Saturday, April 9, 2011

CHUYỆN CON RÙA và NÈN KHOA HỌC BÒ NGỬA (Lão Phạm)


Lão Phạm
Cập nhật lúc : 11:31 AM, 08/04/2011

 (VOV) - Trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được 0,58 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và các nghiên cứu đó hầu như không giờ được giới khoa học thế giới trích dẫn.

Câu chuyện về rùa hồ Hoàn Kiếm mấy bữa nay ồn ào trở lại trên trang nhất nhiều tờ báo khi có thông tin không phải chỉ có một “cụ” rùa. Vậy, cuối cùng thì trong hồ Gươm còn bao nhiêu “cụ” rùa? Phó Giáo sư Hà Đình Đức vẫn khăng khăng chỉ 1, ông Trưởng Ban chỉ đạo bắt rùa của thành phố bảo ít nhất còn 2, ông thợ ảnh tên Ngò bảo phải còn 5, 6…

Có lẽ trên thế giới hiếm quốc gia nào may mắn như nước ta khi truyền thuyết lịch sử được tự nhiên ban cho một linh vật sống để lưu truyền như con rùa Hồ Gươm và ông vua Lê Lợi. Lẽ ra, một huyền tích lung linh như vậy sẽ phải được trân trọng nghiên cứu và bảo tồn. Song, thay vì thế, những con rùa Hồ Gươm, dù là một cá thể sống, nhưng luôn bị coi là vật thờ và hầu như chỉ tồn tại trong niềm sùng kính dân gian. Ngay cả người được coi là “nhà rùa học”, chuyên gia số 1 về rùa Hồ Gươm là PGS Hà Đình Đức, một nhà khoa học có học hàm, học vị, thì sự quan tâm nghiên cứu con rùa Hồ Gươm cũng chỉ bằng yếu tố tình cảm.

Nói rằng PGS Đức chỉ quan tâm đến rùa Hồ Gươm bằng tình cảm của một người Thanh Hóa kính ngưỡng Lê Lợi, hẳn sẽ làm ông buồn, thậm chí là giận. Bởi lẽ, ít nhất cũng đã 20 năm rồi ông nghiên cứu rùa, chụp tới 300 bức ảnh, hàng ngàn giờ quay phim và quan sát, viết hàng trăm bài báo, thậm chí bảo vệ hẳn 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố về rùa Hồ Gươm. Với bề dày nghiên cứu như vậy mà chỉ thừa nhận tình cảm và ngày công của ông đối với rùa mà không nhắc đến thành quả nghiên cứu khoa học của ông thì quả là quá đáng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, công sức lao động của ông quả đáng được ghi nhận, nhưng thành quả khoa học thì…

20 năm nghiên cứu của PGS Đức mang đến cho ông một tấm giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho người có nhiều bài viết về Rùa Hồ Gươm nhất nước. Song, những bài viết ấy không mang lại cho cộng đồng bất cứ thông tin khoa học nào đáng kể về con rùa Hồ Gươm. Thậm chí, con rùa mà theo ông là cá thể duy nhất ở Hồ Gươm mà ông đặt tên là rùa Lê Lợi, là đực hay cái thì ông cũng không biết.

Nói rằng PGS Đức chỉ là một người yêu rùa chứ không phải nhà nghiên cứu rùa học, hẳn sẽ bị phản đối. Ít ra ông cũng đã có tới 2 công trình khoa học về rùa Hồ Gươm. Công trình thứ nhất có tên: Nghiên cứu sơ bộ hiện trạng Hệ sinh thái Hồ Gươm, nhằm bảo tồn và phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường được nghiệm thu năm 1993. Công trình thứ hai có tên: Nghiên cứu hình thái, sinh thái loài Rùa Hồ Gươm, tình trạng chất lượng nước, hệ vi tảo Hồ Gươm,nhằm bảo tồn, phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường, được nghiệm thu một năm sau đó.

Cả 2 công trình đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc. Có điều, từ khi được bảo vệ, những đề tài khoa học này chẳng giúp được gì cho rùa Hồ Gươm.

20 năm qua, kể từ khi PGS Hà Đình Đức nghiên cứu rùa thì đời sống của nó mỗi ngày một tệ hơn. Và, điều khiến “cụ” rùa được quan tâm, cứu chữa như bây giờ không phải là những nỗ lực của những nhà khoa học như PGS Đức, mà là những con rùa tai đỏ, giống sinh vật ngoại lai đang bị truy nã trên phạm vi toàn quốc. Chính sự xuất hiện của những con rùa tai đỏ chứ không phải các công trình khoa học được công bố khiến dư luận quan tâm đến “cụ” Rùa. Đó là một sự trớ trêu với số phận rùa thiêng. Và không chỉ với con rùa, đó còn là một sự thật trớ trêu đối với nền khoa học Việt Nam.

Trở lại với 2 công trình nghiên cứu khoa học của PGS Hà Đình Đức. Vì sao nó không được ứng dụng để cải thiện đời sống và bảo vệ “cụ” rùa? Phải chăng là bởi nó không có giá trị khoa học để ứng dụng? Nếu vậy, sao những công trình đó lại được nghiệm thu, thậm chí được đánh giá là xuất sắc? Lẽ ra, đây là một câu hỏi đáng để quan tâm và suy nghĩ. Song, thực tế, việc những công trình khoa học được nghiên cứu, bảo vệ rồi lãng quên vốn đã là bình thường.

Mỗi năm trung bình ngân sách nhà nước chi ra xấp xỉ 2%GDP cho khoa học công nghệ, nước ta cũng là quốc gia có mật độ nhà khoa học cao so với các quốc gia trong khu vực với khoảng gần 20.000 tiến sĩ và gần 7.000 giáo sư, mỗi năm có tới hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Song, trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được 0,58 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và các nghiên cứu đó hầu như không bao giờ được giới khoa học thế giới trích dẫn.

Như vậy, không có gì là khó hiểu khi 2 công trình khoa học xuất sắc của “nhà rùa học” Hà Đình Đức chẳng hề có giá trị trong việc cứu rỗi và bảo tồn con rùa già ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, ngược lại, có thể sự hy sinh của con rùa già Hồ Gươm sẽ cứu vớt được nền khoa học của nước nhà. Nếu chẳng may “cụ” rùa thăng khi mà các nhà khoa học chưa kịp tìm được cách bảo tồn, rất có thể đó sẽ là một sự kiện để các nhà khoa học của chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại những đóng góp của mình đối với đất nước./.

Lão Phạm
.
.
.

No comments: