Tuesday, November 10, 2009

SAU SỰ KIỆN IDS, LIỆU TRÍ THỨC ĐÃ "THỨC" CHƯA hay VẪN CÒN "MÊ"

Sau sự kiện IDS, liệu trí thức đã “thức” chưa, hay vẫn còn “mê”
Như Hà
Đăng ngày 10/11/2009 lúc 00:35:38 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4306
Một dạo dư luận xôn xao về cái vụ viện IDS quyết đinh tự giải thể để phản đối lại quyết định 97/QD-TTg của thủ tướng nhà nước VN đưa ra. Đến nay, cũng như bao vụ việc khác nó chỉ ồn ã lúc đầu, rồi mọi sự lại đâu vào đó, sự vụ lại êm ả lắng dịu theo thời gian rồi đi vào quên lãng! Nhưng người đời có biết một điều là:
Bao giờ cũng vậy, vụ việc nào rồi cũng kết thúc mà phần thua cuộc thuộc về phía con dân và phần thắng dĩ nhiên sẽ nghiêng về kẻ cai trị có quyền lực trong tay. Lần này cũng vậy, những phản ứng yếu ớt của giới sĩ phu và dư luận, cũng bị hạ do ván bởi sức mạnh của kẻ độc tài. Nay sự việc đã qua đi, bình tâm điểm lại người ta thấy nổi lên nhiều vấn đề mà bản chất của nó ẩn nấp đằng sau của sự kiện vừa xảy ra đáng để mọi người suy ngẫm.

Quyết định 97 lá chắn pháp lý của kẻ độc tài

Trước khi đi sâu vào phân tích vấn đề, ta hãy xét đến bản chất của chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN trước kia và hiện nay, là họ luôn thực hiện đường lối và chính sách độc tài chuyên chế, thâu tóm mọi quyền hành, quyền lực trong mọi lĩnh vực xã hội. Vì vậy tất cả mọi tổ chức xã hội họ luôn tìm cách nắm giữ vai trò lãnh đạo và chỉ đạo mọi đường hướng hoạt động của tổ chức đó. Nếu vì lý do này khác mà một tổ chức nào đó không thể thâu tóm được thì họ cũng cài người vào để dễ bề quản lý thao túng.
Ví dụ như tổ chức của người công giáo. Ngoài việc lập ra ban tôn giáo chính phủ để quản lý, nếu thấy vấn đề quản lý chưa thật chặt chẽ, họ sẽ cài đặc vụ của an ninh vào nội bộ để theo dõi nắm bắt tình hình, nhằm đề ra biện pháp và thủ đoạn để thao túng hoặc đối phó với những tình huống bất trắc xảy ra.
Trường hợp của viện nghiên cứu phát triển IDS cũng không là một ngoại lệ. Một nhà nước độc tài khó lòng mà chấp nhận một tổ chức hoạt động độc lập, không nằm trong sự quản lý nhà nước của những nhà trí thức hàng đầu VN được tồn tại. Sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xâm hại đến sự tồn vong của chế độ một khi cái tổ chức này chuyển hoá thành một tổ chức chính trị đối lập với đảng CSVN độc tài.
Khi được nghe ông viện trưởng Ts Nguyễn Quang A trả lời PV trên đài Chân Trời Mới, chúng ta mới thấy thực chất cái quyết định 97 được nặn ra là nhằm “ưu ái” dành riêng cho cái viện IDS của mấy ông bà trí thức “có sừng có mỏ” hàng đầu của Việt Nam. Vì theo như lời ông viện trưởng thì khi nó vừa ra đời đã nhận được sự không đồng tình hoan nghênh, cũng như các áp lực khác của các nhà cai trị nhằm giải thể viện IDS như kiểm tra, góp ý khuyên nhủ nên giải tán v.v.
Khi người ta đã có những biện pháp cả rắn lẫn mềm mà không thuyết phục được, thì việc kẻ cai trị cho ra đời một văn bản có tính chất pháp lý, một trong những ngón đòn của rất nhiều ngón đòn và thủ đoạn của kẻ độc tài thường hay sử dụng nhằm vô hiệu hoá đối tượng cần xử lý.
Cuối cùng nếu không đạt được sẽ áp dụng các biện pháp khác (không từ thủ đoạn nào) hòng nhổ cho bằng được cái gai gây khó chịu, là điều phải làm. Nhất là cái tổ chức nhạy cảm này của tầng lớp trí thức, thành phần mà trong quá khứ họ cho là kẻ thù giai cấp, thì càng cần phải cảnh giác, sớm đề phòng để triệt tiêu càng sớm càng tốt. Vì vậy cái quyết định 97 ra đời, là bước khởi đầu để đối phó là điều tất yếu.
Vì vậy chúng ta thấy một điều là thủ đoạn của kẻ cai trị rất tinh vi và xảo quyệt, hầu hết mọi người dân đều bị bịt mắt, mê muội với những thủ đoạn tinh vi đó. Ngay cả các nhà trí thức cũng bị thứ bùa mê đó mê hoặc làm cho lẫn lộn khó lòng nhận biết. Đây cũng là bản chất của họ, thủ đoạn đàn áp cai trị thì giỏi, nhưng quản lý điều hành thì cực kỳ kém.
Cái đầu của nhà trí thức vẫn thua thủ đoạn của kẻ cai trị. Bởi vậy, khi IDS tuyên bố giải thể nói là để phản đối cái QD 97, tuy bề ngoài thì các vị trong viện IDS và dư luận cho là sự phản kháng đối với quyết định đó nhưng những con cáo già chính trị lại đắc ý cười thầm trong bụng về sự ngây thơ đó. Quyết định tự giải thể viện IDS thì lại là mục tiêu mong muốn của kẻ cai trị, sự vô ý của quí vị có khác gì làm thoả mãn ý đồ của đối thủ! Chẳng thế mà kẻ cai trị lại mừng rơn với câu kết luận là “ Quyết định 97 rất phù hợp...” Thậm chí để chớp lấy cơ hội ngàn vàng đó (nếu không thì cac vị IDS nghĩ lại tái thành lập thì nguy to) nhà độc tài còn ra chỉ thị gấp cho cấp dưới là “khẩn trương xử lý” và không quên giở ngón đòn hù dọa “rung cây dọa khỉ” xử lý thích đáng để tung hoả mù dư luận. Thật là cao kiến! Thế mới biết cái đầu của các nhà trí thức chỉ biết làm những công việc chuyên môn thuần tuý, còn về mặt tiểu xảo và kinh nghiệm cao trị thì còn thua xa các nhà độc tài lắm mưu mô thủ đoạn.
Thử hỏi nếu làm một bài tính cân nhắc và các vị thấu rõ được gan ruột của kẻ độc tài, thì thà các vị cứ để cái viện IDS tồn tại với bao nhiêu lĩnh vực và đề tài hoạt động khác nhau, chỉ cần sự hiện diện của các nhà trí thức hàng đầu VN là đã thu hút được rất nhiều đối tượng và các thành phần xã hội tham gia các hoạt động của viện như nghiên cứu, hội thảo, tư vấn vv...tạo nên một sân chơi độc lập phi chính trị, không chịu sự chi phối quản lý của nhà nước đã là một thành công mỹ mãn lắm rồi. Như thế tôi e rằng kẻ độc tài vẫn còn phải “trăn trở” lập riêng một cục A.. cục B...chuyên trách nào đó, chẳng hạn như cục “An ninh trí thức” để quan tâm săn sóc các vị được chu đáo hơn. Chứ các vị vì quá bức xúc hay quá non nớt về chính trị đã vội giải tán IDS có khác gì kê cao gối cho kẻ độc tài ăn ngon ngủ yên hay sao? Xem ra thì trong cái vụ này người ta cần phải thẩm định lại chỉ số IQ để tôn vinh kẻ độc tài, bởi trước đó người ta cứ chê bai cái nhân thân xuất phát từ y tá của ông ta để có ý coi thường.

Não trạng “quân thần” của giới sĩ phu

Nhân cái vụ IDS này xảy ra, với những lời lên tiếng của một số nhân sĩ trí thức, cũng như tôi để ý theo dõi những bài viết trong nhiều lĩnh vực của tầng lớp sĩ phu trong thời gian qua, thấy nổi lên hai vấn đề hệ trọng:

Một là tư tưởng “quân thần” vẫn còn hằn quá sâu vào tâm khảm của họ, mặc dù họ là những nhà trí thức được tiếp cận với thế giới, với khoa học và các lĩnh vực khác một cách tốt nhất. Nhưng họ vẫn chưa thoát ra khỏi sự ràng buộc của quá khứ để lại. Họ vẫn coi những kẻ cai trị là vua, thưà nhận nhà nước độc tài là của một thế lực chí tôn nào đó, đã đươc phù phép thần thánh hoá mà họ phải phục vụ và tôn thờ.
Trong tiềm thức họ, tư tưởng “trung quân” đã lấn át cái tư tưởng “ái quốc”, họ luôn luôn đặt vị trí của “ông vua” đảng hay nhà nước lên trên vị trí của tổ quốc nhân dân. Vì vậy vẫn chỉ là những tiếng nói phản biện, phê bình nhằm làm sao cho cái “ông vua”này tỉnh ngộ để mà sửa sai, để mà tốt hơn nên. Chứ tuyệt nhiên không thấy có tiếng nói nào đó có tính cách mạng về tư tưởng nhằm thay đổi vị trí hay đòi phế truất “ông vua”. Chưa thấy bóng dáng tư tưởng đòi quyền dân chủ cho dân cho mình. Những tiếng nói phản biện còn quá ư dè dăt, hoặc nếu có cũng phải tìm cách né tránh luồn lách, sao cho hợp lý không thì sợ “nó oánh”.
Những bài viết phản biện về đề tài giáo dục, kinh tế v.v. vẫn còn quá nặng tư tưởng “quân thần” với nhiệt huyết hàng nghìn nhà khoa bảng mang tiếng là chuyên gia giáo dục hàng đầu VN, đã biên soạn chương trình giáo dục trong cái tư duy xã hội chủ nghĩa lỗi thời để rồi loanh quanh luẩn quẩn hàng chục năm trời, vẫn không tìm ra liệu pháp khả thi. Ngoài việc chi phí tốn kém hàng chục ngàn tỉ đồng (tương đương với hàng tỉ USD), người ta còn để lại di chứng giáo dục theo hình mẫu “chẳng giống ai”cho thế hệ sau. Không những ngăn cản mà còn làm chậm quá trình phát triển chỉ số trí tuệ giống nòi dân tộc, mà có lẽ hàng trăm năm sau chưa chắc đã khắc phục được hậu quả do chế độ hiện nay gây nên.
Càng phân tích càng thấy bế tắc, càng phản biện càng thấy nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thảm trạng ngày hôm nay là do chế độ độc tài gây nên. Toàn xã hội kế tiếp từ thế này đến thế hệ khác bị giai cấp thống trị nhồi nhét đầu độc tư tưởng chính trị một chiều. Bị ràng buộc khống chế, quản thúc bởi chính sách cai trị hà. Bất chấp tất cả cơ cấu, cấu trúc trật tự xã hội vốn có truyền thống hàng ngàn năm, bất chấp cả việc đi ngược qui luật của cuộc sống, miễn sao có lợi và mục đích duy nhất chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích có quyền chức, thì làm sao chắt lọc được tinh tuý, lựa chọn được những nhân tài hạt giống tốt cho nhân dân.
Tuy nhiên, khi xét đến yếu tố chủ quan, người ta cũng nhận thấy một phần lỗi không nhỏ do chính tầng lớp trí thức gây ra, hậu quả của cả một quá trình u mê, cam chịu thân phận nô bộc. Không phát huy được trí năng vào việc ích nước lợi nhà, mà đem chất xám phục vụ cho những kẻ đầu cơ thao túng nắm giữ quyền lực chính trị.
Trong vấn đề bauxít Tây Nguyên cũng vậy, chỉ là những kiến nghị với hàng ngàn chữ ký trình lên kẻ cai trị để nhằm cải thiện tình hình, mong kẻ cai trị hồi tâm chuyển ý vì tương lai con cháu mà nghĩ lại, chứ chưa thấy tiếng nói quyết liệt coi tài nguyên là tài sản chung mà không kẻ nào có quyền tự ý định đoạt. Để không phải chỉ là kiến nghị mà là bản tuyên bố đòi hỏi kẻ cai trị phải chấm dứt nay lập tức hành vi phản động đó.
Đó là chưa kể có rất nhiều vị trí thức có điều kiện quan hệ với giới chóp bu triều đình, đã hiểu thấu tâm can của những kẻ cai trị, vì quyền lợi phe nhóm đã bất chấp tiếng nói và nguyện vọng của toàn dân, vẫn cố tình cam tâm bán đứng tài nguyên và sự tồn vong quốc gia cho ngoại bang.

Vấn đề thứ hai, ngẫm lại cái sự kiện IDS và cái quyết định 97 vừa qua. người ta thấy bản chất của vấn đề nằm ở chỗ người ta cấm “không cho nói”. Có nghĩa là nói thì phải xin phép và được phép thì mới được nói. Nó cũng ngược đời nghịch lý như xã hội hiện nay, khi “ông chủ dân” lại phải làm đơn xin phép “ông đầy tớ” làm cái này cái nọ!
Ở vào cái tầng lớp hạ tiện dân đen thì thôi thế nào cũng được. Nhưng cái tầng lớp tinh hoa ưu tú cũng bị tước mất quyền tự do cơ bản và tối thiểu, người ta không khỏi xót xa và lương tâm day dứt, khi mà giữa thời đại văn minh xảy ra với tầng lớp tri thức, đại diện ưu tú nhất của một dân tộc bị cấm đoán cái quyền tự do của con người một cách tối thiểu.
Cấm đoán có nghĩa là nó đi liền với việc bị quản lý, bị phụ thuộc vào người khác! Có nghĩa là con người đã bị ai đó tước mất quyền tự do! Phải chăng đây là hệ luỵ của cả một quá trình nô bộc, bù nhìn bị sai khiến, bị tước mất quyền tự do tối thiểu của cả một dân tộc dưới bàn tay của kẻ cai trị đã thành bản chất ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Nhìn lại quá khứ người ta không khỏi rùng mình với não trạng nô bộc, mất hết tự do trong một xã hội tù túng cấm đoán đến nghẹt thở.
Thôi thì người ta cấm đủ kiểu, đủ thứ. Cấm đi cấm ở, rồi cấm nhìn, cấm từ lời ăn tiếng nói đã đành, cấm cả của cải vật chất tự tay làm ra cũng không được quyền sử dụng sở hữu. Con lợn nuôi trong chuồng cấm không được mổ thịt, đến nỗi mẹ già ốm sắp chết thèm miếng thịt, người con thương mẹ liều mạng mổ trộm để rồi thân tàn ma dại trong chốn lao tù, đến khi ốm chết trong tù mà vẫn nghĩ mình có tội. Thử hỏi một dân tộc mới cách đây gần 30 năm vẫn còn trong hoàn cảnh như vậy thì nay được tự do như bây giờ là đã được tự do quá rồi chăng?
Nhưng ngẫm lại, thời đại văn minh, mọi cái đều phát triển vượt bậc từ mạng thông tin điện tử, điện thọai di động v.v. cho tới các đồ dùng gia dụng sinh hoạt cá nhân đều phát triển gấp trăm nghìn lần. Cớ sao phải tư tưởng, quyền tự do con người lại bị kìm hãm? Vậy ai có quyền ngăn cản kìm hãm?
Cái thời thiên hạ là của con trời đã qua rồi, không ai có quyền ngăn cản điều đó. Ngay cả bậc làm cha làm mẹ cũng chỉ giới hạn cái quyền đó cho con cái khi nó đang ở tuổi vị thành niên, chứ khi nó lớn rồi nó phải có cái quyền tự do tối thiểu của một con người. Vậy mà cả một dân tộc, với hàng bao con người tự cho là có tri thức, hàng ngày tiếp xúc với nền văn minh hiện đại của thế giới mà phải cúi đầu cam chịu để bị tước mất cái quyền con người tối thiểu hàng bao năm trời một cách đơn giản như vậy sao?

Hãy cất lên tiếng nói của giới sĩ phu!

“Nếu mà tất cả mọi người đều làm việc gì đó tốt cho sự phát triển của đất nước thì rất quý”. Đó cũng là ước nguyện của ông Ts Nguyễn Quang A khi trả lời PV trên đài Chân Trời Mới. Giá như sự tỉnh ngộ của tầng lớp sĩ phu xảy ra cách đây vài chục năm, giá như tiếng nói của họ cất lên không phải xuất phát từ mục đích của họ bị xâm phạm, mà nó được cất lên ở mọi lúc mọi nơi... Nơi nào có phi lý bất công, nơi nào có áp bức bóc lột của mọi tầng lớp nhân dân... Từ những người dân oan, những người công nhân, nông dân, những bà con giáo dân, phật tử... cho tới những nhà đấu tranh dân chủ... Nếu như có tiếng nói của họ góp phần, thì sẽ là tiếng nói hết sức quan trọng. Tiếng nói đó là của những bậc lương đống, nguyên khí quốc gia, đại diện cho tinh hoa ưu tú nhất của dân tộc, sẽ có tác dụng rất lớn, sẽ là trung tâm là điểm tựa cho các thành phần xã hội khác noi theo, góp phần thúc đẩy cho công cuộc dân chủ hoá đất nước mau chóng thành công.
Cho dù có muộn. song tiếng nói của tầng lớp sĩ phu bao giờ cũng có giá trị. Tiếng nói của họ có chất lượng và trọng lượng, thức tỉnh mọi tầng lớp xã hội. Tiếng nói phản biện của Hoàng Tuỵ khả kính, của nhà kinh tế học Phạm Chi Lan, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh v.v. chắc chắn sẽ có sức nặng ngàn cân với kẻ độc tài và như làn gió mát thức tỉnh hàng triệu triệu người dân, cởi trói cho họ thoát khỏi những tư tưởng “quân thần” lỗi thời, để làm lên cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong tương lai.

Hà Nội, ngày 8/11/09
Như Hà
© Thông Luận 2009



No comments: