Thursday, November 12, 2009

YẾU TỐ LUẬT PHÁP trong CUỘC TRANH CHẤP tại BIỂN ĐÔNG

Yếu tố luật pháp trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông
Gia Minh, phòng viên RFA
2009-11-12
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/LawAsia-conference-in-HoChiMinh-city-do-not-mention-EastSea-disputes-GMinh-11122009115915.html
Hội nghị thường niên lần thứ 22 Hội Luật Gia Châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết thúc hôm nay, sau ba ngày họp.
Mạng Vietnamnet cho hay, tại hội nghị lần này, hơn 200 luật sư từ nhiều quốc gia tham dự sẽ có bàn luật về biển đảo.
Tuy nhiên, theo luật gia Hoàng Việt, người đang giảng dạy tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thì nội dung này không được đề cập đến; ngoài ra ông còn cho biết thêm một số thông tin liên quan vấn đề luật pháp trong tình hình tranh chấp tại Biển Đông hiện nay.
Trong cuộc nói chuyện với Gia Minh, Luật gia Hoàng Việt cho biết:

Luật gia Hoàng Việt: Tất cả các cuộc thảo luận của các luật sư Châu Á tại hội nghị chỉ bàn về các vấn đề thương mại tức là luật tư; cho nên những vấn đề về biển đảo thuộc luật công thì trong kỳ họp này không hề được nhắc tới. Chắc chắn là không ai nói về công luật đâu, mà vấn đề về biển- đảo phải chờ đến hội thảo sắp tới tại Học Viện Ngoại giao sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 này.
Hội thảo này chỉ nói về thương mại thôi: chính sách thương mại, rồi những vấn đề về phát triển nghề luật sư tại Việt Nam v.v…
Gia Minh: Người ta cũng nói đến Luật Hàng Hải thì những sự cố xảy ra trên Biển Đông, đặc biệt cho ngư dân Việt Nam thì Luật Hàng Hải của Việt Nam hiện nay giúp cho người ngư dân được đến đâu?
Luật gia Hoàng Việt: Luật Hàng Hải thì có nhiều loại lắm nhưng trong khuôn khổ này thì theo tôi chỉ nói về những vấn đề như tranh chấp trên tàu biển, chuyên chở hàng hóa… chứ còn những việc như giữa ngư dân Việt Nam và ‘này, kia’ thì trong này không nhắc tới đâu.
Còn Luật Hàng Hải Việt Nam thì chỉ nói về những vấn đề thương mại thôi còn vấn đề này (ngư dân) thì nằm trong những luật khác, mà nằm trong luật về công pháp thì đúng hơn.

Vấn đề Biển Đông

Gia Minh: Là người theo dõi về tình hình Biển Đông lâu nay và có những phát biểu trong Hội thảo vừa rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh về Biển Đông do Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình tổ chức, thì ông thấy là những bước để đưa ra những luật quốc tế để giải quyết thì ra sao, mặc dù các nước cũng có ngồi lại và đưa ra Bản qui tắc ứng xử về Biển Đông rồi?
Luật gia Hoàng Việt: Cũng có nhiều phức tạp lắm. Bản thân luật pháp quốc tế cũng có nhiều cái hay nhưng cũng có giới hạn của nó. Đợt tới này hội thảo ở Học Viện Ngoại giao (mà tôi cũng được mời tham dự), thì có nói về tinh thần và Bộ qui tắc ứng xử và trong tương lai thì nên hình thành Bộ luật ứng xử vì Qui tắc ứng xử thì không có tính cách pháp lý để ràng buộc các bên lại, và nếu Bộ Luật Ứng xử thì có tính ràng buộc, và chắc chắn hơn.
Gia Minh: Để tiến tới một Bộ Luật Ứng xử có tính ràng buộc như thế thì có nhanh được không?
Luật gia Hoàng Việt: Theo tôi thì đó là một con đường dài bởi vì Khối ASEAN bây giờ còn nhiều điều chia rẽ như tại cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN thì đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cũng trả lời và được các nước ASEAN đồng ý vấn đề là giải quyết vấn đề với Trung Quốc trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương thì cho thấy cách nhìn của ASEAN còn nhiều hướng khác nhau. Đó là những trở ngại để có thể đưa đến bộ luật đó.
Gia Minh: Phía Việt Nam thì trong nước có ý kiến là nếu Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế mà Trung Quốc không tham dự thì cũng không đạt được mục đích?
Luật gia Hoàng Việt: Trong luật quốc tế đã qui định, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì về lý thuyết có thể đưa ra ba nơi có thẩm quyền giải quyết. Thứ nhất là đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế ICJ, thứ hai là Tòa án Quốc tế về Luật Biển, thứ ba là Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Thế nhưng có nhiều vấn đề phức tạp, ví dụ như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì chẳng hạn nếu có Trung Quốc tham dự thì họ là nước trong thường trực và có quyền phủ quyết những nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an mà có bất lợi cho họ.
Thế còn Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án này thì từ rất lâu chuyên giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà ASEAN thì họ có giải quyết một loạt các vụ như giữa Malaysia và Singapore về quần đảo Pulau Batu Puteh; nhưng Tòa án Công lý Quốc tế chỉ có thể xét xử khi mà cả hai bên cùng đồng ý đưa nhau ra tòa.
Trung Quốc và các nhà nghiên cứu của họ thì có lẽ lâu nay đều chưa đồng ý với phương án đưa nhau ra tòa; như vậy nếu Việt Nam hay một nước ASEAN nào mà đơn phương đưa ra tòa thì tòa cũng không có thẩm quyền để xét xử được.
Còn Tòa án Quốc tế về Luật Biển thì về lý thuyết cũng có thẩm quyền xét xử nhưng trong thực tế thì chưa thấy tòa này giải quyết một vụ tranh chấp lãnh thổ nào cả mà chủ yếu là giải quyết các tranh chấp về hàng hải như tàu biển…nhiều hơn. Vấn đề tòa án quốc tế đang bị bế tắc ở chổ đó.
Gia Minh: Dưới con mắt của một luật gia, thì nên có những bước như thế nào về phía Việt Nam?
Luật gia Hoàng Việt: Tôi nghĩ thì thứ nhất phải xây dựng một lực lượng nghiên cứu đông đảo thứ hai phải có rất nhiều người giỏi về công pháp quốc tế để nghiên cứu và phân tích các vụ án trên thế giới giúp soi sáng cho Việt Nam sau này.
Việt Nam thì có những cơ sở rất mạnh, nhưng để giới thiệu những cơ sở đó cho thế giới, mình có rất nhiều thế mạnh mà không nói cho thế giới biết thế mạnh của mình là gì nên thế giới chỉ nghe một chiều nhiều hơn nên tạo thành bất lợi cho mình. Theo tôi nghĩ điều đó phải nên làm.
Theo tôi biết thì những nghiên cứu về Biển Đông đăng trên các tạp chí quốc tế thì Việt Nam rất là hiếm hoi trong khi đó của các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì rất là đông đảo.
Gia Minh: Cám ơn Luật gia.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: