Sunday, April 17, 2011

VỀ SỰ KIỆN BOB DYLAN HÁT Ở VIỆT NAM (Bangkok Post 17-4-2011)


Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 17/04/2011

Ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Bob Dylan lần đầu tiên đã làm cho người hâm mộ thể loại âm nhạc đại chúng [folkie] tức phát điên vì đã từ chối lời họ kêu gọi ông đảm nhận vai trò dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nay buổi công diễn lần đầu tiên của ông tại chính đất nước đó được người ta dán cho cái nhãn “tiếng nói của một thế hệ” xem ra vẫn trật khấc.

Chủ nhật tuần trước người đàn ông 69 tuổi này đã biểu diễn trước một đám đông khoảng 4000 người tại sân vận động ngoài trời của trường Đại học RMIT ở thành phố Hồ Chí Minh.

Những lời quảng cáo xung quanh sự kiện này hầu như đều cố tình làm nổi bật việc Dylan được cho là mối liên hệ với phong trào phản chiến trong những năm 1960 và gợi cho người ta ý nghĩ rằng hợp đồng biểu diễn tại Việt Nam lần này đã đưa mọi chuyện trở lại điểm xuất phát.

Một phóng viên của hãng thông tấn AP có mặt tại buổi biểu diễn đã viết: ”Sau gần năm thập kỷ hát về một cuộc chiến tranh đến nay vẫn tiếp tục ám ảnh cả một thế hệ người Mỹ, Dylan cuối cùng đã có dịp chứng kiến Việt Nam trong thời bình.”

Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu ban tổ chức đã cho phát một đoạn cuốn băng ghi âm cuốn tiểu thuyết Trên đường [On the Road] của nhà văn [Mỹ] Jack Kerouac qua hệ thống âm thanh của sân vận động – nghe lại một tác giả được coi là kinh điển của thế hệ Beat và nhìn thành phần áp đảo là những người nước ngoài sinh ra thời hậu chiến đang đi lại với vẻ vô cùng xúc động trong một không khí vui như hội thế này người ta có cảm tưởng như một chương mới trong lịch sử âm nhạc đại chúng [folk] sắp được viết ra.

Nhưng giả sử như bản thân Dylan có gán cho sự kiện này bất kỳ một ý nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa nó chỉ là một trạm dừng chân trong chuyến lưu diễn của ông qua nhiều nước mang tên Never-Ending-Tour thì ông cũng không thể hiện ra ngoài. Dylan chỉ nói chuyện trực tiếp với khán giả một lần duy nhất: ông chào “Hello Friends” [Chào các bạn] rồi bắt đầu giới thiệu tên các thành viên của ban nhạc.

Dylan trong trang phục điệu đàng (áo sơ mi màu đỏ thẫm, áo vét đen khuy bọc đổng, đầu đội một chiếc mũ rộng vành màu trắng) dường như thấy thoải mái và thích thú, miệng mỉm cười lúc ông cùng ban nhạc chỉ có 5 người đang chuẩn bị bắt đầu buổi biểu diễn.

Dylan thay đổi nhịp nhàng giữa kèn harmonica, đàn keyboard và ghi-ta, dường như ông bực mình vì thỉnh thoảng phải dùng tay xua muỗi hơn là phong thái của ông có ý nghĩa gì đối với sách vở từng viết về ông.

Sân vận động của Đại học RMIT có sức chứa hơn 8000 người và ban tổ chức hi vọng rằng mối liên hệ giữa Dylan và Việt Nam trong trí tưởng tượng của đại chúng có thể đem lại một buổi biểu diễn bán hết vé. Việc chỉ có một nửa số vé đã được bán ra đã nói lên rằng một mối liên hệ như vậy là mong manh biết bao.

Ba ca khúc thường được coi là đóng góp quan trọng nhất của Dylan cho phong trào chống chiến tranh Việt Nam, Blowin’ in the Wind, The Times They Are a-Changin’ và Masters of War được viết vào thời gian trước khi nước Mỹ tham chiến ở đất nước này, đã từng là một tiêu điểm của sự phản kháng.

Những ca khúc nói trên và các ca khúc khác nữa, God on Our Side, chẳng hạn, chắc chắn nằm trong những “bản nhạc” của thời kỳ chống chiến tranh của những năm 1960, song những ca khúc này được là như vậy là bởi vì chúng được những người tham gia phong trào phản chiến sử dụng vì thấy chúng thích hợp hoặc chúng đã được hát lại bởi một số nhân vật tham gia tích cực phong trào đó, chẳng hạn như Joan Baez và Peter, Paul và Mary.

Mặc dù ca từ như thơ của Dylan được người nghe hiểu là lên án cuộc chiến tranh ở Việt Nam, song bản thân người sáng tác ca khúc chưa bao giờ công khai nói ra điều ấy. Không giống như Baez hay Bono hoặc những nghệ sĩ tham gia các phong trào vận động ngày nay, Dylan trước sau vẫn luôn nhất quán về một điểm, ấy là bao giờ ông cũng đặt âm nhạc lên trước sứ mệnh tuyên truyền.

Trong cuốn sách tự kể về đời mình được đăng tải nhiều kỳ lần đầu trên tờ Chronicles, Dylan nói rất kỹ rằng ông đã thất vọng khi người ta kết nạp ông vào phong trào phản đối chiến tranh hồi những năm 1960. ”Tôi có rất ít điểm chung với và lại càng biết rất ít về một thế hệ mà tôi được cho là tiếng nói của thế hệ đó,” ông viết.

Kể từ nửa cuối những năm 1960, Dylan không những không phải là một phần của phong trào phản chiến đó mà ông thực sự còn chạy trốn khỏi những người tham gia phong trào đó. Dân hippi săn đuổi ông, đẩy ông vào trạng thái hoang tưởng vì bị cô lập còn giới báo chí thì không dám thừa nhận rằng ông hoàn toàn không muốn liên quan đến các cuộc biểu tình phản chiến.

”Các phóng viên thường ném cho tôi những câu hỏi và tôi đã nhắc đi nhắc lại với họ rằng tôi không phải là người phát ngôn cho bất cứ điều gì hoặc cho bất cứ ai và rằng tôi chỉ là một nhạc sĩ,” Dylan viết trên tờ Chronicles. ”Họ nhìn thẳng vào mắt tôi như thể để phát hiện bằng chứng tôi vừa uống whiskey với một nắm thuốc gây nghiện amphetamine.”

Như vậy sẽ là thích hợp nếu như buổi biểu diễn của Dylan tại thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện mà không để cho người ta mong đợi là có điềm báo gì xoay quanh sự kiện này.

Nhà tổ chức sự kiện này là Saigon Sound System và Đại học RMIT Australia quảng cáo đây sẽ là một buổi biểu diễn thuộc đẳng cấp vào loại hạng nhất, một mẫu mực cho đất nước này, thế nhưng họ vẫn chỉ bán được một nửa số vé. Chưa kể phần đầu của buổi biểu diễn ban tổ chức còn phục vụ khán giả Việt Nam bằng một chương trình tưởng nhớ một trong những ca sĩ-nhạc sĩ được yêu mến nhất ở đất nước này: Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn mất năm 2001, được Baez đặt tên là ”Bob Dylan của Việt Nam”, song khác với Dylan, ca từ của Sơn nói về “cuộc Chiến tranh của Mỹ”, theo cách gọi tên ở đất nước của ông, và nỗi đau khổ do sự chia cắt đất nước.

Một nhóm các ngôi sao chọn lọc hàng đầu của Việt Nam đã biểu diễn các ca khúc của Sơn để mở đầu buổi biểu diễn, nhưng thời thế cũng thay đổi và mọi thứ khác cũng vậy, và Uyên Linh chính là sự thay đổi như vậy, cô là quán quân của cuộc thi Vietnam Idol năm 2010 trên truyền hình và là người có khả năng lôi cuốn nhiều nhất sự hưởng ứng của đám đông.

Do ý nghĩa quan trọng của sự kiện này thì một sự mở đầu như vậy là thích hợp, bỏ qua địa vị của Dylan như là người sáng tác những ca khúc phản chiến thì dù sao ông cũng là nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng nhất đến biểu diễn tại đất nước này. Nhưng nếu như ý định của nhà tổ chức là khuyến khích khán giả người Việt đến nhiều hơn thì ý định đó đã thất bại. (Giá vé phổ thông là 50 đôla Mỹ còn giá VIP là 120 đô la đã ngăn cản nhiều người Việt tới xem). Trong số hơn 4000 khán giả có mặt thì phần lớn là người nước ngoài – lẫn lộn cả khách tây ba lô lẫn những người cùng thế hệ với Dylan.

Không khí cũng hao hao như những buổi liên hoan nhạc rock trong một ngày thời tiết ấm áp ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, với một số thay đổi nhỏ mang tính địa phương – những cô gái đứng quảng cáo rượu trong bộ quần áo bó sát người, những nhân viên an ninh nom không giống như những đô vật chuyên nghiệp và dĩ nhiên là phương tiện đi lại thuận tiện nhất trong thành phố là cưỡi trên một chiếc xe máy.

Nhìn vào buổi biểu diễn thì có ít dấu hiệu cho thấy đây là một buổi biểu diễn bị chính phủ kiểm duyệt. Những nguồn tin chưa kiểm chứng nói rằng Dylan đã tự kiểm duyệt danh sách các ca khúc được chuẩn bị sẵn để làm vừa lòng các nhà chức trách ở Bắc Kinh và ở những nơi khác trong chuyến lưu diễn châu Á đã gây ra phẫn nộ chính đáng từ những người chỉ trích, chẳng hạn như người phụ trách một chuyên mục của tờ New York Times, Maureen Dowd. ”Các ca khúc tạo nên hình tượng của cách mạng như The Times They Are a-Changin’ và Blowin’ in the Wind không phải là ca khúc thích hợp dành cho 2000 đảng biên Trung Quốc tạm nghỉ tay đàn áp để thư giãn chút đỉnh,” Dowd viết.

Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) thậm chí còn chỉ trích mạnh hơn, họ nói rằng Dylan “nên tự thấy xấu hổ” vì điều được họ cho là sự kiểm duyệt. Brad Adams, giám đốc của chi nhánh châu Á của tổ chức này nói: ”Ông ấy [Dylan] có một cơ hội lịch sử để truyền đạt một thông điệp về tự do, song thay vì thế ông ấy đang cho phép những người kiểm duyệt lựa chọn danh sách ca khúc.”

Có những ý kiến tương tự được bày tỏ đối với buổi biểu diễn ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi một nhà tổ chức nói rằng Dylan đã phải nộp danh sách các ca khúc như là một phần của thủ tục xin giấy phép biểu diễn tại Việt Nam.
Sự lên án này xảy ra mặc dù sự được cho là kiểm duyệt chỉ là một vấn đề ở mức phỏng đoán. Các ca khúc mà Dylan đã biểu diễn ở Bắc Kinh và danh sách có sự thay đổi một chút mà ông mang tới Việt Nam có thể đưa đến giả thuyết là ông đã trải qua những thủ tục làm cho chiếu lệ thôi và ông đã biểu diễn các bài mà ông ấy muốn.

Trong chuyên mục của mình, Dowd dẫn ra việc loại bỏ The Times They Are a-Changin’ và Hurricane ra khỏi danh sách là bằng chứng cho thấy Dylan đang hát theo một cuốn tuyển tập các ca khúc được đảng cho phép.

Nhưng thống kê các danh sách ca khúc biểu diễn của Dylan lại cho thấy ông hiếm khi hát “sống” một trong trong hai ca khúc trên ở bất cứ nơi đâu – lần cuối cùng ông biểu diễn ca khúc Hurricane là tại buổi biểu diễn hồi năm 1976.

Danh sách ca khúc biểu diễn tại Việt Nam của Dylan không khác nhiều so với những lần ông ấy biểu diễn ở những nơi khác trên thế giới. Ca khúc dữ dội Hard Rain’s Gonna Fall là một sự lưu ý ngược lại dứt khoát cho những ai có ý nghĩ là Dylan bị các nhà kiểm duyệt bắt phải loại bỏ những ca khúc dữ dằn.

Sự phán đoán chuyện nọ xọ chuyện kia về ý nghĩa được gán giả tạo cho buổi biểu diễn đã dần dần biến mất cùng với những gì diễn ra trong đêm diễn đó.

Dylan đã cố gắng phối lại hoàn toàn mới hầu hết các ca khúc nổi tiếng của ông – A Simple Twist of Fate và It Ain’t Me Babe đã được ông trình bày theo cách hoàn toàn mới trong đêm diễn hôm đó và để tránh sự hồi cổ ông đã biểu diễn nhiều ca khúc sáng tác gần đây hơn bên cạnh các ca khúc kinh điển. Giọng hát của ông – được rất nhiều người biết tới như là ”cái giọng khàn khàn ộp ộp không thể lẫn” – khác rất nhiều so với giọng hát trong bản thu âm, nhưng nó vẫn giữ được cao độ và sự uyển chuyển rất ăn nhập với những lần ông làm mới cách biểu diễn.

Khán giả có mặt hôm đó không được nghe giọng hát của một thế hệ mà là một rocker 69 tuổi, bằng cách khước từ làm một cái máy hát tự động [juke-box] già nua lười biếng phát lại một loạt những ca khúc cũ, ông đã cưỡng lại sự cám dỗ mà rất nhiều người cùng thế hệ với ông đã không làm nổi.

Còn về ý nghĩa chính trị của lần biểu diễn này của ông thì ở đây hay ở bất cứ nước nào khác trong chuyến lưu diễn Never-Ending Tour của ông nó chẳng còn tồn tại nữa đâu.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

(* ) Nhại tên bài hát It Ain’t Me Babe mà Bob Dylan trình bày tại RMIT. Mời nghe nữ ca sĩ Joan Baez trình bày bản này. Bà nổi tiếng một thời tham gia chống Chiến tranh Việt Nam, bị bắt 2 lần năm 1967 vì tham gia bao vây Trung tâm tuyển quân tại Oakland, California.

-------------------------------------



BOB DYLAN TẠI VIỆT NAM  :
.
.
.

No comments: