Anh Vũ - RFI
Chủ nhật 03 Tháng Tư 2011
Sau nhiều lần phải hoãn lại, cuối cùng, ngày 27/03 vừa qua, giải Vô địch quốc gia bóng đá Trung Quốc cũng đã bắt đầu một mùa mới trong bối cảnh nền bóng đá đang rơi vào vòng xoáy bê bối tham nhũng, cá độ. Không có một nhà tài trợ nào cho giải, không có hợp đồng truyền hình, còn các lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn thì đang chờ phán xử của luật pháp.
Các nhà tổ chức của giải bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc cho hay, nhà tài trợ chính quen thuộc của giải đấu là công ty xuất lốp xe hơi nổi tiếng của Ý Pirelli đã hủy hợp đồng tài trợ cho giải đấu hàng đầu của bóng đá Trung Quốc.
Bên cạnh đó Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cũng từ chối các hợp đồng truyền phát các trận đấu của giải trong khi chờ phán quyết cuối cùng đối với chủ tịch Liên đoàn bóng đá bị bắt. Năm 2009, chính CCTV đã từng hủy bỏ giữa chừng hợp đồng truyền các trận đấu vì những nghi vấn bán độ, dàn xếp tỷ số trận đấu.
Trên sân cỏ, người hâm mộ Trung Quốc cũng bắt đầu quay lưng lại với bóng đá. Mùa giải trước, trung bình mỗi trận của giải vô địch quốc gia có khỏang 16 000 người đến sân theo dõi. Mùa giải năm nay, các nhà tổ chức nghi ngại con số khán giả đến sân không bằng một nửa của năm trước. Cơn bão tham nhũng, bán độ từ nhiều năm nay đang tàn phá bóng đá Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, một loạt quan chức hàng đầu tại các câu lạc bộ bị bắt giữ vì những nghi án dàn xếp tỷ số và dính líu cá độ. Ông Nam Dũng, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc khi đó đã mạnh miệng tuyên chiến với tiêu cực trong làng bóng đá nước này bằng những lời lẽ đanh thép: "Dàn xếp tỷ số là ung thư đối với nền bóng đá Trung Quốc. Cần phải cắt bỏ nó". Chớ trêu thay, đầu năm 2010, chính ông Nam Dũng đã bị cảnh sát bắt giữ vì nghi dính líu đến các vụ nhận hối lộ hơn 7 triệu đô la Mỹ để giúp một đội bóng phương bắc Trung Quốc vô địch.
Chuẩn bị bước vào mùa giải năm nay, hai CLB Quảng Châu và Thành Đô bị đánh xuống hạng vì tiêu cực. Một tháng trước khi giải khai mạc, các trọng tài bắt buộc phải tham gia một khóa chỉnh huấn về chuyên môn lẫn đạo đức. Vậy mà, cách đây hơn chục ngày, ba trọng tài của Trung Quốc bị bắt, trong đó có ông Lục Tuấn (Lu Jun), người từng tham gia điều khiển World Cup 2010. Một trong số ba trọng tại bị bắt giữ chờ xét xử là Huang Junjie đã thú nhận, xin trích : « Tôi đã điều khiển một số trận đấu mà kết qủa được chỉ đạo trước từ bên trên. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ».
Ông trọng tài còn khai đích danh ba câu lạc bộ đã chi tiền để dàn xếp tỷ số. Trong khi đó, ông Lục thì khai rõ ràng là đã được trả khoảng 38 000 euro cho việc điều khiển « kết quả » của một trận đấu.
Điều tồi tệ nữa là ngay cả ông Dương Nhất Dân, người phó của cựu chủ tịch Liên đoàn đang bị bắt, sau đó cũng bị truy tố với tội danh tương tự như sếp của mình. Chỉ trong hai tháng, số quan chức cấp cao của bóng đá Trung Quốc bị điều tra có liên quan tới các vụ tham nhũng và bán độ đã lên tới hơn 20 người.
Giải Vô địch quốc gia bóng đá Trung Quốc đã đi qua 17 mùa giải chuyên nghiệp, với 16 câu lạc bộ tham dự. Mỗi năm giải đấu này nhận được tiền tài trợ khoảng hai chục triệu euro. Chất lượng chuyên môn của giải đấu khá cao và phải nói bóng đá Trung Quốc đã có những bước tiến lớn kể từ khi đi theo hướng chuyên nghiệp.
Đầu thập niên 2000, cùng với đà đi lên của kinh tế, bóng đá Trung Quốc đã vươn lên thứ hạng cao ở châu lục, từng tham dự vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002. Thế nhưng, trong ít năm trở lại đây, bóng đá Trung Quốc liên tục bị cuốn vào các bê bối tham nhũng, bán độ từ cấp lãnh đạo. Hậu quả là bóng đá Trung Quốc bắt đầu sa sút rõ nét trên các đấu trường quốc tế. Đội tuyển quốc gia Trung Quốc liên tục thất bại ở các vòng đấu châu lục cũng như thế giới. Mới đây Trung Quốc đã tụt xuống thứ 87 trong bảng xếp hạng của FIFA. Nên nhớ có lúc, Trung Quốc đã từng xếp hạng thứ 37 thế giới.
Chiến dịch làm sạch bóng đá Trung Quốc đang được chính phủ nước này tiến hành một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết để cứu vớt nền bóng đá đang bị tan tác vì cơn cuồng phong tham nhũng, cá độ, nhưng khó nhất lúc này là làm sao bóng đá Trung Quốc có thể lấy lại được niềm tin của hàng trăm triệu người hâm mộ của đất nước khi mà họ không còn tin tưởng vào hiệu quả của chiến dịch « bàn tay sắt » trong bóng đá hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường công cụ pháp luật chống tham nhũng và bạo lực trong bóng đá
Đất nước nằm ở cửa ngõ châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đau đầu vì nạn dàn xếp tỷ số các trận bóng. Hôm thứ năm vừa qua, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua một bộ luật mới tăng cường công cụ pháp luật cho các tòa án trong cuộc đấu tranh với tệ nạn dàn xếp tỷ số và bạo lực trong bóng đá, hai vấn nạn lớn trong bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Theo bộ luật trên, bất cứ ai bị phát giác tham nhũng với mục đích gây ảnh hưởng lên kết quả trận đấu, dù chủ động hay thụ động có thể sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm cộng thêm một khoản tiền phạt không nhỏ. Bộ luật mới còn nêu rõ, hình phạt còn có thể bị tăng gấp đôi nếu người phạm tội là quan chức, lãnh đạo câu lạc bộ, các tổ chức tội phạm. Bên cạnh đó bộ luật cũng đưa ra những điều khoản xử phạt rất nặng đối với các hành vi bạo lực của các cổ động viên, gây rối loạn trận đấu.
Hồi đầu năm 2010, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị trấn động bởi vụ bê bối dàn xếp tỷ số trận đấu với quy mô lớn, khiến hơn ba chục người bị bắt, từ cầu thủ đến các chủ tịch câu lạc bộ.
Tại một đất nước hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá, các cổ động viên bóng đá của các câu lạc bộ đã không ít lần gây ra những vụ đụng độ đẫm máu. Bộ luật mới về bóng đá được thông qua để tạo thêm công cụ cho tư pháp, nhưng nó cũng cho thấy mức độ báo động về nạn tham nhũng và bạo lực trong bóng đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà tổ chức môn thể thao này ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Treo giò bóng đá Bosnia vì cơ cấu tổ chức liên đoàn mang màu sắc chính trị
Ngày 01/04/2011, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA đã nhất loạt ra lệnh cấm Bosnia tham gia mọi giải đấu vì đã không thông qua quy chế mới cho họat động của Liên đoàn bóng đá Bosnia (NSBIH) theo như yêu cầu của hai tổ chức quản lý bóng đá quốc tế.
Theo quyết định trên, kể từ ngày 1 tháng tư năm 2011, đội bóng đại diện và các câu lạc bộ thuộc quản lý của Liên đoàn bóng đá Bosnia không được quyền tham dự mọi cuộc thi đấu quốc tế cho đến khi nào NSBIH thông qua quy chế mới về tổ chức.
Quyết định trên được đưa ra là do đại hội đồng Liên đoàn bóng đá Bosnia đã từ chối thông qua quy chế tổ chức theo như yêu cầu của hai định chế bóng đá châu Âu và Thế giới. FIFA và UEFA yêu cầu Liên đoàn bóng đá Bosnia phải do một chủ tịch duy nhất lãnh đạo chứ không được theo quy chế đồng ba chủ tịch luân phiên dựa trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc theo kiểu tổ chức chính trị của nhà nước Bosnia-Herzegovina.
Lệnh cấm được đưa ra trong khi ngày 01/06 tới, đội tuyển trẻ Bosnia có trận đấu quốc tế chuẩn bị cho giải trẻ châu Âu 2013. Những trận đấu quan trọng hơn, đó vào ngày 03/06, đội tuyển quốc gia Bosnia có trận gặp Rumani, và ngày 07/06 gặp Albani trong khuôn khổ bảng D vòng loại Euro 2012. Trong trường hợp Liên đoàn bóng đá Bosnia không thay đổi được quy chế hoạt động bị chính trị can thiệp như hiện nay thì các câu lạc bộ của nước này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ở các cúp châu Âu mùa bóng 2011-2012.
Tại Việt Nam, võ Muay vẫn phát triển mạnh bằng nguồn đầu tư xã hội hóa.
Muay – môn võ vẫn được gọi là “quyền Thái” (xuất xứ từ Thái Lan) , đã trở nên quen thuộc với các võ sĩ và những người yêu mến võ thuật Việt Nam. Chỉ mới được du nhập vào Việt Nam như một môn thể thao chính thức chừng hơn một chục năm nay, Muay đã có bước phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Gần đây các võ sĩ Muay của Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận võ đài của môn chơi này cùng với những tiến bộ nhanh chóng.
Năm 2011, Muay Việt Nam lại tiếp tục tỏa sáng ở sân chơi thế giới. Người hâm mộ đang mong chờ một tương lai rộng mở của bộ môn này. Tuy nhiên, dường như lãnh đạo ngành thể thao vẫn có vẻ còn thờ ơ với việc đầu tư chăm sóc cho môn thể thao mới này tại Việt Nam. Đầu tư chủ yếu cho môn võ này đến giờ vẫn dựa vào nguồn xã hội hóa.
Để hiểu thêm tình hình phát triển của môn võ Thái ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Huy Tưởng, phóng viên thể thao, chuyên về mảng võ thuật tại Việt Nam. Anh cho biết TP Hồ Chí Minh chính là nơi đi tiên phong trong phát triển bộ môn võ thuật mới này.
.
.
.
No comments:
Post a Comment