Đoàn Hùng
Cập nhật ngày: 21/04/2011
Anh Phạm Minh Hoàng, giảng viên tại Đại học Bách khoa Sài Gòn đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt giữ vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 vì bị cáo buộc là có “âm mưu lật đổ chế độ” do là thành viên của đảng Việt Tân.
Sau mấy tháng bị bắt giữ và điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất bản cáo trạng và dự tính đưa anh Hoàng ra tòa xét xử trong thời ngắn tới.
Anh Phạm Minh Hoàng là cựu sinh viên du học tại Pháp năm 1973. Anh đã tham gia và trở thành đảng viên đảng Việt Tân từ năm 1988. Năm 2000, anh đã về Việt Nam giảng dạy, lập gia đình và cư trú tại Sài Gòn cho đến khi bị bắt.
Theo bản cáo trạng, nhà cầm quyền CSVN đã liệt kê những “tội trạng” của anh Phạm Minh Hoàng như sau:
1/ Đã viết 33 bài có “nội dung bôi nhọ hình ảnh đất nước, xuyên tạc chế độ, đường lối, chính sách của đảng, nhà nước” dưới bút danh Phan Kiến Quốc.
2/ Đã tổ chức các khóa học “Kỹ năng mềm” nhằm đào tạo tư cách lãnh đạo (leadership) cho thanh niên sinh viên.
3/ Đã cùng vợ là bà Lê Thị Kiều Oanh sang Malaysia tham dự khóa tập huấn đấu tranh bất bạo động do đảng Việt Tân tổ chức.
Dựa vào những tội trạng nói trên, Viện kiểm sát nhân dân CSVN cho rằng anh Phạm Minh Hoàng đã có những hành vi trực tiếp xâm phạm trật tự, an ninh quốc gia.
Trong 10 năm (2000 – 2010) quay trở về sống và giảng dạy tại Việt Nam, anh Phạm Minh Hoàng đã không làm bất cứ điều gì vi phạm luật pháp của nhà nước CSVN. Những việc mà công an CSVN mô tả nói trên, dùng đó như là những “chứng cớ” buộc tội anh, cho thấy là lãnh đạo Hà Nội đã không chỉ tự tố cáo chính họ là nhà nước độc tài phản dân chủ, mà còn phơi bày bản chất độc ác của một tập đoàn lãnh đạo u tối và tham quyền cố vị.
Thứ nhất, đọc lại 33 bài viết ký tên Phan Kiến Quốc, phải nói là anh Phạm Minh Hoàng đã không chỉ phân tích những vấn đề thời sự của đất nước mà còn biểu hiện sự ray rứt của một trí thức trước những vấn nạn mà dân tộc Việt Nam đang phải đối phó. Trong bài “xóa bỏ hận thù: tại sao không?” viết vào ngày 3/7/2009, anh Phạm Minh Hoàng đã trực tiếp nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề “xóa bỏ hận thù” mà lãnh đạo đảng CSVN thường dùng khi đế cập đến người Việt tỵ nạn hải ngoại. Anh cho rằng muốn “xóa bỏ hận thù” thật sự, trước hết lãnh đạo Hà Nội không nên dùng nó như một khẩu hiệu mà hãy bày tỏ sự thành tâm bằng những chính sách cụ thể, cách xưng hô, tôn trọng lẫn nhau…
Trong bài “Luận Về Nhục” viết vào ngày 24/9/2008, anh Phạm Minh Hoàng chia xẻ những cảm nghĩ của mình liên quan đến phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trong cuộc họp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết về cuộc biểu tình của Giáo dân chống lại việc chính quyền thành phố đòi giải tỏa Tòa Nhà Chung. Trong cuộc họp này, Đức Tổng chỉ chia xẻ ý kiến về tâm nguyện của một công dân khi cầm hộ chiếu Việt Nam, được tôn trọng như người Nhật, người Hàn quốc khi đi ra nước ngoài; nhưng đã bị lãnh đạo thành phố khai thác, huy động guồng máy truyền thông cắt xén và bóp méo nội dung phát biểu để tấn công Đức Tổng là đã “bôi bác dân tộc, đất nước”. Từ những chia xẻ này, Phạm Minh Hoàng đã nêu lên một loạt nỗi NHỤC diễn ra hàng ngày trên đất nước từ các vụ rút ruột những dự án ODA, chạy chức, chạy quyền đến những vụ xuống cấp trong giáo dục, y tế…
Trong bài “Sự Tàn Phá Di Sản Văn Hóa Việt Nam, Thật Đau Lòng”, viết vào tháng 6 năm 2000, năm đầu tiên về sống ở Việt Nam, Phạm Minh Hoàng đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến những cảnh phá hoại các di sản văn hóa dân tộc và nhất là cảnh đánh cắp, tẩu tán của các quan chức cao cấp. Anh đã liệt kê ra hàng loạt những di sản văn hóa mà các khảo cổ Việt Nam, các ký giả đã khổ công sưu tầm để gióng lên tiếng chuông kêu gọi mọi người cùng quan tâm đến việc bảo tồn. Ở cuối bài phân tích, anh có đề cập đến trách nhiệm trong việc bảo vệ những di tích này là chính phủ. Thế nhưng theo anh thì không thể trông mong gì hơn vì trình độ và phong cách làm việc của cán bộ nhà nước và đất nước chỉ còn cách… tưởng niệm cho các di tích đã mất và cầu nguyện cho các di tích chưa mất.
Trong bài “Vị Thế Mới, Vị Thế Nào?”, viết vào ngày 24/10/2007, Phạm Minh Hoàng phân tích về sự kiện CSVN được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Anh cho rằng việc nhà cầm quyền CSVN cho báo chí trong nước loan tải rộng lớn tin này, như là một chiến thắng lớn trong mặt trận ngoại giao quốc tế, chỉ là nhằm che đậy mặc cảm thua kém đối với bên ngoài. Lý do là trong thực tế, việc được bầu vào làm thành viên một số tổ chức quốc tế mà không hành xử đúng vị trí của nó như Libya được bầu vào Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ghana được bầu vào làm thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng họ đã có những hành xử gian ác đối với người dân trong nước khiến thế giới tẩy chay coi thường. Việt Nam cũng vậy, nếu không thực sự thay đổi và tôn trọng hạnh phúc của người dân thì việc tham gia các cơ quan quốc tế không thay đổi gì nhiều như họ rêu rao.
Rõ ràng là những bài viết của Phạm Minh Hoàng không những không vi phạm luật pháp nhà nước CSVN mà còn toát ra lòng yêu nước và mong muốn đất nước thay đổi tự do dân chủ thật sự.
Thứ hai, khóa học về “kỷ năng mềm” trong thực tế nó là khóa học giúp cho anh chị em trẻ ở Việt Nam ý thức được những khả năng và tiềm năng lãnh đạo của mỗi cá nhân trong sinh hoạt xã hội. Nội dung của khóa học đề cập vai trò của lãnh đạo (leadership) dựa trên 4 nền tảng: 1/ Khả năng trình bày vấn đề; 2/ Khả năng hóa giải những dị biệt hay xung khắc giữa các cá nhân; 3/ Khả năng tạo sự kết đoàn trong hành động; 4/ Khả năng thu nhận ý kiến của những người chung quanh. Khi một người được trang bị những kỹ năng nói trên sẽ giúp cho họ tự tin và hăng hái hơn với những trách nhiệm mà họ nhận lãnh trong đời sống.
Hơn thế nữa, khóa học còn giúp cho các bạn trẻ Việt Nam nhìn ra những vấn đề và cách giải quyết vấn đề theo tinh thần hợp tác chung của mọi người. Anh Phạm Minh Hoàng là nhà giáo, giúp sinh viên của mình hiểu hơn về tiềm năng lãnh đạo (leadership) là nỗ lực bình thường của những ai quan tâm đến giới trẻ. Đây là hoạt động mang tính xã hội cần phải phát triển nhiều hơn nữa để giúp con người đến với nhau trong tình liên đới. Không thể vì lo sợ tụ họp của những người trẻ lại ngăn cấm bằng cách kết tội “lật đổ chế độ”.
Thứ ba, việc tham dự khóa tập huấn đấu tranh bất bạo động - một phương pháp phản kháng ôn hòa, không dùng đến vũ lực giết người – chính là góp phần vào việc xây dựng một nền tảng xã hội dân sự, qua đó giúp từng nhóm người liên kết sống có trách nhiệm với nhau và cùng tham gia đấu tranh cho những quyền lợi của chính họ. Phương pháp này còn giúp cho các thành viên trong xã hội tự đến với nhau và giải quyết với nhau những bức xức chung trong cuộc sống.
Tóm lại, những việc làm của anh Phạm Minh Hoàng trong gần 10 năm tại Việt Nam không hề vi phạm luật pháp như nhà cầm quyền CSVN cáo buộc. Trái lại, chính anh đã giúp cho nhiều anh chị em thanh niên sinh viên tại Việt Nam ý thức về trách nhiệm của mình đối với xã hội và đất nước. Rời nước Pháp về sống với mức lương giới hạn ở Việt Nam để giúp giới trẻ Việt Nam thăng tiến đã nói lên tấm lòng yêu nước và thương dân của Phạm Minh Hoàng
Đoàn Hùng
Ngày 20/4/2011.
Ngày 20/4/2011.
Các bài liên hệ
Phạm Minh Hoàng và Phan Kiến Quốc (Việt Tân)
Phạm Minh Hoàng và Phan Kiến Quốc (Dân Luận)
.
.
.
No comments:
Post a Comment