Monday, April 11, 2011

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ 5 CÁC LUẬT SƯ MỸ GỐC VIỆT (Hà Vũ - VOA)


Hà Vũ - VOA | Washington DC
Chủ nhật, 10 tháng 4 2011

Hội nghị toàn quốc lần thứ 5 các luật sư Mỹ gốc Việt với chủ đề (Raising the Bar in the Nation’s Capital) “Nâng cao phẩm chất phục vụ của các luật sư” đã diễn ra tại Washington D.C. vào ngày 1 và 2 tháng 4 vừa qua.
Hà Vũ ghi nhận một số điểm chính của Hội nghị trong chuyên mục Sinh Hoạt Cộng đồng tuần này.

Hội nghị toàn quốc các luật sư Mỹ gốc Việt được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006 tại San Jose, California, do Hội Luật sư Mỹ gốc Việt miền Bắc California triệu tập. Từ đó đến nay hàng năm Hội nghị được tổ chức tại các thành phố và các tiểu bang khác nhau của nước Mỹ. Tuy nhiên mãi đến ngày 19 tháng 11 năm 2010, Hội luật sư người Mỹ gốc Việt trên toàn nước Mỹ mới làm lễ ra mắt tại thành phố Los Angeles bang California.

Nữ luật sư Mai Phan, chủ tịch đầu tiên của Hội cho biết về tình hình các hội luật sư người Mỹ gốc Việt tại các tiểu bang trước khi một hội có tính cách toàn quốc được thành lập:
“Ý muốn của các luật sư làm những việc thiện nguyện giống như vầy là lập một hội trên toàn quốc. Lúc đó chỉ có một hội luật gia của bắc Cali thôi. Rất nhiều người đã đến năm đó, năm 2006, khoảng 100 người đã đến San Jose. Trên nước Mỹ này có khoảng một ngàn luật sư Việt Nam. Có những tiểu bang có nhiều luật sư nhưng không biết nhau, không biết là trong tiểu bang có một hai hay ba luật sư Việt Nam. Không giống như ở Cali, ở Cali nhiều luật sư hơn nên có hội. Trong nước Mỹ hiện giờ có 4 hội luật sư tất cả. Hai hội ở Cali, một hội ở bang Washington và một hội ở Washington D.C.”

Cô Mai Phan cho biết thêm về lý do thành lập hội luật sư người Mỹ gốc Việt hay còn gọi là luật sư đoàn người Mỹ gốc Việt trên toàn nước Mỹ:
“Hội được thành lập để có một hệ thống hỗ trợ cho luật sư muốn trở thành chánh án. Mai có gặp một cô chánh án Việt Nam tại Florida. Cô nói rất mừng có một hội giống như vầy vì khi cô nạp đơn để trở thành một chánh án tại Florida, rất nhiều người không ủng hộ cô vì thấy cô là một người đàn bà Á đông, có thể không có đủ tư cách, không đủ tín nhiệm. Con đường để trở thành một chánh án ở tiểu bang này rất khó. Do đó có rất nhiều mục đích rất tốt để giúp cộng đồng Việt Nam. Ví dụ sau bão Katrina, sau vụ dầu tràn vùng Vịnh có những chuyện xảy ra cho cộng đồng Việt Nam. Cũng như những luật sư ở đây không được tổ chức, biết là muốn giúp nhưng không biết phải giúp như thế nào nên Mai thấy phải đứng ra để giúp hội này, để sau đây có những luật sư trẻ có khả năng rất cao và có thể tiếp tục việc này, làm những chuyện lâu dài, không phải hôm nay hội nghị hết là xong. Ngày mai còn nhiều chuyện phải làm, phải tổ chức lại mới làm được những việc đó.”

Cô Mai Phạm Robertson, chủ tịch Hội luật sư người Mỹ gốc Việt Washington D.C. và là đồng chủ tịch Hội nghị toàn quốc lần thứ 5 các luật sư Mỹ gốc Việt được tổ chức tại Washington D.C năm nay cho biết:
“Hội ở Washington D.C so với mấy hội bên Cali thì rất là trẻ, hội này bắt đầu năm 2007, bây giờ mới có 4 năm thôi. Tối nay sẽ tổ chức trao học bổng cho 3 sinh viên luật đã giúp đỡ trở lại cho cộng đồng Việt Nam. Tổ chức tối nay là lần thứ 3 hội Washington D.C trao học bổng.”

Nói chuyện với hội nghị trong buỗi lễ khai mạc tối thứ Sáu 1 tháng 4, Giáo sư Đinh Hồng Phụng Việt, đại học Georgetown, Washington D.C, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống George W. Bush, chia sẻ về quãng đường khó khăn ông phải trải qua khi còn là một thanh niên bắt đầu lên đại học. Giáo sư Đinh Việt cho biết lúc đầu ông học dự bị y khoa theo như mong muốn của gia đình, nhưng ông lại đổi hướng đi học luật. Điều này làm cho người thân rất thất vọng. Tuy nhiên ông cảm thấy ngành luật thu hút ông rất mãnh liệt và ông quyết tâm theo ngành này. Ra trường làm việc cho chính phủ Mỹ ông cũng gặp phải những kỳ thị, phân biệt và thành kiến. Rút kinh nghiệm của bản thân, ông khuyên những luật sư trẻ đại diện cho thế hệ thứ hai là không có chuyện gì không làm được miễn có ý chí và tập trung theo đuổi những gì yêu thích thì sẽ thành công và làm rạng danh cộng đồng. Khi đã thành công rồi nên tìm mọi cách đóng góp không những cho cộng đồng Việt Nam mà còn cho Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của người Việt tị nạn nữa.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 5 các luật sư Mỹ gốc Việt được tổ chức tại Washington D.C năm nay, ngoài các luật sư còn có sự tham dự của các thẩm phán, giáo sư về luật và các viên chức thuộc bộ Tư Pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nội an, chuyên viên về thị trường chứng khoán, ngân hàng và các công ty khác nữa. Các tham dự viên đã thảo luận về một số đề tài liên hệ đến pháp luật như vấn đề luật di trú, luật sở hữu trí tuệ, cuộc khủng hoảng nhà đất tại Mỹ, vấn đề dầu tràn tại vùng Vịnh, vấn đề gia nhập ngành thẩm phán...

Trong cuộc thảo luận về nghệ thuật tranh cãi trước tòa án di trú, các luật sư nhận được những lời khuyên hữu ích của thẩm phán tòa án di trú, những chuyên viên về tranh tụng của bộ tư pháp Mỹ.

Luật sư Mai Phan cho biết về cuộc thảo luận này:
“Giúp cho luật sư khi đại diện cho thân chủ trước tòa di trú những ý kiến có thể thắng được vụ kiện hoặc có thể giúp cho luật sư khéo hơn một chút xíu.”

Linh mục Nguyễn Thế Viễn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cơ quan Phát triển cộng đồng nhà thờ Mary Queen thuộc miền đông thành phố New Orleans, bang Louisana, tham gia thảo luận trong tiểu ban về dầu tràn vùng Vịnh Mexico cho biết về tình hình bồi thường cho các ngư dân Việt Nam và những ngành nghề liên hệ bị thiệt hại:
“Vấn đề vẫn còn nhiêu khê là bồi thường như thế nào, và bồi thường những cái gì. Ngôn ngữ vẫn là một vấn đề và vấn đề mình đi theo hướng bồi thường bình thường hay là làm chuyện đang có với ông Kent Feinberg hay là mình đi qua khía cạnh tòa án tố tụng. Cái đó chính người dân cũng cực lòng. Cực lòng ở chỗ là đi qua hướng tố tụng mất rất nhiều thời gian. Vấn đề ở đây là trong thời gian hiện tại họ sống như thế nào. Nguyên năm qua họ mất rồi và năm tới này, chưa biết mùa tới này sẽ ra sao. Đó là việc thứ nhất. Điều thứ nhì là kinh nghiệm những người ngư phủ gặp phải là các vựa đã đặt mua ở những vùng khác rồi thành thử vựa không muốn mua thêm nữa. Vấn đề thứ ba trong cuộc hội thảo cũng nói đến một chút là những đầu tiêu thụ, 60% các nhà hàng, tiệm ăn trên nước Mỹ khi mua tôm đều hỏi có phải tôm vùng Vịnh hay không. Thành thử ra mùa vừa rồi mất, mùa này không biết làm sao.”

Tại cuộc thảo luận về việc làm thế nào để trở thành thẩm phán, ông Nguyễn Trọng Nho, trước 1975 là dân biểu Hạ Viện, hiện là thẩm phán tòa án quận Cam, nam California chia sẻ những kinh nghiệm trong vai trò thẩm phán và ông nói với các luật sư nên mạnh dạn nạp đơn để trở thành thẩm phán và chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng cách ghi lại chi tiết những vụ kiện đã tham dự, ngày tháng, ai xử, kết quả ra sao.. vì đó là những điều cần phải ghi rõ trong đơn. Nếu không chuẩn bị trước những việc này thì khi cần nạp đơn phải mất một tháng mới làm xong đơn như trường hợp của ông trước đây.

Thẩm phán Nguyễn Trọng Nho khuyên các luật sư là dù đơn có bị bác vì lý do chính trị vào thời điểm đó nhưng cũng nên nạp đơn lại, cần phải kiên trì, phải tìm cách nối kết với những người đã ở trong hệ thống các tòa án.

Phát biểu trong buổi lễ bế mạc hội nghị tối thứ Bảy 2 tháng 4, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển nói với các luật sư là họ có thể tham gia cũng như giúp cộng đồng trong 3 lãnh vực.
“Vai trò của các luật sư, trẻ cũng như lớn tuổi rất là quan trọng bởi vì với kiến thức về luật pháp, kinh nghiệm về luật pháp họ đi vào cả 3 lãnh vực đều được. Chẳng hạn như tranh cử, vận động, đề nghị những chính sách. Thứ hai trong lãnh vực kinh doanh chính họ cũng là những tiểu thương bởi vì họ có những văn phòng luật. Không những vậy họ có thể hướng dẫn, giúp đỡ về mặt pháp lý cho những người muốn thành lập các chương trình kinh doanh, các tiểu thương khi đi thuê các phòng ốc, hoặc có những tranh chấp tố tụng. Thứ ba là về hoạt động cộng đồng có nhiều điều các vị luật sư có thể tình nguyện như là giúp về pháp lý cho những nạn nhân bạo hành.”

Đề cập đến hoạt động trong những ngày tới của hội, luật sư Shandon Phan, giám đốc truyền thông của Ủy ban Cứu người vượt biển đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị Hội Luật sư người Mỹ gốc Việt vùng Washington D.C cho biết:
“Đã lập ra một Ủy ban để lo tổ chức cho đại hội kỳ tới và trong vòng những tháng kế tiếp phải tiếp xúc với nhóm luật sư người Mỹ gốc Việt tại nhiều nơi khác, có thể là tại vùng Houston để xem liệu năm tới có thể chuyển đại hội đến một thành phố khác để mỗi lần đi như vậy gây dựng nên một sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp cũng như kết nối các luật sư người Mỹ gốc Việt lại với nhau để hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển sự nghiệp cũng như phục vụ cộng đồng hữu hiệu hơn.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.

.
.
.


No comments: