Friday, April 1, 2011

CÁCH MẠNG HOA LÀI ĐẾN ĐÂU ? (Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh)

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh
Mar 31st, 2011

Kể từ khi có Lệnh cấm bay của LHQ hơn một tuần trước, cuộc tấn công của dân nổi loạn Libya đánh vào gần Thủ đô Tripoli của nước này sáng thứ Ba được coi là mau lẹ và mãnh liệt nhất. Mục tiêu tấn công của quân Cách mạng Hoa Lài là nhắm vào sào huyệt chính yếu và cũng là nơi ăn ở của bạo chúa Gadhafi và gia đình, có tên là thị trấn Sirte. Nhưng khi họ tiến đến thôn Bin Jawwad ở đầu thị trấn, một đoàn chiến xa và đại bác của Gadhafi đã ào ạt tưới đạn như mưa vào quân cách mạng khiến họ phải bỏ chạy, để lại nhiều xác chết.

Quân cách mạng vừa chạy vừa gào thét: “Sarkozy, ông ở đâu?”. Nicolas Sarkozy là tên Tổng Thống Pháp. Trong cuộc họp của các nước đồng minh ở Thủ đô Anh, có 40 Ngoại trưởng, các lãnh tụ của NATO và LHQ, và đại diện của Liên đoàn A rập tham dự, các đại biểu vẫn chưa quyết định. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói với các ký giả rằng cuộc họp của đồng minh đã quyết định Gadhafi phải từ chức, như chưa biết phải làm áp lực thêm như thế nào.

Như vậy Mỹ đã lãnh đạo đồng minh trong những ngày đầu của Lệnh Cấm Bay mà vẫn không có lập trường rõ rệt chăng? Chúng tôi muốn nhắc đến một bài diễn văn của Tổng Thống Barack Obama tối thứ Hai đầu tuần này. Obama nói mối quan tâm chính của Mỹ là cần phải chấm dứt cuộc tàn sát đẫm máu của chính quyền Libya “đang làm ô uế lương tri nhân loại”. Vậy tại sao Mỹ đang lúc lãnh đạo đồng minh, không đem quân đổ bộ lên Libya để bắt Gadhafi? Câu trả lời như sau:”Sự thật phũ phàng là chúng tôi đã đi con đường đó ở Iraq. Cuộc thay đổi chế độ ở Iraq kéo dài đến 8 năm, hàng ngàn người Mỹ và người Iraq chết, gần một ngàn tỷ đô-la chi phí của ngân sách quốc gia mà cuộc chiến vẫn kéo dài”.

Thiết tưởng cũng nên nhớ lại rằng trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng ở Libya, chính phủ Obama đã nói rõ ngay là Mỹ không sốt sắng với kế hoạch hành động vũ lực quân sự, và chỉ đứng ra ủng hộ nếu được sự yêu cầu của những thành phần nổi lên chống Gadhafi và sự yêu cầu của cả Liên đoàn A Rập – đặc biệt với sự gánh vác phần lớn của các nước Âu châu như khối NATO. Chính lập trường đó đã đưa đến một biến chuyển đặc biệt vào ngày 12 tháng Ba khi Liên đoàn Ả Rập chính thức yêu cầu LHQ thiết lập Vùng cấm bay trên không phận Libya. Sự cố này không được dư luận chú ý đến nhiều bởi vì từ 66 năm qua khi bắt đầu thành lập Liên đoàn Ả rập chỉ được dùng như một cái khiên che chở cho những nhà độc tài và chỉ sản xuất được những luận điệu đoàn kết của các sắc dân Ả Rập tranh đấu cho vấn đề Palestine sau khi Thế chiến chấm dứt.

Trong diễn văn trước cử tọa Viện Ðại học Quốc phòng ở Washington, Obama nói Mỹ và các đồng minh sẽ tìm cách đẩy Ghadafi ra khỏi quyền lực bằng mọi cách chứ không phải chỉ bằng vũ lực. Cũng trong bài diễn văn này, TT Obama không phải chỉ nói đến vấn đề quốc phòng và quân lực mà còn đề cập đến nhiều khía cạnh thực tế khác, dành cho tất cả các thành phần xã hội Mỹ. Ông bảo đảm ông sẽ không đưa nước Mỹ vào một thế không lối thoát, giống như ngồi vào một cái thùng không đáy để lãnh đủ các vòi xối nước lạnh mà không biết đến thuở nào mới xong.

Ðối với những người biểu tình đòi dân chủ ở Trung Ðông, Obama cam kết nước Mỹ sẽ đứng về phía họ “mặc dù các tiến bộ có thể không đồng đều và các cơ may thành tựu có thể khác nhau tùy theo các nước khác nhau”. Ðây cũng là sự nhắc nhở kín đáo các nước Ả rập rằng chính họ có thể làm cho Mỹ đem lại những thay đổi, những kết quả khác nhau trong những ước mơ của họ.

TT Obama nói: “Nước Mỹ không thể ra lệnh cho từng bước đi hay tầm độ những sự thay đổi đó. Nhưng tôi tin rằng những bước tiến đó không thể thụt lùi trở lại. Và chúng ta cần phải đứng bên nhau cùng với những người đã tin ở cốt lõi các nguyên tắc đã hướng dẫn chúng ta qua nhiều cơn bão tố. Những nguyên tắc đó là chúng ta cương quyết chống lại bạo lực nhằm vào các công dân của nước chúng ta, chúng ta tán trợ một loạt những quyền của cả loài người trên thế giới ngày nay, chẳng hạn như quyền con người được tự do ngôn luận, tự do lựa chọn người lãnh đạo của họ. Chúng ta ủng hộ những chính quyền nào sau hết đã đáp ứng được những nguyện vọng của toàn dân”.
Cuộc cách mạng Hoa Lài ở Trung Ðông là thế, nó đã đi về hướng đó. Chúng tôi hoàn toàn tán thành và thầm nghĩ không lẽ chỉ có Trung Ðông và thế giới Ả rập mới có Cách mạng Hoa Lài, còn bên Trời Ðông Á thì sao? Khi cuộc Cách Mạng Hoa Lài bùng nổ ở Trung Ðông, các giới gốc Việt Nam ở Mỹ cũng như ở một số nước khác có các cộng đồng gốc Việt nở rộ trong mấy năm gần đây, có lẽ cũng đang theo dõi tình hình ở Libya để nghĩ đến quê cha đất tổ ở cách nửa vòng Trái Ðất.

Hãy trở lại tình hình cuộc chiến ở Libya hiện nay. Sáng thứ Tư tuần này, dân quân nổi loạn chống Gadhafi đã phải rút khỏi hải cảng có mỏ dầu lửa Ras Lanouf trên đường duyên hải đưa đến thủ đô Tripoli, sau khi bị bắn phá dữ dội bằng đại bác của quân đội chính quyền Gadhafi. Chiến đấu cơ của NATO đã bay trên vùng này và một phóng viên của AP tại chỗ đã nghe thấy nhiều tiếng nổ dữ dội. Phi cơ của NATO đã tham chiến hầu như liên tục mỗi ngày để tấn công quân đội của Gadhafi và bảo vệ những toán dân quân nổi loạn phần lớn không có huấn luyện quân sự và thiếu trang bị vũ khí.

Ðại úy Clint Gebky, một sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ, phát ngôn nhân của NATO trên chiến mạm USS Mount Whitney, nói ông không thể xác nhận mỗi trận đánh riêng biệt, nhưng hiển nhiên quân lực đồng minh đang tận tình giúp đỡ các toán dân quân nổi loạn của Libya. Từ đầu tuần này nhờ sự yểm trợ của NATO, dân quân chống Gadhafi đã tiến mau lẹ về hướng Tây trên xa lộ chính dọc bờ biển đi đến thủ đô Tripoli. Họ đã tiến đến còn cách 60 dậm thành phố Sirte, sào huyệt chính của Gadjafi nơi có một căn cứ quân sự rất lớn để bảo vệ cho kẻ độc tài này. Chính tại nơi đây dân quân cách mạng đã bị quân của Gadhafi tấn công dữ dội.

Chúng tôi thiết nghĩ bất luận tình hình diễn biến ra sao trong mỗi giờ phút của cuộc chiến, cuộc Cách mạng Hoa Lài vẫn tiếp tục dài dài và đây cũng là một diễn biến có tầm quan trọng lịch sử của đầu thế kỷ 21, không phải riêng cho người dân Libya mà cho cả loài người trên Trái Ðất với những tiến hóa rất mau lẹ, cho thấy trí tuệ và hành động của con người đã vươn lên để dẹp bỏ dứt khoát mọi chế độ độc tài độc đảng vốn là anh em song sinh với nạn tham ô nhũng lạm đầy máu lửa ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

.
.
.

No comments: