Trọng Nghĩa - RFI
Chủ nhật 17 Tháng Tư 2011
Ngày 19/04/2011, các nước hạ nguồn sông Mêkông mới họp lại để quyết định chính thức về dự án của Lào muốn xây đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính của con sông. Thế nhưng, nhật báo Thái Lan Bangkok Post số ra chủ nhật 17/04 vừa tiết lộ : chính quyền Viêng Chăn đã cho tiến hành công việc xây dựng từ cách nay năm tháng, bất chấp dư luận phản đối.
Phóng viên của báo Bangkok Post trong tuần qua đã lặn lội đến khu vực ở vùng Thượng Lào, nơi con đập sẽ được xây dựng, và đã phát hiện ra cả một công trường xây dựng rầm rộ nhằm mở rộng một con đường trải nhựa dài 30 km dẫn đến Xayaburi, nằm cách cố đô Luang Prabang của Lào 150 km về phía bắc.
Nhà báo Thái Lan ghi nhận sự hiện diện của hàng chục chiếc xe xúc đất (xáng cuốc) và xe tải gần làng Ban Nara, cách địa điểm xây đập khoảng 10 km, bên trên có logo và tên tập đoàn xây dựng Thái Lan Ch Karnchang, công ty hợp tác với chính quyền Lào trong công trình xây dựng con đập Xayaburi.
Tại nơi này còn có cả một trại lao động lớn, với máy móc thiết bị hạng nặng, bồn chứa nhiên liệu, máy trộn bê tông, thậm chí có cả các quầy hàng thực phẩm và cửa hiệu tạp hóa. Cổng vào trại này có trạm kiểm soát treo biển “công trường xây dựng”. Một công nhân cho biết là họ được lệnh phải hoàn tất công việc làm đường trước mùa mưa.
Song song với việc chuẩn bị đường xá, chính quyền Lào cũng bắt đầu cho di dời dân sinh sống trong khu vực đi nơi khác. Cư dân ở gần địa điểm xây đập cho phóng viên Bangkok Post biết là được bồi thường khoảng 15 đô la để di chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, người từ các nơi khác trên lãnh thổ Lào cũng bắt đầu đổ về khu vực công trường này, hoặc để mở hàng quán buôn bán, hoặc để tìm việc.
Công trường đã khởi sự từ cách đây 5 tháng
Theo dân chúng sinh sống trong vùng, công việc mở đường đã bắt đầu từ 5 tháng trước đây. Như vậy là chính quyền Lào đã cho khởi động công trình xây đập vỏn vẹn một tháng sau khi chuyển giao cho Ủy hội Sông Mêkông các tài liệu cần thiết để tham khảo ý kiến về dự án này.
Trên nguyên tắc, tiến trình tham vấn kéo dài 6 tháng, việc Viêng Chăn cấp tốc cho khởi động công trình như kể trên chứng tỏ rằng chính quyền Lào ngay từ đầu đã quyết định phớt lờ các ý kiến phản đối.
Dư luận phản đối đã xuất hiện ngay từ khi 11 con đập trên dòng chính sông Mêkông ở dưới hạ nguồn được dự trù, và đã càng ngày càng mạnh khi gần đến lúc Ủy hội Sông Mêkông phải ra quyết định về con đập đầu tiên là Xayaburi, với cuộc họp đúc kết tiến trình tham vấn tại 4 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan sẽ mở ra vào ngày 19/04 tới đây.
Các tổ chức phi chính phủ là thành phần đi đầu trong phong trào quyết liệt phản đối dự án Xayaburi, xuất phát từ mối lo ngại về nguy cơ con đập trên dòng chính sẽ gây ra những tổn hại vĩnh viễn cho môi trường cũng như đời sống của hàng triệu cư dân vùng hạ lưu của sông Mêkông.
Gần đây nhất, ngày 14/04, Quỹ Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đập Xayaburi, mà Lào mới công bố để biện minh cho quyết đinh xây đập, vừa không không đầy đủ, vừa thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực quốc tế của các công trình nghiên cứu loại này
Trước đó, WWF cùng với 263 tổ chức phi chính phủ trên thế giới và trong khu vực, cũng đã kêu gọi tạm hoãn xây đập trong vòng 10 năm trên dòng chính sông Mêkông, chờ đến khi đánh giá được đầy đủ các tác động của đập thủy điện, trong đó có đập Xayaburi, đối với môi trường và đời sống cư dân toàn vùng.
Ở cấp quốc gia, Cam Bốt và nhất là Việt Nam, cũng đã lên tiếng phản đối đề án Xayaburi, yêu cầu tạm ngừng để xem xét tác động một cách thấu đáo trước khi tiến hành. Các nhà tài trợ cho các nước hạ nguồn sông Mêkông, từ Úc cho tới Mỹ, cũng không tán đồng.
Ngày 14/04 vừa qua, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, cũng đã bày tỏ thái độ quan ngại trước nguy cơ đập Xayaburi được xây dựng. Theo ông : “Đây là một tiền lệ nguy hiểm và tai hại vì can hệ đến môi trường vùng Đông Nam Á”.
Thông tin được báo Bangkok Post tiết lộ hôm nay, đã khiến cho giới quan sát bi quan về khả năng chính quyền Lào cũng như các thế lực kinh tế Thái Lan đứng phía sau đề án Xayaburi, chiều theo các ý kiến phản biện. Vấn đề là Viêng Chăn sẽ phải trả giá chính trị ra sao khi phớt lờ những lời can gián.
.
.
.
No comments:
Post a Comment