Saturday, April 9, 2011

CÓ NÊN LÀM TỪ THIỆN Ở VIỆT NAM HAY KHÔNG ? (Uyển Mai tổng hợp)

09-04-2011

Bài viết “Mùa từ thiện” của tác giả Nguyễn Mỹ Linh trên báo Người Việt Online đã được bạn đọc phản hồi đông đảo. Trong bài, tác giả nêu ra 2 ý chính như sau:

- Hiện nay, có quá nhiều tổ chức, nhóm, hội hải ngoại quyên tiền với lời kêu gọi giúp người nghèo ở Việt Nam. Nhiều đến chóng mặt. Các tổ chức thiện nguyện này khi về Việt Nam thường hoạt động theo 2 cách, một là phải cộng tác, tuân theo sự điều phối của nhà cầm quyền cộng sản; hai là phải làm lén lút, làm “chui”. Cả 2 cách làm này không giải quyết được những vấn nạn xã hội ngày càng tệ hại, trái lại, chỉ giúp cho chế độ độc tài tồn tại lâu dài hơn.

- Hiện nay, ngay ở xứ sở tại, hay nhiều nơi trên thế giới, thiên tai hoạn nạn đang xảy ra rất nhiều. Người Việt tị nạn nên chia xẻ gánh nặng với những nơi này, nên nhớ tới công ơn cứu giúp cưu mang của cư dân địa phương và góp một bàn tay với họ. Đó cũng là để vun đắp cho tương lai của chính mình và con cháu.

Bài viết của tác giả Mỹ Linh có thể tóm gọn trong câu hỏi,
“Có nên hay không nên giúp các công việc từ thiện cho đồng bào ở quê nhà trong khi nhà nước Cộng Sản Việt Nam đang trấn áp dân chủ và tham nhũng thối nát đến tận cùng, và trong khi chính nước Mỹ, kinh tế đang trên đà suy thoái khiến nhiều người thất nghiệp và trở thành những kẻ không nhà?”

Báo Người Việt Online nhân đó mở một cuộc lấy ý kiến bạn đọc với đề tài “Làm từ thiện tại Việt Nam - Nên hay không?”

Kết quả cho thấy trong số 1311 người trả lời - tính từ ngày 20 tháng 11/2010 tới ngày 24 tháng 2/2011 - có 809 người cho rằng “Không nên” (62%); có 420 người nói “Nên” làm từ thiện tại Việt Nam, là (32%); và 82 người có “Ý kiến khác” (6%).

DCVOnline: Kết quả của những loạt hỏi ý kiến “không chuyên nghiệp” và rất sơ xài trên các trang báo mạng thường không có cơ sở khoa học nhưn những cuộc thăm dò của các tổ chức chuyên nghiệp (Gallup, Boston Consulting, Harris Interactive, McKinsey & Company, v.v…) vì những thiếu sót về mặt thu gặt mẫu. Ngay phần trình bày trích dẫn trên cho thấy sự không chính xác về mặt khoa học của kết qủa. “Người” ở đây là những lần trả lời từ 1 số IP. Ban điều hợp cuộc thăm dò không cho biết rõ phương pháp thăm dò ra sao để tránh được 1 “người” (IP) có thể trả lời nhiều lần trong thời gian thăm dò; thứ đến, người đọc kết quả không có gì để nắm chắc là những IP (nếu) khác nhau không phải là từ một nguồn và dung proxy; mặt khác mẫu của thăm dò chỉ một phần rất nhỏ và không phản ảnh cộng đồng lớn có cùng quan tâm đến chủ đê thăm dò; những điểm vừa nêu và những chi tiết kỹ thuật khác cho người đọc thấy những con số “kêt quả” trưng dẫn chỉ có giá trị rất giới hạn. Tương tự, ý kiến của bạn đọc trên DCVOnline dưới mỗi bài chủ không tiêu biểu cho ý kiến của khối bạn đọc lớn hơn nhiều (nhưng vẫn là một phần rất nhỏ của cộng đồng người Việt).

Ý kiến tại sao “Không nên”?
- Bổn phận của chính phủ là phải lo cho dân vì ăn lương từ tiền thuế của dân. Không ai có nghĩa vụ phải làm thay cho chính phủ. Làm từ thiện ở Việt Nam là giúp nhà nước phủi tay với trách nhiệm.
- Phải để cho sự chênh lệch giàu nghèo làm động lực thúc đẩy người dân trong nước đứng lên lật đổ chế độ độc tài đảng trị, và cũng để cho thế giới thấy thực trạng ruỗng nát của Việt Nam thời cộng sản.
- Có nhiều kẻ núp danh nghĩa từ thiện để lừa gạt, làm đầy túi tham của riêng mình. Đưa tiền cho họ là tiếp tay với tội ác. Có những người lập hội từ thiện để tạo cho chính họ một cái nghề, hay, một cách vừa kiếm tiền vừa được tiếng.
- Người hải ngoại không thể mãi mãi nuôi người trong nước qua việc làm từ thiện. Người hải ngoại không thể làm “con bò sữa” cho cộng sản vắt mãi.
- Vì bị ăn chặn ăn bớt nên người nghèo thực sự không được gì, chỉ nuôi béo các đảng viên, quan chức cộng sản tham những.
- Nên dành tiền bạc giúp đỡ cho các người đấu tranh dân chủ trong nước, dân oan, và những người tị nạn cộng sản ở Thái Lan, Cam Bốt.
- Nên làm từ thiện ngay tại nơi mình sống để chứng tỏ người Việt không quên ơn và biết chia xẻ với người bản xứ.

Ý kiến tại sao “Nên”?
- Cần tách rời việc làm từ thiện với chính trị. Từ thiện là việc làm bắt nguồn từ tình thương dành cho những ai đang cần sự giúp đỡ, không phân biệt chính kiến, đảng phái.
- Đã làm từ thiện thì đừng đặt yêu cầu này nọ. Người ngoại quốc còn đến Việt Nam để làm từ thiện cớ sao người cùng quê hương nỡ làm ngơ. Ai muốn thì giúp, không thì thôi, không nên bàn ra, phê bình, chỉ trích.
- Nếu không giúp cho người dân trong nước có cái ăn cái mặc thì làm sao họ có sức để chống lại bộ máy đàn áp của nhà nước độc tài. Nếu không giúp cho tuổi trẻ học hành thì lấy ai xây dựng đất nước mai sau.
- Nhiều người không hề giúp đỡ người khác nên kiếm cách chê bai việc làm từ thiện để bào chữa cho thái độ ích kỷ của mình.
- Làm từ thiện là cách để giúp đồng bào trong nước hiểu rõ hơn về bà con hải ngoại. Ngược lại, các bạn trẻ hải ngoại về nước làm từ thiện sẽ thấy rõ hơn đời sống thực tại của Việt Nam và sẽ khó bị cộng sản lừa gạt.
- Khi có cái tâm thương yêu thì tự nhiên muốn giúp người.

Những “Ý kiến khác”
- Nên làm từ thiện cho VN nhưng phải tự tay mình đưa quà tới tận người cần giúp, không qua trung gian bất cứ hội đoàn, nhóm, tổ chức nào hết.
- Nên tìm hiểu kỹ lưỡng các tổ chức thiện nguyện trước khi giao tiền cho họ.
- Chia đều công sức và tiền bạc cho cả 2 nơi, Việt Nam và nơi mình cư ngụ. Không nên quên bên nào.
- Để dành tiền lại, khi nào Việt Nam có tự do dân chủ rồi sẽ giúp sau.
- Mỗi khi giúp đỡ người trong nước, không quên nói cho họ biết nguyên nhân họ bị nghèo khổ là do chế độ độc tài tàn bạo và thối nát.
- Nếu muốn làm từ thiện thì dùng tiền bạc sức lực của chính mình, không kêu gọi người khác đóng góp.
- Làm từ thiện cho VN bằng cách giúp đỡ người Việt sa cơ ở nước ngoài như các công nhân bị bóc lột, các cô dâu bị bạo hành, các trẻ em bị bán dâm...

Để thấy rõ thêm về những khó khăn của việc làm từ thiện cho VN, dưới đây là tóm tắt câu chuyện của 2 Việt kiều đã từng về nước giúp đỡ đồng hương: anh Jimmy Phạm với dự án KOTO, và cô Diệu Hiền với dự án Loving House.


Lớp học cho trẻ đường phố

Jimmy Phạm sinh tại Sài Gòn nhưng rời Việt Nam năm 2 tuổi. Năm 1996, Jimmy về lại quê hương. Anh để ý tới vài trẻ em đi bán dừa tại Sài Gòn, các em đó chỉ kiếm được khoảng 1 đô 1 ngày, tối về ngủ chui rúc quanh bến sông. Jimmy tâm sự:
“Tôi đã trò chuyện, dẫn các em ấy đi ăn và tôi đã suy nghĩ rằng các em này gặp hoàn cảnh quá éo le, bất hạnh. Lúc đó tôi có 2 lựa chọn. Một, tôi có thể trở về Úc làm việc rồi gởi tiền nuôi các em. Hai là có những hoạt động như thế nào để đóng góp tích cực.”

Và Jimmy đã chọn quay trở lại Việt Nam. Bốn tháng sau, anh quay về sống tại Việt Nam, làm việc cho một công ty du lịch để lấy tiền nuôi một số trẻ em đường phố. Thế nhưng sau 3-4 năm, Jimmy nhận ra rằng, nuôi các em như thế không phải là cách tốt nên đã đi đến quyết định “Tạo cho các em một cái cần câu để tự đi câu cá, không phải cho cá ăn hằng ngày.” Và năm 1997 Jimmy đã thành lập dự án KOTO (Know One, Teach One) với một số người bạn của anh tại Úc.
Ban đầu KOTO chỉ là một tiệm bánh mì với chính Jimmy và 9 trẻ em. Nhưng từ đó KOTO phát triển thành một nhà hàng 80 chỗ với 70 trẻ được huấn luyện, chưa kể vài chục nhân viên văn phòng và tình nguyện viên người nước ngoài. KOTO cũng có một thư viện riêng và chương trình đào tạo được một đại học tại Úc công nhận. KOTO còn được Street Voice (một hội đoàn thiện nguyện Úc) bảo trợ.
Mỗi 6 tháng, KOTO thu nhận khoảng 25 trẻ em đường phố tuổi từ 16 đến 22. Đó là những em có hoàn cảnh thật sự khó khăn như bị bỏ rơi, mồ côi, bị ngược đãi, có tiền án, có cha mẹ nghiện ngập hay mắc bệnh tâm thần... Các em sẽ được huấn luyện trong những khóa từ 3 tháng tới 2 năm. Ở đó các em được học nghề nhà hàng và tiếng Anh. Tới nay, KOTO Việt Nam có 2 trường dạy và 2 nhà hàng, tại Hà Nội và tại Sài Gòn.

Nhà ở cho người nghèo

Diệu Hiền qua Hoa Kỳ từ năm 3 tuổi, hiện sinh sống tại thành phố Rochester, New York. Năm 1994, cô về thăm lại quê cũ,Tiền Giang. Thấy những hoàn cảnh các cụ già neo đơn cơ cực Diệu Hiền gởi tiền về giúp đỡ. Cô cũng nghe tới việc xây các “căn nhà tình thương” cho bà con nghèo nhưng không biết phải là thế nào, bắt đầu từ đâu…

Năm 2007 Diệu Hiền được họ hàng giới thiệu và làm quen với bà Lưu Thảo Liên, chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Tiền Giang. Theo lời kể của Diệu Hiền, muốn xây nhà cho người nghèo thì phải thông qua một tổ chức của chính quyền mà cụ thể nhất và nhanh nhất là Hội Chữ Thập Đỏ địa phương. Trong trường hợp của Diệu Hiền, người của Hội Chữ Thập Đỏ, bà Lưu Thảo Liên, sẽ giới thiệu từng hoàn cảnh neo đơn nghèo khó cần sự giúp đỡ, rồi tạo điều kiện kết hợp để đối tượng nghèo đó được tổ chức hay cá nhân làm từ thiện nước ngoài xây cho một căn hộ khang trang vững chắc hơn là mái nhà xập xệ rách nát của họ.

Từ năm 2008 đến 2009, Diệu Hiền đã xây được 13 căn nhà, mỗi căn nhà trị giá khoảng $1,500 và đều tặng cho những gia đình có hoàn cảnh hết sức khốn khó. Thế nhưng đến những căn kế tiếp thì gặp vấn đề. Diệu Hiền kể lại:
“Hiền có đi dự lễ bàn giao một hai căn nhà cuối cùng của 2009. Bác sĩ Thảo Liên gởi cho Diệu Hiền lịch sử của người đó là bị chấn thương sọ não, chỉ một mình bà vợ đi làm nuôi bốn đứa con, không đủ ăn. Khi bàn giao nhà mình không thấy bốn đứa bé mà chỉ có hai vợ chồng thôi, mình hỏi thì mới biết mấy đứa nhỏ lớn hết rồi đi thành phố làm thầy giáo cô giáo hết rồi, còn ông là lính của bây giờ thành ra có đầu tiền riêng và mấy đứa con cũng làm ra tiền nữa. Từ đó em mới thấy là không match cái description (giống sự mô tả) của cô Thảo Liên, em mới suy ra một hai căn nhà khác đều có quan hệ với chính quyền ở bển. Có nghĩa những chuyện cô Thảo Liên làm bên trong như thế nào là những khi mà cổ đi xây những cái nhà thì huyện xã người ta đưa xuống cái danh sách phải xây những căn nhà này là cô phải xây chứ không phải là xét đoán coi nhà nào cần phải giúp. Cái nhà đó là bà con của cách mạng ở bển.
Rất tiếc những cái nhà bà con được xây sau này họ thuộc về của cách mạng không phải là dân thường hay là nghèo quá mà mình muốn xây cho họ. Khi xây, mình dành cho cái nhà đó một ngàn đô, mà khi về bàn giao thì nó bự gấp đôi mình tưởng tượng. Có nghĩa là nhà gia đình con cái có tiền sẳn, sẵn dịp đây họ cũng lấy tiền mình họ xây vô luôn.”

Diệu Hiền còn nhấn mạnh là chẳng phải cô không hay biết gì về tệ trạng tham nhũng móc ngoặc hay tròng tréo ở bên nhà, mà trái lại:
“Không những thế trước khi làm chuyện gì mình cũng đã quà cáp cho cô Thảo Liên rồi, để cho họ đừng có tham nhũng. Diệu Hiền nghĩ là cho riêng cá nhân cổ thì không hẳn như vậy mà tại vì cái hệ thống, cái chính trị, cái chính phủ có vẻ người ta hối lộ rất là nhiều, con ông cháu cha phải đi trước, thành ra nó không đúng cái đồng tiền mình bỏ ra theo ý muốn của mình bên này.”

Câu chuyện của 2 người về VN làm từ thiện cho thấy muốn giúp người nghèo tại VN quả là điều không dễ. Trong trường hợp Jimmy Phạm, anh phải trực tiếp sống ở VN và trực tiếp tham gia việc làm thiện nguyện; còn cô Diệu Hiền, tuy có đi đi về về VN, tuy rất cẩn thận, rất “biết điều” nhưng vẫn bị tham quan lừa gạt, ăn chặn ăn bớt.

Cuối cùng, vẫn còn đó câu hỏi, “Có nên làm từ thiện cho Việt Nam hay không?”

© DCVOnline

Nguồn:

- “Làm từ thiện tại Việt Nam - Nên hay không?”, nguoi-viet online.com
- Jimmy Phạm với trái tim hướng về Việt Nam, Quỳnh Chi, rfa.og, 22/03/2011
- Jimmy Pham: Know One, Teach One, James McDonald & Bina Brown, cnn.com, 26/03/2007
- Người không nghèo lãnh nhà người nghèo, Thanh Trúc, rfa.org, 31/03/2011
.
.
.

No comments: