Monday, April 18, 2011

AI DẠY NGƯỜI VIỆT CÀY CẤY ? (Trần Gia Phụng)


(Trình bày tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 17-4-2011 tại Mississauga, Ontario, Canada )

1.- SỬ LIỆU XƯA

Hậu Hán thư (Hou Han shu) là sách do Phạm Diệp hay Phạm Việp (Fan Ye) (398-445) viết vào thế kỷ thứ 5 về đời nhà Hậu Hán (25-220) bên Trung Quốc, trong đó có nhiều đoạn liên hệ đến lịch sử cổ Việt. Theo Hậu Hán thư: “Tục Cửu Chân làm nghề săn bắn chứ không biết dùng bò để cày. Dân thường phải mua lúa Giao Chỉ mỗi lần bị thiếu thốn. [Nhâm] Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng, ruộng đất trù mật, mỗi năm một rộng thêm; trăm họ được đầy đủ.” (Nguyễn Phương trích dịch, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học, 1965, tt. 186-187.) Cửu Chân, châu thổ sông Mã, cùng với Giao Chỉ, châu thổ sông Hồng, là địa bàn sinh sống của người cổ Việt.

Nhâm Diên, người huyện Uyển, thuộc Nam Dương (Trung Quốc), làm thái thú Cửu Chân (từ năm ất dậu (25), đến năm kỷ sửu (29), thì được gọi về Trung Quốc. Ông được các bộ cổ sử Trung Quốc ca tụng là người đã dạy cho dân Việt biết cách dùng lưỡi cày bằng sắt (điền khí) để cày ruộng.

Dựa vào tài liệu của Trung Quốc, các sách xưa của người Việt đều viết gần giống như trên. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết vào thế kỷ 15, trình bày sự kiện Nhâm Diên như sau: “Diên là người Uyển. Tục người Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá, đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ.” (Bản dịch của Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội: 1993, tập 1, tr. 155.) Khâm định Việt sử thông giám cương mục vào thế kỷ 19, viết tương tự như thế. (Tiền biên, quyển thứ 2).

Cho đến đầu thế kỷ 20, Trần Trọng Kim cũng nói rằng: “Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài lưới và săn bắn, chứ không biết cày cấy làm ruộng nương. Nhâm Diên mới dạy dân dùng cày bừa mà khai khẩn ruộng đất, bởi vậy chẳng bao lâu mà quận ấy có đủ thóc gạo ăn.” (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb. Tân Việt in lần thứ bảy, 1964, tr. 46.)

Những sử liệu nầy đều xuất phát từ nguồn sử liệu Trung Quốc, hay nói cụ thể là từ Hậu Hán thư. Mục đích của Hậu Hán thư nhằm kể công khai hóa của người Trung Quốc đối với người Việt, trong khi thực tế hoàn toàn trái ngược, vì một việc rất đơn giản: Ruộng lúa ở Việt Nam chúng ta là ruộng lúa nước, tức lúa gạo, trong khi ruộng lúa ở vùng châu thổ Hoàng Hà (Trung Quốc), nơi quần tụ của người Hán, là ruộng lúa khô, trồng lúa mỳ, lúa mạch và kê.

Ngay cả tài liệu cổ sử Trung Quốc cũng xác định ruộng lúa cổ Việt là ruộng lúa nước. Theo sách Giao Châu ngoại vực ký, [viết khoảng giữa đời Tấn (265-420), Trung Quốc] thì: “Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu…”( Lê Tắc, An Nam chí lược [chữ Nho], Huế: Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Viện Đại Học, 1961, tr. 39.) Tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy là ruộng lúa nước. Trong khi đó, người Trung Quốc xưa ở vùng Hoàng Hà trồng lúa mì và lúa mạch trên ruộng khô, làm sao giỏi kỹ thuật trồng lúa gạo ở ruộng nước hơn người Việt, mà dạy người Việt?

2. SỬ LIỆU NGÀY NAY

Trong sách Ancient China (1967), tác giả Edward H. Schafer viết rằng: Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Quốc] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (Nguyên văn: “The art of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.”) ( Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tr. 16.) Cũng theo tài liệu nầy, Khổng Tử (551-479 TCN) chưa ăn cơm, và “sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê”. (Confucius have subsisted chiefly on millet cakes.), Khổng Tử cũng chưa biết uống trà (Cofucius never tasted tea…), vì gạo và trà đều xuất phát từ phương Nam. (Edward H. Schafer, sđd. tt. 16, 37, 38.)

Những tài liệu nghiên cứu mới, phát hiện rằng tại vùng Mê Linh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) quận Giao Chỉ (châu thổ Hồng Hà), người ta tìm thấy những bộ xương trâu đã có mặt tại đây khoảng 2000 năm trước Công nguyên (TCN), và hai lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn (thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) dùng cho trâu cày. (Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tr. 35.)

Những tài liệu nầy cho thấy dân Lạc Việt đã biết làm ruộng lúa nước và đã biết sử dụng điền khí (bằng đồng) trước khi người Trung Quốc đến xâm lăng. Lúc đó, dân Lạc Việt dùng lưỡi cày bằng đồng vì đồ đồng là nghề luyện kim của dân Lạc Việt (vốn nổi tiếng về trống đồng), và nhất là đồ sắt bị hạn chế, do việc bà Lữ hậu nhà Hán đã ra lệnh cấm xuất cảng sắt xuống phía nam Trung Quốc từ năm 183 TCN. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch tập 1 của Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr. 92.)

Ngày nay, kết quả khảo cứu của các học giả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và cả Việt Nam đều xác nhận rằng trung tâm đầu tiên của nền văn minh lúa nước trên thế giới là Đông Nam Á, rồi từ đó lan truyền đi khắp thế giới. Cũng theo các tác giả trên, tâm điểm của trung tâm văn minh lúa nước ở Đông Nam Á chính là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt Nam. (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TpHCM, 1997, tt. 75-86.) Hòa Bình nằm trên vùng uốn khúc của sông Đà đổ về sông Hồng, gần huyện Mê Linh (tức Phú Thọ, Vĩnh Phúc), quận Giao Chỉ thời cổ Việt, nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

Như thế, rõ ràng Nhâm Diên không phải là người khai tâm dân Việt dùng điền khí để cày cấy như Hậu Hán thư đã viết và các bộ sử khác chép theo. Người cổ Việt đã biết sử dụng điền khí trước khi Nhâm Diên đến cai trị Cửu Chân. Phải chăng Nhâm Diên, thái thú Cửu Chân, tức vùng châu thổ sông Mã, nơi có trung tâm trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa), chứng kiến dân chúng địa phương đã cày cấy bằng lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn, rồi báo cáo như trên để lập công với triều đình Trung Quốc?

Trước khi kết thúc câu chuyện, xin mọi người lưu ý đến một kinh nghiệm rất tầm thường, tầm thưòng đến nỗi chúng ta quên lưu ý: Trong các tuồng tích cổ xưa hay phim kiếm hiệp Trung Quốc, gọi nôm na là truyện Tàu mà chúng ta đã đọc hay xem, hầu như ít có hoặc không có cảnh ăn cơm. Lý do đơn giản vì như đã trình bày ở trên, ngày xưa, người Tàu không trồng lúa gạo, không có gạo để mà ăn, mà chỉ trồng lúa mì, lúa mạch và kê mà thôi. Về sau, người Tàu học cách trồng lúa gạo từ phương Nam. Trong truyện Thủy hử chẳng hạn, các hảo hán Lương Sơn Bạc thường vào tửu quán, gọi vài cân thịt, vài cân rượu, và thêm bánh bao chứ không có ai gọi vài thố cơm. (Bánh bao làm bằng lúa mỳ nhân thịt. Trong Thủy hử có đoạn mô tả một hắc điếm chuyên bắt cóc khách trọ lấy thịt làm nhân bánh bao.)

Ví dụ đơn giản nầy đủ cho thấy thời xa xưa người Tàu ở vùng Hoàng Hà chưa biết trồng lúa gạo và không dính líu gì đến việc trồng lúa gạo của người cổ Việt. Vì vậy không thể có chuyện người Tàu dạy người Việt trồng lúa gạo. Câu chuyện người Tàu dạy người Việt trồng lúa gạo là một huyền thoại nhằm đề cao người Tàu khai hóa người Việt là một chuyện không thật. Người Việt tự khám phá cách trồng lúa gạo, cung ứng thực phẩm cho chính mình, và truyền lên phía Bắc cho người Tàu. Rõ ràng là như thế.

(Toronto, 17-4-2011)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: