Thursday, April 21, 2011

AI MUA VIỆT NAM KHÔNG? RẺ LẮM ! (Nguyễn Ngọc Già)


Nguyễn Ngọc Già
Thứ Năm, 21/04/2011


Đây là một đề tựa nghiêm túc, mặc dù đầy mai mỉa, cay đắng và làm cho bất kỳ ai còn nghĩ về Việt Nam phải lo lắng, giật mình khi đọc qua đoạn trích dưới đây:

Phú Yên liên tục “chào” 2011 bằng các thông tin “bể đĩa” về các siêu dự án đầu tư tỉ USD. Trong tháng 2, đó là chiếc “bánh vẽ” 250 tỉ USD “Đặc khu kinh tế tại Phú Yên” của Tập đoàn Sama Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) đã được đề nghị cho dừng vì lý do Sama Dubai bị thiệt hại bởi suy thoái kinh tế nên nhiều năm qua đã không triển khai dự án.

Sang tháng 3... Đó là siêu dự án “Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa” do Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) đăng ký đầu tư với tổng mức 11,4 tỉ USD. Lý do thu hồi được đưa ra cũng bởi... thật lâu, thật lâu, chẳng thấy đâu hiện thực.

Trước đó không lâu, đầu năm 2009, siêu dự án 11 tỉ USD “Khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking ở Phú Yên” của Công ty SP Chemicals Ltd (Singapore) cũng đã xin rút sau một thời gian... vẽ vời vô cùng hoành tráng.

Điều mà dân “kêu trời” là diện tích quy hoạch do các dự án này vô cùng... thẳng cánh cò bay, gây cảnh mất an cư lạc nghiệp, tác động đến sự bình ổn kinh tế - xã hội không kể sao cho xiết...

Đơn cử, “Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa” được quy hoạch đến 7.656 ha đất dọc hạ lưu sông Ba; “Khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking ở Phú Yên” khoanh vùng 1.300 ha mặt đất và 1.300 ha mặt biển phía Vũng Rô. Ác liệt hơn, “Đặc khu kinh tế tại Phú Yên” oanh tạc luôn gần 300.000 ha, tương đương 60% diện tích tỉnh Phú Yên !?

Chẳng những chộn rộn khổ dân, cái siêu “Đặc khu kinh tế tại Phú Yên” còn có dự thảo ghi nhớ: được các quyền tự quản lý ở mức độ cao đối với môi trường kinh doanh, thiết lập một hệ thống quản lý, pháp lý, tư pháp theo tiêu chuẩn quốc tế; vùng đất thuộc đặc khu kinh tế được dựng hàng rào để ngăn cách, thời gian thuê đất lên hơn 2 thế kỷ (210 năm)... Nghĩa là, người Việt Nam không được đăng ký cư trú trong vùng đất dự án này trong ít nhất 2 thế kỷ.

 Phú Yên đều “thiệt thà” cho rằng: chả biết “mặt mũi nhà đầu tư tròn, méo” thế nào; dự án “siêu” vốn nên đâu chỉ tỉnh dám quyết, còn hàng loạt bộ ngành T.Ư tham gia thẩm định. Nói chung, chả biết đổ thừa ai, chỉ có dân sống trong vùng “siêu quy hoạch” là lãnh đủ...

Xin chú ý,

Nói chung, chả biết đổ thừa ai, chỉ có dân sống trong vùng “siêu quy hoạch” là lãnh đủ.

Cái "chết" là chỗ này đây! Không chỉ các vị chức trách tại Phú Yên phải chịu trách nhiệm mà hầu như các bộ ngành đều nhúng tay vào khi tỉnh này (nếu) bị nước ngoài quản lý và áp đặt như là một khu tự trị mà người Việt Nam không được phép bén mảng đến. Ai biết đằng sau cái hàng rào ngăn cách 300.000 ha đất, bằng 60% diện tích cả tỉnh Phú Yên, họ sẽ làm gì trong đó (?)

Hãy cùng nhau chắp tay ngửa mặt lên trời mà "cám ơn" khủng hoảng kinh tế xảy ra trong mấy năm qua để các dự án kể trên không thành hiện thực!!!

Tiếp theo các dự án khai thác bauxite, thuê đất rừng 50 năm đã và đang làm, thử hỏi, nếu các dự án tại Phú Yên được triển khai thực tế, thì tai họa gì sẽ xảy ra, khi thông qua các dự án đầu tư này, phía nước ngoài cố tình áp đặt cả một nền tư pháp trên địa bàn một tỉnh với sự tiếp tay của cả Trung ương đến Địa phương?

Nếu sự áp đặt này thành công thì vết dầu loang "khu đặc quyền tự trị dành cho người nước ngoài" tại ngay xứ sở Việt Nam sẽ lan tới đâu???
Vâng! họ lại tiếp tục nhân danh nhân dân, nhân danh phát triển kinh tế mà quáng mắt trước những con số hàng trăm tỉ đô la Mỹ đổ vào tỉnh nhà để một sớm một chiều, địa phương mình sẽ "rủ bùn đứng dậy sáng lòa" trước anh em, chiến hữu (!)

Vâng! họ sẽ nói rằng, hàng trăm tỉ đô la Mỹ đổ vào tỉnh tôi để phát triển kinh tế, để dân hết nghèo, để dân được đổi đời và sung túc ấm no!

Có thể tin, họ đã thật sự quá ngờ nghệch với lời hứa hàng trăm tỉ đô la Mỹ cùng những tên tuổi công ty "uy tín" như thế!

Phải chăng lấp ló đằng sau hàng trăm tỉ Mỹ kim này, lấp ló đằng sau những phúc lợi, an sinh, công ăn việc làm mang lại cho người dân mà họ có thể phô phang, báo công với cả nước là những lợi ích lặng lẽ chảy vào túi họ một khi các dự án nói trên được khai triển thật sự?!

Đằng sau hàng trăm tỉ Mỹ kim kia, họ sẽ vừa được tiếng vừa được tiền chăng? Lợi ích đôi đàng?! Dân cũng sướng(!)

Cay đắng! Cay đắng đến não nề cho người dân Phú Yên và cho cả người Việt Nam!

May quá! Hay rủi quá?!

***

Biện hộ cho chế độ CSVN làm sao đây, khi thực tế đã và đang diễn ra như thế đấy và khi mà Nguyễn Tấn Dũng than rằng "nếu không có lực lượng kinh tế nhà nước, chính phủ không biết điều hành làm sao"."!

Khi ngân sách đang có vẻ gần như rỗng túi thì "một đống khổng lồ" các tên tuổi tầm cỡ gây lỗ lã, nợ nần ngập đầu như (*):

- Vinashin: 88.000 tỉ đồng VN

- Công ty con của Agribank là ALCII đã để thua lỗ tới 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Đơn vị này còn có khả năng lỗ tiềm ẩn đối với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỷ đồng bị quá hạn, phải gia hạn nhiều lần (trong đó Kiểm toán Nhà nước tạm nêu ra số lỗ tiểm ẩn khoảng 1.266 tỷ đồng).

- Tổng kết năm 2010, EVN đã chính thức công khai tuyên bố tập đoàn lỗ hơn 8.000 tỷ đồng

- Đầu tháng 4/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo, EVN đang nợ PVN khoảng 5.000 tỷ đồng.

- Tính đến 31/3, EVN còn nợ TKV hơn 1.600 tỷ đồng.

- Tổng giám đốc Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo công bố, với mức giá xăng bán ra trên thị trường thời điểm đó so với giá nhập khẩu (thời điểm tháng 2) thì mỗi ngày Petrolimex phải chịu lỗ hơn 7.000 tỷ đồng.

- Theo số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố vào cuối năm 2010, kết quả kiểm toán 183 trong số 242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước cho thấy, chỉ 88% (161/183) doanh nghiệp có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế của 20 tổng công ty nhà nước này đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Số lãi này còn có ý nghĩa gì khi nhìn trên tổng thể các DNNN?!

- Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2008 là 39 tỷ đồng, Tổng Công ty Công trình giao thông 6 lỗ gần 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng,

- Tổng Công ty Cà phê tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 525 tỷ đồng.

- Tổng Công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội: 51,2 tỷ đồng, Công ty Thương mại và Xuất khẩu Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel): 79 tỷ đồng…
Chưa có một thống kê, phân tích toàn diện, mặc dù vậy, tình hình kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bi đát hơn lúc này!

***

Và... nếu như, đất nước có dự trữ ngoại hối hơn 3.000 tỉ Mỹ kim, chỉ cần trích 10%, chắc hẳn họ sẽ dần dần mua đứt cả xứ sở này bằng những phương cách êm đềm và ngọt ngào chăng? Chẳng cần tốn một viên đạn, chẳng làm mất một giọt máu!

Tiền! "Có tiền mua tiên cũng được"!
Mất nước = Lòng tham + Ngu dốt.

Ai mua Việt Nam khô...ông?...?...?...!...!...!

Nguyễn Ngọc Già

.
.
.

No comments: