Sunday, November 8, 2009

ĐỒNG BÀO XÀO LĂN

Đồng bào xào lăn
Đáy
Đăng ngày 08/11/2009 lúc 01:47:20 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4294
Bạn tôi rất lo âu về tình trạng biến hóa rối loạn của tiếng Việt. Theo hắn càng ngày càng có sự xa cách giữa tiếng Việt nói và tiếng Việt viết, giữa ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ chính thực, tiếng Việt trong nước và tiếng Việt hải ngoại. Hắn cho tôi một vài thí dụ về các từ cần được hiểu rõ dùng đúng.

GDP là một từ mới của tiếng Việt, phát âm là gê đê pê, hoặc gi đi pi nếu muốn tỏ ra có trình độ. GDP là một con số thường được đưa ra khi nói về kinh tế. Đại bộ phận quan chức, kể cả các quan chức ngành kinh tế tài chính, không biết nó được tính như thế nào, chỉ biết là theo đảng và nhà nước nó vẫn không ngừng gia tăng, năm nay tăng 6%. Đặc điểm của GDP là nó cao cả và thiêng liêng, cho nên sự gia tăng của nó biện minh cho tất cả. GDP tăng có nghĩa là mọi việc chính quyền làm đều tốt, dù là bịt miệng đối lập, bắt người trái phép, xử án thô bạo, dùng bọn đầu gấu đánh đập những người dân chủ, bóc lột công nhân dã man, tham nhũng, phá hoại môi trường, làm mất đất, mất biển v.v.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng của chế độ Cộng Hòa Xã Hôi Chủ Nghĩa Việt Nam, là điều phải kiên định dù trong gần hai mươi năm qua không còn một cuốn sách mới nào nói về nó nữa và các sách cũ đã biến mất. Không còn ai biết chủ nghĩa Mác-Lênin là gì nhưng chỉ nên kiên định chứ không nên hỏi các cấp lãnh đạo, rất có thể bị coi là một dấu hiệu chống đối. Nhất là không nên nói tới chủ nghĩa Mác-Lênin, dù là để chê hay khen. Nếu chê thì bị coi là phản động, chống nhà nước và bị trù dập, có thể bị đi tù; nếu khen thì bị coi là nói xỏ xiên, nói đểu, cũng bị trù dập và càng dễ vào tù.

Tư tưởng Hồ Chí Minh gần giống như chủ nghĩa Mác-Lênin. Có hàng tấn sách và bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng không có một tài liệu nào định nghĩa nó là gì và gồm những gì; chỉ có những sách và bài viết chung quanh tư tưởng Hồ Chí Minh, thí dụ như "Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục" (học tập tốt, giữ vệ sinh thật tốt). Tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều khi được coi là đồng nghĩa với đạo đức Hồ Chí Minh; ông Hồ Chí Minh từng được mô tả trong hai cuốn sách của hai tác giả Trần Dân Tiên và T.Lan như là một con người giản dị, khiêm tốn không thích nói về mình. Cũng giống như chủ nghĩa Mác-Lênin, không ai cần biết tư tưởng Hồ Chí Minh là gì mà chỉ cần kiên định. Đó cũng là điều không nên nói tới vì lý do an ninh, dù để khen hay chê.

Dân là người làm chủ tập thể đất nước có bổn phận phải phục tùng tuyệt đối chính quyền, người đầy tớ chung thành của nhân dân. Quan hệ giữa chính quyền và dân thường được so sánh với quan hệ giữa cha và con hay giữa chủ và chó. Người dân không được chỉ trích chính quyền vì con không chê nhà khó, chó không chê chủ nghèo. Chủ có thể ăn thịt chó nhưng chó không được quyền than trách. Than phiền rằng ra nước ngoài thấy xấu hổ vì nước ta thua kém, dân ta không có tự do như tên Ngô Quang Kiệt nào đó hay đòi phản biện như bọn IDS là sai, là xấu, là không biết hoặc, nghiêm trọng hơn, không chịu làm chó và xứng đáng bị trừng trị. Cần lưu ý là tuy phải phục tùng chính quyền và phải nói leo theo chính quyền nhưng dân không được quyền nói một số điều mà chính quyền thường nói như tham nhũng là hút máu nhân dân, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam v.v. Nói những điều này có thể bị coi là tuyên truyền chống nhà nước và bị phạt tù chiếu theo điều 88 bộ luật hình sự.

Đồng bào là tính từ khi nói về một loài heo (hay lợn) đen và nhỏ, lưng cong, bụng lớn, ít mỡ, thịt nạc và ngon, thường được dùng làm món nhậu, trước đây do đồng bào thuộc các sắc tộc thiểu số ở miền núi nuôi và được gọi là heo núi hoặc heo mọi, ngày nay được gọi là "heo đồng bào dân tộc ít người", gọi tắt là "heo đồng bào". Món nhậu được ưa chuộng nhất nhất của heo đồng bào là xào lăn, được gọi là heo đồng bào xào lăn, hay đồng bào xào lăn.

Nông dân có nghĩa là người nông cạn, ít học, ít hiểu biết, thí dụ "văn hóa nông dân" có nghĩa là văn hóa thấp và nghèo. (Trước đây "nông dân" còn có nghĩa là người làm nghề trồng trọt và chăn nuôi). Về nguồn gốc của từ nông dân có nhiều lập luận khác nhau. Theo một số học giả "nông" có nghĩa là nông cạn, dân là người không có địa vị gì đặc biệt cho nên một cách tự nhiên "nông dân" có nghĩa người nông cạn hẹp hòi. Một số nhà nghiên cứu không nhất trí với giải thích này, theo họ từ "nông dân" với nghĩa mới này xuất phát từ tên ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thư đảng cộng sản và nhân vật có quyền lực cao nhất nước. "Nông dân" có nghĩa là "dân của Nông Đức Mạnh" và vì thế có nghĩa là ngu si đần độn, bản thân ông Nông Đức Mạnh được coi là tài đã nông đức lại không mạnh.

Đảng viên là người gia nhập một chính đảng. Bình thường "đảng viên" được dùng kèm theo tên của một chính đảng, thí dụ đảng viên đảng Dân Chủ Mỹ, đảng viên đảng Xã Hội Pháp v.v. Từ "đảng viên" khi dùng không kèm theo tên một chính đảng nào có nghĩa là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, thí dụ "anh ấy tuy là đảng viên nhưng là người tốt".


Đáy
© Thông Luận 2009



No comments: