua định của pháp luật.
Ttôi lấy ví dụ như việc khám xét hành chính phải theo đúng Pháp lệnh Xử phạt Vi phạm Hành chính.
Tại thành phố Hồ Chí Minh thì ủy ban thành phố đã có một văn bản riêng biệt quy định về khám xét hành chính thì muốn khám xét hành chính thì phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là nơi ở của họ muốn giữ người phải có quyết định, muốn thu giữ đồ vật phải có quyết định.
Nhưng tất cả quá trình đó từ 0h đến 15h [ngày 5/11 khi ông Hà Vũ bị bắt] không hề có một văn bản, một quyết định nào và ngang nhiên vi phạm pháp luật như vậy.
Việc thu giữ những tài liệu đó, những chứng cứ đó không đúng quy trình của pháp luật thì có giá trị pháp lý hay không?
BBC: Sắp tới đây liệu các luật sư có đưa ra quyết định kháng cáo không?
Luật sư Trần Đình Triển: Quyền kháng cáo trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thuộc về bị can, bị cáo, bị án.
Luật sư chỉ kháng cáo khi đối với những người có nhược điểm về thể chất hoặc đối với trẻ vị thành niên.
Còn trường hợp này quyền kháng cáo là thuộc về anh Cù Huy Hà Vũ.
Nếu anh Cù Huy Hà Vũ kháng cáo thì buộc phải xử theo trình tự phúc thẩm và các luật sư như tôi hay các luật sư khác nếu được anh Cù Huy Hà Vũ mời thì tham gia ở phiên tòa phúc thẩm.
BBC: Luật sư nói rằng phiên tòa đã vi phạm rất nhiều những quy định của pháp luật thì bản thân các luật sư có thể kháng cáo hay khiếu nại đối với cơ quan pháp luật cao hơn của Việt Nam không?
Luật sư Trần Đình Triển: Cái việc này thì là việc của nội bộ bốn luật sư chúng tôi thì chúng tôi sẽ có bàn bạc và cũng cần có ý kiến, trước hết là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như Đoàn Luật sư tp Hà Nội vì vấn đề này liên quan tới quyền lợi của luật sư Trần Vũ Hải đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà bị Chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát mời ra khỏi phiên tòa.
.
.
.
BBC
Cập nhật: 09:18 GMT - thứ hai, 4 tháng 4, 2011
1309: Tiếp tục có các ý kiến gửi về cho BBC.
1242: Phóng viên báo Financial Times ở Hà Nội dẫn lời một nhà ngoại giao cho rằng: "Chính phủ muốn nói không ai thoát khỏi lưới pháp luật, dù có vị trí cao đến đâu" - ám chỉ việc tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là con trai ông Huy Cận.
Cũng tờ báo này dẫn lời một phóng viên người Việt giấu tên: "Mọi người rất không hài lòng. Không phải là chuyện ông Vũ đúng hay sai. Thật tệ khi hạn chế tranh luận vào lúc đất nước chúng tôi đối diện những thách thức kinh tế nghiêm trọng."
1221: Đài phát thanh ABC của Úc phỏng vấn ông Phil Robertson,phó giám đốc ban châu Á của Human Rights Watch, bình luận về phiên tòa.
1204:Quý vị có thể xem các ý kiến độc giả BBC về phiên xử bằng cách vào đây.
1150: Trang Ba Sàm đăng bản tự bào chữa tại tòa của ông Cù Huy Hà Vũ, một tài liệu do em gái, bà Cù Thị Xuân Bích, công bố.
1144: Một trong bốn luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử hôm 4/4 nói với BBC cần hủy bản án của tòa sơ thẩm vì hội đồng xét xử đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
1133: Thông tấn xã Việt Nam tường thuật:
"Tại phiên tòa, 4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, gồm Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn. Do vi phạm nội quy phiên tòa, sau nhiều lần bị nhắc nhở, luật sư Trần Vũ Hải đã bị Hội đồng xét xử yêu cầu ra khỏi phòng xử.
Mặc dù đã được Hội đồng xét xử giải thích theo quy định của pháp luật, song 3 luật sư còn lại đã tự ý bỏ về khi có những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận."
Mặc dù đã được Hội đồng xét xử giải thích theo quy định của pháp luật, song 3 luật sư còn lại đã tự ý bỏ về khi có những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật, không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận."
1129: AFP, một trong vài cơ quan báo chí nước ngoài hiếm hoi được cho dự phiên xử, có bài tường thuật dài.
1119: Báo Tuổi Trẻ tường thuật bằng ba đoạn ngắn ngủi. Còn báo Dân Trí lại chi tiết hơn, cho biết phiên xử kéo dài gần 6 tiếng. Cũng theo báo này:
"Tự bào chữa cho mình, bị cáo Cù Huy Hà Vũ cho rằng, việc làm của mình không phải là tuyên truyền nên không phạm tội như VKS truy tố."
"Tòa bác bỏ lý lẽ bào chữa của bị cáo cho rằng mục đích những bài viết này của mình chỉ là kiến nghị, góp ý, quan điểm cá nhân. HĐXX đặt câu hỏi: “Đảng và nhà nước luôn luôn tôn trọng và đề cao những kiến nghị, góp ý, khiếu nại của các tổ chức cá nhân. Vậy sao không gửi góp ý, khiếu nại theo đúng quy trình”. Mục đích việc làm của bị cáo không chỉ là phân tích, kiến nghị với tinh thần xây dựng đơn thuần mà là tuyên truyền chống nhà nước.
“Bất cứ công dân nào cũng thấy việc bị cáo viết bài, trả lời phỏng vấn đăng tải trên các trang tin nước ngoài như vậy là vi phạm” - Chủ tọa phiên tòa khẳng định trong bản án."
1115: Blogger Beo chế diễu: "Chán, vì thất vọng. Một vở diễn tồi với 5 luật sư, 1 bị Kù đuổi, 1 tòa đuổi, 3 tự đuổi." Blogger này hứa sẽ viết thêm chi tiết về phiên xử.
1110: Trang blog Nguyễn Xuân Diện cho biết trước phiên tòa, một số tướng lĩnh của Đảng Cộng sản ký tên vào "Thỉnh nguyện thư yêu cầu giải oan và trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ", trong đó có Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
1103: Trên trang Chungta.com, có bài của Bùi Quang Minh liên hệ giữa phiên tòa và bài học chung về quyền con người. Tác giả này cho rằng "giữa quy định Hiến pháp và Pháp luật của chúng ta vẫn có độ vênh nào đó, cũng như giữa Pháp luật của ta và Công ước Quốc tế về Quyền con người mà nước ta tham gia cũng vậy".
1056: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ suy nghĩ: "Tôi không nghĩ Ts. luật Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn đúng, nhưng cái tinh thần, cái bầu máu nóng của anh với đất nước, với dân chủ thì chả có gì phải nghi ngờ, và chả có gì đáng lo ngại."
Trong khi đó, báo điện tử của Chính phủ Việt Nam nhận định: "Các bài viết và trả lời phỏng vấn này đã xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam."
1040: Blogger Phạm Viết Đào bình luận "không thể buộc tội Ts Cù Huy Hà Vũ phạm tội chống nhà nước".
1033: Truyền thông nhà nước bắt đầu loan tin về kết quả phiên xử. Báo Người Lao Động viết: "Tại phiên xử ngày 4-4, theo đại diện VKSND TP Hà Nội, bị cáo có thái độ ngoan cố, không chịu nhận tội tại tòa. Hành vi phạm tội của bị cáo được thực hiện nhiều lần trong thời gian dài. VKSND coi đây là tình tiết tăng nặng."
1017 (giờ Anh): Sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói với BBC rằng họ sẽ sớm ra phản ứng về vụ xử.
0900 (giờ Anh) Phiên tòa sơ thẩm xử ông Cù Huy Hà Vũ tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự kết thúc nhanh chóng vào đầu giờ chiều hôm 04/04 tại Hà Nội.
Tin mới nhất cho hay tòa tuyên án 7 năm tù, cộng 3 năm quản chế tại gia cho ông Vũ, chỉ nửa tiếng sau khi nghỉ ăn trưa họp lại.
Tuy nhiên người thân của ông đặt câu hỏi về tính hợp pháp của phiên tòa, vì đồng loạt cả bốn luật sư bào chữa cho ông đã tuyên bố ngừng tham gia từ cuối buổi sáng khi yêu cầu cung cấp tài liệu của họ không được tòa đáp ứng.
Thông tin cập nhật về phiên tòa, tuy được lưu truyền rộng rãi trên các trang mạng, không được nhắc tới trong các bản tin của báo chí chính thống.
Các nhân chứng cho hay ngay từ sáng sớm, bên quanh Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, nơi phiên xử diễn ra, hàng rào an ninh được thắt chặt.
Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản hàng trăm người đổ tới theo dõi phiên tòa mà một số báo chí nước ngoài nhận định là "lớn nhất Việt Nam" trong một thời gian.
Tòa bắt đầu xử vào khoảng 8 giờ sáng, nghỉ trưa vào lúc 12 giờ và mở lại vào đầu giờ chiều.
Hãng thông tấn Pháp AFP nói ông Cù Huy Hà Vũ đeo cà vạt đã xuất hiện trước tòa.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội.
Xử công khai?
Có bốn luật sư tham gia bào chữa cho ông Vũ.
Sau phần đọc cáo trạng, trước khi bắt đầu tranh tụng, các luật sư nêu yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan cáo trạng cho ông Cù Huy Hà Vũ nhưng tòa đã bác yêu cầu này.
Bởi vậy, theo thân nhân ông Vũ có mặt bên ngoài tòa, các luật sư đã 'ngừng tham gia'. Thế nhưng, phiên tòa vẫn được tiếp tục và tuyên án.
Báo chí nước ngoài chỉ được cử hai đại diện tới theo dõi đưa tin phiên xử cùng một số thành viên ngoại giao đoàn.
Báo Thanh Niên trong bản tin ngắn hôm thứ Hai nói phiên tòa diễn ra "công khai" trước sự chứng kiến của báo chí trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hãng AFP đưa tin chỉ có một số ít nhà báo và nhân viên ngoại giao được vào quan sát phiên tòa qua màn hình vô tuyến với chất lượng âm thanh xấu, trong một phòng họp ở bên cạnh.
Phóng viên của hãng này có mặt bên ngoài tòa án cũng bị mời đi.
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng và các trang blog đã có nhiều lời kêu gọi người dân đổ tới 43 Hai Bà Trưng, địa chỉ tòa án, để ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ và thân nhân, trong ngày xử án mà một số tổ chức người Việt gọi là 'Ngày V'.
Một nhân chứng nói với BBC: "Giao thông trên phố Hai Bà Trưng (8g30-9g sáng) bị ách tắc nghiêm trọng."
Công an cũng dựng rào chắn đường xung quanh tòa án.
Trong số những người tới theo dõi vụ xử có luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân.
Ông đã bị ngăn cản không cho đứng trong đám đông ở bên ngoài.
Blogger Người Buôn Gió, người cũng đã có mặt tại hiện trường sáng 04/04, nói với BBC rằng ông Lê Quốc Quân đã bị công an đưa đi chỗ khác. Bản thân blogger này cũng bị cảnh báo nếu không rút lui sẽ 'bị bắt'.
Giới chức khuyến cáo đám đông bên ngoài giải tán về nhà.
Trước vụ xử, một số luật sư trong và ngoài nước đã gửi kiến nghị lên các đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị xem lại điều 88 Bộ Luật hình sự.
Chống Nhà nước
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, phu nhân ông Cù Huy Hà Vũ, đã được phép vào trong phòng xử án. Tuy nhiên em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích, không được giấy mời để vào tham dự.
Cáo trạng của tòa nói trong thời gian 2009-2010, ông Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và đăng tải trên mạng internet với nội dung " tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Ông Vũ cùng từng khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần xung quanh các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.
Ngay trước phiên tòa, một số giáo xứ đã tổ chức thắp nến cầu nguyện cho vị tiến sỹ luật, người đã từng trợ giúp luật pháp cho giáo dân trong một số vụ rắc rối với chính quyền.
.
.
.
No comments:
Post a Comment