Wednesday, November 18, 2009

VIỆT NAM CÒN RẤT NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN

Ông Phạm Bích San, phó Tổng thư ký Vusta :
“Còn rất nhiều dư địa để phát triển nguồn điện. . .”

Ngày 16.11.2009 Giờ 15:07
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=59449&fld=HTMG/2009/1115/59449
SGTT - Trong các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường của đại biểu Quốc hội về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) do Chính phủ trình, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng bản báo cáo góp ý của liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Ông Phạm Bích San, phó tổng thư ký VUSTA đã trao đổi thêm với Sài Gòn Tiếp Thị quan điểm của ông về kế hoạch phát triển ĐHN.

Ông San nói: "Tôi cũng nghĩ là đến thời điểm này chúng ta đã nghĩ đến việc phải xây dựng nhà máy ĐHN để bổ sung nguồn điện trong tương lai. Nhưng, làm vào thời điểm nào, cách thức làm là vấn đề phải hết sức cân nhắc mà liên hiệp hội chúng tôi đã có báo cáo góp ý như đã trình Quốc hội".

Nếu xét từ góc độ hiệu quả kinh tế, khả năng tài chính cho dự án thì ông thấy có nên phát triển ĐHN như Chính phủ đề nghị?
Nếu xét từ góc độ kinh tế thôi thì tôi cũng nghĩ là chúng ta chưa cần làm ĐHN vì chúng ta còn dư địa rất lớn để phát triển các nguồn điện. Chúng ta vẫn còn thời gian để tận dụng các nguồn năng lượng giá rẻ hơn để xây nhà máy điện như sử dụng nguồn khí thiên thiên từ các mỏ mà ta chưa tận dụng hết, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió… Hơn thế nữa, hiệu quả sử dụng năng lượng của ta còn rất thấp, thậm chí có thể nói rất lãng phí, mức độ tiêu hao năng lượng lớn. Ta có thể nâng cao trình độ công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời lại nâng cao được năng lực cạnh tranh. Tất cả những điều đó ta còn chưa làm được bây giờ thì cũng không nên làm ĐHN.

Sự chuẩn bị về nguồn nhân lực để quản lý, vận hành các nhà máy ĐHN như tờ trình của Chính phủ theo ông đủ sức thuyết phục không?
Theo tôi hiểu thì các nhà máy ĐHN cần có số lượng chuyên gia lớn, được đào tạo rất sâu. Trước đây khoảng 25 năm ta cũng đã đào tạo được một nhóm cán bộ có trình độ nhưng bây giờ tập hợp họ lại cũng khó khăn, nhiều người đã làm qua các ngành nghề khác. Còn để đào tạo bây giờ cũng mất rất nhiều thời gian, rất tốn kém và để có được và duy trì một đội ngũ cán bộ, kỹ sư vận hành cho các nhà máy đã là vấn đề không hề đơn giản.
Tôi nghĩ rằng, nếu xét cả về trình độ phát triển xã hội của chúng ta hiện nay thì chưa có khả năng làm được ĐHN, chưa sẵn sàng để phát triển ĐHN. Đào tạo là khâu rất yếu ở ta, khi con người còn chưa đạt chuẩn mà để điều khiển, làm chủ được các công trình có công nghệ rất cao, phức tạp thì đó chính là một nguy cơ lớn.

Nếu Chính phủ vẫn quyết tâm phải làm và Quốc hội sẽ phê duyệt thì theo kế hoạch trong 15 năm mà làm tới bảy nhà máy ĐHN thì ông thấy tính khả thi thế nào? Nếu chỉ xét riêng vấn đề xử lý chất thải phóng xạ cho bảy nhà máy đó thì theo ông, khả năng ta làm được đến đâu để đảm bảo an toàn?
Thực sự thì cái đó vượt qua cả sức tưởng tượng của tôi. Còn về chất thải thì tôi biết là Châu Âu họ đem chôn ở Siberia, nơi mật độ dân số chỉ vài người/km2. Nhưng ở ta với mật độ dân số đông như thế này tôi không chắc lắm là có thể đảm bảo được an toàn về xử lý chất thải cho nhiều nhà máy như vậy.

Mạnh Quân (thực hiện)



No comments: