Wednesday, November 11, 2009

THÁCH THỨC của VIỆT NAM khi đảm nhiệm chức CHỦ TỊCH ASEAN

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 6-11-2009
THÁCH THỨC CỦA VN KHI ĐẢM NHIỆM CHỨC CHỦ TỊCH ASEAN
(Đài BBC 1/11) - Một trong những thách thức đặt ra đối với Việt Nam sẽ là điều phối các mối quan hệ giữa ASEAN với các nước láng giềng và các cường quốc trên thế giới, trước hết là Trung Quốc.
Báo Hồng Công Bưu điện Hoa Nam buổi sáng vừa có bài phân tích tương quan Trung Quốc – ASEAN trong một chủ đề thuộc loại “tế nhị” và có tầm quan trọng đặc biệt: tranh chấp Biển Đông.
Trong bài tựa đề “Chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc”, báo này nhận định rằng trong khi căng thẳng xung quanh chủ quyền lãnh thổi tại Biển Đông tiếp tục lên cao, thì “dường như Trung Quốc đã đạt thắng lợi ngoại giao một cách nhẹ nhàng thông qua việc bảo đảm rằng khối ASEAN không tham gia các bất đồng lãnh thổ” trong thời gian trước mắt. Dưới áp lực của Trung Quốc, vấn đề tranh chấp Biển Đông, vốn liên quan đến nhiều quốc gia thuộc ASEAN, đã không được mang ra bàn tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 15 vừa diễn ra tại Hua Hin (Thái Lan).
Ngay trước thềm hội nghị, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, rằng các bất đồng ở Biển Đông là “vấn đề song phương, không phải đa phương”. Bà Tiết Hãn Cần nói: ‘Trung Quốc cho rằng đây là bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN. Bởi vậy, Chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổi thông qua các đàm phán song phương’.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các nhà phân tích cho rằng động thái này rất hữu hiệu trong việc củng cố vị trí quyền lực kinh tế và quân sự của Bắc Kinh.

Muốn gì được nấy?
Giới ngoại giao cho hay chủ đề Biển Đông thậm chí còn không được nói nhiều trong các cuộc tiếp xúc thân mật bên lề hội nghị ASEAN. Một nhà ngoại giao giấu tên nói với báo Hồng Công: “Bắc Kinh không muốn bàn về chủ đề này và nó đã không được bàn tới. Nếu nhìn vào hội nghị này, chẳng ai biết là hầu như các nước (ASEAN) đều lo ngại về khả năng xảy ra xung đột (xung quanh chủ đề này)”.
Ông nhận xét rằng ASEAN lại tiếp tục thói quen “mũ ni che tai” của mình và “Bắc Kinh đã buộc ASEAN vào đúng vị trí mà Trung Quốc muốn”.
Tiến sỹ Jusuf Wanandi từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề Quốc tế của Inđônêxia được trích lời nói nếu các quốc gia ASEAN không tìm ra được cách thức đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực này thì giảm căng thẳng trong tương lai. “Nếu ASEAN không sát cánh với nhau thì sẽ gẫy cánh từng nước một. Chủ đề Biển Đông cho thấy điều đó đang bắt đầu thành hiện thực”. Ông tiến sỹ được trích lời nói: “Đây là cơ hội bị ASEAN bỏ lỡ. Khối này cần đoàn kêt hơn trong ứng xử với Trung Quốc”.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), lúc đó được ca ngợi là bước đi quan trọng trong việc giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho đàm phán trong tương lai.
Tại hội nghị Hua Hin vào tháng 10/2009, trong hội đàm ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định lại cam kết của Việt Nam trong việc triển khai các thoả thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung DOC năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), vì lợi ích hoà bình và ổn định chung của khu vực. Tuy nhiên, các quan sát viên ngày càng tỏ ra hoài nghi rằng tiến trình này sẽ được bắt đầu, cho dù Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển quan hệ với các nước ASEAN trên phương diện khác.
Trong khi Trung Quốc một mặt vẫn tuyên bố ủng hộ DOC năm 2002, mặt khác nước này cũng chỉ ra sự hạn chế của ASEAN trong giải quyết các vấn đề phức tạp và nhạy cảm như Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Tiết Hãn Cần được trích lời nói: “Không nên thảo luận chủ đề tranh chấp lãnh hải nhạy cảm trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Các hôi nghị của ASEAN phải là cơ chế của hợp tác, chứ không phải là tranh luận”.

Việt Nam thua thiệt
Nỗ lực song phương hoá tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc của Trung Quốc chắc hẳn không thể làm các nước liên quan hài lòng.
Khu vực Biển Đông giàu tàì nguyên và có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng đang là địa bàn tranh chấp của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và một số nước ASEAN khác là Philippin, Malaixia, Brunây. Riêng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì hiện Trung Quốc đang hoàn toàn chiếm giữ.
Các quan chức quốc phòng trong khu vực cho hay cả Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đều đang tăng cường hoạt động hải quân tại Biển Đông, theo sau kế hoạch nâng cao năng lực hải quân đầy tham vọng của Trung Quốc. Việt Nam muốn theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Trung Quốc, ngoài việc phản đối Mỹ do thám ngoài khơi và cho đây là tiền đề để bình thường hoá quan hệ quân sự, cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động của Việt Nam.
Cuối tháng 11/2009, một hội nghị quốc tế về Biển Đông sẽ diễn ra tại Hà Nội, và Trung Quốc chắc không vui vẻ trước thông tin này. Tiến sỹ Ian Storey từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Xinhgapo, cho rằng, Trung Quốc sẽ còn tỏ lập trường cứng rắn hơn vì Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN đầu năm 2010. Theo ông Storey, Trung Quốc đang nỗ lực chống lại việc quốc tế hoá chủ đề Biển Đông vì “làm việc với từng nước một đặt Trung Quốc vào vị thế mạnh hơn. Mỹ cũng hay làm như vậy, đó là chính sách ngoại giao dựa vào quyền lực”.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Hoàng gia Ôxtraylia thì cảnh báo chính Hà Nội là bên thua thiệt lớn vì thái độ yếu thế của ASEAN trong chủ đề Biển Đông. “Tôi nghĩ là sẽ chẳng có Quy tắc ứng xử nào hết… Trung Quốc ngày càng tự tin và sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông. Tôi cho rằng tình hình sẽ còn căng thẳng lâu dài nữa”.

Đăng bởi
anhbasam on 11/11/2009
http://anhbasam.com/2009/11/11/357-thach-th%e1%bb%a9c-c%e1%bb%a7a-vn-khi-d%e1%ba%a3m-nhi%e1%bb%87m-ch%e1%bb%a9c-ch%e1%bb%a7-t%e1%bb%8bch-asean/



No comments: