Monday, April 11, 2011

BOB DYLAN BỊ TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN CHỈ TRÍCH (BBC)

BBC
Cập nhật: 09:12 GMT - thứ hai, 11 tháng 4, 2011

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa lên tiếng chỉ trích huyền thoại âm nhạc Bob Dylan sau buổi biểu diễn của ông tại TP Hồ Chí Minh.

Bob Dylan đã biểu diễn live lần đầu tiên trong buổi hòa nhạc tối Chủ nhật 10/04 tại Trường Đại học RMIT, Quận 7.
Khoảng 5.000 người đã tới tham dự buổi diễn, đa phần là người nước ngoài.
Bob Dylan trình diễn 17 ca khúc mà ông sáng tác, trong có các bài hát nổi tiếng như A Hard Rain's a-Gonna Fall và Highway 61 Revisited.
Tuy nhiên, danh mục các bài hát trong đêm diễn của ca sỹ 70 tuổi thiếu vắng những giai điệu phản chiến và nhân quyền lừng lẫy thập niên 1960 như Blowin' in the Wind và The Times They Are A-Changin'.
Những bài này cũng không được trình diễn trong các buổi hòa nhạc của Bob Dylan tại Bắc Kinh và Thượng Hải tuần qua.

Giám đốc bộ phận Á châu của Human Rights Watch, Brad Adams, ngay lập tức lên tiếng chỉ trích ngôi sao âm nhạc là đã để cho chính quyền Trung Quốc và Việt Nam "bảo gì hát vậy".

Thông cáo của ông Adams viết: "Ông ấy đã có cơ hội lịch sử để phát đi thông điệp của tự do và hy vọng, thế nhưng thay vào đó, ông ấy lại để cơ quan kiểm duyệt chọn bài hát cho mình".
"Điều này khiến người hâm mộ ông ở Việt Nam hiểu rằng bàn tay của Đảng Cộng sản vươn ra tới tận các nhân vật anh hùng của thời đại quyền dân sự ở Hoa Kỳ."
Lãnh đạo Human Rights Watch tuyên bố: "Dylan cần phải tự xấu hổ".

Kiểm duyệt bài hát
Trong bài hát nổi tiếng Blowin' in the Wind (1963) mà cho tới tận ngày nay vẫn được nhiều ca sỹ chọn để hát lại, Bob Dylan viết: "Một số người phải tồn tại bao nhiêu năm trước khi có thể được tự do?"
Bài The Times They Are A-Changin' (1964) thì có câu "Trật tự cũ đang nhanh chóng lụi tàn".
Những bài hát này đều được cho là mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ trong thời kỳ bắt đầu cuộc chiến Việt Nam.
Tuy nhiên, tin cho hay cơ quan kiểm duyệt văn hóa Việt Nam không yêu cầu loại bỏ các bài hát này trong nội dung hòa nhạc.
Công ty tổ chức sự kiện đứng đằng sau buổi biểu diễn 10/04 tại TP Hồ Chí Minh nói như thường lệ, họ phải gửi toàn bộ danh sách 50 bài mà Bob Dylan "có thể hát" lên cho giới chức ngành văn hóa phê chuẩn.
Không có bài hát nào bị bác vì nội dung nhạy cảm.
Chỉ có thể kết luận rằng ca sỹ kỳ cựu đã tự quyết định không hát những bài này. Trước đó, ông cũng không hát chúng trong hai buổi diễn ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Một trong các khán giả có mặt tại buổi biểu diễn tên là Steve, người Australia, nói với BBC ông hơi thất vọng.
"Tôi rất trông ngóng được nghe các bản nhạc đã gắn với tên tuổi Bob Dylan (như hai bài hát trên), nhưng ông ấy đã không hát chúng."
Nhưng cũng có người lại nói không nên tiếp cận nội dung hòa nhạc từ góc độ chính trị.
Một khán giả khác là Bobby, người Mỹ, nói: "Chúng ta hãy tận hưởng ngày hội âm nhạc này".
"Trước mặt chúng ta là một nhạc sỹ, ca sỹ siêu tài, cùng với các nhạc công tài năng của ông. Cơ hội này không dễ gì lặp lại."

Thế hệ khác
Có mặt tại sân biểu diễn của trường RMIT tối Chủ nhật, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng các khán giả Việt.
Trước Bob Dylan cùng ban nhạc, ban tổ chức có một phần biểu diễn của các ca sỹ Việt Nam để tưởng niệm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhân 10 năm ngày mất của ông.
Trịnh Công Sơn được một số người gọi là Bob Dylan của Việt Nam, hàm ý nhắc tới các sáng tác phản chiến của ông.
Thế nhưng hai phần hòa nhạc dường như không ăn khớp với nhau.
Một số khán giả Việt Nam nói họ không biết nhiều về Bob Dylan. Linh, 24 tuổi, nói: "Ông ấy thuộc về thế hệ khác nên em không biết nhiều về ông".
"Bố em thì có nhiều đĩa hát của Bob Dylan."
Một điều trớ trêu là Bob Dylan, tuy từng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam, lại là tên tuổi mà người miền Bắc trước 1975 ít được nghe nói tới.

Bạn gái một thời của ông, ca sỹ Joan Baez, từng thăm Hà Nội thời kỳ Mỹ ném bom B52 năm 1972, cũng không được báo chí trong nước ở Việt Nam nhắc đến kể từ khi bà quay ra chỉ trích các vi phạm nhân quyền của chính phủ đương thời.

-----------------------

Sức sống mới
Ngày cập nhật 11.04.2011

Đợi chờ mãi, cuối cùng concert đầu tiên của Bob Dylan cũng diễn ra. Khỏi cần phải bàn đến Bob Dylan và những ca khúc mà ông trình diễn đêm 10.4.2011 ở sân khấu đại học RMIT TP.HCM, bởi lẽ ông đã là một huyền thoại của thế giới, một huyền thoại vẫn còn đắt giá. Điều đáng nghĩ đằng sau chương trình ấy lại là yếu tố khác, yếu tố mang tên Trịnh Công Sơn …

Một tiếng mở màn
Cẩm Vân, Uyên Linh, Quang Dũng, Hồng Nhung, Trần Mạnh Tuấn, Đức Tuấn cùng ban nhạc của Hoài Sa đã có một màn trình diễn quá tốt trong vòng một tiếng mở màn với những ca khúc đã nằm sâu trong trí nhớ yêu mến của thính giả Việt Nam bao nhiêu năm qua.
Được sự hỗ trợ của hệ thống âm thanh chất lượng cao cùng một êkíp kỹ sư âm thanh lành nghề, màn trình diễn của họ lại càng xuất sắc hơn, và nếu như nó đứng độc lập như một chương trình nhạc Trịnh ngắn, ắt hẳn sẽ có nhiều lời khen dành cho họ.
Nhưng đa số khán giả đêm qua lại là những người nước ngoài, những người dù hiểu văn hoá Việt Nam đến mấy thì âm thanh mà họ nghe được từ những cái tên kể trên vẫn là thứ âm nhạc quá xa lạ.
Vả lại, họ đợi chờ nhân vật chính, Bob Dylan, chứ không phải đón chờ Trịnh Công Sơn. Thế cho nên, lẫn đâu đó, trong tiếng hát của những Quang Dũng, Hồng Nhung, lại có một vài tiếng nói lạc lõng "We want Bob" (Chúng tôi muốn Bob).
Tự nhiên buồn, buồn cho sự gồng mình của Ban tổ chức đã khiến cho những cái tên ấy và Trịnh Công Sơn trở nên lạc lõng và tội nghiệp!

Cái danh "Bob Dylan đến Việt Nam để tri ân Trịnh Công Sơn" lại càng trở nên sống sượng hơn khi suốt cả chương trình, Bob chẳng hề có một câu nhắc đến Trịnh.Có lẽ Bob không biết và không cần đến và giả như ông có biết đi nữa thì chương trình của một nghệ sỹ tầm cỡ như ông không cần thiết phải có một mối liên hệ nào khác với một tác giả nào khác.
Ở mỗi nơi mà những nghệ sỹ lớn như Bob tới trình diễn, thường thì trước giờ nghệ sỹ chính lên sân khấu, vẫn có những nghệ sỹ địa phương tham gia biểu diễn warm-up, hay nói cụ thể hơn là hát lót để làm nóng.
Những nghệ sỹ làm nóng đó hãnh diện tham gia trong chương trình của các tài danh thế giới với niềm tự hào. Nhưng thường thì đó vẫn là chỗ cho những nghệ sỹ trẻ, mới và có triển vọng. Còn đối với những nghệ sỹ lớn của địa phương, việc làm nóng cho một ngôi sao thế giới là điều không thể chấp nhận được, dù cho họ có trân trọng ngôi sao quốc tế kia đến mức nào đi nữa.

Không điểm chung
Ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một tác giả tượng đài, một nghệ sỹ mà có thể nhiều năm nữa không ai có thể có nổi tầm ảnh hưởng với công chúng như ông. Ông không phải là người để đặt vào chỗ làm nóng chương trình cho bất kỳ ai, cho dù người đó là một huyền thoại của cả thế giới.
Đơn giản, tính tự tôn dân tộc không cho phép điều đó; vị trí của Trịnh trong xã hội Việt Nam không chấp nhận điều đó và hơn tất cả, chất liệu nhạc của ông không nằm chung ở đó với Bob Dylan.
Dù được coi có điểm chung là người hát thơ như hình mẫu Bob Dylan nhưng nhạc của Trịnh Công Sơn không phải thứ âm nhạc rộn ràng mà Bob trình diễn.
Có hàng tá ban nhạc Việt có khả năng hâm nóng khán giả Tây lẫn Ta bằng chất liệu âm nhạc hướng đến Tây Phương của họ như Microwave, Purple Baloon… Đó mới thực sự là sự warm-up cần có cho chính khán giả lẫn nghệ sỹ chính của chương trình.
Còn nếu nói như ban tổ chức, rằng nhạc Trịnh Công Sơn là một phần trong chương trình biểu diễn của Bob Dylan ở Việt Nam thì không phải. Giữa hai phần ấy không có điểm chung, không có tiếng nói chung, không có sự đồng điệu và quan trọng nhất là không có sự công nhận chính thức của chính nhân vật chính: Bob Dylan huyền thoại.
Ban tổ chức yêu mến Trịnh Công Sơn quá, muốn ông sánh vai với thế giới như mong ước Việt Nam sánh vai các cường quốc châu Âu vậy. Nhưng chính vì thương nhau quá, đặt cho nhau vào một chỗ không thuộc về nhau, đâm ra lại thành ghét nhau nhiều lần.
Ghét đến mức, để nhạc Trịnh Công Sơn thành thứ "khởi động làm nóng" cho Bob Dylan, đâm ra khiến những tín đồ nhạc Trịnh cảm thấy chạnh lòng vì ngôi sao Trịnh Công Sơn trong lòng họ bỗng dưng mờ nhạt, vô vị và khiêm tốn không đúng mức ở trước một ngôi sao khác, ngôi sao đã định nghĩa thế nào là hát thơ trong thế giới âm nhạc mấy chục năm qua.
Theo Yahoo
.
.
TT&VH
Thứ Hai, 11/04/2011 16:11

Nghe nói, hồi năm 1973 Bob Dylan đã rất muốn sang Hà Nội diễn một buổi hòa nhạc nhưng vì vài lý do tế nhị nào đó mà ý muốn ấy bất thành.
38 năm sau, ông đến Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà trong đoạn mở màn cuốn phim “Apocalypse Now,” nhân vật chính đã phải thốt lên “Sài Gòn, trời ơi tôi vẫn còn ở Sài Gòn” trong một buổi hòa nhạc mà nhiều người Việt đã đi qua vài thập niên biến động đều đón đợi. Buổi hòa nhạc ấy, theo như thông tin ban đầu là để Bob Dylan “tri ân” Trịnh Công Sơn...

Người Việt ưa tìm mối liên hệ giữa các hiện tượng không liên quan đến nhau hay nói khác hơn là luôn cố quy đồng mẫu số những thứ không chung nhất. Giữa Trịnh Công Sơn, một tác giả mà ca từ huyền diệu bậc nhất nhạc nhẹ Việt Nam một thế kỷ qua với Bob Dylan, kẻ mệnh danh hát thơ vĩ đại nhất thế kỷ 20, người Việt cũng cố tìm một mẫu số chung để quy đồng họ. Và họ đã từng gọi Trịnh Công Sơn bằng cái tên “Bob Dylan của Việt Nam.”

10 năm sau ngày Trịnh ra đi, Bob tới Việt Nam, lần đầu, mảnh đất mà ông từng có chút gắn bó bởi những nhạc phẩm phản chiến của mình. Một buổi hòa nhạc gọn gàng, sạch sẽ, đáng học hỏi đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và dù cho thiếu vắng những "Knockin’ on Heaven’s Door" hay "Blowin’ in the Wind" đi chăng nữa, thính giả Việt vẫn phải thỏa mãn với những gì lần đầu tiên Bob mang tới.

Một soi chiếu nào từ quá khứ đã dội về? Nhất là soi chiếu ấy lại dính đến Trịnh, người đã từng viết thư cho Bob lẫn Joan Baez (theo như báo chí đã từng nhắc tới)? Có lẽ là không. Cả buổi hòa nhạc, Bob rất kiệm lời và ngoài những giới thiệu mang tính cảm ơn chính các thành viên ban nhạc của mình, Bob chẳng nhắc đến Trịnh dù chỉ một câu. Vậy mà người ta đã từng mạnh miệng tuyên bố ông sang đây để tri ân Trịnh?

Hành động ấy của Bob chính là một kết thúc cuối cùng cho một “cuộc tình” vô hình được tưởng tượng ra từ ban tổ chức, một “cuộc tình” đánh lừa người xem khi ai nấy đều đinh ninh Trịnh Công Sơn có một phần trong buổi hòa nhạc của Bob.

Huyền thoại Bob Dylan có lỗi hay không? Ông chẳng có lỗi gì trong sự vụ ấy vì có lẽ ông cũng chẳng biết người ta làm gì với cái tên mình gắn với tên người họ Trịnh ở Việt Nam.
Dạo này người Việt hay nói chuyện ngoại binh bóng đá, bóng chuyền nhưng có lẽ buổi hòa nhạc Bob Dylan lại là một “show bóng chuyền ngược chiều” với nội binh là tâm điểm.
Ban tổ chức đưa Trịnh Công Sơn vào với quảng cáo nhạc của ông là một phần (phần mở màn) của buổi hòa nhạc Bob Dylan nhưng hóa ra không phải như thế. Quảng cáo ấy như cú nêu bóng để rồi cuối cùng kết thúc là một cú đập sát thủ không thương tiếc. Nâng cao-đập mạnh là đặc sản của bóng chuyền và Trịnh Công Sơn trong đêm ấy, tội thay, lại là trái bóng chuyền của những người sản xuất chương trình.

Phải nói trắng ra rằng cũng như vô vàn ngôi sao quốc tế khác, Bob Dylan chỉ quan tâm tới phần trình diễn của mình mà thôi. Còn trước đó, ban tổ chức xếp ai là người “khởi động” chương trình, người làm nóng chương trình, hay nói tệ hơn là hát lót Bob không cần lý tới. Và thế là Trịnh Công Sơn, một tác gia của một di sản văn hóa pop hiện đại Việt Nam thế kỷ 20, đã trở thành nhạc mục hát lót của buổi hòa nhạc "Bob Dylan in Vietnam."
Cứ cho là ban tổ chức khiêm tốn, chỉ dám xếp người nổi tiếng nhà mình ở vai trò đó trước hào quang huyền thoại thế giới nhưng sự khiêm tốn ấy là sự khiêm tốn lãng phí không cần thiết. Trịnh lớn hơn vị trí ấy nhiều. Trịnh là một huyền thoại của Việt Nam và với lòng tự trọng, sự tự tôn của chủ nhà, người ta không nên đặt ông vào đó. Ông xứng đáng một vị trí khác hơn thế, cao hơn thế bởi ít ra, ông cũng là tác giả âm nhạc hiếm hoi của Việt Nam được một bộ phận (dù rất nhỏ) trên thế giới biết tới.
Nhưng Bob đâu cần tìm hiểu ban tổ chức sẽ đặt ai ở đó. Ông là một nghệ sỹ có thói quen công nghiệp chuyên nghiệp. Đúng giờ, ông tới. Chuẩn giờ, ông diễn. Hết giờ, ông về thậm chí còn quên không chào. Tự nhiên, Trịnh Công Sơn mà nhiều người Việt yêu và thần tượng bỗng nhỏ bé, tự ti, yếm thế trước một Bob Dylan của nước Mỹ. Tất nhiên, tên tuổi, tầm vóc của Bob hơn hẳn Trịnh Công Sơn là cái chắc. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó, làm đậm quá mức cái khoảng cách ấy quả thật bất nhẫn với Trịnh Công Sơn.
Khi đến Việt Nam, (theo như ban tổ chức cho biết) Bob không đòi hỏi cao sang gì mà chỉ cần một căn phòng với hai cửa sổ. Hai cánh cửa ấy chắc ông sẽ mở rộng để đón gió Sài Gòn, thành phố ông đã nghĩ tới từ mấy thập niên trước.
Nhưng dù mở thật rộng, Bob vẫn chẳng dành cánh cửa nào cho Trịnh Công Sơn dẫu cho những người sản xuất chương trình đã kiên trì gõ cửa tựa như những kẻ vội vàng và mơ mộng hão huyền rằng mình có thể gõ cửa thiên đàng.
Theo Vietnam+
.
.
.

No comments: