Thursday, April 21, 2011

BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM LIỆU CÓ CẦN THIẾT ? (RFA)


Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-04-21

Còn một tháng nữa là tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 13, nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cũng là ngày bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt Nam.
Bầu cử Quốc hội được cho là ngày hội của toàn dân, vì đảng và nhà nước cho rằng, bầu cử giúp người dân thực hiện quyền làm chủ, tạo điều kiện cho dân quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, cũng như giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Nhân dịp bầu cử Quốc hội Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại việc tổ chức bầu cử có thực sự thể hiện quyền làm chủ của người dân? Các đại biểu Quốc hội được dân bầu, có thực sự đại diện cho dân?
Thông tín viên Ngọc Trân có bài phân tích.

Bầu cử hay là “biểu diễn dân chủ”?

Bầu cử là một hình thức thể hiện tính dân chủ của một nhà nước; thông qua bầu cử, người dân được quyền tự do lựa chọn những người tài giỏi và xứng đáng nhất, thay mặt dân lãnh đạo đất nước.
Ngoài việc lựa chọn những người xứng đáng nhất làm lãnh đạo, mục đích bầu cử nhằm phát huy quyền làm chủ của dân. Ở Việt Nam, quyền này được quy định tại điều 6, Hiến pháp:
-“Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Quyền làm chủ đất nước của người dân còn được ghi nhận ở điều 2, Luật bầu cử Quốc hội:
-“Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội…”

Luật pháp Việt Nam khuyến khích người dân thực hiện quyền làm chủ của mình qua hình thức bầu cử và ứng cử, nhưng trên thực tế, người dân không thực sự có quyền này, bởi các ứng cử viên không do dân lựa chọn qua các cuộc bầu cử sơ bộ, mà hầu hết đều do Đảng CSVN lựa chọn, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ theo “cơ cấu”.

GS Nguyễn Lân Dũng, hiện là ĐBQH, đã nói với báo chí về “cơ cấu” bầu cử Quốc hội ở Việt Nam như sau: -“Chúng ta đang mắc phải một điều rất khó nói, mà vừa rồi tôi đã phải nói ra tại Quốc hội, đó là vấn đề cơ cấu. Trung ương định ra bao nhiêu phần trăm nữ, bao nhiêu phần trăm dân tộc, bao nhiêu phần trăm trẻ, bao nhiêu phần trăm ngoài Đảng…”

Đảng quy định “cơ cấu”, Mặt trận Tổ quốc chịu trách nhiệm phân bổ, “cơ cấu” thành phần ứng cử viên, nên đa số các ứng cử viên đều là đảng viên, thường được trung ương giới thiệu, và nhiều người trong số đó là lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành phố. Riêng các ứng cử viên tự ra ứng cử, thường bị loại ra khỏi “cuộc chơi dân chủ” sau ba vòng hội nghị hiệp thương.

Ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 12, cho biết: -“Mặc dù cũng có nhiều người tự ứng cử hoặc cũng được các tổ chức giới thiệu, nhưng mà khi ra Mặt Trận Tổ Quốc để làm hiệp thương, cũng như khi chuẩn chi, thì chỉ đạt trên dưới 10% thôi.

Điều đáng nói là, trong khi những người lãnh đạo đảng và nhà nước luôn hô hào dân chủ, công bằng trong bầu cử, như “vận động tranh cử phải đảm bảo công bằng, việc tự ứng cử phải được tôn trọng, khuyến khích, vì Quốc hội luôn mở rộng cửa mời những người đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài tham gia”, thì cũng chính đảng và nhà nước giành lấy quyền chỉ định thành phần ứng cử viên, bao nhiêu phần trăm là đảng viên, bao nhiêu phần trăm là những người ngoài đảng được phép ứng cử.

Luật sư Trần Lâm, nguyên chánh án Toà án Tối cao Việt Nam, đã nhận định về sự lạm quyền của đảng trong bầu cử Quốc hội như sau:
-“Bây giờ chính phủ gồm những ai thì đảng đã chỉ định rồi. Thế rồi bầu cử thì 20% danh nghĩa anh là người không phải đảng viên, mà thực ra là đảng chọn anh chứ có phải tự anh đứng ra được đâu”.

Sự thiếu dân chủ trong bầu cử Quốc hội Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, trong khi Đảng và nhà nước luôn kêu gọi người dân sáng suốt tìm người có đức, có tài để bầu chọn, thế nhưng đảng không cho phép thực hiện tranh cử ở Việt Nam, nên cử tri không biết chương trình hành động của những người đại diện cho mình ra sao, sẽ thay mặt mình làm những gì. Cử tri cũng không có điều kiện chất vấn ứng cử viên, để có đủ thông tin, so sánh ai là người tài giỏi hơn để bầu chọn. Và do vậy, người dân hoàn toàn không có quyền lợi gì khi đi bầu.

Mặc dù không có được quyền lợi khi đi bầu, thế nhưng liên tục trong bốn kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên cả nước được xếp vào loại cao nhất thế giới, với hơn 99% cử tri tham gia bỏ phiếu.

Quốc hội chỉ đại diện cho đảng

Một quy định khác tại điều 83, Hiến pháp Việt Nam, quy định:
-“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo quy định này, người dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Mặc dù theo hiến pháp, Quốc hội được cho là giữ vai trò đại diện cho dân, thế nhưng đa số đại biểu Quốc hội lại là đảng viên Đảng Cộng sản, chẳng hạn như Quốc hội khoá 12, có hơn 91% đại biểu là đảng viên. Và theo quy định của điều lệ đảng, “đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Ðảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên”.
Quốc hội với đa số đại biểu là đảng viên và phải chấp hành nghị quyết của đảng, phải phục tùng mệnh lệnh của đảng, phải chăng Quốc hội được dựng lên với mục đích hợp thức hóa ý chí và nguyện vọng của đảng thay vì của dân?

Nhận xét về vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo góp văn kiện Đại hội Đảng, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết:
-“Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu ạ mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất.
Thế rồi Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một Đại biểu quốc hội, vừa là đảng viên vừa là Đại biểu quốc hội thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri.
Cho nên, cái nhận định về xã hội pháp quyền và Quốc hội được tiếp tục hoàn thiện thì tôi cho rằng… tất nhiên tuy có tiến bộ hơn nhưng mà nó vẫn đầy rẫy những cái gì đấy làm cho Quốc hội không thể có thực quyền được. Nhất là cái cơ cấu Quốc hội như hiện nay thì rõ ràng Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì người đó phải hy sinh quyền lợi của cử tri chứ không phải người đó bảo vệ quyền lợi của cử tri nữa”.

Rõ ràng, bầu cử Quốc hội không thực sự thể hiện ý nguyện của người dân. Câu hỏi được đặt ra, có nên thay đổi luật để hợp thức hóa vai trò của đảng và nhà nước trong Quốc hội, thay vì tổ chức bầu cử chỉ mang tính hình thức, vừa hạn chế tốn kém cho dân, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước?

Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của GS Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nhận xét về bầu cử ở Việt Nam như sau:
-"Chúng ta có tất cả mọi chuyện bầu cử, tất cả giới thiệu, thăm dò ý kiến đủ tất cả. Nhưng xét cho cùng, cái người chúng ta đưa lên vừa kém về tài và đức cũng kém nốt. Vậy vấn đề cơ chế của chúng ta là hỏng rồi. Bầu cử, mọi chuyện đều có nhưng hoá ra cuối cùng kết quả chả ra gì, chứng tỏ rằng cái cơ chế tuyển chọn nhân sự mới quan trọng”.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-04-21

Vào những ngày đầu tháng Tư năm nay, toàn bộ hệ thống cầm quyền Việt Nam đã chính thức mở cuộc vận động chọn người ra ứng cử Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân.
Đây là lần đầu tiên người dân sẽ đi bầu cùng ngày cho các đại biểu của hai cơ quan Quốc hội và Hội Đồng Nhân dân các cấp.
Mặc Lâm có bài tìm hiểu việc tự ứng cử vào cơ quan Quốc hội diễn ra như thế nào qua câu chuyện của hai nhân vật tự ứng cử của quốc hội khóa 12 và khóa 13 như sau.

Quyền ứng cử?

Ngày 22 tháng 5 sắp tới sẽ là ngày mà người dân sẽ cầm lá phiếu của mình chọn người tài đức đại diện cho họ vào nơi quyền lực nhất nước là Quốc Hội.
Có hai dạng ứng cử một là được đề cử từ các cơ quan đơn vị hai là tự ứng cử, tức là tự mình nộp đơn cho Ủy ban tổ chức bầu cử để được xét duyệt. Nếu không có gì vi phạm với quy định ứng cử thì sẽ đựơc tiếp xúc với cử tri để thuyết phục họ bỏ phiếu cho mình.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định rõ công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Tuy hiến pháp quy định như vậy nhưng thực tế có diễn ra đúng với những quy định này hay không?

Tự ứng cử không hề là chuyện dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Quy định cho công dân tự ứng cử xem ra rất đơn giản nhưng thực ra lãnh đạo Đảng mới là nơi quyết định ai là người được ứng cử và ai là người không thể ra tranh cử một cách công khai hợp pháp. Có những điều hiến pháp không quy định nhưng người điều hành trong bóng tối đã qua mặt hiến pháp để ra lệnh cho cấp thừa hành thực hiện những việc có thể xem là vi hiến.

Trường hợp của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng là một.

Giáo sư Hưng là một Việt kiều Bỉ nhưng lại có quốc tịch Việt Nam. Ông có những đóng góp quan trọng cho giáo dục Việt Nam qua các khóa đào tạo Tiến Sĩ, Thạc sĩ cho sinh viên Việt Nam do ông vận động các nước châu Âu cung cấp học bổng cho chương trình đào tạo. Ông tự ứng cử vào quốc hội khóa 12 do sự cổ động của bạn bè cũng như khuyến khích của cấp chính quyền thành phố, ông kể lại:
-Tôi cũng mong mỏi là Việt Nam có đổi mới về chính trị song song với đổi mới về kinh tế. Tôi nghĩ rằng hai cái đó phải đi đôi thì mới đúng vào tinh thần đổi mới hòa nhập trong thế giới ngày nay. Tôi cũng tưởng là khi phát biểu những ý kiến thì tương đối cũng có một số tiếng vang trong nước. Năm ấy tôi cũng không có ý định gì nhưng tôi bị thôi thúc bởi bạn bè Việt kiều rất đông đảo tại Sài Gòn nói với tôi rằng tôi là người gần như duy nhất có điều kiện vì đã có quốc tịch Việt Nam nên có thể thể hiện tiếng nói của Việt kiều
Thời ấy cũng đang có vấn đề cải tiến quan hệ Việt kiều và bảo vệ quyền lợi của họ để có sự hòa nhập.
Năm ấy Ban Việt kiều thánh phố đặc biệt ủng hộ tôi và đặc biệt là Ban Nội vụ của thành phố, đây là chỗ lo về giấy tờ ứng cử, họ tạo cho tôi diều kiện ưu ái, có nghĩa là tôi không cần về Sài Gòn để mà đăng ký, tôi chỉ cần cho ý kiến đồng ý tại Hà Nội gửi vào bằng fax thì họ chính thức hóa sự ghi danh của tôi

Khi được hỏi ông có tuân thủ đầy đủ các thủ tục dành cho người tự ứng cử hay không Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết:
-Tôi cũng theo thủ tục bầu cử và ứng cử tại Việt Nam, có nghĩa là tôi phải qua đựơc nơi cơ sở làm ăn, rồi sau đó phải qua cử tri của khu phố. Hai lần ấy thì tôi đều qua hết nhất là ở khu phố tôi không quen biết gì nhiều nhưng mà tôi vẫn được ủng hộ 100%. So với cử tri để đi bầu thì tôi qua được giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng. Tôi đã sọan những chương trình hành động nhưng không có dịp công bố và thảo luận với cử tri.

Tuy nhiên một việc ngoài dự đoán đã xảy ra khi Ủy ban tổ chức bầu cử cho Giáo sư Hưng biết tên ông bị gạch ra khỏi danh sách vì ông có hai quốc tịch, Giáo sư Hưng kể:
-Theo chính thức họ nói thì tôi bị loại vì có hai quốc tịch. Tôi có tham khảo thì thấy rằng trong Hiến pháp Việt Nam không có chuyện là hai quốc tịch thì không được ứng cử, chỉ nói là người ứng cử phải có quốc tịch Việt Nam. Tôi cũng có tham khảo cái luật bầu cử thì thấy rõ luật chỉ đòi hỏi là phải có quốc tịch Việt Nam. Cho nên tôi thấy là tôi dư quốc tịch chứ tôi không thiếu cho nên lý do đưa tôi ra là không thuyết phục

Lý do không phải do Hiến pháp quy định mà phát xuất từ một người nào đó trong bộ chính trị đã chỉ thị cho chính quyền địa phương gạch tên Giáo sư Hưng ra khỏi danh sách ứng cử, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kể lại:
-Tôi có viết thư khiếu nại gửi lên cơ quan chức năng gồm ban bầu cử trung ương, ban bầu cử địa phương, quốc hội…thì cái thư khiếu nại của tôi không được cứu xét. Khi về đến Sài Gòn thì tôi nhận được thư của ông Châu Minh Tỷ là giám đốc sở Nội vụ trả lời cho tôi nói rằng là có một lá thư từ trung ương gửi xuống cho thành phố nói rằng không nên cho tôi đứng ra ứng cử.

Loại ngay từ vòng đầu

Không như Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bị từ chối vì có hai quốc tịch, luật sư Lê Quốc Quân, một công dân Việt Nam sống và làm việc tại Việt Nam, đơn tự ứng cử của ông không bị từ chối nhưng lại bị đấu tố ngay trong buổi ra mắt cử tri trong tổ dân phố. Là một người nắm rõ pháp luật Việt Nam qua vị trí một luật sư, ông Lê Quốc Quân đặt sự tin tưởng mạnh mẽ của mình vào pháp luật đã là lý do chính khiến ông mạnh dạn ra ứng cử như một phép thử lòng tin của mình, LS Quân nói:
-Chính vì vậy tôi cũng muốn thử mình một lần. Trải nghiệm trên da trên thịt của mình để xem thực tế, bản
chất của nó như thế nào so với lý thuyết thì nó khác nhau thế nào và khác nhau ở đâu.

Nhận đơn tự ứng cử của Luật sư Quân nhưng đối phó với ông bằng cách ra lệnh cho các đảng viên và vận động người dân chống lại ông là cách mà hệ thống cầm quyền áp dụng. LS Quân cho biết:
-Tôi biết được rất rõ ở đây có cả một hệ thống chính trị. Ở Việt Nam khi người ta cần can thiệp hoặc làm một việc gì đấy thì người ta dùng quyền lực huy động toàn bộ hệ thống chính trị. Cái hệ thống chính trị ở đây là hệ thống chính trị địa phương, ngay tại cấp phường với mục tiêu rất rõ ràng tức là muốn loại tôi ngay ở tổ dân phố. Việc này người ta tổ chức họp trước rồi, họp đảng, Bốn năm mươi người đảng viên ở cấp độ khác nhau họ đã họp và nói chuyện nội bộ với nhau rồi. Nó đã trở thành một cái nghị quyết của khu phố này và sau đó thì chia xuống tổ.

Trong quá trình vận động tranh cử, LS Quân thấy rõ hệ thống cầm quyền đã đối phó với ông ra sao, ông kể:
-Khi thấy tôi gặp gỡ và xin danh sách của tổ thì ngày hôm sau toàn bộ hệ thống chính trị gồm các cơ quan đoàn thể của phường lại đi vận động ngược lại một lần nữa những đối tượng khác mà họ nghĩ rằng chống lại tôi, chống lại những tư tưởng của tôi.

Cuối cùng thì việc lấy thịt đè người đã tỏ ra kết quả, người luật sư đơn độc đã chịu thất bại trong cuộc họp tổ dân phố khi chung quanh ông không có dân mà chỉ toàn là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam:
-Khi vào đấy thì họ kiểm soát toàn bộ việc ai vào và họ định hướng các cuộc chất vấn. Khi chất vấn nó ngược hẳn những việc đây là bỏ phiếu lấy tín nhiệm của tôi tại tổ dân phố thì phải xem xét là tôi ở đây thực hiện các cái quyền hạn và nghĩa vụ của tôi tại địa phương như thế nào, cư xử của tôi ra sao và cách sống của tôi ngay tại địa phương nhưng họ không nói những điều ấy mà họ đi sâu vào quan điểm và tư tưởng về thời kỳ tôi được đào tạo bên Mỹ về học bổng Reagan rồi quan điểm của tôi….

Hai câu chuyện tự ứng cử của hai trí thức Việt Nam đã phần nào cho thấy một góc tối của những cuộc bầu cử từ trước tới nay. Người dân sẽ cầm lá phiếu bỏ cho ai đây khi sự công bằng, minh bạch chưa thấy xuất hiện trong ngày hội dân chủ của dân tộc?

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: