Thanh Hà - RFI
Thứ năm 07 Tháng Tư 2011
Trung Quốc vào hôm nay (07/04/11) chính thức thông báo mở cuộc điều tra nhắm vào danh họa Ngải Vị Vị về "các tội danh kinh tế". Gia đình của họa sĩ này vẫn chưa được thông báo về vụ ông bị bắt giữ. Chính quyền Bắc Kinh cảnh cáo cộng đồng quốc tế không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị. Chiều nay, Nghị viện châu Âu dành riêng một buổi phiên họp đặc biệt để thảo luận về trường hợp của danh họa Trung Quốc và về vấn đề vi phạm nhân quyền trên thế giới. Chủ nhật vừa qua khi chuẩn bị đáp máy bay tới Hồng Kông ông đã bị bắt rồi bị giam tại một nơi bí mật.
Trả lời hãng tin AFP, vợ họa sĩ Ngải Vị Vị, bà Lý Khánh cho biết đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn chưa thông báo cho gia đình về việc bắt giữ chồng bà. Mẹ của danh họa họ Ngải thì khẳng định là bà không tin con trai mình là một kẻ phạm tội. Theo bà, "Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ đi tìm công lý".
Từ thủ đô Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
"Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã thông báo vụ nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị bị bắt giữ trong một bản tin rất ngắn, được phát đi vào nửa đêm. Cục An Ninh Trung Quốc xác nhận tin họa sĩ Ngải Vị Vị bị tống giam. Các phương tiện truyền thông quốc tế như vậy có đủ thời gian để lấy lại tin trên.
Theo tờ báo Hồng Kông Văn Vị Báo có lập trường thân với đảng cộng sản Trung Quốc, họa sĩ họ Ngải bị « truy tố về các tội danh kinh tế ». Tờ báo này không đi sâu vào chi tiết. Theo quan điểm của một giáo sư giảng dạy tại đại học Bắc Kinh được nhật báo anh ngữ Global Times trích dẫn : Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và ông Ngải Vị Vị không bị giam giữ vì những lời phát biểu của ông ta.
Một người bạn của họa sĩ Trung Quốc và cũng là luật sư bảo vệ ông giải thích : chính quyền có thời hạn 30 ngày để quyết định về khả năng đem họa sĩ Ngải Vị Vị ra trước vành móng ngựa. Trong trường hợp bị truy tố thì đây sẽ là lần đầu tiên gương mặt hàng đầu của nghệ thuật đương đại này Trung Quốc bị đem ra xét xử và có thể bị kết án. Trước mắt vợ ông chưa được chính quyền thông báo về vụ chồng bà bị bắt".
.
.
.
Austin Ramzy
TIME - Ngày 3-4-2011
Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 05/04/2011
Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) – nghệ sĩ, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc bị bắt hôm chủ nhật 3-4 vừa qua tại sân bay Bắc Kinh khi đang tìm cách bay sang Hong Kong – đã từng bị cấm rời đất nước.
Hồi tháng 12, ông bị ngăn cản, không cho bay sang Hàn Quốc, ngay trước lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ.
Trước kia Ngải cũng từng bị bắt, trong đó có một lần cách đây hai năm ở Thành Đô, khi ấy ông bị cảnh sát đánh đau đến nỗi phải sang Đức phẫu thuật sọ. Và ông bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh mùa thu năm ngoái, để ngăn việc ông đi Thượng Hải dự một bữa tiệc ở xưởng nghệ thuật cá nhân tại đó – bữa tiệc này đã nhanh chóng bị chính quyền giải tán.
Do vậy, rất dễ nhìn nhận va chạm mới đây nhất của ông với chính quyền là “lại một ngày bình thường trong đời Ngải Vị Vị”. Ông là một nhân vật tiếng tăm, thậm chí là vĩ đại ở mức độ nào đó. Vào các buổi sáng, ông thường trả lời phỏng vấn, lên án chính quyền Trung Quốc, buổi chiều thì hướng dẫn xưởng nghệ thuật của mình sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật làm ông nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Và ông không ngừng viết trên mạng Twitter, điều khiến ông trở thành anh hùng trước mắt rất nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi, thành thạo Internet. Một số thậm chí còn tôn xưng ông là “Ngải Thần” (Ai Shen). Từ lâu nay tác phẩm của ông đã có tính chính trị. Ông từng tuyệt thực vào năm 1989 khi còn làm việc ở New York, để ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn. Loạt ảnh chụp từ năm 1995 tới năm 2003 của ông, nhan đề “Nghiên cứu toàn cảnh”, ghi lại hình ông trỏ ngón tay giữa về phía các trung tâm quyền lực văn hóa và chính trị, kể cả Thiên An Môn và Nhà Trắng. Quan điểm chính trị của ông càng nhất quán hơn kể từ khi ông bắt đầu viết blog vào năm 2006, và đặc biệt là sau vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, khi hàng nghìn học sinh chết vì trường sập. Sau đó ông đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm tên tuổi những học sinh thiệt mạng, và làm một nghệ phẩm gồm hàng nghìn chiếc ba-lô, để tưởng niệm các em học sinh đó.
Người ta luôn tin rằng danh tiếng của Ngải, vừa trên cương vị một nghệ sĩ, vừa là con trai của Ngải Thanh (Ai Qing), nhà thơ với những tác phẩm cực kỳ nổi tiếng ở Trung Quốc, sẽ bảo vệ cho ông. Danh tiếng ấy có thể không giúp ông thoát khỏi quả đấm của một viên cảnh sát Tứ Xuyên, nhưng có thể bảo vệ để ông không bị giam giữ dài ngày. Giờ đây, cuộc đàn áp mở rộng, khởi đầu từ những lời kêu gọi nặc danh trên mạng – tổ chức “cách mạng hoa nhài” kiểu Tunisia – đã làm thay đổi lý luận ấy.
Trong vòng vài tuần qua, 26 người đã bị bắt, hơn 30 người mất tích, và 200 người bị quản thúc tại gia, theo tin từ tổ chức hoạt động có tên Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc. 6 Luật sư nổi tiếng nhất Trung Quốc vì từng tham gia các vụ án về quyền dân sự cũng đang trong tình trạng không liên lạc được. Lưu Hiền Bân (Liu Xianbin), nhà hoạt động bị bắt giữ năm ngoái, hôm 25/3 bị kết án 10 năm tù vì tội “kích động chống phá chính quyền”. Ba nhà hoạt động và viết văn ở Tứ Xuyên là Nhan Vân Phi (Ran Yunfei), Trần Vĩ (Chen Wei), và Đinh Mão (Ding Mao), cũng đã chính thức bị bắt giữ với tội danh này. Tương tự, tiểu thuyết gia trinh thám kiêm “còm sĩ” trên mạng, Dương Hạng Dũng (Yang Hengjun), người Úc gốc Hoa, bị mất tích một thời gian ngắn vào tuần trước khi đang ở Quảng Châu, gây lo sợ rằng ông cũng đã bị bắt giam. Sau đó ông trả lời phỏng vấn nói mình chỉ bị ốm, đi nằm viện, nhưng nhiều người cảm thấy ông đã không thể nói hết tình hình của mình chừng nào vẫn còn ở Trung Quốc.
Cuộc đàn áp gần đây là lần mạnh nhất trong vòng ít nhất một thập niên qua, nhưng vụ bắt Ngải còn đưa sự việc tới một cực mới. Xưởng nghệ thuật của Ngải ở Bắc Kinh cũng bị bố ráp hôm chủ nhật, vài nhân viên bị thẩm vấn, cho thấy việc bắt giữ Ngải không đơn thuần là để cấm ông đi lại.
Sau người tù được giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, Ngải Vị Vị là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc. Sự nổi tiếng đó xuất phát từ thực tế rằng ông là một nghệ sĩ hàng đầu, được biết đến trên phạm vi quốc tế ngay cả khi không hoạt động chính trị. Và từ rất lâu nay thì danh tiếng ấy vẫn là một cái khiên bảo vệ ông. Bằng việc bắt giữ Ngải, chính quyền Trung Quốc nhắc nhở toàn dân tộc rằng không một kẻ nào thách thức quyền cai trị của Đảng Cộng sản mà lại có thể an toàn.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment