Sunday, April 24, 2011

2 LẦN CHÁY NHÀ BĂNG và 3 LẦN ĐỔI TIỀN (V ietVoiNhau)



VietVoiNhau
Sat, 04/23/2011 - 19:49

Mấy hôm trước, tình cờ đi xe ôm tại Sài Gòn, nghe câu chuyện của bác tài khoảng 70 tuổi mà thấm chuyện “vàng miếng và đô la” đang khá eo sèo hiện nay.

Trước năm 1975, bác xe ôm này từng là một sinh viên du học ngành tài chính, rồi chủ doanh nghiệp làm nước tương nổi tiếng, cũng “tập” làm người văn minh nên gởi phần lớn tiền vào nhà băng (bank) cho tiện việc giao dịch. Thế rồi các biến cố lịch sử đột ngột xảy đến, sau hai lần nghe hai ngân hàng tuyên bố phá sản (dân quen gọi là cháy nhà băng), bác này cũng phá sản luôn.

Bác kể từ 1975 đến nay, tiền trong nhà bác đã 3 lần hóa giấy lộn, vì phải đổi tiền. Lần đầu là đổi tiền cũ lấy tiền mới, tỷ lệ chỉ còn 1%, số tiền đổi thì có giới hạn, nên chết sặc gạch. Hai lần sau là đổi đồng tiền lạm phát của chế độ mới lấy đồng tiền nhỏ hơn của chính chế độ đó. Bác kể rằng sau 3 lần đổi như vậy, gia đình khánh kiệt hoàn toàn, phải bán nhà trả nợ, chuyển về quận xa trung tâm, vào hẻm ở, ra đường chạy xe ôm.

Bác này cũng kể rằng thời đó, trong cương vị Phó Thủ tướng (?), nhà thơ Tố Hữu từng ký vào quyết sách in tờ tiền 30 đồng, tự nó không thành hệ thập phân, gọi là độc nhất vô nhị, hiếm thấy trong lịch sử tiền tệ.

Hẳn chúng ta hãy còn nhớ, để củng cố mãi lực của đơn vị tiền tệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu (tức nhà thơ) từng ký vào quyết định “nâng bi” đồng tiền vào tháng 9/1985, dẫn đến việc đổi tiền cùng năm với hối xuất 1 đồng mới ăn từ 1 cho đến 10 đồng cũ, tùy theo trương mục tiết kiệm. Trong khi mỗi gia đình chỉ được phép đổi 2.000 đồng, phần còn lại nộp vào trương mục ngân hàng, chờ xem xét, kết quả là mất trắng. Năm 1986, lạm phát đến 774,7%, kinh tế kiệt quệ.

Bác xe ôm này cho rằng việc nhà nước cấm người dân giao dịch bằng vàng và đô la như hiện nay đã cho thấy mấy điều. Thứ nhất, đồng tiền Việt Nam quá mất giá và mất lòng tin ngay cả với người dân Việt Nam, nên họ không dám xài. Thứ hai, kho bạc và ngân hàng nhà nước đang trống rỗng nên họ liên tục in tiền ra để thu vàng và đô la về dự trữ, nếu có biến cố hay đổi tiền lần nữa, dân cầm tiền thì chết ráng chịu, nhà nước cầm vàng và đô la thì ổn hơn.

Mà quả thật, cứ nhớ lại mà xem, trước các cuộc đổi tiền, nhà nước hay phát động rằng “vàng chỉ để làm đai cuốc” mà thôi, nghĩa là rồi sẽ vô dụng, khiến người dân hoang mang mà bán ra, kết quả dính “chưởng”.

Mới vài năm trước thôi, khi nhà nước chuẩn bị “đốt tiền” cho thị trường chứng khoán vốn non yếu và mù mờ thông tin, kết quả người dân đổ xô bán vàng chơi cổ phiếu, đến nay thì vàng hết, cổ phiếu tan tành may khói. So với hồi Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán, bây giờ vàng đã tăng giá gấp 8 lần (từ khoảng 4,5 triệu đồng một lượng lên đến gần 38 triệu). Mà vàng trong dân thì vơi dần đi, có vài khu vực cạn kiệt, lúc này mà đổi tiền thì mọi thứ quả là ra tro.

Những nhà tư vấn tài chính xu thời, phò nhà nước thì cứ hay lên ti vi nói về chuyện tiêu tiền Việt Nam đồng là tốt, tiêu vàng và đô la thì xấu. Họ nói việc tiêu tiền giúp nhà nước bình ổn được nhiều thứ, trong đó có bình ổn giá vàng. Tuy nhiên, họ cố tình quên một điều rằng, lâu nay Việt Nam có khoảng 8-10 tỷ USD tiền trôi nổi trong dân, do Việt kiều gởi về, chỉ kiểm soát được khoảng 4 tỷ USD trong số này. Giới giang hồ thì đồn rằng phải có thêm 30 tỷ USD từ hệ thống xã hội đen, mafia nữa thì Việt Nam mới yên ổn được như vậy. Nay làm căng quá, chuyển số này sang tiền Việt, thì nhà nước phải in bao nhiêu cho đủ tiền mặt, lập biết bao nhiêu trương mục giả để mà chuyển khoản. Trong khi tỷ lệ chênh lệch của Việt Nam đồng và đô la thì quá lớn.

Đó là còn chưa nói, dân châu Á thuộc nhóm dân trẻ, riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã có cả nửa tỷ phụ nữ sắp đến tuổi kết hôn, trung bình mỗi người cần khoảng nửa lượng vàng làm của hồi môn, giá vàng thế giới sẽ còn leo thang chóng mặt, dù người Việt có xài tiền Việt hay không. Mà khi thiếu vàng trong dân, người dân sẽ “săn” vàng để giữ tập tục cưới xin, nhà nước sẽ còn khốn đốn.

Thêm một điều nữa, dân Việt xài tiền theo quy luật “đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt ra khỏi lưu thông”. Nghĩa là tại đây phổ biến 2 quy tắc: Thứ nhất, rửa tiền, để làm sao tiền dơ thành tiền sạch. Thứ hai, nhà nước thì cứ liên tục in tiền mới, với hi vọng sẽ thay thế được tiền cũ đang trôi nổi, làm chết máy ATM, mà người dân thì thích giữ tiền mới trong túi, nên càng in nhiều tiền thay thế, thì tiền cũ càng xuất hiện nhiều ngoài thị trường. Kết quả, tiền mất giá triệt để.

Cho nên, nếu lời bác xe ôm này đúng, thì ngay cả nhà nước cũng không còn tin vào đồng tiền của mình, nên họ đang tung chiêu để thu gom, kiểm soát vàng và đô la, để có bề gì, thì chuồn cho êm. Mà không khéo, giống như lời đồn trong dân gian, nhà nước gom đủ vàng là sẽ đổi tiền, vì in vô tội vạ như vậy, càng để lâu càng chết; mà đau hơn, đổi tiền thì dân sẽ chết.

.
.
.

No comments: