Friday, November 13, 2009

THIÊN TAI hay NHÂN HOẠ

THIÊN TAI HAY NHÂN HỌA
Kim Châm
Phát thanh/cập nhật: 13/11/2009
http://www.radiochantroimoi.com/spip.php?article6399
Báo Tuổi Trẻ Online ngày 5 tháng 9 năm 2009 đưa tin : Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ.
Đây là tờ báo duy nhất đưa tin này trong ngày 5 tháng 9.
Việc thủy điện xả lũ góp phần làm nghiêm trọng thêm tình trạng ngập lụt trong mưa bão hẳn không còn là chuyện lạ nữa. Điển hình như vụ thủy điện A Vương xả lũ làm ngập Quảng Nam hồi bão số 9, nay lại đến công ty cổ phần sông Ba Hạ góp phần nhấn chìm Tuy Hòa trong cơn bão Mirinae.
Đây không phải là lỗi do thiên tai mà do chính con người. Các chuyên gia địa chất thủy lợi và các dự án thủy điện bạc tỷ phải chịu trách nhiệm trước những tan hoang đau xót của đất nước, của miền Trung lúc này.
Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi vì sao các công trình thủy điện, các hồ chứa nước, lẽ ra phải là nơi điều tiết lũ trong lúc cần thiết nhất, lại có thể nhấn chìm tất cả một cách vô tội vạ như thế??
Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng, việc thiết kế thủy điện ở miền Trung không hợp lý và không đồng bộ, chính là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả khủng khiếp như những ngày bão vừa đi qua. Phát biểu trên VNExpress sáng ngày 6/11/2009, ông Dương Văn Hưởng - Chi cục trưởng Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết :
"Nói thật, nhiều khi chúng tôi vẫn thường xuyên phải chịu cảnh “trên đe dưới búa”, vì thủy điện liên quan đến hai địa phương (Phú Yên và Gia Lai). Không kịp xả lũ thì thượng nguồn không thể thoát được nước, yêu cầu phải xả lũ. Xả lũ hạ lưu ngập thì kêu phải giữ lại."
"Chúng tôi đã báo trước thời điểm và khối lượng xả lũ. Các địa phương phải tự mình đánh giá tình hình để tiến hành, lên các kế hoạch đề phòng, trong đó có cả việc phải tự lên kế hoạch di dời dân thôi."
Quả bóng trách nhiệm lại được đá từ chân ban ngành này sang ban ngành khác.
Thật không thể tin được.
Không thể cứ ngồi mà kêu trách ông Trời bất công với người dân miền Trung, bởi đất nước chỉ có thể giảm bớt gánh tang thương, khi người dân lên tiếng đòi quyền lợi và đòi hỏi những người có trách nhiệm phải đứng ra trước vành móng ngựa để trả lời cho sự tàn ác và ngu xuẩn mà họ đã làm đối với thiên nhiên, cũng như sự nhẫn tâm mà họ đã làm đối với sinh mạng của đồng bào mình.


NHÀ NƯỚC VIỆT NAM LẠI KHIÊU KHÍCH TÔN GIÁO
Sau sự kiện đàn áp tôn giáo tại Tam Tòa - Quảng Bình, có lẽ nhà nước Việt Nam đã phần nào đạt được mục đích muốn mượn tiếng Tam Tòa để làm loãng sự chú ý của người dân trong nước đến vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Trưa ngày 5 tháng 11 năm 2009, theo tin từ website Dòng Chúa Cứu Thế, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình đã huy động cảnh sát cơ động và các lực lượng khác đã đến bao vây toàn khu vực Bầu Sen và toàn bộ xã Phúc Trạch, thị trấn Troóc, huyện Bố Trạch. Khoảng 5 giờ sáng cúp điện chiếu sáng, điện thoại bàn, điện thoại di động bị cắt sóng, trong khi đó xe cẩu dài cùng với nhiều xe khác được tập trung đến khu vực nghĩa trang và nhà thờ Bầu Sen để tháo dỡ tượng Mẹ. Một lực lượng cảnh sát đã đến bắt cha Phê Rô Nguyễn Văn Hữu, chánh xứ Chày và áp giải ngài đi đến Hang Tám Cô. Khoảng 11 giờ trưa, tượng Mẹ đã bị cưa và đưa vào “rọ”, bất chấp sự phản đối của giáo dân. Sau khi bất thành trong việc cưỡng ép giáo họ Bàu Sen nhận chuyển tượng về, nhà cầm quyền đã dùng bạo lực phá tường bao nhà thờ và đưa tượng vào khuôn viên nhà thờ. Hiện chưa có thông báo hay giải trình chính thức nào từ phía nhà nước cho chủ trương chính sách di dời, tháo dỡ tượng Đức Mẹ tại Bàu Sen.
Tuy nhiên, nếu tinh ý, hẳn quý vị sẽ phải đặt câu hỏi : Tại sao chính quyền cố tình chọn điểm nóng Quảng Bình??
Giáo dân Việt Nam có tiếng là sùng đạo, và đặc biệt cách riêng là sùng kính Đức Mẹ. Chắc chắn, ban tuyên giáo của chính quyền Quảng Bình hẳn phải tiên liệu ra được phản ứng của người dân khi thấy tượng thánh bị xúc phạm. Người dân miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình, lẽ thường hẳn sẽ xả thân hết mình cho đức tin.
Phải chăng chủ đích của nhà cầm quyền không phải là bức tượng mà là một sự khiêu khích tinh thần có chủ ý??
Còn nhớ Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên bày tỏ mối quan ngại về những vấn đề chung của đất nước như khai thác bauxite tại Tây Nguyên, vấn đề biên giới hải đảo. Người Công giáo có sự hiệp thông tinh thần với Thái Hà, Tam Tòa, với những tu sinh bị đàn áp tại thiền viện Bát Nhã vừa qua đã chứng minh rằng họ đang sống tinh thần phúc âm giữa lòng dân tộc.
Phải chăng nhà nước đang e ngại sự công khai phản đối của giáo hội Công giáo nên cố tình bày ra trận đồ Tam Tòa, Loan Lý, Bàu Sen để tìm cớ triệt hạ tinh thần phản kháng của giáo dân ngay từ đầu?
Dù vì lý do gì đi chăng nữa, thì hình ảnh quân đội nhà nước được trang bị vũ trang kỹ lưỡng để đối phó với bức tượng Đức Mẹ tại Bàu Sen đã góp thêm một vết nhơ vào cái gọi là tự do tôn giáo ở Việt Nam.


No comments: