Sunday, November 15, 2009

TOÀN CẦU HOÁ SỰ SỢ HẢI

Toàn cầu hóa sự sợ hãi
Nguyễn Hưng Quốc
13/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-13-voa31.cfm
Tháng 6 vừa qua, trên chuyến bay từ Melbourne đi Singapore, tôi ngồi cạnh một thanh niên Trung Hoa.
Suốt chuyến bay, anh ta cứ ngồi ủ rũ, lâu lâu lại ho khan. Mỗi lần anh ho, tôi lại thấy lạnh mình. Có cảm giác như có hàng triệu con vi trùng lọt vào mũi mình, miệng mình, chạy khắp cơ thể mình. Một lúc nào đó, tình cờ tôi cũng nổi cơn ho. Ho ngắn thôi. Nhưng cũng có cảm tưởng là mình đã bị lây bệnh, mình bị…cúm heo.
Gần tám tiếng đồng hồ bay từ Melbourne đến Singapore quả là một cực hình.
Tôi ở Singapore hai ngày. Buổi tối trước ngày bay sang London, tôi nhận được bức thư của Bộ Y Tế Singapore nhét dưới cửa phòng khách sạn. Thư báo một tin buồn: Người ngồi bên cạnh tôi trên chuyến bay từ Melbourne sang Singapore đã được xác định là bị cúm heo và đang được điều trị ở bệnh viện; khả năng bị lây bệnh của tôi rất cao, do đó, chính phủ Singapore yêu cầu tôi ở trong phòng, đừng đi đâu cả và đừng giao tiếp với người ngoài.
Khi tôi gọi điện thoại đến Bộ Y Tế, báo tin tôi phải đi London sáng sớm ngày mai, người nhân viên hỏi tôi có thấy dấu hiệu gì bất thường như ho hay sốt không. Tôi đáp là không. Bà bảo: Thôi, cứ đi đi. Chỉ có điều là cần cẩn thận. Nếu bị sốt thì nên đi bác sĩ ngay tức khắc. Bà dặn thêm: Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến hai tuần lận!

Hai tuần sau đó, thời gian, với tôi, thật nặng nề.
Mục đích chính của chuyến đi London của tôi là để thăm con gái đang làm luật sư ở đó. Thăm con nhưng chẳng lẽ lại mang virus cúm heo cho con? Nếu có gì bất trắc xảy ra, hối hận không biết để đâu cho hết.
Thành ra, lúc nào tôi cũng nơm nớp. Mỗi lần mình ho, thấy lo. Thấy con ho, lại càng lo hơn nữa.
Và vì mang mặc cảm mình có thể bị cúm heo nên càng thêm cảnh giác: Đi đường nghe ai ho khúng khắng vài tiếng là đã thấy lạnh sau gáy.
Cứ thế, cảm giác sợ hãi cứ kéo dài.

Về Úc, đi dạy lại, bước vào lớp học, nghe sinh viên ho lại thấy giật mình.
Mỗi cơn ho của người bên cạnh là một lần thót tim.
Mà, thật ra, đâu phải chỉ có mình tôi mới nhát như vậy? Ngồi trên xe lửa hay xe buýt, bạn hãy để ý quan sát phản ứng của những người chung quanh khi có ai ho hay nhảy mũi liền vài ba cái. Tôi cam đoan là có nhiều người không giấu được sợ hãi.

Nỗi sợ toàn cầu.
Tôi cho đặc điểm nổi bật nhất của thời đại chúng ta là xu hướng toàn cầu hoá. Một trong những hiện tượng đáng kể nhất của xu hướng toàn cầu hoá trong khoảng mười năm trở lại đây chính là toàn cầu hoá sự sợ hãi.
Sợ thì bao giờ loài người cũng sợ một cái gì đó. Xưa: sợ; nay: cũng sợ. Có thời thì sợ từ con rắn, con trăn, con cọp đến cơn bão, cơn sấm, cơn sét. Có thời sợ nghèo đói, sợ lụt lội. Có thời sợ nội chiến; có thời sợ thế chiến.

Nhưng trước đây hầu hết nỗi sợ đều mang tính địa phương.
Dịch tả hoành hành ở đâu thì cũng mặc; người ta chỉ sợ cơn dịch cúm ngay trong làng hay khu phố của mình. Tần Thuỷ Hoàng, Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông hay Pol Pot hung ác đến đâu thì cũng mặc; người ta chỉ sợ cái tên Bá Kiến hay cái thằng Chí Phèo ngay trong làng của mình, cái tên công an ngay trong xã hay trong phường của mình.
Một cái ho của tên ác bá trước mặt còn gây kinh hoàng hơn cơn thịnh nộ của một tên bạo chúa ở xa. Một đám du kích ở địa phương làm mọi người sợ hãi còn hơn cuộc chiến tranh lạnh tuy mang tiếng là toàn cầu nhưng lại ở đâu đâu, xa lắc.
Thật ra, cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản cũng không làm mấy người sợ hãi. Nghi ngờ nhau? Có. Căm ghét nhau? Có. Nhưng sợ hãi nhau thì chưa chắc.
Nhiều người từ khối cộng sản vẫn bay qua bay lại các nước tư bản hay ngược lại một cách thanh thản. Ai rơi vào các điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh, như trường hợp của Việt Nam, thì rán chịu. Người ngoài thì vẫn cảm thấy bình an.

Bây giờ thì khác.
Sau biến cố 11 tháng 9, 2001, nỗi sợ hãi khủng bố thực sự mang tính toàn cầu. Ở đâu người ta cũng sợ. Khủng bố có thể có mặt ở mọi nơi, từ các quốc gia nghèo khổ và có truyền thống cuồng tín nhất đến những quốc gia tiến bộ, giàu có, dân chủ và tự do nhất.
Bước lên toà nhà cao tầng giữa thành phố: sợ. Bước xuống đường hầm xe lửa: sợ. Vào trong siêu thị đông đúc người: cũng sợ.
Trước, lên máy bay đi xa, người nhát gan có thể sợ máy bay gặp tai nạn vì trục trặc về kỹ thuật; bây giờ, người ta còn sợ vì khủng bố. Nhìn một gói hành lý ai bỏ quên đâu đó: sợ. Thấy một hành khách nào đó râu ria xồm xoàm mà mặt mày thì lầm lầm lì lì: sợ.
Cách thức kiểm tra nghiêm ngặt tại các phi trường càng làm tăng thêm những nỗi sợ có khi vu vơ ấy.

Khủng bố có tính toàn cầu; nỗi sợ hãi cũng được toàn cầu hoá.
Nỗi sợ khủng bố chưa giảm lại bùng lên nỗi sợ hãi vì cúm heo.
Xưa, các trận dịch đều có tính địa phương. Lâu lắm mới có những trận dịch có tầm quốc gia.
Gầy đây, phương tiện giao thông toàn cầu quá dễ dàng và nhanh chóng làm cho cúm heo trở thành mối đe doạ mang tính toàn cầu: Chỉ trong vòng mấy tháng, nó lan đi hầu như khắp nơi trên thế giới.
Bị ám ảnh bởi dịch cúm heo, đi ra ngoài đường, nghe ai ho khúc khắc vài tiếng là đã nổi da gà. Trên xe lửa hay xe buýt, trong quán ăn hay giữa lớp học, thấy người bên cạnh nhảy mũi là giật thót cả người.
Đâu đâu người ta cũng sợ một nỗi sợ giống nhau.
Dịch cúm heo coi bộ đã lắng xuống. Sắp tới có nỗi sợ nào khác ảnh hưởng cả thế giới hay không?
Tôi nghĩ là có. Dù tự thâm tâm vẫn ao ước là không.
Còn bạn thì sao?

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ :
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-13-voa31.cfm



No comments: