Tuesday, November 3, 2009

TIẾNG VIỆT : ĐÚT VÀO/RÚT RA - VỢ/CHỒNG

Tiếng Việt: Đút vào / rút ra
Nguyễn Hưng Quốc
02/11/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-11-02-voa19.cfm
Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ “đút” trong một câu văn không có gì đặc biệt: “Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần...” Từ chữ “đút” ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ “rút”: cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).
Ðiều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: “-ÚT”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm “đ-” (đút) và một chữ bằng phụ âm “r- ” (rút).
Hơn nữa, cả từ “đút” lẫn từ “rút”, tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. “Ðút” cái gì vào túi hay “rút” cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.
Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần “-ÚT” khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. “Hút” là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. “Mút” cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác “hút” ở chỗ vật thể được “mút” thường là cái gì đặc. “Trút” là đổ cái gì xuống. “Vút” là bay từ dưới lên trên. “Cút” là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. “Nút” hay “gút” là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau. “Sút” là tuột, là suy, là giảm so với một điểm chuẩn nào đó.
Thay dấu sắc (ÚT) bằng dấu nặng (ỤT), ý nghĩa chung ở trên vẫn không thay đổi. “Trụt” hay “tụt” là di chuyển từ trên xuống dưới. “Vụt” là di chuyển thật nhanh, thường là theo chiều ngang. “Lụt” là nước dâng lên quá một giới hạn không gian nào đó. “Cụt” là bị cắt ngang, không cho phát triển trong không gian. “Ðụt” (mưa) là núp ở một không gian nào đó, nhỏ hơn, để tránh mưa ngoài trời. Vân vân.

Nếu những động từ có vần “-ÚT” thường ám chỉ việc di chuyển (hoặc việc ngăn chận quá trình di chuyển ấy) giữa hai không gian thì những động từ có vần “-UN” lại ám chỉ việc dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định nào đó, thường là có giới hạn. “Ùn”, “chùn”, “dùn”, hay “đùn” đều có nghĩa như thế. “Thun” hay “chun” cũng như thế, đều chỉ cái gì bị rút, bị co. “Cùn” là bẹt ra. “Hùn” là góp lại. “Vun” là gom vào. “Lún” hay “lụn” là bẹp xuống. Cả những chữ như “lùn” hay (cụt) “lủn”, (ngắn) “ngủn”, “lũn cũn”... cũng đều ám chỉ cái gì bị dồn nhỏ hay thu ngắn lại.
Với cách phân tích như vậy, nếu đọc thật kỹ và thật chậm các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung.

Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm ÉT hay ẸT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng. “Kẹt” là mắc vào giữa hai vật gì; “chẹt” là bị cái gì ép lại. “Dẹt” là mỏng và phẳng; “tẹt” là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); “bét” là nát, dí sát xuống đất; “đét” là gầy, mỏng và lép.

Những động từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: “chen”, “chẹn”, “chèn”, “len”, “men”, “nghẽn”, “nghẹn”, “nén”. Những từ láy có khuôn vần ỨC – ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như “tức tối”, “bức bối”, “bực bội”, “nực nội”, “nhức nhối”, v.v...

Những ví dụ vừa nêu cho thấy hai điều quan trọng:

Thứ nhất, nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được. Ðiều này khiến cho không ai có thể an tâm là mình am tường tiếng Việt. Ngay cả những nhà văn hay nhà thơ thuộc loại lừng lẫy nhất vẫn luôn luôn có cảm tưởng ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn.

Thứ hai, vì có những quy luật, những điểm chung tiềm tàng giữa các chữ như vậy cho nên việc học tiếng Việt không quá khó khăn. Nói chung, người Việt Nam đều có khả năng đoán được ý nghĩa của phần lớn các chữ mới lạ họ gặp lần đầu. Lần đầu gặp chữ “thun lủn”, chúng ta cũng hiểu ngay nó ám chỉ cái gì rất ngắn. Lý do là vì chúng ta liên tưởng ngay đến những chữ có vần “UN” vừa kể ở trên: cụt ngủn, ngắn ngủn, v.v... Lần đầu gặp chữ “dập dềnh”, chúng ta cũng có thể đoán là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v...

Học tiếng Việt, như vậy, không khó lắm, phải không?


Tiếng Việt: Vợ và chồng
Nguyễn Hưng Quốc
27/10/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-10-27-voa37.cfm
Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ “vợ chồng” đại khái như sau: “Chồng” là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ “vợ”? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: “chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?” (1)
Ðọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái “vai”, người ta lại nói cái “bai”; thay vì nói đôi “vú”, người ta lại nói đôi “bụ”; thay vì nói “vải”, người ta lại nói “bải”; thay vì nói “vá” áo, người ta nói “bá” áo; thay vì nói “vả” (vào miệng) , người ta lại nói “bả” (vào miệng), v.v... Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ “vợ” là... bợ? “Vợ chồng” thực ra là “bợ chồng”?

Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ “bái” sang tiếng Việt thành “vái”; chữ “bản” sang tiếng Việt thành “vốn” và “ván”; chữ “bích” sang tiếng Việt thành “vách”; chữ “biên” sang tiếng Việt thành “viền”; chữ “bố” sang tiếng Việt thành “vải”; chữ “bút” sang tiếng Việt thành “viết”; chữ “bà phạn” sang tiếng Việt thành “và cơm”, v.v...

Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt (sơ thảo),(2) quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...

Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V.
Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh).
Ðến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Ðiều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau.

Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v...

Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.(3) Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ nhớn, nhời, và nhẽ.

Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.

Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ “vợ” trong “vợ chồng” là “bợ” rất có khả năng gần với sự thật.

“Vợ chồng” như thế, thực chất là “bợ chồng”. “Bợ”: từ dưới nâng lên; “chồng”: từ trên úp xuống. Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau.

Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?

Chú thích:
1. Nguyễn Văn Trung (1989), Ngôn ngữ và thân xác, California: Xuân Thu, tr. 40. (In lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1968)
2. Nhà xuất bản Giáo Dục in ở Hà Nội vào năm 1997
3. Xem bài “Vài chuyển biến trong phụ âm đầu tiếng Việt và các hiện tượng láy từ liên hệ” của Nguyễn Phú Phong trên Tập san Khoa Học Xã Hội (Paris) số 3 năm 1977, tr. 73-80.


No comments: