Thursday, November 12, 2009

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THÁCH THỨC TRUNG QUỐC

Đức Đạt Lai Lạt Ma Thách thức Trung Quốc
Mark Magnier, LA Times
Nguồn:
LA Times


Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
09.11.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2358

Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm Tawang
http://www.latimes.com/media/photo/2009-11/50378743.jpg

Hôm Chủ Nhật vừa qua, bất chấp những lời phản đối từ Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma du hành đến một thành phố xa xôi ở đông bắc Ấn Độ gần biên giới Tây Tạng nơi hàng ngàn phật tử hành hương không quản thời tiết lạnh căm để được nhìn tận mắt vị lãnh đạo tinh thần của họ. Dù bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt trước cuộc viếng thăm, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cầu nguyện và giảng đạo cho các Phật tử trong năm ngày ở Tawang, một thành phố tu viện nằm trong tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Trung Quốc cho là của họ. Lần cuối cùng ngài đến đó là vào năm 2003.

Trung Quốc cáo buộc chuyến đi của vị lãnh đạo tinh thần là để cổ vũ phong trào tranh đấu cho độc lập Tây Tạng, một miền đất bao trùm khoảng một phần sáu lãnh thổ Trung Quốc. Tuần trước, xướng ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mã Chiêu Tự tuyên bố trong một buổi tường trình tin tức thường xuyên ở Bắc Kinh “Ông ta lúc nào cũng dính đáng đến những hoạt động làm tổn hại đến quan hệ giữa Trung Quốc với những quốc gia khác cũng như những hoạt động ly khai của sắc dân thiểu số, ông ta là người nói dối.” Mặc dù Bắc Kinh đã chĩa tội tương tự từ mấy chục năm qua, nhưng những lời buộc tội của họ trở nên chua cay hơn từ lúc bạo động chống chính phủ chết người bùng nổ trong tháng Ba năm 2008 trên khắp cao nguyên Tây Tạng.

Ông Vijay Kranti, biên tập viên của Tibbat Desh, tờ báo của cộng đồng lưu vong Tây Tạng ở Ấn độ, tuyên bố “Trung Quốc không bàn nhiều về những lần viếng thăm Tawang trước của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng phản ứng của họ lần này làm chuyến thăm trở nên quan trọng hơn bình thường. Bắc Kinh là cơ quan quảng cáo hữu hiệu nhất cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.”

Tawang có tầm quan trọng về chính trị và tôn giáo. Thành phố này không những là tâm điểm của tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ cuộc chiến năm 1962 mà còn bị Trung Quốc tạm chiếm trong cuộc xung đột trước khi họ rút về ranh giới hiện tại. Thành phố với 39,000 dân cũng là địa điểm của một trong những tu viện Phật Giáo Tây Tạng đồ sộ nhất và là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma lánh nạn cách đây 50 năm khi ngài rời Tây Tạng kịp thời trước đám quân săn đuổi Trung Quốc. Ngài hiện nay đóng đô ở Dharamsala, phía bắc của Tân Đề Li. Với nhiều người thuộc về bộ lạc Monpa, dân Tawang có liên hệ mật thiết với dân Tây Tạng sống trong Trung Quốc, điều này làm Trung Quốc thêm nghi ngờ. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu, lên ngôi năm 1697 là người từ Tawang.

Với tật hay đổ lỗi bất an trong nước lên các người xúi giục bên ngoài, Bắc Kinh sợ Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay có thể bổ nhiệm người thừa kế từ trong vùng.

Khi Trung Quốc gia tăng chỉ trích trước cuộc viếng thăm, Ấn Độ đẩy ngược lại, đó là một tiến triển đáng hoan nghênh. Kranti nói “Để chống cự vai trò bá chủ Trung Quốc, Ấn Độ đang gửi một thông điệp bằng cách tuyên bố rằng ngài có mọi quyền đi đứng và là một khách danh dự của Ấn.” Trong những tháng gần đây, mặc dù hai nước đang có phát triển kinh tế nhanh chóng và đang nhắm tạo ảnh hưởng trong vùng, quan hệ Ấn-Trung trở nên căng thẳng khi hai anh khổng lồ Á Châu kè cựa về những vấn đề chính sách thị thực thông hành, mậu dịch và biên giới. Tuy nhiên, chỉ có vài vấn đề này là mới.

Salman Haidar, cựu ngoại trưởng Ấn tuyên bố “Về thực chất, tôi không thấy gì xảy ra, nhưng bầu không khí thì thật là không nên có. Điều đó cho thấy sự khó chịu đang gặm nhấm vào quan hệ song phương.” Báo chí Ấn tường thuật nhiều trường hợp lính Trung Quốc hay bắn vào lãnh thổ Ấn, để lại những bao thuốc lá nội hoá, hay sơn chữ “Trung Quốc” trên đá xoay mặt về đất Ấn.

Mặc dù cuộc xung đột năm 1962 giữa hai hàng xóm, mà Trung Quốc thắng có làm nổi bật tranh chấp biên giới, nguyên nhân của sự khác biệt liên quan đến diện tích 143,000 cây số vuông ở miền Arunachal Pradesh thật sự ra đã kéo dài gần một thế kỷ. Ấn Độ công nhận cái gọi là Đường McMahon, một ranh giới được vẽ vào năm 1914 bởi thực dân Anh Quốc, nhưng Trung Quốc thì không. Trung Quốc cũng chiếm một phần của Kashmir mà Ấn Độ cho là của họ.

Trong những năm gần đây, vì thiết tha với sự ổn định trong vùng, Trung Quốc đã giải quyết hầu hết những tranh chấp lãnh thổ với những quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, mặc dù đã họp 13 lần, Ấn Độ và Trung Hoa vẫn chưa đạt được nhiều thành quả, một phần là vì vùng tranh chấp có nhiều dân và nhạy cảm văn hóa hơn hẳn những vùng giáp ranh với Nga và những nước khác.

Thêm vào sự nghi ngờ mới này, Trung Quốc cố gắng ngăn cản phần của món tiền Ngân Hàng Phát Triển Á Đông cho Ấn Độ vay bao gồm những chương trình cho miền Arunachal Pradesh và Trung Quốc cũng tố cáo Ấn Độ kỳ thị dân lao động Trung Hoa với chính sách thị thực thông hành của họ.

Trong những tuần lễ gần đây, hai quốc gia cố gắng hạ hỏa vì quyền lợi chung của họ. Cuối tháng trước, Chủ Tịch Ôn Gia Bảo và Thủ Tướng Ấn Độ Manmohan Singh gặp nhau ở bên lề cuộc hội thảo vùng Châu Á. Trong một cố gắng làm hài lòng Trung Quốc, Ấn Độ từ chối không cấp giấy phép cho các phóng viên ngoại quốc hy vọng di chuyển đến vùng giới hạn để theo dõi chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Liên hệ kinh tế giữa hai quốc gia đã tăng trưởng mạnh hơn khi mậu dịch song phương gia tăng 50% hằng năm trong 5 năm vừa qua lên đến 51.8 tỉ vào năm 2008, và cả hai đều có những vấn đề quốc nội quan trọng mà họ đều muốn dùng thời gian và tài nguyên để giải quyết. Haidar nói “Cả hai bên đều không thể cáng đáng được tranh chấp này, Trung Quốc thèm muốn vai trò quốc tế, họ phát triển rất nhanh và xem Á Đông như là phần nối dài của thuộc địa của họ. Ấn Độ cũng vậy, chúng tôi có đủ việc để làm mà không cần khởi đầu sinh sự.”

-------------------------------------------

TQ không hài lòng về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm Ấn Ðộ (VOA)
Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm bang Arunachal Pradesh nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ (RFI)
Dalai Lama thăm biên giới với Tây Tạng (BBC)
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bác bỏ chỉ trích của TQ (VOA)
Hoa Kỳ ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Ấn Độ (RFA)
Trên 30.000 người tới nghe Đức Đại Lai Lạt Ma thuyết pháp tại bang Arunachal, Ấn Độ (RFI)



No comments: