Friday, April 1, 2011

KHI HƠI NƯỚC XUA TAN (The Economist)


Điện hạt nhân

Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 01/04/2011

Cuộc khủng hoảng Fukushima liệu có làm chững lại sự phát triển điện hạt nhân? Hoặc nó có khiến các nước hủy bỏ điện hạt nhân?

Chưa có vụ tai nạn phóng xạ hạt nhân nào gây nỗi sợ hãi và hoang mang lan nhanh và lan rộng như lần này. Cho tới hôm nay, cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản bị sóng thần tàn phá hôm 11 tháng 3 dường chỉ gây ra thiệt hại nhỏ nếu không muốn nói tới thiệt hại lâu dài cho môi trường hay sức khỏe của dân chúng ngoại trừ ở khu vực gần nhà máy. Tình hình tại nhà máy sau nhiều lần tưởng như tiến triển khả quan hơn rồi nhiều lần diễn ra theo chiều hướng xấu đi thì nay đã gần như nằm trong tầm kiểm soát.

Nhưng trước mắt thì cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Nhiệt độ của ba lò phản ứng cùng lõi nhiên liệu hạt nhân bị tàn phá đến giờ này vẫn chưa được làm nguội hẳn và người ta đã phải sử dụng mọi phương tiện có trong tay để bơm nước vào bể chứa các bó thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Điều đang gây lúng túng là thực phẩm nhiễm phóng xạ đã được phát hiện thấy ở nơi nằm rất xa nhà máy tuy có thể vẫn chưa xuất hiện trong các chuỗi cửa hàng thực phẩm. Nước máy bị nhiễm xạ ở một nơi rất xa như Tokyo đang gây nhiều mối lo ngại.

Những tác động lâu dài hơn chắc chắn là sẽ có. Công việc dọn dẹp sẽ phải kéo dài trong vài mươi năm nữa. Một vùng cách ly vĩnh viễn rút cục sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh nhà máy. Những công nhân bị phơi nhiễm phóng xạ nghiêm trọng có nguy cơ bị các căn bệnh ung thư trong phần đời còn lại của họ (mặc dù có lẽ quãng đời đó cũng chẳng còn kéo dài được bao lâu). Bao giờ cũng vậy, mối lo lắng dài hạn, chẳng hạn như cảm giác hoang mang và sợ hãi, là một trong những điều mà điện hạt nhân được nêu ra trong những thảo luận về nguồn năng lượng trong tương lai.

Đối với rất nhiều chuyên gia môi trường thì điều ưu tiên phải làm là đặt vấn đề năng lượng hạt nhân ra khỏi các cuộc thảo luận nói trên một lần cho mãi mãi. Diễn đạt cho dễ hiểu là thế này: bạn không thể tin cậy vào cái thứ đó. Ở đâu đó đến một lúc nào đó rút cục các lò phản ứng sẽ tuột ra khỏi tầm kiểm soát. Chuyện ấy đã từng xảy ra tại Three Mile Island ở bang Pennsylvania hồi năm 1979. Chuyện ấy đã từng xảy ra ở Chernobyl hồi năm 1986. Bây giờ thì đến lượt ba lò phản ứng hạt nhân [tại Nhật Bản] và tưởng như người ta đã mệt mỏi vì tranh cãi nhau rồi (tháng Tư tới đây đã là năm thứ 25 ngày xảy ra vụ Chernobyl) thì bây giờ chuyện tranh cãi lại tái diễn). Tuy thảm họa này tại Nhật Bản không lớn như thảm họa Chernobyl, song cách nào đi nữa nó vẫn tồi tệ hơn vụ Three Mile Island – hầu như sánh ngang với Three Mile Islands nhưng lại thêm cái chuyện là bể chứa thanh nhiên liệu qua sử dụng đã bị tàn phá.

Đúng là nhà máy Fukushima 1 đã chịu thua một thảm họa thiên nhiên thuộc loại chỉ có thể được thấy mô tả trong Kinh thánh. Song lý lẽ này có hai mặt. Rõ ràng các nhà hoạch định chính sách hạt nhân đã không hiểu hết được những điều tồi tệ có thể xảy ra tại một bờ biển nằm trong một vùng ở độ cao thấp dễ xảy ra động đất; rồi còn một vấn đề nữa là sự kém cỏi trong hoạch định kế hoạch. Một lý do giải thích tại sao trong những năm gần đây Nhật Bản ngày càng tin tưởng vào điện hạt nhân ấy là các vụ xì căng đan từ trước tới nay đều dẫn đến những vụ từ chức còn các nhà hoạch định chính sách, các công ty điện và các nhà quản lý điện thì đều đưa ra viễn cảnh cải tổ. Theo một khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản, vào năm 2005 chỉ có một phần tư dân Nhật Bản cho rằng năng lượng hạt nhân là an toàn thì vào cuối năm ngoái tỉ lệ đó là trên 40%. Tìm ra địa điểm để xây các lò phản ứng mới hóa ra không phải là điều dễ dàng, mặc dù có thể không phải là không làm được, kết quả là các lò cũ vẫn tiếp tục hoạt động.

Đâu phải chỉ ở Nhật, ở đâu đó người ta cũng đang khơi lại sự hào hứng với kỹ nghệ này. Các số liệu của Hiệp hội Hạt Nhân Quốc tế (World Nuclear Association), một tổ chức thương mại, cho thấy có những nước đã bắt đầu lên kế hoạch và đề xuất xây dựng lò phản ứng hạt nhân có công suất còn cao hơn hiện nay. Bây giờ thì cơn hào hứng phát triển lò phản ứng hạt nhân nom có vẻ như đang co rụt lại rồi. Thậm chí có nước còn bàn tới việc thay thế các lò phản ứng hạt nhân.

Năm ngoái vụ một núi lửa phun tro làm đen kịt bầu trời của toàn châu Âu và một giếng khoan dầu ở Vịnh Mehico bị nổ đâu có gây ra phản ứng lan tràn đòi từ bỏ dầu mỏ hoặc chuyện đi lại bằng máy bay. Điện hạt nhân còn lâu mới có tầm quan trọng căn bản đối với sự hoạt động của toàn thế giới như dầu mỏ và máy bay. Các lò phản ứng hạt nhân chỉ sản xuất 14% điện năng của thế giới và với tuổi thọ trung bình là khoảng 27 năm (xem biểu đồ) và tuổi thọ thiết kế điển hình là 40 năm thì rất nhiều lò phản ứng giờ đây cũng sắp đến lúc “nghỉ hưu” rồi. Trong một phần tư thế kỷ qua, thế giới luôn hào hứng với máy bay và khát dầu mỏ chứ đâu có khao khát nhiều cái chuyện xây nhà máy điện hạt nhân mới.

Chuyện này không phải đơn thuần do hậu quả trực tiếp của vụ Chernobyl. Xây nhà máy điện hạt nhân tốn rất nhiều tiền. Sau vụ Fukushima chắc chắn sẽ còn đắt hơn nữa do chỗ từ nay người ta chắc chắn sẽ ngần ngại cấp phép và chấp thuận ấy là chưa nói đến những chuyện khác nữa. Một vấn đề nữa giờ đây đã trở thành hiển nhiên, ấy là nếu một lò phản ứng gặp sự cố do sai lầm của người điều hành hoặc do thi công chất lượng kém, thế thì các lò phản ứng có thiết kế tương tự ở cách đó nửa vòng trái đất có thể phải đóng cửa. Đây không chỉ đơn thuần là một sự xác suất lý thuyết. Bảy lò phản ứng hạt nhân tại Đức vốn công khai được coi là an toàn cho đến hồi giữa tháng 3 vừa qua thì nay vừa bị đóng cửa. Nhiều người ta cho rằng ít nhất một số lò phản ứng hạt nhân sẽ không hoạt động trở lại nữa.

Và nếu nước Đức có phải làm chuyện này thì họ cũng sẽ chẳng phải chịu tổn thất gì nhiều. Trong lúc ngành điện hạt nhân chững lại sau vụ Chernobyl thì khí đốt thiên nhiên và các nguồn năng lượng tái sinh vẫn tiếp tục phát triển rất ấn tượng. Giá điện ở Đức có thể sẽ tăng, điều này trong chừng mực nào đó còn phụ thuộc vào giá khí đốt và khí thải carbon, bởi vì tuy xây mới nhà máy điện hạt nhân là điều tốn kém song các nhà máy cũ kỹ lạc hậu vẫn tiếp tục sản xuất ra điện với giá thành thấp. Nhưng đó sẽ không phải là ngày tận thế.

Giải pháp 14%
Như vậy là điện hạt nhân bị xem là nguy hiểm, không được nhiều người hưởng ứng, chi phí cao và đầy rủi ro. Điện hạt nhân có thể được thay thế tương đối dễ dàng và có thể từ bỏ nó mà không gây ra những thay đổi lớn trong cơ cấu hoạt động hiện nay của thế giới. Vậy thế giới sẽ ra sao nếu không có điện hạt nhân?

Câu trả lời rành mạch nhất là: trái đất sẽ nóng lên hơn một chút xíu. Các nhà máy phát điện trên thế giới vào năm 2009 đã thải ra khoảng 9 tỉ tấn carbon dioxide [CO2] trên tổng số 30 tỉ tấn do nền công nghiệp của thế giới thải ra và trên tổng số 50 tỉ tấn do toàn bộ thế giới thải ra, kể cả do tàn phá rừng và tác động của các loại nhiên liệu khí đốt khác. Nếu không có điện hạt nhân và bù vào đó là các nhiên liệu khác tùy theo tỉ lệ, thì lượng khí thải CO2 sẽ vào khoảng 11 tỉ tấn. Sự chênh lệch [giữa 9 tỉ tấn và 11 tỉ tấn] chỉ gần bằng tổng lượng khí thải CO2 của cả nước Đức và Nhật Bản thải ra hàng năm.

Để hiểu cho đúng khía cạnh này, năm 2010 Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc đã ước tính là nếu thế giới muốn hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2°C thì lượng thải CO2 phải rút xuống còn 44 tỉ tấn vào năm 2020. Nếu mọi sự vẫn diễn ra bình thường như hiện nay thì lượng khí thải vào năm 2020 sẽ là từ 54 đến 60 tỉ tấn. Nếu các nước thực hiện được các kế hoạch đầy tham vọng do họ đề xuất trước Liên Hợp Quốc thì con số nói trên sẽ giảm xuống còn khoảng 49 tỉ tấn, như vậy còn lại “con số vênh” 5 tỉ tấn dường như không chắc có thể khắc phục được. Như vậy 2 tỉ tấn khí thải được giảm bớt nhờ dùng điện hạt nhân là không lớn, song nó có ý nghĩa.

Nói vậy nhưng việc rút lui hoàn toàn khỏi năng lượng hạt nhân là điều hiện nay không thể. Mặc dù Trung Quốc hiện có 77 lò phản ứng được xây dựng, hoạch định và bàn bạc tại những giai đoạn khác nhau song mới đây Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ xem xét lại chương trình của mình sau hậu quả Fukushima, thế nhưng ít người hi vọng họ sẽ dừng hoàn toàn. Trung Quốc đang rất khát điện, mà cơn khát này chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa. Hiện tại ngành điện của họ chủ yếu dùng than, song để cho có thể đa dạng hóa sản xuất điện lại vừa làm sạch không khí, kế hoạch 5 năm mới đây của Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển tất cả các loại năng lượng không phải than, trong đó có năng lượng gió, khí đốt và hạt nhân. So với các nước khác, rất khó để nhận ra ở đất nước Trung Quốc sự phản đối của công luận và những chi phí không công khai bởi vì ở đất nước này người ta không bao giờ biết được chắc chắn cái quy trình phê duyệt của chính phủ.

Một số nước khác sẽ vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân: Nga tuyên bố nước này thấy không có lý do gì để dừng kế hoạch xây dựng 10 lò phản ứng hạt nhân. Nhưng các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có thể sẽ rút lui hàng loạt khỏi công nghệ này do những thay đổi trong chính sách quốc gia và do sự phản đối ngày càng quyết liệt trong nước. Và dù cho Trung Quốc có tham vọng lớn thế nào đi nữa thì trước mắt các nước OECD vẫn đang sản xuất trên 80% điện năng của toàn thế giới.

Các nhà phân tích của ngân hàng Pháp Société Générale biện luận rằng nếu các nước giàu của OECD không xây thêm lò phản ứng hạt nhân và cho phép các lò đang hoạt động sẽ đóng cửa khi hết tuổi thọ quy định, thì từ năm 2010 đến 2030 các nước này chỉ thải thêm mỗi năm trung bình 860 triệu tấn khí thải carbon. Luận điểm này có lẽ chưa đánh giá đúng tác động của việc làm này tới toàn bộ hệ thống bởi vì nhà máy điện hạt nhân và các đập lớn là các nguồn phụ tải điện cơ bản duy nhất đáng tin cậy nói chung mà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù sản lượng điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đã gia tăng nhanh chóng tại một số nước song bạn không thể chắc chắn gió sẽ thổi hay mặt trời sẽ chiếu sáng theo lệnh của bạn. Một phần lớn trong số sản lượng điện năng này có thể được giải quyết ổn thỏa nếu như các nguồn điện năng được đưa lên một mạng lưới điện đủ lớn, đủ vững chắc và thông minh, thế nhưng điều đó vẫn không thủ tiêu nhu cầu về phụ tải điện cơ bản [baseload].

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng trong một hệ thống điện hoàn toàn không dùng đến than thì phụ tải cơ bản khi đó sẽ hoặc là từ các nhà máy điện hạt nhân hoặc là từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch được trang bị công nghệ thu hồi và lưu giữ khí carbon (CCS: carbon capture and storage: khí thải carbon được thu hồi rồi được đem chôn an toàn dưới lòng đất). Tuy nhiên, CCS cho đến nay vẫn chưa chứng tỏ được bất cứ điều gì có thể gọi là ở quy mô cần thiết, vì thế việc triển khai CCS đầy đủ để thay thế các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động hoặc dự kiến sẽ xây, sẽ là một đòi hỏi quá cao. Và một công chúng thù địch với kỹ thuật hạt nhân ngạo mạn có khi sẽ lại phản đối cái kho khổng lồ dưới lòng đất lưu giữ một loại khí có khả năng gây ngạt. Cái thái độ kiểu như “chôn ở đâu thì chôn nhưng hãy chừa chỗ sân sau nhà tôi ra” đã bắt đầu tác động tới một số dự án thí điểm.

Nhà máy Yankee đáng nguyền rủa ở Vermont
Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về lắp đặt nhà máy điện hạt nhân và có thể cũng là nước đi đầu thế giới trong việc từ bỏ công nghệ này. Năm 2007 Quốc hội Mỹ đã đồng ý bảo lãnh các khoản vay vốn để sản xuất điện hạt nhân; kể từ năm đó đã có khoảng 28 đơn đề nghị xây dựng nhà máy mới. Trong thông điệp Liên bang hồi tháng 1 năm 2010 Barack Obama cam kết sẽ xây dựng một “thế hệ mới các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn, sạch hơn”. Nhưng ngay cả trước khi vụ Fukushima xảy ra thì điều này có lẽ đang ngày càng trở nên không chắc thành công. Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề tới lượng cầu. Khí đốt đá phiến [shale gas: khí thiên nhiên ở trong các vỉa đá] ngày càng dễ kiếm đã đem lại một khả năng lựa chọn giá thành rẻ và đánh tin cậy thay cho điện sản xuất bằng nhiên liệu trong nước. Trước khi có luật về khí thải và cùng với luật đó là sự cho phép mua bán hạn mức khí thải carbon thì người ta đã ưu tiên lựa chọn điện hạt nhân.

Mỹ hiện nay chỉ có hai lò phản ứng đang trong quá trình thi công, cả hai đều chưa có sự phê chuẩn chính thức (lò phản ứng thứ ba đã được phê chuẩn dưới thời tổng thống tiền nhiệm của Obama sau đó bị tạm ngừng và nay cũng đang trong quá trình thi công). Ít ai trong ngành này cho là sẽ có thêm nhiều lò phản ứng khác được xây dựng. Hiện nay có khoảng 20 nhà máy đã nộp đơn cho chính phủ xin gia hạn giấy phép và trong thời gian ngắn sẽ có 15 đơn nữa. Ủy ban Quản lý điện Hạt nhân đã cấp gia hạn giấy phép cho 64 nhà máy, gần đây nhất vào ngày 21 tháng 3 là nhà máy Yankee ở Vermont, đây là nhà máy có thiết kế và năm chế tạo giống như nhà máy ở Fukushima. Người dân ở Vermont đã nhân sự giống nhau này khơi lại tinh thần phản đối mạnh mẽ đòi nhà máy phải đóng cửa. Sự phản đối trong tiểu bang này có thể sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới.

Tại Nhật Bản, nơi mà điện hạt nhân cung ứng 30% điện năng của đất nước thì sự tranh cãi có thể còn phức tạp hơn người đứng ngoài hình dung. Tại Nhật Bản, nỗi lo lắng hạt nhân xuất phát nhiều từ cái cách ngành công nghiệp này được điều hành chứ không phải là do bản chất công nghệ. Người Nhật tức giận vì những viên chức quan liêu và công ty TEPCO, công ty sở hữu nhà máy Fukushima 1, từ lâu đã có tiếng tăm là yếu kém trong các tiêu chuẩn an toàn và hay có những hành động che giấu. “Amakudari [tiếng Nhật có nghĩa là “hạ cánh vàng”] là giết người,” mới đây một nhà cải cách nổi tiếng đã phải thốt lên như vậy khi ông nói tới những quan chức sau khi nghỉ hưu “từ trên trời rơi xuống” được xếp vào những vị trí nhàn hạ trong các ngành mà họ trước đây từng quản lý. Vì thế mặc dù Nhật Bản có thể rút lui dần dần rất nhiều lò phản ứng hạt nhân đã cũ, song công chúng vẫn có thể chấp nhận điện hạt nhân miễn đó là nhà máy mới, tốt hơn và có bộ máy quản lý được họ tin tưởng.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha phản đối hạt nhân rất dữ, song EU xét như một tập thể có lẽ sẽ không đi theo con đường của các nước này. Phản ứng của EU trước vụ Fukushima là yêu cầu các nước thành viên “kiểm tra khả năng chịu đựng” của các lò phản ứng hạt nhân của mình. Anh, Cộng hòa Séc và Phần Lan hi vọng sẽ sớm xây thêm một số lò phản ứng hạt nhân mới. Phần Lan và Pháp, hai quốc gia có tỉ lệ điện hạt nhân cao nhất so với bất kỳ một quốc gia lớn nào khác, mỗi nước đều đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân theo thiết kế Lò phản ứng kiểu châu Âu được làm nguội bằng nước nén (EPR) do hãng AREVA của Pháp chế tạo. Các kế hoạch xây dựng có thể bị hoãn hoặc bị thu nhỏ, song dừng toàn bộ là điều khó xảy ra.

Riêng Pháp dường như vẫn kiên quyết ủng hộ điện hạt nhân. Ngành điện hạt nhân của Pháp thậm chí còn xem Fukushima như là một cơ hội. Lò phản ứng hạt nhân kiểu EPR được quảng cáo là an toàn đặc biệt: giá như từ những lo ngại về an toàn người ta có thể biến việc xây dựng các lò kiểu EPR thành một trường hợp quy chuẩn duy nhất thì như thế càng tốt. Người Anh, người Séc và người Phần Lan đang cân nhắc một thiết kế của công ty Westinghouse của Mỹ (người Phần Lan ngoài ra còn đang xem xét một thiết kế của Hàn Quốc), tất cả các nước này đều không muốn trở thành những khách hàng tù binh, nhưng dù thế nào thì có thể họ sẽ chọn lò EPR.

Không ngạc nhiên khi nước thuộc châu Âu dễ giao động nhất trong các vấn đề hạt nhân từ trước tới nay chính là nước Đức, ở đất nước này kỹ thuật hùng mạnh và tình cảm chống hạt nhân từ lâu đã dễ dàng chung sống cùng nhau. Vào năm 2002, chính phủ trung-tả khi ấy đã tuyên bố sẽ giảm dần điện hạt nhân cho tới năm 2022. Năm ngoái, chính phủ trung-hữu đương nhiệm đã gia hạn thêm tám năm nữa cho bảy lò phản ứng hạt nhân già nua đã hết tuổi thọ. Phản ứng trước vụ Fukushima, Đức đã lại đóng cửa tất cả bảy lò đó, trước tiên là trong vòng ba tháng.
Chuyển sang khí đốt

Một số hoặc tất cả các nhà máy nói trên có thể sẽ không hoạt động trở lại. Nếu không một nhà máy nào hoạt động trở lại, khi ấy theo Stefan Wächter làm việc tại hãng nghiên cứu Point Carbon thì lượng khí thải CO2 sẽ tăng thêm 435 triệu tấn trong mười năm cho tới năm 2020. Nghiên cứu của ngân hàng Đức Deutsche Bank đưa giả thuyết là vào năm 2022 nước Đức sẽ phải sản xuất thêm ít nhất 23 tỉ oát điện bằng nhiên liệu khí đốt. Nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí đốt là giải pháp đối phó ngắn hạn diễn ra tự nhiên một phần bởi vì lưới điện của Đức không thể tiếp nhận thêm được nữa điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (Đức đã có rất nhiều) vì lưới điện đã đồng thời đạt tới mức đỉnh lẫn mức đáy và ngoài ra còn vì một số nguồn năng tái tạo cần được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy vậy, nhu cầu điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo tại những quốc gia khác có thể gia tăng khi việc nước Đức sử dụng nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch sẽ làm tăng giá khí thải carbon của hệ thống kinh doanh hạn mức khí thải carbon của châu Âu [emissions-trading scheme: kế hoạch khuyến khích cắt giảm khí thải theo đó các doanh nghiệp chỉ được thải khí trong hạn mức ở một thời gian cho phép. Các doanh nghiệp thải nhiều hơn hạn mức cho phép phải mua hạn mức hoặc quyền thải khí từ các doanh nghiệp thải ít hơn - ND].

Trong quá trình có thể chuyển sang khí đốt, nước Đức sẽ là hình ảnh của thế giới có thể được coi là hậu Fukushima. Ở bất kỳ đất nước nào nơi điện hạt nhân đem lại điện năng ít hơn mong đợi thì khí đốt trong ngắn hạn là nhiên liệu ưa thích để bù đắp sự thiếu hụt. Phân tích của ngân hàng Société Générale thừa nhận rằng việc các nước OECD rút lui hoàn toàn khỏi hạt nhân sẽ làm tăng lượng cầu khí đốt ở mức hơn 400 tỉ mét khối mỗi năm vào năm 2045.

Ngân hàng Société Générale cho là sự giảm bớt sản lượng điện hạt nhân ở Mỹ và Canada có thể được bù đắp bằng khí đốt sản xuất trong nước, phản ánh một cuộc cách mạng khí đá phiến thực sự tại đây. Các quốc gia còn lại trên thế giới sẽ hoặc là mua khí hóa lỏng (LNG) hoặc mua khí đốt vận chuyển qua đường ống, một viễn cảnh mà các mối quan hệ với nước Nga đã khiến cho một số nước khó chịu. Mối quan ngại an ninh năng lượng đã phần nào giải thích tại sao nước Đức đã quyết định hoãn việc cắt giảm các nhà máy điện hạt nhân. Giờ đây Đức và các nước châu Âu khác có thể mua rất nhiều khí đốt của Nga. Đối với nước Nga thì một trong những điều thu hút họ tiếp tục với điện hạt nhân ấy là điều đó cho phép họ để dành khí đốt cho xuất khẩu.

Song, một châu Âu dùng nhiều khí đốt hơn có thể không cần phải lo lắng quá nhiều về nguồn cung cấp an toàn. Ít nhất trong ngắn hạn sẽ có thừa thãi khí hóa lỏng (LNG) bởi vì sản lượng lúc đầu dự định dành để phục vụ nước Mỹ thì nay mục đích đó không còn cần thiết nữa. Đây là tin vui cho châu Âu và Nhật Bản là những nước trong ngắn hạn sẽ cần khí đốt và dầu lửa để bù đắp sản lượng bị tổn thất tại Fukushima và các nhà máy điện hạt nhân khác bị đóng cửa sau thảm họa động đất, bất chấp những lựa chọn dài hạn của nước Nhật.

Một số người kỳ vọng là sự dư thừa khí đốt sẽ kéo dài cho tới hết những năm 2010 bởi vì đã có những nguồn cung cấp mới. Số khác lo ngại hoặc hi vọng rằng thị trường [khí đốt] có thể chẳng mấy chốc sẽ xiết chặt. Paul McConnell làm việc tại hãng Wood Mackenzie cho rằng nếu Trung Quốc muốn thực hiện được cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải của nền kinh tế vào năm 2020 thì nước này sẽ phải cần rất nhiều khí đốt chứ không phải như hiện nay họ đang dự tính. Nếu nguồn cung cấp điện từ các nhà máy điện hạt nhân giảm đi thì lập luận trên lại càng đúng. Nhưng cho dù nguồn cung khí đốt có thể xiết chặt thì theo tất cả các đánh giá thì vẫn còn rất nhiều nguồn cung cấp khí đốt trong trung hạn tới dài hạn.

Về lâu dài không phải tất cả chúng ta đều chết
Khí đốt sẽ là kẻ đầu tiên dành chiến thắng trong một thế giới giảm bớt điện hạt nhân. Song, các nguồn năng lượng tái tạo cũng có thể làm được điều tương tự. Khi khí đốt rẻ và dồi dào thay thế than trong sản xuất điện thì thông thường khí đốt rẻ hơn năng lượng tái tạo rất nhiều trên phương diện giảm lượng khí thải. Nhưng khi khí đốt thay thế năng lượng hạt nhân thì nó lại làm tăng lượng khí thải. Vì thế mọi quốc gia thực sự muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ đều muốn có nhiều hơn nữa sự sản xuất điện mà không dùng đến nhiên liệu hóa thạch ở đâu đó trong hệ thống của nó. Nguồn năng lượng tái tạo sẽ tìm thấy một xu hướng rõ ràng hơn trong phân khúc đó của thị trường.

Dù cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 có gây ra những điều đau đớn thì cuộc khủng hoảng này tự nó không phải là lý do để thế giới phải thay đổi chính sách năng lượng. Tác động tới sức khỏe con người về lâu dài có lẽ là không lớn. Than, với lượng khí lưu huỳnh, thủy ngân và muội thải ra sẽ còn giết chết nhiều người hơn tính theo mỗi kilowatt so với điện hạt nhân. Song, xét như là một cơ hội thì việc suy nghĩ kỹ càng về cuộc khủng hoảng này là điều đáng hoan nghênh.

Một dự án năng lượng, giống như mọi dự án khác, là một cái giỏ chứa rủi ro: rủi ro về sự an toàn của nguồn cung, rủi ro chi phí và rủi ro tác hại môi trường. Nỗi sợ hãi và hoang mang cũng như chất phóng xạ i-ôt-131 mà phản ứng hạt nhân tất yếu tạo ra chắc chắn đã làm méo mó nhận thức của con người về các rủi ro nói trên. Cái nhìn dài hạn nhắm tới những gì điện hạt nhân đem lại ngoài những rủi ro nói trên, sẽ xua tan nỗi sợ hãi và hoang mang.
Trong 40 năm tới, có bốn điều được thấy rõ ràng. Con người sẽ mạnh khỏe hơn và khí hậu sẽ ít xảy ra biến đổi hơn nếu thế giới sử dụng than ít đi thật nhiều; điều này đòi hỏi phải có loại năng lượng hiệu quả hơn, phải sản xuất điện năng nhiều hơn nữa bằng những nguồn năng lượng tái tạo và một mạng lưới điện tốt hơn, tất cả những điều này còn cho phép đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn; đẩy mạnh nghiên cứu nhiều hơn nữa; và nguồn cung cấp khí đốt nhiều hơn và đáng tin cậy hơn so với cách đây chỉ mươi năm, sẽ góp phần làm giảm chi phí do biến đổi khí hậu. Bởi vì điện hạt nhân tránh được khí thải carbon cho nên loại bỏ điện hạt nhân sẽ khiến cho chúng ta gặp khó khăn hơn trong kiểm soát khí hậu. Nhưng bởi vì điện hạt nhân đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn và nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn, cho nên hãn hữu điện hạt nhân mới phát triển ngoài ở một vài quốc gia. Điện hạt nhân sẽ không biến mất, nhưng nó bắt buộc trong chừng mực nào đó tiếp tục là một tiết mục phụ, dẫu rằng mỗi khi xảy ra sự cố thì nó lại trở thành tiết mục chính.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: